Tin mới

Đẩy nhanh tiến độ, tránh tình trạng “có gì, làm nấy” dẫn đến thiếu đồng bộ, thống nhất

(Mặt trận) - Sáng ngày 18/12, thống nhất với đề nghị của Chính phủ về bổ sung 4 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, đối với các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy, thời gian chuẩn bị còn rất ít. Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương, chuẩn bị hồ sơ dự án luật bảo đảm chất lượng, trình UBTVQH cho xem xét ý kiến tại phiên họp tháng 3.2024, chậm nhất là phiên họp tháng 4 năm tới để kịp trình Quốc hội.

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long 

Đề nghị bổ sung 4 dự án luật

Tờ trình các đề nghị của Chính phủ về bổ sung các dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày và nêu rõ, Chính phủ đề nghị bổ sung 4 dự án luật đó là: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Đối với dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đề nghị UBTVQH xem xét, bổ sung dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy và thông qua tại Kỳ họp thứ Tám, với 3 nhóm chính sách: Hoàn thiện quy định về căn cứ xác định nạn nhân; quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; hoàn thiện quy định để nâng cao chế độ, chính sách hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân.

Đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Chính phủ đề nghị UBTVQH xem xét, trình Quốc hội cho ý kiến về dự án luật tại Kỳ họp thứ Bảy và thông qua tại Kỳ họp thứ Tám, với 4 nhóm chính sách: Phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng hiện đại; quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; nâng cao hiệu quả bảo đảm an toàn hóa chất.

Với dự án Luật thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi), Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, hồ sơ đề nghị xây dựng luật với 5 nhóm chính sách: Hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; hoàn thiện quy định về cách tính thuế giá trị gia tăng; hoàn thiện các quy định về thuế suất thuế giá trị gia tăng; hoàn thiện các quy định về khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào; hoàn thiện các quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng. Chính phủ đề nghị trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám.

Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) đã được Chính phủ xem xét thông qua với 4 chính sách: Hoàn thiện quy định về khái niệm vũ khí, công cụ hỗ trợ, linh kiện vũ khí công cụ hỗ trợ và vật liệu nổ công nghiệp mới, quy định về quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh xuất khẩu nhập khẩu dao có tính sát thương cao; cắt giảm, đơn giản hóa giấy tờ hồ sơ quy định trong các thủ tục hành chính về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, quy định cấp giấy phép sử dụng vũ khí công cụ hỗ trợ, không quy định thời hạn trong giấy phép sử dụng và chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng; cho phép tổ chức doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt Nam để phục vụ cho việc nghiên cứu, sản xuất trang bị, sử dụng; sửa đổi, bổ sung một số quy định về nghiên cứu sản xuất kinh doanh sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ đề nghị UBTVQH xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy và thông qua theo quy trình một kỳ họp.

Theo Báo cáo thẩm tra về đề nghị bổ sung dự án Luật: Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi 4 Luật nêu trên để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những hạn chế, bất cập đã được chỉ ra qua tổng kết thi hành các luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc sửa đổi Luật Hóa chất, Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Phòng, chống mua bán người cũng là kết quả thực hiện các nhiệm vụ lập pháp được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khẳng định, hồ sơ đề nghị xây dựng các Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình UBTVQH xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình. Các chính sách được đề xuất trong các dự án Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, trong quá trình soạn thảo các dự án Luật này sau khi được bổ sung vào Chương trình, cần nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của UBTVQH và ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, bảo đảm tính toàn diện của nội dung tổng kết, đánh giá tác động, tính khả thi và đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tránh tình trạng "có gì, làm nấy"

Cho rằng, việc Chính phủ trình UBTVQH xem xét, bổ sung 4 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý các Bộ, ngành, trong đó Bộ Tư pháp tham mưu với Chính phủ cần hạn chế các dự án luật trình UBTVQH xem xét quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Mặc dù Luật có cho phép UBTVQH xem xét, điều chỉnh Chương trình nhưng chỉ bất đắc dĩ mới bổ sung, còn Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm do Quốc hội quyết định. Dù luật cho phép nhưng nên hạn chế, chỉ trình UBTVQH quyết định bổ sung, điều chỉnh Chương trình những gì thực sự cấp bách, đột xuất.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, khi trình các dự án Luật phải tính toán tổng thể, như các luật về thuế không phải chỉ có riêng thuế giá trị gia tăng (VAT). Khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu đã yêu cầu phải rà soát tổng thể với pháp luật về ưu đãi đầu tư, các luật về thuế… nên cần chủ động để tính toán trong tổng thể pháp luật về thuế và Luật Quản lý thuế. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan đẩy nhanh tiến độ, tránh tình trạng "có gì, làm nấy" dẫn đến thiếu tính đồng bộ, thống nhất.

Đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, dự án Luật này liên quan chặt chẽ, tác động rất lớn đến sản xuất tiêu dùng, phòng chống tội phạm… nên  ngay từ đầu là phải xin ý kiến, đánh giá tác động rất kỹ, nhất là những ý kiến của Hiệp hội người tiêu dùng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những cơ quan đại diện cho người sản xuất và người tiêu dùng; không nên đặt ra những quy định làm khó cho doanh nghiệp và cho người dân trong quá trình này.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) có những vấn đề giao thoa về quản lý nhà nước cần làm kỹ. Đơn cử, đối với quản lý tiền chất ma túy, có những loại do Bộ Công Thương quản lý, có những loại do Bộ Y tế quản lý, có những loại do Bộ Công an quản lý; liên quan đến xuất nhập khẩu, thì liên quan trực tiếp đến Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan…

Do đó, vấn đề phối hợp kiểm tra chuyên ngành phức tạp. Bên cạnh đó, nhiều nội dung được quy định trong Nghị định để hướng dẫn thực hiện Luật Hóa chất và các luật có liên quan. Vì vậy, cần cố gắng luật hóa được những nội dung lớn có trong các Nghị định.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, UBTVQH tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật Hóa chất; Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

UBTVQH cũng cơ bản tán thành nội dung các nhóm chính sách do Chính phủ đề xuất đối với 4 dự án Luật trên. Đồng thời, đề nghị Chính phủ và các Bộ lưu ý tiếp thu ý kiến của các thành viên UBTVQH, ý kiến phát biểu của Chủ tịch Quốc hội và ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội trong quá trình xây dựng các dự án luật này.

Về tiến độ trình Quốc hội, UBTVQH thống nhất, đối với dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám. Đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp Tám, thông qua Kỳ họp thứ Chín (lùi một kỳ so với đề nghị của Chính phủ).

Riêng với dự án Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Tám. Nếu Chính phủ chuẩn bị tốt, đưa ra Quốc hội thảo luận, được Quốc hội đồng thuận cao, thì UBTVQH sẽ xem xét phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua ngay tại Kỳ họp thứ Bảy, theo quy trình một kỳ họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, đối với các dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp Bảy, thời gian chuẩn bị còn rất ít. Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương chuẩn bị hồ sơ dự án Luật bảo đảm chất lượng, trình UBTVQH cho xem xét ý kiến tại phiên họp tháng 3, chậm nhất là phiên họp tháng 4.2024 để kịp trình Quốc hội cho ý kiến. Trong đó, đối với Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nếu phấn đấu trình Quốc hội thông qua theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp, thì cần trình UBTVQH sớm và phải đưa ra thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Trong quá trình xây dựng các dự án Luật, nếu có điều chỉnh, bổ sung các chính sách, thì phải thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản