Tin mới

Gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị

(Mặt trận) - Gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị là một trong những nội dung được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII sáng qua. Đây cũng là nội dung mới nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng - một trong hai nhóm vấn đề lớn được Trung ương xem xét, thảo luận và quyết định tại Hội nghị lần này.

CHỐNG LÃNG PHÍ

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường

 

Đã đến lúc phải chủ động tiến công mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa

Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn luôn là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta. Khẳng định điều này, Tổng Bí thư nêu rõ, không phải ngẫu nhiên mà Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này. Chỉ tính riêng 10 năm gần đây, Trung ương đã bàn, ban hành nhiều nghị quyết, quyết định quan trọng và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một cách ráo riết, quyết liệt, có hiệu quả, trong đó có Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII "về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ".

Thực hiện hai Nghị quyết quan trọng này và các quyết định, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Người đứng đầu Đảng ta khẳng định, trong thời gian qua, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, được toàn Đảng, toàn dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Tuy nhiên, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản, thậm chí có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những nhiệm vụ cơ bản để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện; trong đó khẳng định tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI, Khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị Trung ương 4 lần này sẽ tiếp tục thảo luận, tạo sự thống nhất cao về các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ".

Một trong những nội dung Tổng Bí thư đề nghị Trung ương cho ý kiến, thảo luận, đó là sự cần thiết, đúng đắn của việc ban hành Kết luận của Hội nghị Trung ương lần này về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII với tên gọi, chủ đề và phạm vi mới của dự thảo Kết luận. Trong đó, cần chỉ rõ có gì cần bổ sung, điều chỉnh. Đặc biệt, phải “gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị vì Đảng ta là Đảng cầm quyền”, Tổng Bí thư gợi mở. Đây là nội dung rất mới của lần này. Lâu nay, chúng ta tập trung cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thì lần này cần gắn với xây dựng hệ thống chính trị. Và, “cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải tích cực phòng ngừa và chủ động, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực...”.

Với nội dung “tiêu cực”, vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp bàn, kiến nghị và được Bộ Chính trị đồng ý, thống nhất rất cao, quyết định sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo để chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực (Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - PV). Vấn đề cần bàn tại Hội nghị lần này, đó là tiêu cực là cái gì? Từ đó, đánh giá đúng tình hình và nguyên nhân; xác định rõ mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những chủ trương, biện pháp phù hợp đối với từng nội dung, vấn đề, nhất là những giải pháp có tính đột phá trong nhiệm kỳ này.

Trên cơ sở kế thừa các nghị quyết của Trung ương trước đây, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI và XII, Người đứng đầu Đảng ta đề nghị Trung ương nghiên cứu, bổ sung, làm rõ hơn nữa yêu cầu phòng, chống không chỉ tham nhũng mà còn cả đối với tiêu cực; và “không phải chỉ có ngăn chặn, đẩy lùi mà phải kiên quyết đấu tranh, xử lý”. Thực tế cho thấy, sau 10 năm thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ then chốt xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách ráo riết, quyết liệt, có hiệu quả, thì “đã đến lúc phải chủ động tiến công, chứ không phải chỉ có ngăn ngừa, đẩy lùi”; đồng thời “phải xử lý nghiêm, có nhiều biện pháp để chống mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa”. Cho nên, một trong những nội dung Trung ương cần tập trung làm rõ tại Hội nghị lần này: Biểu hiện tiêu cực là thế nào? Mức độ đến đâu? Nguyên nhân là gì? Tác hại ra sao?

Phải đánh tận gốc

Tiêu cực ở đây, theo Tổng Bí thư, gồm “nhiều thứ lắm”. Lãng phí cũng là tiêu cực. “Quan hệ lằng nhằng” cũng là tiêu cực. Tuy nhiên, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, sự xuống cấp về phẩm chất, đạo đức chính là cái gốc của tham nhũng. “Nếu không suy thoái về đạo đức, mà đạo đức anh tốt thì cần gì tham nhũng; chính vì suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho nên anh mới tham nhũng. Tham nhũng là một biểu hiện của sự suy thoái, cho nên phải đánh tận gốc”.

Nói cách khác, “tiêu cực ở đây hiểu theo nghĩa là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, mang nặng chủ nghĩa cá nhân và phải đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân”. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, chủ nghĩa cá nhân là “giặc nội xâm”, là “kẻ thù hung ác”, là một thứ “rất gian giảo, xảo quyệt”, “nó không mang gươm, mang súng nhưng vô cùng nguy hiểm”, “nó kéo người ta xuống dốc không phanh”. Chính chủ nghĩa cá nhân làm hư hỏng con người, nhất là đối với những người có chức, có quyền, có vây, có cánh, cho nên phải kiên quyết đấu tranh “quét sạch” nó đi, phải triệt tận gốc, chứ không chỉ có “ngăn chặn, đẩy lùi”. Chỉ ra gốc rễ của vấn đề, Tổng Bí thư nêu rõ, vừa qua, chúng ta làm được một bước, có thêm kinh nghiệm, thì bây giờ cần tiến thêm một bước nữa; như vậy, “cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta mới có hiệu quả một cách căn cơ”. Cho nên, cùng với việc tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng như lâu nay đã và đang làm, thì lần này phải quyết tâm làm mạnh hơn nữa, thì sức răn đe sẽ rất lớn.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, Tổng Bí thư đề nghị Trung ương đi sâu phân tích, mổ xẻ, làm rõ, chỉ ra đúng căn nguyên, đề ra các biện pháp chữa trị hữu hiệu. Cho ý kiến cụ thể đối với việc Đề án kiến nghị: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cao nhất Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII; đồng thời tập trung ưu tiên thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tư tưởng chính trị, tự phê bình và phê bình; về tập trung hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách; về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia xây dựng Đảng. Những nhóm giải pháp nêu trên đã chính xác, đủ mạnh và khả thi để làm chuyển biến tình hình chưa? Cần bổ sung giải pháp nào, nội dung từng nhóm giải pháp cần lưu ý thêm vấn đề gì? Những giải pháp nào chúng ta có thể tổ chức thực hiện ngay; những giải pháp nào cần có thêm quy định, hướng dẫn; và cách thức tổ chức thực hiện thế nào?...

Cùng với việc xem xét, quyết định nhóm vấn đề về kinh tế - xã hội năm 2021 - 2022, trong đó trọng tâm là xác định rõ quan điểm, chủ trương về phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII lần này sẽ bàn, quyết đáp cụ thể một số vấn đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Như “tổng kết” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “3 khóa liên tục, Đại hội XI, XII, XIII, đều chọn Hội nghị Trung ương 4 là Hội nghị đầu mỗi khóa để bàn về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị - điều đó hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Mỗi Hội nghị đều có sự kế thừa và phát triển mới”. Sự kế thừa và phát triển mới lần này chính là việc Trung ương sẽ bàn, thảo luận và quyết định tiếp tục thực hiện có hiệu quả cao nhất Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII với điểm mới là gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị.

Với bước đi và cách làm bài bản, khoa học, thực tiễn, hợp lòng dân, cùng những kết quả rõ rệt đạt được, chắc chắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng sẽ tiếp tục tạo thêm nhiều dấu ấn mới, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Nhân dân, để Đảng ta thực sự “là đạo đức, là văn minh” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản