Tin mới

Đại đoàn kết để chiến thắng đại dịch

(Mặt trận) -Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, cả nước đã hỗ trợ về kinh phí và hiện vật trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng, chi viện hàng trăm nghìn cán bộ cho các tỉnh, thành phố có dịch. Càng trong lúc khó khăn, thách thức, tinh thần đại đoàn kết càng được phát huy mạnh mẽ; qua khó khăn, thách thức, khối đại đoàn kết toàn dân và niềm tin của người dân lại càng được củng cố.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Với sự nỗ lực, đoàn kết và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã hết sức cố gắng triển khai nhiều chủ trương, biện pháp vưới tinh thần trách nhiệm rất cao, rất quyết liệt, chỉ đạo kịp thời cùng với sự hưởng ứng cao của người dân, sự vào cuộc của các cấp, các ngành nên đã từng bước khống chế được dịch bệnh ở tâm dịch là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính động viên người dân TP Hồ Chí Minh trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tất cả vì miền Nam ruột thịt

Theo các số liệu mới nhất, chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua, cả nước đã huy động, điều động một lực lượng lớn nhân lực của y tế, quân đội, công an với gần 300.000 lượt cán bộ của Trung ương và 34 địa phương hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương khác chống dịch dịch.

Cụ thể hơn, ngành y tế đã huy động gần 20 nghìn cán bộ, lực lượng quân đội huy động hơn 133 nghìn cán bộ, lực lượng công an huy động hơn 126 nghìn cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ, tham gia phòng chống dịch tại các địa phương. Lực lượng y tế trung ương và 12 tỉnh, thành phố hỗ trợ Hà Nội xét nghiệm, tiêm chủng, lực lượng quân y hỗ trợ và triển khai 531 trạm y tế lưu động tại TP Hồ Chí Minh… Các lực lượng hỗ trợ đã cùng lực lượng tại chỗ phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch.

Về kinh phí, Bộ Tài chính cho biết, tổng kinh phí ngân sách Trung ương dành cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 khoảng 54,1 nghìn tỷ đồng, gồm dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 dự toán là 17,5 nghìn tỷ đồng; nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương năm 2021 là 14,62 nghìn tỷ đồng; nguồn ngân sách Trung ương năm 2020 chuyển sang là 13,33 nghìn tỷ đồng.

Cũng trong năm 2021, đến nay, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp bổ sung cho Bộ Y tế 17.213,683 tỷ đồng để thực hiện công tác phòng, chống dịch. Trong đó, kinh phí mua và sử dụng vaccine là 11.540,3 tỷ đồng (trong đó từ nguồn Quỹ Vaccine là 5.202,8 tỷ đồng). Quỹ Vaccine phòng COVID-19 đã huy động đến ngày 27/9/2021 được 8,69 nghìn tỷ đồng từ các tổ chức và cá nhân.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 04 Quyết định xuất cấp tổng cộng hơn 136.000 tấn gạo hỗ trợ cho hơn 2,4 triệu hộ với hơn 9 triệu nhân khẩu ở 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị thiếu đói do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Các địa phương đã nhận đủ số lượng gạo hỗ trợ cho người dân.

 Ngành y tế đã huy động gần 20 nghìn cán bộ chi viện các địa phương phòng chống dịch - Ảnh: VGP

Chúng ta đã chú trọng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vận động các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân gặp khó khăn do đại dịch. Theo số liệu thống kê từ Tiểu ban Vận động và huy động xã hội của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, tính từ ngày 1/5/2021 đến 1/10, số tiền và hiện vật ủng hộ qua hệ thống MTTQ Việt nam từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức thành viên và Quỹ vaccine lên tới hơn 19.310 tỷ đồng. Đã thực hiện phân bổ, hỗ trợ các tỉnh, thành phố khoảng 13.106 tỷ đồng.

Các nước, tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, kiều bào đã có đóng góp lớn bằng tiền và hiện vật (máy thở, trang thiết bị, sinh phẩm, thuốc, gói an sinh xã hội…) với tổng giá trị ước tính hàng chục nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch. Trong đó, có 1.772 máy thở chức năng cao, 3.700 máy thở sản xuất trong nước, hơn 30 triệu sinh phẩm kháng nguyên nhanh, gần 200 triệu bơm kim tiêm, 15 triệu viên thuốc, 146 ô tô xét nghiệm, tiêm chủng lưu động…

Đã xuất hiện nhiều mô hình các tổ, nhóm, tổ chức thiện nguyện, tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân tại các địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, xuất hiện nhiều tấm gương tương thân, tương ái thể hiện truyền thống nhân văn tốt đẹp của dân tộc ta.

Tất cả sẵn sàng lên đường và không ai rời trận tuyến

Tham gia chuyến công tác tại TP Hồ Chí Minh ở thời điểm bùng phát dịch đầu tháng 8 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chia sẻ, ông đã tận mắt chứng kiến những chiến sĩ quân đội, công an, các nhà báo, các đội tình nguyện viên, thiện nguyện làm việc quên mình vì nhiệm vụ, đặc biệt là các y, bác sĩ, cán bộ y tế khoác trên mình bộ quần áo bảo hộ kín mít, trong thời tiết nắng nóng.

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến thăm khu phong tỏa trên tuyến đường KP01-10, khu phố 1, thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh.

“Những đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, những bữa cơm hộp, cơm phần ăn vội ngay ở phòng trực trong bệnh viện dã chiến; những làn da khô sạm do mất nước, có người đã bước đi loạng choạng do làm việc quá sức... Nhưng tất cả đều không rời trận tuyến bởi một điều giản dị: các anh, các chị là lương y, niềm tin cậy của người bệnh; sự níu kéo cuối cùng của ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết”, ông nói.

“Phía sau nhiều đồng chí là cha mẹ già yếu, vợ, chồng, con và những người thân trong gia đình đang phải cách ly, giãn cách xã hội với không ít khó khăn trong đời sống. Nhưng tất cả đều sẵn sàng lên đường, không chỉ là chấp hành quyết định của cấp trên mà còn là mệnh lệnh của trái tim, lương tâm của người thầy thuốc”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, hơn 2 tháng qua, lực lượng chi viện của Trung ương và các tỉnh, thành đến TP Hồ Chí Minh trong một đợt công tác đầy hy sinh, vất vả mà không chút do dự. “Anh, chị, em đã phải xa con thơ, cha mẹ già yếu, thậm chí không thể về nhà khi phải vĩnh biệt người thân. Không kể ngày nắng hay ngày mưa, các anh, chị, em mặc kín bộ đồ bảo hộ, luôn bên cạnh bệnh nhân, nhiều lúc ăn không kịp no, ngủ không tròn giấc. Những hình ảnh, nghĩa cử cao cả thể hiện sâu sắc y đức, thấm đậm tình thương, trách nhiệm đó luôn in đậm và sẽ còn lưu giữ mãi trong lòng người dân Thành phố”, đồng chí Phan Văn Mãi xúc động.

Tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh bước đầu được kiểm soát, thành phố từng bước mở lại các hoạt động để ổn định xã hội, khôi phục và phát triển kinh tế. “Thành phố đang lấy lại sức sống và nhịp đập trái tim của một cơ thể đang hồi sinh. Thành quả đó có được là nhờ sự chỉ đạo của Trung ương, của Thành phố, của ý thức và sự kiên trì của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là sự đóng góp to lớn của lực lượng chi viện từ mọi miền đất nước”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Thay mặt lãnh đạo Thành phố, đồng chí Phan Văn Mãi trân trọng bày tỏ lòng trân quý, sự cảm kích và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến hơn 12.000 y bác sĩ, nhân viên y tế và hơn 14.000 cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang, các tình nguyện viên… đã không ngại hiểm nguy và gian khó, kề vai sát cánh cùng Thành phố trong thời gian 2 tháng qua.

Người đứng đầu chính quyền TP Hồ Chí Minh cũng nhận định, thời gian tới, dịch bệnh có thể sẽ còn những diễn biến phức tạp, khó lường, những khó khăn và thách thức chưa phải đã hết. Nhưng khi có sự chung sức, chung lòng và sự đoàn kết toàn dân tộc, Thành phố tin rằng sẽ vượt khó khăn, chiến thắng đại dịch và sớm trở lại cuộc sống bình thường mới, với nỗ lực và quyết tâm tiếp tục xây dựng thành phố tươi đẹp, văn minh, nghĩa tình, xứng tầm với vị thế của mình.

Theo Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh, đến nay, tổng số tiền ủng hộ công tác phòng, chống dịch mà Thành phố tiếp nhận là hơn 1.036 tỷ đồng (từ các tỉnh, thành và Ủy ban MTTQ Việt Nam gần 230 tỷ đồng); tiếp nhận ủng hộ hàng hóa tổng giá trị gần 365 tỷ đồng; tiếp nhận ủng hộ kinh phí mua vaccine hơn 312 tỷ đồng.

Ngoài ra, Thành phố cũng đã tiếp nhận sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch của hàng trăm doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trị giá hơn 2.612 tỷ đồng.

Các lực lượng lấy mẫu xét nghiệm cho người dân TP Hồ Chí Minh

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh, cho biết những sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời về vật chất và nhất là về nguồn nhân lực từ Trung ương, các địa phương và rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức thời gian qua là nguồn động viên về mặt tinh thần lớn lao đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố, góp sức cùng Thành phố chống dịch. “Chúng tôi vô cùng xúc động và trân quý tình cảm của cả nước hướng về TP Hồ Chí Minh”, bà Châu chia sẻ.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Long An Trương Văn Nọ cho biết, thời gian qua, Long An đã nhận được số tiền hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, hỗ trợ thông qua Ủy ban MTTQ tỉnh 70 tỷ đồng; cấp huyện 117 tỷ đồng; cấp xã 142 tỷ đồng; hỗ trợ lương thực trị giá 50 tỷ đồng; hiện vật khác khoảng 13 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 227.991 người nghèo, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ.

Theo ông Trương Văn Nọ, sự hỗ trợ kịp thời của Trung ương và các địa phương đã tạo điều kiện để tỉnh làm tốt hơn công tác an sinh xã hội, qua đó trong giai đoạn diễn biến dịch bệnh COVID-19 phức tạp, người dân, nhất là những lao động nghèo tại các khu công nghiệp giảm bớt khó khăn, yên tâm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.

Không để ai thiếu ăn, thiếu mặc

Một trong những chỉ đạo quan trọng nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch thời gian qua là “không để ai thiếu ăn, thiếu mặc”, giúp người dân yên tâm, tin tưởng “ai ở đâu ở yên đấy”, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội.

Tổng hợp của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, tổng kinh phí thực hiện các chính sách an sinh xã hội theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, Quyết định 23 của Thủ tướng trên toàn quốc là gần 15,8 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho trên 19 triệu lượt đối tượng (trong đó gồm 379.610 lượt đơn vị sử dụng lao động, gần 18,68 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác).

Tại 25 tỉnh, thành phố phía Nam (Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Bình Thuận), tổng các chính sách hỗ trợ đạt hơn 11,77 nghìn tỷ đồng (chiếm 75,1% toàn quốc) hỗ trợ hơn 11,86 triệu đối tượng (chiếm 62,4% toàn quốc). Riêng TP Hồ Chí Minh đã chi hơn 5.992 tỷ đồng hỗ trợ gần 5,6 triệu đối tượng. Một số địa phương có tổng kinh phí hỗ trợ cao là Hà Nội (1.473 tỷ đồng), Bình Dương (1.436 tỷ đồng), Bà Rịa – Vũng Tàu (793,7 tỷ đồng), Đồng Nai (780,2 tỷ đồng), Bắc Giang (463 tỷ đồng), Bắc Ninh (224,5 tỷ đồng).

Trong đó, gần 6,05 triệu người lao động tự do và các đối tượng đặc thù tại 50/63 tỉnh, thành phố đã được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 8,76 nghìn tỷ đồng từ các nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vận động của Ủy ban MTTQ Việt Nam, các công ty xổ số kiến thiết… TP Hồ Chí Minh đang triển khai gói hỗ trợ đợt 3 cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, ngân sách nhà nước đã chi gần 4,25 nghìn tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ bằng tiền cho hơn 5,01 triệu đối tượng tại 62/63 tỉnh, thành phố.

Về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, tuy mới có hiệu lực từ 1/10 nhưng tính đến hết ngày 03/10/2021, có 4.573 người lao động đã được duyệt đủ thông tin để hỗ trợ với kinh phí hơn 13,1 tỷ đồng; 327.113 đơn vị sử dụng lao động (với gần 9,4 triệu người lao động) được hỗ trợ giảm đóng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với tổng kinh phí tạm tính hơn 7,45 nghìn tỷ đồng.

Các lực lượng chức năng vận chuyển hàng hóa tới người dân tại TP Hồ Chí Minh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội

Thời gian qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức các đoàn đi thực địa lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các hộ dân và kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19, công tác đảm bảo an sinh xã hội và việc triển khai thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23 tại các tỉnh phía nam.

Đối với những đề xuất, kiến nghị của các địa phương, đoàn công tác đã ghi nhận và báo cáo với Chính phủ để có phương án hỗ trợ địa phương kịp thời. Những khó khăn, vướng mắc của các địa phương đã được Bộ tiếp thu và đưa vào Tờ trình đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách.

Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc hỗ trợ các địa phương triển khai công tác đảm bảo an sinh xã hội, phương châm hỗ trợ, đôn đốc địa phương của Bộ là “xuống trực tiếp cơ sở, đến từng nhà người dân”, nắm bắt tình hình, kịp thời lắng nghe những khó khăn cần tháo gỡ để người dân tiếp cận được chính sách an sinh một cách sớm nhất, nhanh nhất.

Bộ đánh giá, hầu hết các địa phương đều coi trọng công tác đảm bảo an sinh xã hội, coi đây là nhiệm vụ then chốt để đảm bảo tổ chức triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID - 19, do đó việc triển khai thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 có nhiều thuận lợi. Một số tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, mở rộng đối tượng hỗ trợ đi đôi với việc chuẩn bị nguồn ngân sách và chú trọng vận động xã hội hóa các nguồn lực thông qua MTTQ các cấp. Số đối tượng được nhận hỗ trợ ngày càng được phủ rộng hơn.

Bộ đề nghị các địa phương chủ động phối hợp với MTTQ, các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức từ thiện để nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ đặc thù, phù hợp với điều kiện của địa phương, từ đó có thêm nguồn hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn và công nhân lao động nhằm đảm bảo cho người dân duy trì cuộc sống.

Bộ đã giao các đơn vị chú trọng theo dõi tình hình đời sống công nhân, người lao động mất việc làm tại các địa phương; khảo sát đánh giá nhu cầu việc làm, tuyển dụng lao động của doanh nghiệp. Từ đó, kịp thời ban hành chính sách phù hợp khi các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.

Nhìn lại gần 2 năm phòng chống dịch, so với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam là nước dân số đông, mật độ dân số cao, nguồn lực phòng chống dịch hạn chế, thiếu vaccine, hệ thống y tế nhiều yếu kém, nhất là y tế cơ sở, hầu hết các trang thiết bị, vật tư y tế phải nhập khẩu. Trong khi đó, biến chủng Delta chiếm 100% số ca mắc tại TP Hồ Chí Minh và chủ yếu tại Bắc Giang, Bắc Ninh...  – đây là biến chủng rất nguy hiểm so với các biến chủng trước và đã làm đảo ngược các thành quả phòng chống dịch trên thế giới.

Trong bối cảnh và điều kiện đó, những kết quả đạt được trong phòng chống dịch thời gian qua là rất đáng trân trọng, góp phần tạo động lực, niềm tin, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất của mọi tầng lớp trong xã hội, tạo điều kiện cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Những con số kể trên là chưa đầy đủ và còn nhiều nữa sự đóng góp, hỗ trợ cho đồng bào gặp khó khăn bởi đại dịch chúng tôi chưa thể liệt kê đầy đủ trong bài viết này. Nhưng những đóng góp thiết thực, hiệu quả của đồng bào, chiến sĩ, kiều bào ta ở nước ngoài, của cộng đồng doanh nghiệp, của các nhà đầu tư nước ngoài, bạn bè quốc tế... đã làm lên sức mạnh Việt Nam, giúp chúng ta kiểm soát và chiến thắng đại dịch, càng làm tăng thêm sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc đã được nhân lên nhiều trong lúc gian khó. Đó là tinh thần Việt Nam, sức mạnh Việt Nam.

Theo Chinhphu.vn

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản