Tin mới

Đối thoại chính sách thực chất và trách nhiệm vì mục tiêu “cùng có lợi”

(Mặt trận) - Sáng ngày 30/9, từ điểm cầu Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc trực tuyến với Đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN. Cuộc làm việc được tổ chức trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN với các điểm cầu tại 12 quốc gia.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc trực tuyến với Đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN 

Tham dự cuộc làm việc về phía Việt Nam có: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; đại diện Thường trực các Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính Ngân sách, Ủy ban Pháp Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; lãnh đạo Ban Đối Ngoại Trung ương và lãnh đạo các Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ và lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Về phía Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) có: Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc USABC, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nhiệm kỳ 2014 - 2017 Ted Osius; Đại sứ Michael Michalak, Phó Chủ tịch Cấp cao kiêm Giám đốc Điều hành Khu vực của USABC, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nhiệm kỳ 2007 - 2011; Tổng Giám đốc GE Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Việt Nam của USABC Phạm Hồng Sơn; đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam; Lãnh đạo cấp cao của các công ty Hoa Kỳ hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, năng lượng, logistic, nông nghiệp và thực phẩm, công nghiệp, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính và y tế.

Đoàn đại biểu Việt Nam tại cuộc làm việc 

Doanh nghiệp Hoa Kỳ cam kết ủng hộ mục tiêu kép của Việt Nam

Chào mừng Lãnh đạo USABC và các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao hoạt động hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ và USABC tại Việt Nam thời gian qua, đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như sự phát triển của quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp Hoa Kỳ và các đối tác sản xuất tại Việt Nam trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Tin rằng, đây chỉ là những khó khăn trước mắt, tạm thời, Việt Nam vẫn có những nền tảng tốt để phục hồi và phát triển bền vững trong trung hạn và dài hạn, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội Việt Nam sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam.

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội đã lắng nghe ý kiến của gần 20 doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam trong bối cảnh thích ứng với dịch bệnh Covid-19 và phục hồi sau đại dịch. Các doanh nghiệp đều khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc tiếp tục duy trì hoạt động tại Việt Nam, ủng hộ mục tiêu kép cũng như chuyển sang trạng thái bình thường mới của Việt Nam; đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị chính sách cụ thể để bảo đảm duy trì sản xuất kinh doanh an toàn trong quá trình ứng phó với dịch bệnh.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp Hoa Kỳ đã phản ánh mối quan tâm chung của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Đánh giá rất cao cam kết và các đề xuất của doanh nghiệp Hoa Kỳ dù hiện nay Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, càng trong những lúc khó khăn chúng ta càng tìm ra nhiều cơ hội để vượt lên.

Mở cửa trở lại ở quy mô thực sự, đầy đủ

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội đã trực tiếp trả lời các vấn đề doanh nghiệp quan tâm liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội. Trong đó, các doanh nghiệp Hoa Kỳ mong muốn Chính phủ Việt Nam duy trì cam kết mở cửa lại nền kinh tế và không trở lại phong tỏa khi các ca lây nhiễm xuất hiện bởi với việc tiêm chủng ngày càng tăng, cách ly giao tiếp xã hội, xét nghiệm và các biện pháp khác, kinh nghiệm đã chỉ ra rằng có thể mở cửa trở lại ngay cả khi Covid ở trong cộng đồng. Các doanh nghiệp cũng chia sẻ ưu tiên cấp bách nhất hiện nay là cho phép mở cửa trở lại ở quy mô thực sự, đầy đủ; nhấn mạnh không có khoản trợ cấp hoặc giảm thuế nào quan trọng bằng việc cho phép mở cửa trở lại rộng rãi, bền vững. Trong đó, việc mở cửa trở lại này cần được đơn giản hóa và hài hòa giữa các tỉnh và địa phương. Bởi mạng lưới các quy định, khu vực, yêu cầu khác nhau đang khiến người dân rất khó di chuyển, doanh nghiệp mở cửa trở lại và hàng hóa lưu thông. Sự nhất quán và hài hòa là rất quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hiện nay, Việt Nam đang chuyển hướng về chiến lược phòng, chống dịch theo hướng sống chung, an toàn và thích ứng với dịch Covid-19 và mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn tốt của thế giới để ứng phó với đại dịch vừa bảo đảm kiểm soát tốt dịch bệnh, cân bằng được các lợi ích về y tế với các lợi ích về kinh tế xã hội khác, vừa phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch. Quốc hội và Chính phủ Việt Nam cũng đang nghiên cứu xây dựng chiến lược và khung khổ chính sách thích ứng, phục hồi kinh tế để thống nhất áp dụng từ Trung ương đến địa phương có tính đến sự linh hoạt điều chỉnh nhất định cho phù hợp với từng địa phương. TP. Hồ Chí Minh hiện cũng đang đề xuất liên kết với các tỉnh ở khu vực Đông Nam Bộ trong việc phục hồi kinh tế và phòng, chống đại dịch. Chủ tịch Quốc hội mong muốn các doanh nghiệp Hoa Kỳ đóng góp, hiến kế cho Việt Nam trong việc hoàn thiện dự thảo khung khổ chính sách thích ứng và phục hồi kinh tế. “Chúng tôi xác định, dự thảo Khung khổ chính sách này phải được thảo luận hết sức kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, nhưng phải quyết định một cách rất quyết đoán và tổ chức thực hiện một cách rất quyết liệt, thống nhất”, Chủ tịch nhấn mạnh.

Lãnh đạo USABC và các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại các điểm cầu 

Sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ

Về đề xuất của các doanh nghiệp Netflix, IBM, MasterCard liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển ngành công nghiệp điện ảnh, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, một trong những động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới đây là dựa nhiều vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhấn mạnh yếu tố con người. Vì vậy, xây dựng và kiến tạo một hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam là vấn đề được Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm. Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Hoa Kỳ và USABC tiếp tục đóng góp ý kiến cho Việt Nam trong lĩnh vực này, nhất là về chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số.

Riêng đối với dự luật Điện ảnh (sửa đổi), vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam đã yêu cầu cơ quan soạn thảo phải đáp ứng được hai yêu cầu lớn: một là, quan điểm phát triển điện ảnh không chỉ là một loại hình văn hóa nghệ thuật mà còn là một ngành công nghiệp văn hóa, một ngành kinh tế mới nổi. Vì vậy, dự luật này phải tạo ra hành lang pháp lý để thúc đẩy điện ảnh phát triển với tư cách là một ngành kinh tế, tuân theo các quy luật của một ngành kinh tế. Hai là, ngành điện ảnh ngày nay phải đáp ứng được yêu cầu về sản xuất, lưu hành, phát hành trong môi trường số. Rõ ràng có những chính sách không thể áp dụng chung cho điện ảnh truyền thống và điện ảnh trong môi trường số. Do đó, phải đặt vấn đề tiền kiểm và hậu kiểm phù hợp. Quốc hội đang tiếp tục thảo luận về vấn đề này và cam kết sẽ bảo đảm tốt nhất theo các thông lệ và luật pháp quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận các kiến nghị về giảm, giãn, hoãn thuế, phí và cho biết, vừa qua, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp. Tại tọa đàm chuyên gia trong nước và quốc tế về kinh tế - xã hội vừa được Quốc hội tổ chức cũng đã thống nhất cần tiếp tục có các gói hỗ trợ từ cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trong đó chú trọng hơn các chính sách tài khóa nhằm đóng góp nhiều hơn cho việc hỗ trợ doanh nghiệp, không chỉ giãn, hoãn các khoản thuế mà còn hỗ trợ cho cả các doanh nghiệp đang bị thua lỗ, đang gặp khó khăn về dòng tiền hoặc hỗ trợ bằng tiền mặt cho người lao động và người sử dụng lao động. Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam cũng đã gợi ý với Chính phủ nghiên cứu, có các chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp thua lỗ thông qua các chính sách giúp giảm chi phí đầu vào, chi phí về nhân công hoặc cho phép chuyển lỗ vào các thời kỳ sau nhiều hơn so với quy định của pháp luật hiện hành. Các giải pháp này đang được các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ tích cực nghiên cứu, xây dựng.

 

Ưu tiên hoàn thiện thể chế thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng và đổi mới sáng tạo

Chủ tịch Quốc hội cũng trao đổi với USABC và các doanh nghiệp Hoa Kỳ về các ưu tiên của Quốc hội Việt Nam trong nhiệm kỳ Khóa XV, khẳng định, Quốc hội sẽ đổi mới hoạt động cả trong lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia. Trong đó, ưu tiên xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, có tuổi thọ lâu dài, có thể tiên liệu, bảo đảm tính công khai, minh bạch, đáp ứng được yêu cầu kiến tạo, phát triển và hội nhập quốc tế. Quốc hội Việt Nam cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa về tổ chức và hoạt động theo hướng tinh gọn và hiệu quả hơn, tăng cường với phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm soát quyền lực; tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chú trong hơn đến tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh cải cách tư pháp; đảm bảo quyền công dân đi đôi với tăng cường trật tự, kỷ cương xã hội.

Về công tác hoàn thiện thể chế của Việt Nam trong 5 năm tới, lập pháp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, sẽ dành ưu tiên nhiều hơn cho việc thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng, hiệu quả và đổi mới sáng tạo; rà soát sửa đổi hệ thống pháp luật hiện có, bổ sung những quy định mới, quan điểm mới theo chủ trương Đại hội XIII của Đảng; đồng thời thích ứng với đại dịch Covid-19.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ này, căn cứ Nghị quyết đại hội XIII của Đảng, Quốc hội đã xây dựng định hướng trong cả nhiệm kỳ 5 năm để thể chế hóa những chính sách mới, trong đó có nhiều vấn đề quan trọng như khoa học cộng nghệ, đổi mới sáng tạo, liên quan đến yếu tố con người. Đồng thời, kiến tạo phát triển, tạo nền tảng cho kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; coi trọng khoa học công nghệ, kinh tế hóa ngành tài nguyên thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, thực hiện các sandbox ở quy mô quốc gia theo thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay Chính phủ.

Quốc hội Việt Nam cũng sẽ tiếp tục có các chính sách mới hoặc sửa đổi pháp luật nhằm củng cố các thành quả về “tam nông”; xây dựng thể chế chính sách, chiến lược về phát triển đô thị và kinh tế đô thị, liên kết kinh tế vùng và có cơ chế đặc thù cho một số địa phương trọng điểm.

Tiếp tục củng cố thành quả tái cơ cấu kinh tế về đầu tư, doanh nghiệp nhà nước, tài chính ngân sách. Theo đó sẽ chú trọng nhiều hơn đến việc thúc đẩy cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư công và đầu tư tư nhân, sửa đổi Luật Đất đai.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, công tác giám sát là một trong những trọng tâm đổi mới hoạt động của Quốc hội Việt Nam trong nhiệm kỳ này. Quốc hội sẽ tăng cường giám sát thực thi luật, giám sát việc ban hành và tổ chức thực thi các nghị định, thông tư của Chính phủ và giám sát các hoạt động của Chính phủ, tăng cường hơn nữa trách nhiệm giải trình đối với tổ chức và cá nhân; tiếp tục xem xét đánh giá tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn các doanh nghiệp của Hoa Kỳ và USABC sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động đối thoại chính sách với các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội Việt Nam, không chỉ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn mà còn phải hướng đến mục tiêu win-win (đôi bên đều có lợi), cả Chính phủ và doanh nghiệp đều thắng, Chính phủ thì nâng cao năng lực quản trị quốc gia, doanh nghiệp nâng cao được năng lực quản trị doanh nghiệp, qua đó, nền kinh tế và người dân, người lao động sẽ được hưởng lợi.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các doanh nghiệp Hoa Kỳ tích cực góp ý cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam trên tinh thần trách nhiệm, chia sẻ để hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu cuộc sống ở Việt Nam và dần hướng theo các chuẩn mực, tiêu chuẩn quốc tế. “Trong ngày một, ngày hai Việt Nam chưa thể bắt kịp trình độ của các nước đã có nền tảng lập pháp hàng trăm năm, nhưng chúng tôi sẽ đẩy mạnh cải cách, đổi mới. Chúng tôi đi sau nên sẽ phải đi nhanh hơn, có bước đi và lộ trình phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam và xu hướng phát triển của thế giới”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội cũng mong muốn USABC và các doanh nghiệp chia sẻ kiến thức chuyên môn và các thực tiễn tốt nhất trong phòng chống đại dịch Covid-19; kêu gọi hỗ trợ trực tiếp về vaccine, thuốc, vật tư trang thiết bị y tế cho Việt Nam nhiều hơn nữa, nhanh hơn nữa. Chủ tịch Quốc hội cũng kêu gọi các doanh nghiệp Hoa Kỳ chung tay hiện đại hóa ngành y tế của Việt Nam, trong khó khăn thử thách hiện nay càng thấy được tiềm năng hợp tác phát triển của ngành y tế, hiện đại hóa cùng với tăng cường y tế cơ sở.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết các kiến nghị, đề xuất của các Đại sứ và doanh nghiệp Hoa Kỳ trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã được chỉ đạo và đang xử lý triệt để, thể hiện trong các Nghị quyết của Quốc hội, các văn bản của Chính phủ, các Bộ, ngành. Các kiến nghị của doanh nghiệp Hoa Kỳ tại cuộc làm việc liên quan đến điều hành của Chính phủ, các bộ ngành, Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ chuyển tới lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành để xem xét, xử lý.

Thay mặt các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc USABC Ted Osius trân trọng cảm ơn những trao đổi, chia sẻ hết sức cụ thể, thẳng thắn của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; đặc biệt đánh giá cao sự tích cực, chủ động và thiện chí của lãnh đạo Quốc hội Việt Nam khi tổ chức cuộc đối thoại này theo đề nghị của USABC. Trên cơ sở phiên làm việc trực tuyến đầu tiên giữa lãnh đạo Quốc hội Việt Nam với các doanh nghiệp, ông Ted Osius tin tưởng đây sẽ là cơ sở để hai bên tiếp tục phát huy trong tương lai để thảo luận, trao đổi về những vấn đề cùng quan tâm.

Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc điều hành Khu vực của Hội đồng Michael Michalak cho rằng cuộc đối thoại lần này đã mở ra chân trời mới trong hợp tác phát triển quan hệ hợp tác giữa USABC với các cơ quan của Quốc hội Việt Nam và khẳng định cam kết của USABC sẵn sàng trao đổi, thảo luận, cử ra bộ phận thường trực trong hợp tác với Quốc hội Việt Nam cũng như sẽ làm việc với các cơ quan của Quốc hội Hoa Kỳ để thúc đẩy hợp tác giữa hai bên.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản