Tạp chí Mặt trận trân trọng giới thiệu toàn văn bài diễn văn kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đọc tại buổi lễ.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: VIỆT DŨNG - SGGP
Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Kính thưa các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, đại diện gia đình các anh hùng liệt sĩ, gia đình có công với nước, các đồng chí thương binh, bệnh binh, các đồng chí cựu chiến binh,
Kính thưa các vị đại biểu, khách quý,
Kính thưa đồng chí, đồng bào,
Cách đây 50 năm, vào đêm 30, rạng sáng ngày 31/01/1968, lời thơ Chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu vang vọng trên Đài Tiếng nói Việt Nam: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua / Thắng trận tin vui khắp nước nhà / Nam, Bắc
thi đua đánh giặc Mỹ / Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta” như lời hiệu triệu, thúc giục quân và dân ta đồng loạt nổ súng trên toàn miền Nam, mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vang dội Xuân Mậu Thân 1968.
Hôm nay, vào chính thời điểm lịch sử 50 năm về trước, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đang diễn ra vô cùng ác liệt, chúng ta có mặt tại đây - nơi trước kia gọi là Dinh Độc lập, nay là Hội trường Thống Nhất - một trong những trọng điểm tiến công của quân dân ta trong Tết Mậu Thân 1968, cũng là mục tiêu quyết chiến cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, để long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Trong niềm tự hào và xúc động, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi trân trọng gửi đến các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, các đồng chí lão thành cách mạng, thân nhân gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, các đồng chí thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, đặc biệt là các đồng chí đã trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 lời thăm hỏi ân cần, lời chúc sức khoẻ và những tình cảm thắm thiết nhất.
Trong giờ phút trang trọng này, chúng ta thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các bậc lãnh đạo tiền bối, các anh hùng, liệt sĩ, chiến sĩ, đồng bào, đồng chí đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, hiến dâng đời mình cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước, mà cCuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một đỉnh cao chói lọi.
Kính thưa các vị đại biểu, khách quý,
Kính thưa đồng chí, đồng bào,
Sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đứng trước nguy cơ sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ồ ạt đưa quân đội và chư hầu vào miền Nam, đồng thời mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, hòng cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam, nhanh chóng đánh bại quân chủ lực của cách mạng, giành lại thế chủ động trên chiến trường, bình định toàn miền Nam, kết thúc chiến tranh Việt Nam trong tư thế “kẻ chiến thắng”.
Nắm vững thời cơ chiến lược, nhằm đánh sập ý chí của quân xâm lược, chủ động chuẩn bị cho mặt trận ngoại giao, Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 12/1967 được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14, khoá 3 thông qua tháng 1/1968 xác định “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta tiến lên bước phát triển cao nhất bằng phương pháp tổng công kích - tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định” [1].
Với chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", quân và dân ta đã không kể ngày đêm, khẩn trương làm tốt mọi công tác chuẩn bị; bí mật, bất ngờ đồng loạt nổ súng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, đặc biệt tại các đô thị lớn: Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ, đánh thẳng vào 37 thị xã và hàng trăm thị trấn từ Quảng Trị đến Cà Mau, các căn cứ quân sự chủ yếu của địch trên toàn miền Nam.
Nửa thế kỷ đã đi qua kể từ mùa xuân Mậu Thân hùng tráng ấy, khoảng thời gian đủ dài để chiêm nghiệm, đúc kết; một lần nữa khẳng định tầm vóc, ý nghĩa và những bài học lịch sử sâu sắc; để các thế hệ người Việt Nam mãi mãi tự hào và tự tin, tiếp nối những giá trị lớn lao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, là đỉnh cao chói lọi trong lịch sử hào hùng của dân tộc ở thế kỷ 20.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, của ý chí quyết tâm sắt đá, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta để giành độc lập, tự do, được dẫn dắt, soi đường bởi sự lãnh đạo tài tình, đường lối đúng đắn của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Đảng ta đã lựa chọn và nắm bắt đúng thời cơ, thúc đẩy và tận dụng thời cơ; thực hiện và từng bước đạt được mục tiêu chiến lược của cuộc kháng chiến, như tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 3 đã xác định “Anh dũng tiến lên, thực hiện tổng công kích và tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi quyết định cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước” [2]. Thắng lợi quyết định mang tầm chiến lược ấy là trong một thời gian ngắn, chúng ta đã đưa cuộc chiến đấu ác liệt vào tận sào huyệt của kẻ thù, đánh mạnh vào toàn bộ hậu phương, ở tất cả thành phố, tỉnh lỵ mà trước đó hầu như là những căn cứ an toàn của địch. Những cơ quan đầu não, những mục tiêu quan trọng nhất mà kẻ thù huênh hoang coi là bất khả xâm phạm như Bộ Tổng Tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất, từ Dinh Tổng thống đến Đài Phát thanh, Toà Đại sứ Mỹ đều bị ta tấn công quyết liệt. Thắng lợi quyết định mang tầm chiến lược là đã làm chuyển biến nhanh chóng và mạnh mẽ cục diện chiến tranh, nâng cao uy thế của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ở trong và ngoài nước. Đặc biệt, đã giáng một đòn chí mạng làm lung lay ý chí xâm lược và phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ và tay sai, buộc chúng phải “phi Mỹ hóa” chiến tranh bằng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, chấp nhận đàm phán trực tiếp với ta tại Hội nghị Paris, tạo bước ngoặt chiến lược cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Từ đó, bằng những thắng lợi nối tiếp qua các chiến dịch, tại các chiến trường, đặc biệt là chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không tại Thủ đô Hà Nội”, tiến tới ký kết Hiệp định Paris, Đảng ta, Quân đội ta, nhân dân ta đã hoàn thành mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”, chuyển sang mục tiêu “đánh cho nguỵ nhào” và giành thắng lợi hoàn toàn vào Mùa xuân 1975 lịch sử.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mãi mãi là minh chứng hiện thực sinh động của bản lĩnh kiên cường, của tư duy và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Biết đánh và thắng kẻ thù xâm lược có sức mạnh hơn ta gấp nhiều lần, đánh dấu một bước phát triển mới trong học thuyết và nghệ thuật quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Đó là việc xác định hướng tiến công chiến lược, chủ yếu nhằm vào các thành thị, đánh sập các cơ quan đầu não chiến tranh, các trung tâm chỉ huy, hậu cứ và các phương tiện giao thông vận tải chiến lược của địch, nhưng đồng thời tổ chức nghi binh bằng các đợt hoạt động lớn tại mặt trận Đường 9 - Khe Sanh, nhằm đánh lạc hướng, thu hút vây hãm, giam chân và tiêu hao sinh lực địch. Đó là sự bí mật bất ngờ, sáng tạo trong xác định chủ trương, chiến lược của Đảng đến tổ chức chỉ đạo, bố trí quy mô lực lượng, mục tiêu và thời điểm tiến công. Đó còn là nét độc đáo của chiến tranh cách mạng, của cuộc chiến tranh nhân dân, kết hợp giữa tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công; kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; kết hợp sức mạnh của các lực lượng vũ trang với lực lượng chính trị, lực lượng quần chúng ngay trong lòng đô thị; tiến công địch bằng cả chính trị, quân sự, ngoại giao; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; đánh địch trên khắp ba vùng chiến lược (rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị); tiến công kiên quyết, liên tục từ nhỏ đến lớn, từ cục bộ lên toàn bộ.
Chúng ta mãi mãi tự hào về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là kết tinh vĩ đại sức mạnh toàn dân tộc, là bản thiên anh hùng ca bất diệt được viết nên bằng bản lĩnh, ý chí, trí tuệ tuyệt vời và tinh thần sẵn sàng xả thân, hy sinh của đồng chí, đồng bào, chiến sĩ hai miền Nam - Bắc, hòa quyện ý Đảng với lòng dân, với khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; khát vọng hòa bình "Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn" như mong ước của Bác Hồ. Sức mạnh vô địch ấy là tinh thần dũng cảm vô song, mưu lược tài ba của các lực lượng vũ trang; sự tham gia đông đảo của các giới đồng bào, của các lực lượng chính trị, lực lượng quần chúng yêu nước. Từ thanh niên, sinh viên, học sinh đứng lên đấu tranh chính trị và cầm vũ khí sát cánh chiến đấu cùng các chiến sĩ quân giải phóng đến lực lượng phụ nữ tham gia vào các đội biệt động, điệp báo, trinh sát vũ trang, du kích, giao liên, dân công hoả tuyến, thanh niên xung phong. Từ lực lượng giai cấp công nhân đến đội ngũ giáo chức, trí thức, các vị chức sắc tôn giáo, văn nghệ sĩ và nông dân ở vùng ven đô thị tích cực tham gia phát loa, treo cờ, rải truyền đơn. Từ binh vận kêu gọi binh lính chế độ Sài Gòn bỏ ngũ đến bà con ở các lõm chính trị, các căn cứ “nhân tâm” của cơ sở cách mạng quần chúng ngay trong lòng đô thị, các gia đình cơ sở cách mạng nội thành chấp nhận hy sinh, mất mát, bất chấp hiểm nguy, vận chuyển, cất giấu vũ khí, nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ giữa vòng kìm kẹp gắt gao của địch. Trong thắng lợi chung của cả nước, Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định với truyền thống kiên trung, quật khởi, nơi đầu sóng ngọn gió, chiến trường trọng điểm của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đã có những đóng góp và hy sinh to lớn.
Sức mạnh ấy càng được nhân lên bởi chính nghĩa sáng ngời của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của các nước anh em, lực lượng tiến bộ, nhân dân yêu chuộng hoà bình, công lý trên toàn thế giới, kể cả nhân dân Mỹ.
Chúng ta mãi mãi trân trọng, tri ân, ghi lòng tạc dạ công lao to lớn của cán bộ, chiến sĩ, đồng chí, đồng bào - những người con ưu tú đã hiến dâng đời mình cho Tổ quốc, đã chiến đấu, anh dũng hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và trong toàn bộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc để chúng ta có được một đất nước hoà bình, độc lập, tự do và cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay.
Trong hào khí thiêng liêng, chúng ta kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, những chiến công oanh liệt và sự hy sinh anh dũng của tất cả các lực lượng trực tiếp, gián tiếp tham gia vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, đặc biệt là lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Ðịnh. Đây là lực lượng đã làm nên những mũi đột kích trực diện vào các cơ quan đầu não của địch tại chiến trường trọng điểm, mà mỗi trận đánh, mỗi chiến sĩ biệt động đều là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đã làm nên “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ” [3].
Kính thưa các vị đại biểu, khách quý,
Kính thưa đồng chí, đồng bào,
Chúng ta long trọng kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cũng vào dịp kỷ niệm 88 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2018) với rất nhiều tình cảm cao quý. Cảm xúc đặc biệt của các thế hệ hôm nay tự hào về Đảng quang vinh, về sức mạnh dân tộc; tự tin tiếp nối tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Niềm tin tất thắng của mỗi chiến sĩ trong đoàn quân giải phóng, của mỗi người dân yêu nước trong thời khắc 50 năm trước, khi dấn thân vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đã được minh chứng xuyên suốt trong quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Thực tiễn cách mạng từ mùa Xuân năm 1930, Đảng ta chính thức ra đời, đến Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; từ thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Đại thắng lịch sử Mùa xuân 1975 và qua hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới càng khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Quan điểm gắn liền mục tiêu độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội được Đảng ta tiếp thu và vận dụng sáng tạo trong điều kiện cụ thể của nước ta, không ngừng làm giàu trí tuệ, nâng cao bản lĩnh chính trị và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra; tạo ra động lực cách mạng to lớn thông qua kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.
Khẳng định tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và của chặng đường 88 năm vẻ vang của Đảng, là dịp để một lần nữa, chúng ta khẳng định những giá trị bất diệt ấy, vẫn nguyên vẹn khi soi rọi đến hôm nay.
Kính thưa các vị đại biểu, khách quý,
Kính thưa đồng chí, đồng bào,
Công cuộc đổi mới đất nước hơn 30 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng, đặc biệt các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2017 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, toàn diện. Những quyết sách và đổi mới mạnh mẽ, được cử tri và nhân dân cả nước hoan nghênh; nhiều chủ trương quan trọng và việc làm cụ thể của Đảng và Nhà nước, đặc biệt trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, suy thoái đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gần đây được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ và đang đòi hỏi, kỳ vọng phải làm tốt hơn nữa. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tổ chức thành công Năm APEC Việt Nam - 2017.
Tất cả đã tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.
Tuy nhiên, tình hình, bối cảnh thế giới, khu vực vẫn diễn biến phức tạp, thời cơ và thách thức đan xen; nguy cơ đe doạ sự ổn định chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ còn tiềm ẩn; các thế lực thù địch không ngừng phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta; những hạn chế, yếu kém chủ quan trong quá trình phát triển còn tồn tại, nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế còn hiện hữu. Đặc biệt, tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên còn diễn biến phức tạp, nguy cơ tham nhũng gây xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đe doạ đến sự tồn vong của chế độ.
Thực tế đó đòi hỏi chúng ta: Trân trọng và tự hào về lịch sử hào hùng, phấn khởi trước những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới để làm động lực, hành trang và kinh nghiệm quý báu cho hiện tại và tương lai; nhưng tuyệt đối không được chủ quan, không được thoả mãn với những gì đã đạt được.
Thực tế đó đòi hỏi Đảng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh phải luôn tự đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, để đủ sức dẫn dắt toàn dân tộc vững bước đi lên, thực hiện đồng bộ và toàn diện công cuộc đổi mới với nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết lần thứ 12 của Đảng để tiếp nối một cách xứng đáng sự hy sinh to lớn và niềm tin của quân và dân ta, của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên đi trước. Bài học về phương pháp, động lực cách mạng vẫn còn nguyên giá trị. Đó là toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải thật sự gần dân, lắng nghe dân, trọng dân và được dân tin yêu. Xa rời nhân dân, quan liêu, tham nhũng sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ chúng ta. Từ trong khói lửa chiến tranh mà trực tiếp từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cho thấy, vào những lúc khó khăn, gian khổ nhất, kể cả trong lúc thực lực ta yếu hơn địch, chúng ta vẫn chiến đấu và chiến thắng vì được lòng dân, vì được dân đùm bọc, chở che, được nhân dân tin tưởng và ủng hộ.
Do đó, Đảng ta phải tiếp tục tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí để khẳng định uy tín của Đảng, khôi phục và củng cố niềm tin trước nhân dân, hiệu triệu và tập hợp được sức mạnh của toàn dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ quan trọng hôm nay.
Đó là, phải tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, bắt nhịp nhanh chóng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ), cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; không ngừng chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Đó là, phải xây dựng tiềm lực và thế trận quốc phòng - an ninh từ trong thời bình, như di huấn của cha ông, kết hợp xây dựng với phòng thủ đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, quốc phú binh cường. Kết hợp hài hoà xây dựng tiềm lực quốc phòng - an ninh với xây dựng tiềm lực kinh tế - xã hội, tiềm lực chính trị - tinh thần, đặc biệt là xây dựng “thế trận lòng dân” bằng sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của toàn dân để kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, phá hoại, lật đổ của các thế lực thù địch, phản động; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội để phát triển đất nước. Mở rộng và phát triển chiều sâu trong các quan hệ đối ngoại theo đúng phương châm Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đó là, phải tăng cường giáo dục, bồi đắp lòng yêu nước, tình cảm cách mạng ngày càng sâu sắc, phong phú, đặc biệt cho thế hệ trẻ để lan toả, lan truyền, tiếp nối các giá trị tốt đẹp; bồi đắp để nâng cao hơn nữa lòng yêu nước, ý chí quyết tâm, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tự chủ, tự lực, tự cường, năng động sáng tạo, vươn lên mạnh mẽ tranh thủ thời cơ, đẩy lùi, khắc phục nguy cơ; xây dựng đất nước phồn vinh bằng sức mạnh tinh thần như chúng ta đã làm được trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Kính thưa các vị đại biểu, khách quý,
Kính thưa đồng chí, đồng bào,
Một mùa xuân mới lại về. Trong vang vọng hào khí thiêng liêng của mùa Xuân lịch sử Mậu Thân 1968, trong niềm phấn khởi, tự hào và tự tin bước vào một năm mới với nhiều thắng lợi, kính chúc quý các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thân nhân gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, các đồng chí thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, cán bộ, chiến sĩ, đồng chí, đồng bào và bạn bè quốc tế năm mới sức khoẻ, thành công và hạnh phúc.
Xin trân trọng cảm ơn.
...................................
[1] Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 12/1967 được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua tháng 01/1968, trở thành Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14, khóa III, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2004, t. 29, tr. 50.
[2] Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2004, t. 29, tr. 41.
[3] Trích bài thơ "Dáng đứng Việt Nam", Lê Anh Xuân.
NGUYỄN THIỆN NHÂN
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM