Tin mới

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hà Nội phải tuân thủ nghiêm giãn cách mới có thể kiểm soát tình hình dịch COVID-19

(Mặt trận) - Theo các chuyên gia, dịch COVID-19 tại Hà Nội đang rất phức tạp với nhiều ca bệnh trong cộng đồng, đa ổ dịch, dịch đã lây lan rộng; vì vậy việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ phải làm thật nghiêm mới có thể kiểm soát được tình hình.

Chủ tịch nước Lương Cường: Toàn quân thực hiện nghiêm đường lối quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Thường trực Ban Bí thư làm việc với các cơ quan của Đảng, MTTQ về Nghị quyết số 18-NQ/TW

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Hà Nội nỗ lực kiểm soát dịch trong cộng đồng. Ảnh: Lê Phú 

Nhiều ổ dịch phức tạp, lây lan rộng

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, trong đợt dịch thứ tư (tính từ ngày 27/4 đến nay), Hà Nội đã ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là trên 700 ca. Đặc biệt số ca nhiễm tăng nhanh trong những ngày gần đây. 

Nhận định tình hình dịch COVID-19 tại Hà Nội hiện nay, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá: “Dịch COVID-19 của Hà Nội đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt gần đây có rất nhiều ca được phát hiện qua sàng lọc ho, sốt khi đi khám. Điều này có nghĩa là đã có nhiều ổ dịch phức tạp, lây lan nhanh và rộng, nguy cơ rất lớn, còn nhiều ca bệnh còn đang ẩn trong cộng đồng. Đặc biệt vừa qua có một số ổ dịch như: Bệnh viện Phổi Hà Nội, nhà thuốc Đức Tâm đã phát hiện số ca mắc đông; nhất là tại Bệnh viện Phổi Hà Nội ghi nhận cả cán bộ y tế, bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, chứng tỏ đã có sự lây lan rộng”.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cũng cho rằng, tình hình dịch ở Hà Nội không phức tạp như TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam. Tuy nhiên, gần đây Hà Nội đã xuất hiện các ca mắc trong cộng đồng qua sàng lọc, vẫn có đa nguồn lây, đa ổ nhiễm nên nguy cơ dịch có thể bùng phát như tại TP Hồ Chí Minh bất cứ lúc nào.

Đặc biệt, qua trường hợp Bệnh viện Phổi Hà Nội vừa qua cho thấy, nguy cơ dịch xâm nhập vào các bệnh viện là rất lớn. Dịch xâm nhập vào bệnh viện có nhiều nguyên nhân, có thể từ nguồn người bệnh đến khám khi thực hiện sàng lọc không hết; do người nhà của bệnh nhân không tuân thủ nghiêm quy định và bệnh viện quản lý không chặt, người nhà bệnh nhân ra vào bệnh viện hoặc nhân viên y tế cũng có thể bị lây nhiễm từ bên ngoài mang vào bệnh viện… Việc làm chặt sàng lọc phòng dịch tại bệnh viện là rất quan trọng.

Nghiêm túc giãn cách sẽ sớm kiểm soát dịch

Để nhanh chóng ngăn chặn dịch lây lan, hiện Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội, áp dụng Chỉ thị 17/CT-UBND của Thành phố dựa trên nguyên tắc của Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, đây là biện pháp kịp thời, ngăn chặn sự lây nhiễm trong cộng đồng. Nếu thực hiện nghiêm túc thì sau giãn cách 14 ngày, sẽ làm giảm, làm chậm sự lây lan của dịch. Thậm chí, nếu dịch lây lan rộng trong cộng đồng thì với các biện pháp siết chặt nhanh vẫn có thể kiểm soát được. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là người dân phải có ý thức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ phải được thắt chặt.

“Quan trọng nhất hiện nay là hạn chế tụ tập đông người ở nơi công cộng; trong các khu phố, ngõ hẻm, người dân không ra khỏi nhà; nếu còn đi lại giao lưu, sang nhà nhau chơi, còn tụ tập là còn lây nhiễm. Với những trường hợp đi ra ngoài phải thực hiện nghiêm quy định 5K. Hiện chỉ có thực hiện nghiêm biện pháp 5K là hiệu quả nhất để hạn chế lây nhiễm, không có cách nào hơn trong khi chúng ta vẫn đang chờ có đủ vaccine để triển khai tiêm diện rộng cho toàn dân”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo.

Theo đó, để kiểm soát dịch, việc tổ chức xét nghiệm sàng lọc người có triệu chứng ho, sốt trong cộng đồng hay giãn cách xã hội ngay khi dịch có dấu hiệu lây lan rộng là những việc làm khoa học, quyết liệt để sớm khoanh vùng, dập dịch.

Theo các chuyên gia, trong các biện pháp phòng chống dịch của Hà Nội, cần nghiên cứu đến việc thí điểm sớm cách ly F1, F0 tại nhà.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng: “Hà Nội cần thí điểm sớm việc có thể cách ly F1, F0 không có triệu chứng ngoài bệnh viện. Điều này là phù hợp để cơ sở y tế, hạ tầng y tế đảm bảo có sự dự trữ, trong trường hợp cần phải chăm sóc y tế thì mới vào bệnh viện. Trong thời điểm này, việc thí điểm này là cần cho Hà Nội cũng như các tỉnh, thành khác, vì thí điểm nghĩa là chúng ta có sự chủ động. Tất cả đều cần phải thí điểm và hoàn thiện mô hình để khi cần dùng đến là phải dùng ngay, phải dành thế chủ động thì chúng ta mới chiến thắng được dịch”.

Đồng quan điểm, ông Trần Đắc Phu, hiện là Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, đánh giá "nguy cơ lây lan virus tại Hà Nội luôn rất lớn" do người dân từ nhiều địa phương đổ về, nhu cầu giao lưu, đi lại lớn.

Thời gian qua, thành phố đã tổ chức xét nghiệm sàng lọc tất cả người dân có biểu hiện ho, sốt trên địa bàn thành phố để chủ động phát hiện người nhiễm nCoV trong cộng đồng. Theo ông, đây là cách làm khoa học để phát hiện, sàng lọc các ổ dịch và dập kịp thời. Kết quả cho thấy "Hà Nội luôn tồn tại nguy cơ tiềm ẩn, các ca mắc và ổ dịch lẩn khuất trong cộng đồng, rải rác trên nhiều quận, huyện, khu vực thay vì tập trung ở một nơi", ông Phu nói.

Đáng chú ý, thành phố đã ghi nhận các ca nhiễm virus ở trong cơ sở y tế, gần nhất là Bệnh viện Phổi Hà Nội, hay trong Công ty SEI thuộc khu công nghiệp Thăng Long. Đây đều là khu vực tập trung đông người nên nguy cơ bùng phát dịch rất cao.

Do đó, trước mắt thành phố cần tăng cường xét nghiệm sàng lọc người có triệu chứng ho, sốt trong cộng đồng để sớm khoanh vùng, dập dịch; đồng thời xét nghiệm diện rộng có chỉ định như khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, chợ... để đánh giá nguy cơ.

"Chúng ta có thể hy vọng Hà Nội có thể sớm dập dịch sau 15 ngày giãn cách. Quan trọng hơn là ý thức chấp hành của người dân, càng hạn chế ra đường tụ tập tiếp xúc đông người càng tốt", ông Phu nói.

Về ổ dịch tại Bệnh viện Phổi Hà Nội, phó giáo sư Phu đánh giá "nguy cơ là rất cao" khi lây nhiễm trong bệnh viện nhưng sau khi phát hiện trường hợp nhiễm virus, bệnh viện lập tức phong tỏa. Công tác truy vết, điều tra dịch tễ đang được bệnh viện tiến hành rất khẩn trương. Ổ dịch ở khu công nghiệp Thăng Long, chợ Cửa hàng mới tại Đông Anh... được kiểm soát tốt.

Sở Y tế Hà Nội đang tập trung kế hoạch điều trị 1.000 ca nhiễm và chuẩn bị kịch bản cho các tình huống 5.000, 10.000, 20.000 và 50.000 ca, đồng thời áp dụng mô hình điều trị bốn tầng. Trong đó tầng 3-4 chữa trị bệnh nhân nặng và rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Đẩy mạnh tiêm vaccine càng nhanh càng tốt, chủ yếu là đối tượng lao động, thường xuyên ra ngoài, nguy cơ nhiễm cao.

 
Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản