Tin mới

Đổi mới, sáng tạo trong đào tạo nguồn nhân lực phát triển ngành tư pháp

(Mặt trận) - Sáng 29/4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương đã họp Phiên thứ 12 dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo.

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN 

Phiên họp này nhằm thảo luận, cho ý kiến về kết quả thực hiện Đề án “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật”; Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” và Đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật”.

Cùng dự Phiên họp có các Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương: Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an. Dự phiên họp còn có các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, sau hơn 7 năm thực hiện, Đề án “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật” đã có những chuyển biến tích cực về mọi mặt; từng bước mở rộng quy mô đào tạo; hoạt động nghiên cứu khoa học có chuyển biến tích cực; đội ngũ giảng viên ngày càng được tăng cường, chất lượng được nâng lên; cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và học tập được quan tâm đầu tư trọng điểm. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô đào tạo chưa đạt mục tiêu đề ra; chất lượng đào tạo chưa có chuyển biến mang tính đột phá so với yêu cầu; hoạt động nghiên cứu khoa học chưa có tính ứng dụng cao…

Việc thực hiện Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” cũng có những bước phát triển mới cả về quy mô đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên thỉnh giảng và cơ hữu. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu đặt ra mới chỉ ở mức trên trung bình; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Học viện chưa cao.

Ban Chỉ đạo cũng tán thành với sự cần thiết phải xây dựng Đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật”, nhất là trong bối cảnh các trường tự chủ, việc đào tạo cử nhân luật theo nhu cầu thị trường, có sự cạnh tranh rất lớn giữa các cơ sở đào tạo luật hiện nay, cả nước hiện có đến 95 cơ sở đào tạo luật. Tuy nhiên, Đề án chưa có những giải pháp mang tính đột phá để giải quyết những bất cập đang nổi lên trong đào tạo cử nhân luật thời gian qua.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN 

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, việc triển khai các Đề án: “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật”; “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” đã có nhiều kết quả tích cực, thể hiện sự nỗ lực, cố gắng, khát vọng vươn lên của các cơ sở đào tạo và xây dựng được thương hiệu, uy tín của các trường trong lĩnh vực đào tạo pháp lý, các chức danh tư pháp.

Chủ tịch nước cũng nhận xét, việc thực hiện 2 Đề án trên còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Trong đó, một số lĩnh vực chưa đạt được mục tiêu đề ra ban đầu. Một số chức danh tư pháp chưa được đặt vấn đề đào tạo; vấn đề đạo đức, phẩm chất các chức danh tư pháp chưa thực sự được quan tâm đúng mức trong quá trình đào tạo….

Tán thành ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo về việc cần tiếp tục chú trọng thực hiện 2 Đề án này, Chủ tịch nước đặt ra yêu cầu về đổi mới, sáng tạo, nỗ lực vươn lên đối với các cơ sở đào tạo. Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ngành liên quan đề xuất các mục tiêu cụ thể đối với từng Đề án sao cho phù hợp với tình hình mới, bối cảnh mới.

Theo đó, Chủ tịch nước yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện, bổ sung đối với 2 Đề án: “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật”; “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”.

Riêng đối với Đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật”, Chủ tịch nước yêu cầu xây dựng lại theo định hướng mà các thành viên của Ban Chỉ đạo đã góp ý. Theo đó, Bộ Giáo dục và đào tạo cần đặt ra thời hạn cụ thể để hoàn thành việc sắp xếp cơ bản lại 95 cơ sở đào tạo luật trong cả nước theo hướng không bổ sung mới; quy định rõ các tiêu chí, tiêu chuẩn về đào tạo; ban hành các chuẩn đầu vào, chuẩn chương trình, giáo viên, giáo án, giáo trình… từ đó đối chiếu, rà soát. Những cơ sở không đảm bảo tiêu chí, tiêu chuẩn đề ra thì phải dừng đào tạo lĩnh vực này. 

Đặc biệt, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương lưu ý đến yêu cầu về đào tạo phẩm chất chính trị, bản lĩnh nghiệp vụ trong quá trình giảng dạy và học tập tại Đại học luật Hà Nội; Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh và Học viên Tư pháp sao cho đảm bảo hình thành nguồn nhân lực phát triển ngành tư pháp trong sạch, lành mạnh, có chất lượng cao. Đi liền với đó là đẩy mạnh hơn nữa mô hình đào tạo theo hướng: Nhà nước đưa ra các tiêu chí đào tạo đi đôi với kiểm định chất lượng chặt chẽ.

Chủ tịch nước nhấn mạnh chủ trương chung là Đảng, Nhà nước đảm bảo các nguồn lực cho hoạt động đào tạo pháp luật, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Do đó, quan điểm định hướng là tiếp tục xây dựng hai Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các cơ sở trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật; xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp của cả nước và phục vụ tốt hơn các nhu cầu của xã hội.

Để đạt được mục tiêu đó, Chủ tịch nước đề nghị, quá trình thực hiện cần chú ý đến việc hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo này phát triển quy mô, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo; đẩy mạnh phối hợp giữa hệ thống Tòa án và Viện Kiểm sát và các trường để phát huy kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ giảng viên, hoạt động thực tế của các chức danh tư pháp và pháp luật trong đời sống thực tiễn.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản