Tin mới

Đất nước nguy khó và sự đồng lòng chống dịch

(Mặt trận) - Trong gần 2 năm triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã 2 lần ra Lời kêu gọi đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả để đảm bảo chiến thắng đại dịch. 

Thường trực Ban Bí thư làm việc với các cơ quan của Đảng, MTTQ về Nghị quyết số 18-NQ/TW

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Gần 2 năm kể từ khi Việt Nam ghi nhận ca mắc đầu tiên (ngày 23/1/2020), ở không ít thời điểm công tác chống dịch thực sự cam go, nguy khó. Nhưng càng khó khăn, tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng, quân dân gắn kết, tương thân tương ái, đùm bọc, sẻ chia càng lan tỏa.

Nhiều tỉnh thành dập dịch thành công, bước ra khỏi tâm dịch cũng nhờ sự chi viện hỗ trợ của các lực lượng từ trung ương, tỉnh thành bạn cũng như các tổ chức thiện nguyện vì cộng đồng.

Ngay trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư, trong những thời khắc gian khó nhất, mọi nguồn nhân lực, vật lực tiếp tục hướng về đồng bào miền Nam ruột thịt.

Toàn dân tộc muôn người như một

Ngày 30/3/2020, sau hơn 2 tháng Việt Nam ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên ở trong nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài.

Trong Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có đoạn: “Nhân dân ta có truyền thống yêu nước, nhân nghĩa. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, truyền thống đó lại càng được nhân lên gấp bội. Thời gian qua, toàn dân ta đã đồng lòng, cùng chung sức với Đảng, Nhà nước ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh bước đầu có hiệu quả. Thời gian tới đây, chúng ta có thể sẽ còn phải đối mặt với khó khăn lớn hơn gấp nhiều lần, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa, kiên quyết hơn nữa”.

Tại thời điểm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi, cuộc chiến phòng, chống dịch ở vào thời điểm vô cùng quan trọng, như trong Lời kêu gọi nhấn mạnh: “Một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của các tổ chức, cá nhân, cũng như cuộc sống hằng ngày của đồng bào ta. Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”.

Chỉ một ngày sau, ngày 31/3/2020, thực hiện lời kêu gọi với tinh thần coi trọng sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, để tiếp tục chủ động ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống Covid-19, cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày từ 0h ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn.

Bước sang năm 2021, với tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm của biến chủng Delta, ngày 29/7, lần thứ 2 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.

Ở thời điểm đó, tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, tốc độ lây lan rất nhanh, gây tổn hại lớn về sức khỏe và tính mạng của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống.

Trong Lời kêu gọi, Tổng Bí thư truyền đi thông điệp "chống dịch như chống giặc", bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài, đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa, đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa. Toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được dịch bệnh.

TP.HCM triển khai tiêm chủng cho người dân. Ảnh: Thanh Tùng 

Vì nghĩa đồng bào, tất cả cho miền Nam ruột thịt

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, đặc biệt là ở những thời khắc công tác chống dịch ở TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam trở lên cam go, gian khó nhất, không chỉ lực lượng tuyến đầu chi viện cho miền Nam, cả hệ thống chính trị, các mạnh thường quân, những tấm lòng thơm thảo và sức lực người dân cả nước hướng về miền Nam ruột thịt.

Những ngày TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam cần sự trợ giúp, hình ảnh những chiến sĩ áo trắng, đội ngũ cán bộ y bác sĩ ở trung ương, các địa phương đã sống với phẩm chất cao quý của người Thầy thuốc, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, “Lương y như từ mẫu” để cùng nhau bước vào trận chiến, chăm lo sức khỏe cho muôn dân, giành giật sự sống cho mỗi người.

Còn ở khía cạnh chăm lo đời sống cho người dân vùng dịch, gìn giữ trị an, trong cuộc họp của Thường trực Chính phủ tối 19/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu quân đội, công an vào cuộc triển khai việc hỗ trợ người dân lương thực, thực phẩm, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc để TP.HCM thực hiện cách ly triệt để.

Khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đã khẳng định, “quân đội sẵn sàng triển khai lực lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng và theo yêu cầu của TP.HCM và các tỉnh, trong đó có lực lượng y bác sĩ điều trị, tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa tới người dân...”.

Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Sơn cũng khẳng định, Bộ sẵn sàng huy động lực lượng cao nhất cho các tỉnh phía Nam để tham gia bảo vệ an ninh, an toàn, an dân, có thể chi viện cả lực lượng y tế nếu cần thiết.

Rất khó kể hết sự những đóng góp của các lực lượng, thành phần trong cuộc chiến chống dịch, nhưng mỗi cá nhân khi xông pha ra mặt trận tuyến đầu đều không từ nan gian khó, hiểm nguy.

“Trong ngày đầu người dân ở nhà, ai ở đâu ở yên đó, rất nhiều hình ảnh bộ đội mang lương thực hỗ trợ nhân dân, hình ảnh đó đẹp và ý nghĩa lắm”, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, chia sẻ trong cuộc họp báo thông tin về dịch bệnh, chiều 23/8.

Không chỉ lực lượng y bác sĩ, quân đội, công an xông pha nơi tuyến đầu, nơi hậu phương, ở những vùng tâm dịch tại cộng đồng, suốt gần 2 năm trong chặng đường chống dịch, những tấm gương tận hiến cho xã hội ngày càng nhiều hơn.

Dù không có ghi chép đầy đủ, nhưng ở các tỉnh, thành nơi từng là tâm địch như Đà Nẵng, Bắc Giang, Hải Dương, TP.HCM, Bình Dương, càng những lúc nguy khó, dù lớn, dù nhỏ đều đã nhận được sự chăm lo cả về sức người, sức của và ân tình của đồng bào mọi miền đất nước. Những bếp cơm nghĩa tình, những suất cơm miễn phí, hàng nghìn chuyến xe thiện nguyện được các tổ chức, cá nhân vận động, kêu gọi, quyên góp đã không ngừng lan tỏa, nhân rộng, hướng về vùng dịch.

Các bác sĩ, điều dưỡng vào hỗ trợ TP.HCM chống dịch. Ảnh: Thanh Tùng 

Và cũng trong gian khó, hoạn nạn, chúng ta dễ thấy những cách làm hay, sáng tạo của cộng đồng để giúp đỡ, tương trợ nhau, như những cửa hàng 0 đồng, phiên chợ 0 đồng, phiếu mua hàng 0 đồng…

Cũng giống như nhiều vùng tâm dịch khác, sau những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân, sự chung sức của cộng đồng, dịch bệnh cũng có ngày được đẩy lui, cuộc sống của người dân sớm bình thường trở lại.

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 có thể còn tiếp diễn, còn cam go, còn nguy khó, thậm chí sẽ còn những mất mát, hy sinh, nhưng trong khó khăn, thử thách, những phẩm chất tốt đẹp của người Việt càng tỏa sáng hơn bao giờ hết.

Ngày 2/10, trong tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, dù được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của 150 doanh nhân đại diện các doanh nghiệp ở điểm cầu TP.HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dành một phần thời gian bày tỏ sự trân trọng cảm ơn các mạnh thường quân là những doanh nghiệp, doanh nhân đã luôn đặt niềm tin, đồng hành cùng Nhà nước, chính quyền TP, chia sẻ khó khăn cùng người dân.

Chủ tịch nước nhắc nhiều đến những sáng kiến, mô hình trong cộng đồng giúp người dân vượt qua khó khăn có dấu ấn của doanh nghiệp, doanh nhân được điểm tên như siêu thị 0 đồng, ATM gạo, tủ bánh mì 0 đồng, bếp ăn tình nghĩa...

Truyền thông cũng nhiều lần nhắc đến sự hy sinh, xả thân vì cộng đồng, thậm chí đã hy sinh của các cá nhân như Đại úy Lê Huỳnh Nhật Minh, anh Vũ Quốc Cường... và biết bao y bác sĩ tuyến đầu.

Nhắc đến những hy sinh, tổn thất, mất mát, đau thương đó, Chủ tịch nước khẳng định, sức mạnh đoàn kết, kiên cường, lòng nhân ái, tinh thần lạc quan trong mọi hoàn cảnh sẽ còn mãi, đất nước và dân tộc không bao giờ quên những khoảnh khắc phi thường ấy. Vì thế, với doanh nghiệp, doanh nhân, Chủ tịch nước đề nghị tiếp tục phát động tinh thần xả thân vì cộng đồng, người dân.

Bộ đội mang lương thực hỗ trợ người dân trong những ngày TP.HCM siết chặt giãn cách. Ảnh: Thanh Tùng 

TP.HCM mong có cơ hội đền đáp các lực lượng chi viện

Sáng 6/10, tại Lễ tuyên dương các đoàn công tác tăng cường và tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch TP.HCM chia sẻ, trong hơn 2 tháng qua, TP đứng trước những tình huống hết sức khó khăn.

Những khó khăn được ông nêu ra như: ca bệnh tăng cao, bệnh viện quá tải, ca tử vong ngày càng cao… Toàn bộ y, bác sĩ, nhân viên y tế đã làm việc ngày đêm mà vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc và điều trị bệnh.

Chủ tịch TP.HCM chia sẻ, hơn 2 tháng qua, các anh chị em đến với TP đã không ngại gian khó, không quản ngày đêm, nhiều lúc ăn không kịp no, ngủ không tròn giấc... luôn bên cạnh bệnh nhân để chăm sóc. Những tình cảm cao đẹp đó đã thể hiện sâu sắc y đức, thấm đẫm tình thương, sẽ mãi in đậm và lưu giữ trong lòng người dân TP.

“Thay mặt lãnh đạo TP, tôi xin bày tỏ lòng trân quý, sự cảm kích và lời cảm ơn sâu sắc đến các lực lượng chi viện trong thời gian đồng hành cùng TP phòng, chống dịch Covid-19. Chúng tôi cũng xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các đấng sinh thành và người thân đã động viên, san sẻ, gánh vác trách nhiệm gia đình để các anh chị em lên đường đến với TP được yên tâm công tác”, ông Mãi  xúc động nói.

Theo ông Mãi, thời gian qua, TP dù nỗ lực quan tâm đến lực lượng chi viện nhưng vẫn chưa thật sự đền đáp được tình cảm mà các lực lượng chi viện dành cho TP.HCM.

"Rất mong anh chị em khi có thời gian hãy quay lại, để TP có cơ hội đền đáp và tri ân đầy đủ hơn", ông Mãi nói.

UBND TP.HCM cho biết, trong gần 187 nghìn nhân lực tham gia chống dịch, nhân lực chi viện hỗ trợ TP gần 28 nghìn người, gồm lực lượng cán bộ y tế, y bác sĩ, lực lượng quân đội, công an…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến thăm khu phong tỏa trên tuyến đường KP01-10, khu phố 1, thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn. Ảnh: Phan Anh/NLD  

Những đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, tất cả đều không rời trận tuyến

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chia sẻ cảm xúc khi ông tham gia chuyến công tác tại TP.HCM ở thời điểm bùng phát dịch, ông cho biết đã tận mắt chứng kiến những chiến sĩ quân đội, công an, các nhà báo, các đội tình nguyện viên, thiện nguyện làm việc quên mình vì nhiệm vụ. Đặc biệt là các y, bác sĩ, cán bộ y tế khoác trên mình bộ quần áo bảo hộ kín mít, trong thời tiết nắng nóng cao độ.

Ông tận mắt thấy những đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, những bữa cơm hộp, cơm phần ăn vội ở phòng trực trong bệnh viện dã chiến.

Ông cũng thấy những làn da khô sạm do mất nước, có người đã bước đi loạng choạng do làm việc quá sức.

“Nhưng tất cả đều không rời trận tuyến bởi một điều giản dị: các anh, các chị là lương y, niềm tin cậy của người bệnh, là sự níu kéo cuối cùng của ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chia sẻ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri doanh nghiệp TP.HCM. Ảnh: Trần Thường 

Chủ tịch nước: Khen thưởng kịp thời những tấm gương quên mình phòng chống dịch

Ngày 31/8, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải ký văn bản gửi Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương thông báo ý kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Văn bản nêu rõ, thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư và hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng phòng chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”, cả hệ thống chính trị và nhân dân các địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong phòng chống dịch bệnh, trong đó tiêu biểu đặc biệt là lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và các cá nhân tự nguyện hoạt động từ thiện, cứu trợ trong nhân dân.

Trong cuộc đấu tranh đó, đã có nhiều tấm gương hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ, công việc của mình.

Để kịp thời động viên đồng bào và chiến sĩ cả nước trong cuộc đấu tranh đẩy lùi và chiến thắng đại dịch Covid-19, Chủ tịch nước yêu cầu Ban Thi đua Khen thưởng khẩn trương phát hiện, đề xuất khen thưởng kịp thời cho những thành tích tiêu biểu, xuất sắc, nhất là những tấm gương hy sinh quên mình trong công tác phòng chống dịch bệnh, kể cả những tình nguyện viên và người làm công tác thiện nguyện đang ngày đêm cùng với người dân chống chọi lại bệnh dịch Covid-19.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản