Tin mới

Đánh thuế 45% tài sản “bất minh”: Khoác áo “hợp pháp” cho tài sản tham nhũng?

Dự luận chưa hết bức xúc xung quanh việc biệt phủ xây dựng không phép của Ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái, nhất là chứng minh nguồn gốc tài sản. Việc đánh thuế 45% đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực của cán bộ công chức liệu có phải sẽ khoác cho tài sản tham nhũng một cái dấu “hợp pháp”?

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Chủ tịch Quốc hội Cuba

TS. Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với “Góc nhìn chuyên gia” của Dân Việt xung quanh quy định truy thu 45% tài sản, thu nhập kê khai không trung thực của cán bộ công chức vừa được bổ sung tại dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi).

Chính phủ vừa đề xuất đưa quy định truy thu thuế thu nhập cá nhân ở mức 45% đối với tài sản, thu nhập không rõ nguồn gốc, kê khai không trung thực vào dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi. Dư luận đang rất băn khoăn về căn cứ để đưa ra đề xuất nói trên. Ông có thể chia sẻ quan điểm cá nhân về điều này?

- Có thể thấy, một trong những hạn chế lớn nhất của Luật phòng chống tham nhũng hiện nay chính là chúng ta chưa có công cụ đủ mạnh để kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức. Thời gian qua, dư luận xôn xao về những khối tài sản lớn của quan chức và nghi ngờ nó có nguồn gốc từ tham nhũng. Tuy nhiên, để chứng minh nguồn gốc khối tài sản này là không dễ dàng, bởi các quy định hiện hành chưa tạo khả năng kiểm soát tốt hành vi không trung thực trong kê khai tài sản của cán bộ công chức.

 TS. Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội (Ảnh: LU)

Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư cuối năm 2017 vừa qua, thì việc thu hồi tài sản tham nhũng vô cùng khó khăn, do đối tượng tham nhũng đã chi tiêu, tẩu tán tài sản, biến hóa tài sản tham nhũng thành các tài sản thuộc sở hữu của người thân, quen.

Trong khi đó, pháp luật chưa có cơ chế thu hồi khả thi, nói cách khác là còn “vướng ngang, vướng dọc”. Không tính đến khối tài sản chưa được phát hiện, thì đối với tài sản đã phát hiện cũng mới thu được một phần.

Hiện con đường duy nhất để thu hồi tài sản tham nhũng là thông qua bản án hình sự, sau khi đã chứng minh được hành vi tham nhũng và tài sản của người bị kết án được xác định là có nguồn gốc từ hành vi đó. Trong rất nhiều vụ việc cán bộ công chức bị tố có “tài sản khủng” thì việc chứng minh qua hình thức này gần như không khả thi. Đó là nguyên nhân khiến việc thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian qua gần như không đáng kể.

Có thể xuất phát từ quan điểm “phải có quy định nào đó để thu hồi được càng nhiều càng tốt” nên đề xuất đánh thuế 45% đối với tài sản chưa rõ nguồn gốc, hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý đã được đưa ra trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi lần này.

Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại rằng, với quy định này, việc chống tham nhũng sẽ “nửa vời” khi Luật đã mặc nhiên thừa nhận “tài sản kê khai không trung thực” -  tài sản bất minh là hợp pháp, chỉ bị truy thu thuế?

- Tôi cho rằng việc kê khai không đầy đủ, không trung thực không có nghĩa tài sản đó là bất hợp pháp. Việc thu thuế không có nghĩa là “đóng dấu” hay hợp pháp hóa tài sản đã che dấu.

Nếu việc đánh thuế chính là hợp thức hóa cho hành vi vi phạm hay tham nhũng, cho dù mức thuế gấp đôi như đề xuất thì kẻ vi phạm hoặc tham nhũng vẫn có lợi.

Vì vậy, ở tình huống này là phải tịch thu và xử lý đương sự theo pháp luật. Những ai tiếp tay cho hành vi hợp thức hóa thu nhập, tài sản ấy (như đứng tên hộ, ký giả hợp đồng vay mượn...) đều bị coi là đồng phạm.

Xét về bản chất, việc kê khai không trung thực có thể có hai khả năng: Khả năng thứ nhất, là người kê khai muốn che dấu thu nhập, tài sản để không làm gia tăng trong hồ sơ của mình, nhằm né tránh sự soi xét khi có cơ hội thăng tiến; hoặc cũng có thể thu nhập, tài sản ấy chưa hoàn tất thủ tục pháp lý, hay chưa đóng thuế. Khả năng thứ hai là che dấu thu nhập, tài sản ấy vì tham nhũng hoặc do vi phạm pháp luật mà chưa bị phát hiện.

Rõ ràng, nếu có đủ căn cứ xác định bản chất của việc kê khai như trên, với khả năng thứ nhất thì việc truy thu thuế (chứ không nên đánh thuế như đề xuất 45%) là hoàn toàn đúng và có thể xử lý kỷ luật hành chính vì hành vi thiếu trung thực.

Khả năng thứ hai, việc đánh thuế chính là hợp thức hóa cho hành vi vi phạm hay tham nhũng, cho dù mức thuế gấp đôi như đề xuất thì kẻ vi phạm hoặc tham nhũng vẫn có lợi.

Vì vậy, ở tình huống này là phải tịch thu và xử lý đương sự theo pháp luật. Những ai tiếp tay cho hành vi hợp thức hóa thu nhập, tài sản ấy (như đứng tên hộ, ký giả hợp đồng vay mượn...) đều bị coi là đồng phạm.

Như vậy quy định truy thu thuế 45% với tài sản, thu nhập bất minh là chưa thấu tình đạt lý, không thực sự hữu hiệu trong việc ngăn chặn sự gian dối trong kê khai tài sản cán bộ, công chức, thưa ông?

- Việc đánh thuế có thể được coi là một biện pháp khả thi và cũng có thể coi đây là một sắc thuế “đặc biệt”. Chúng ta hãy cứ tạm coi đó là khoản thu nhập người ta giấu mà về nguyên tắc là phải kê khai thu nhập, nộp thuế nay phát hiện ra thì phải truy thu.

 

Biệt phủ xây dựng không phép của Ông Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái (Ảnh: N.Minh)

Tuy nhiên, tôi cũng băn khoăn về mức thuế suất 45% đánh trên tài sản, bởi chưa biết họ dựa trên cơ sở nào để đưa ra mức thuế đó. Nếu là thuế suất thì phải có mặt bằng chung, theo luật thuế. Nếu là thuế suất đặc biệt thì phải chỉ rõ cơ sở nào, văn bản nào điều chỉnh. Còn nếu xử phạt thì phải có căn cứ pháp lý rõ ràng.

Bên cạnh đó cũng cần đặt ra vấn đề: liệu có sự đồng nhất giữa tài sản có được hợp pháp với tài sản tham nhũng hoặc tài sản có được do tham nhũng hay không? Phải chăng tài sản không kê khai, chưa kê khai, không giải trình được đều bị coi là thu nhập bất hợp pháp? Cơ quan nào xác định yếu tố pháp lý của tài sản, do tòa án hay cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng? Và phương pháp nào để xác định đúng bản chất?  

- Liệu có thể tịch thu tài sản không giải trình được để nộp vào ngân sách hay không? Ai, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm đi kiện đòi tài sản tham nhũng cho Nhà nước và sử dụng cơ chế nào để xử lý tài sản, thu hồi tài sản? Còn đánh thuế tài sản và mức thuế đó đã phù hợp với bối cảnh phòng chống tham nhũng hay chưa, đều là những vấn đề cần một sự giải thích toàn diện, khoa học và thuyết phục.

Như ông nói, lỗ hổng lớn nhất của Luật Phòng chống tham nhũng hiện nay vẫn là chưa có được công cụ đủ mạnh để kiểm soát tài sản của cán bộ công chức, nhất là thu hồi được tài sản của những người tham nhũng. Dưới góc độ của một người làm Luật, ông thấy cần phải bổ sung quy định nào để khắc phục được hạn chế này?

- Đương nhiên chúng ta không nên quá kỳ vọng Luật Phòng chống tham nhũng sẽ giải quyết được mọi thứ, vì đây chỉ là luật khung. Bên cạnh đó còn nhiều luật rất quan trọng khác như luật thuế, đề án không sử dụng tiền mặt, các đạo luật liên quan đến cơ chế phát hiện và xử lý như thanh tra, kiểm toán, điều tra, rồi các cơ chế phát huy vai trò giám sát của người dân, cơ quan báo chí và xã hội... Do đó, việc đánh thuế 45% đối với tài sản, thu nhập không kê khai hoặc giải trình không hợp lý cũng chỉ là một biện pháp phòng ngừa, răn đe mà thôi, còn cái gốc của nó là chúng ta phải quản lý được nguồn thu nhập.

Tôi cho rằng, căn bản nhất phải có quy định rõ hơn về kê khai tài sản. Năm ngoái, Bộ Chính trị đã ban hành quy định kiểm tra giám sát việc kê khai tài sản đối với khoảng 1.000 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đây là một quy định rất quan trọng, đảm bảo tính công khai minh bạch, là cơ sở để cho dân có thể giám sát được tài sản quan chức.

Mặt khác, không thể không nói đến vai trò của truyền thông và mạng xã hội. Những vụ việc kê khai thu nhập, tài sản bị phát hiện trong thời gian qua chủ yếu được thực hiện ở kênh thông tin này.

Thực tế, để kiểm tra thì một phần dựa trên kê khai của đối tượng chịu sự kiểm tra, nhưng quan trọng hơn là phải dựa vào nhân dân, báo chí để làm rõ.

Có những khối tài sản chuyển dịch sang con cái, bố mẹ, anh em mà không làm rõ nguồn gốc thì làm sao mà xử lý được. Bố làm quan chức, con mới đi học nước ngoài về thời gian ngắn đã sở hữu biệt thự tiền tỉ, xe sang... thì những tài sản ấy ở đâu ra?

- Nếu không có các biện pháp buộc giải trình nguồn gốc tài sản và xử lý tài sản không giải trình rõ được nguồn gốc thì đúng là còn băn khoăn về hiệu quả của việc giám sát, kiểm soát tài sản.

Chính vì vậy, chúng ta vừa trông đợi Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật vừa trông đợi vào tính hiệu quả của các biện pháp mạnh của Đảng.

Tôi ủng hộ việc Đảng ta áp dụng các biện pháp đặc biệt, mạnh tay trừng trị nghiêm khắc quan tham. Trước hết, cần tập trung làm rõ một số vụ việc, một số nhân vật mà dư luận, nhân dân đặt nghi vấn.

Xin cảm ơn ông!

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản