|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến thăm hỏi các đại biểu tham dự chương trình |
Tham dự chương trình có ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước.
Cùng tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
|
Đại biểu tham dự chương trình |
Cùng dự chương trình có đại diện Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam; lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ; Ban Nội chính Trung ương; Ban Dân vận Trung ương; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Ủy ban Dân tộc; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Trung ương Hội Nông dân Việt nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt nam, Hội Cựu thanh niên xung phong Việt nam, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
Về phía tỉnh Điện Biên có ông Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; lãnh đạo các huyện, thành phố của tỉnh Điện Biên.
Đặc biệt, chương trình có sự tham dự 139 đại biểu là các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, những người đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa - những nhân chứng sống của lịch sử, đã không quản ngại tuổi cao, sức yếu, đến từ thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội và các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình để tham dự chương trình.
|
Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại chương trình |
Cùng nhau nhắc nhở về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ
Phát biểu tại Chương trình, thay mặt UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trân trọng cảm ơn Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành tình cảm đặc biệt tới dự, chỉ đạo, động viên và sẽ trao tặng những phần quà thấm đượm nghĩa đảng, tình dân; đồng thời gửi tới các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, thân nhân gia đình liệt sỹ, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và các vị đại biểu lời thăm hỏi sức khỏe, những tình cảm quý trọng và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chia sẻ, nhớ lại 70 năm về trước, nắm chắc tình hình, âm mưu, thủ đoạn của địch, đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy kiêm chỉ huy trưởng mặt trận. Đồng thời thành lập Hội đồng cung cấp Mặt trận do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng, không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Người dặn dò Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “phải đánh thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”. Cả nước tập trung sức mạnh cho mặt trận Điện Biên Phủ, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.
Đúng ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ. Với sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với ý chí kiên cường, mưu trí, dũng cảm của một dân tộc anh hùng, quân và dân ta đã chiến đấu ngoan cường, “đánh chắc”, “tiến chắc”, đập tan các tuyến phòng thủ ở các hướng, 17h30 ngày 07/5/1954, Tướng Đờ Cát-xtơ-ri và Bộ Tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đầu hàng, bị bắt sống.
|
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy phát biểu tại chương trình. |
“Sau 56 ngày đêm “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Đó là bản anh hùng ca bất diệt, là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ và khẳng định, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tạo cơ sở quyết định việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sự lớn mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
“Có thể khẳng định rằng, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng của chính nghĩa của một dân tộc Việt Nam anh hùng. Chiến thắng đó được kết tinh bởi truyền thống yêu nước nồng nàn, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định.
Trong giờ phút trang trọng, xúc động của cuộc gặp mặt, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ, chúng ta bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã cống hiến trọn đời mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Chúng ta tưởng nhớ công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người chỉ huy tài tình, tư lệnh của chiến dịch Điện Biên Phủ.
“Tổ quốc ta, nhân dân ta, muôn đời con cháu chúng ta nhớ ơn các anh hùng, liệt sỹ, những người con ưu tú của dân tộc dâng hiến tuổi thanh xuân của mình, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến xúc động nói và chia sẻ, gương những người anh hùng còn sống mãi với non sông, đất nước: Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, Tạ Quốc Luật dẫn đầu tổ xung kích vượt qua “mưa bom, bão đạn” xông lên bắt sống tướng Đờ Cát-xtơ-ri và hàng vạn anh hùng, liệt sĩ khác đã hiến dâng trọn đời mình cho sự trường tồn của Tổ quốc.
"Sau 70 năm ngày chiến thắng vẫn còn nhiều liệt sỹ chưa xác định được thông tin, danh tính. Máu xương của các anh, các chị đã hóa vào lòng đất thiêng Tây Bắc, Điện Biên để hôm nay đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do; nhân dân được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc", Chủ tịch Đỗ Văn Chiến bày tỏ.
|
Những hình ảnh xúc động của đại biểu tham dự chương trình |
Nhấn mạnh chúng ta mãi mãi tri ân công sức của nhân dân trên mọi miền đất nước với hơn 240.000 người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đóng góp cho kháng chiến với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhắc tới Bà Lò Thị Đôi, chồng đi kháng chiến, bản thân mới sinh con nhưng vẫn lăn lộn ngày đêm vận động đồng bào Thái, Mường, Mông ở Mường Phăng gom góp, ủng hộ 9 tấn lúa, 5 con trâu cho chiến dịch, bà con nơi đây tuy còn nhiều khó khăn nhưng luôn sẵn sàng tiếp tế tất cả những gì có thể cho sở chỉ huy để đánh giặc.
Quên sao được hơn 30.000 chiếc xe đạp thồ trong chiến dịch đã vận chuyển hơn 23.000 tấn gạo, 266 tấn muối, gần 2.000 tấn thực phẩm cho chiến trường. Với lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc, các anh, các chị thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến mới làm được những việc phi thường, ông Ma Văn Thắng ở Thanh Sơn, Phú Thọ với dáng người mảnh khảnh mà một chuyến xe đạp thồ chở được 325kg hàng hóa phục vụ chiến dịch.
Chúng ta không xúc động, nghẹn ngào sao được khi ông Trịnh Đình Bầm ở xã Định Liên, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa nhà nghèo, không có xe đạp thồ, ông đóng xe cút kít để đi dân công, còn thiếu một bánh xe, ông đã kính cáo tổ tiên, gỡ bàn thờ hoàn thành chiếc xe cút kít để lên Điện Biên chở hàng hóa phục vụ chiến trường. Còn hàng ngàn, hàng vạn người nữa chưa thể kể tên đã hy sinh xương máu, góp công, góp sức cho chiến thắng Điện Biên Phủ, cho độc lập tự do của Tổ quốc. Tên của các anh, các chị đã thành tên non sông, đất nước Việt Nam...
|
Đại biểu tham dự chương trình |
Tri ân 13.836 đồng chí trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ
Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân đã, đang và sẽ làm hết sức mình để nhớ ơn công lao của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Bằng tất cả những gì có thể làm được để đền đáp một phần sự hy sinh, mất mát của các anh, các chị, các đồng chí.
Với tinh thần đó, nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và 54 tỉnh, thành phố tổ chức tri ân những người đã trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Do 70 năm đã trôi qua, không thể vượt qua được quy luật sinh tử, nhiều người đã về với Bác Hồ, Bác Giáp.
Dịp này, chúng ta chỉ còn được gặp mặt, tặng quà, tri ân 13.836 đồng chí thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
“Cuộc tri ân này được tổ chức rộng khắp ở hầu hết các tỉnh, thành phố để cùng nhau nhắc nhở về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ và tuyên truyền, giáo dục truyền thống để mọi thế hệ người Việt Nam tiếp tục phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến trân trọng đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và toàn xã hội tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thiết thực chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công: “Bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo toàn diện cả vật chất và tinh thần, có mức sống trung bình khá trở lên, so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú”.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng mong muốn và trân trọng đề nghị người có công và gia đình người có công trên phạm vi cả nước tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của gia đình, động viên con cháu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phấn đấu trở thành cán bộ tốt, công dân gương mẫu, nỗ lực cao nhất, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đóng góp công sức xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam muôn vàn yêu dấu của chúng ta.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định, phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc và khí thế hào hùng của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đoàn kết một lòng, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, huy động mọi nguồn lực ở trong nước cùng với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, xây dựng đất nước ta phát triển nhanh, bền vững hơn.
"Với lời hiệu triệu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, nhất định chúng ta sẽ phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra; nhất định chúng ta sẽ hiện thực hóa được khát vọng xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng.", Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định.
|
Cụ Bùi Kim Điều, nguyên Tiểu đội phó tiểu đội thông tin, thuộc Đại đoàn 312 phát biểu tại chương trình |
Là người đã trực tiếp làm giao liên, truyền tin nhiệm vụ bao vây đánh chiếm đồi Độc Lập trong chiến dịch 56 ngày đêm với cựu chiến binh Bùi Kim Điều, nguyên Tiểu đội phó tiểu đội thông tin, thuộc Đại đoàn 312, những ký năm xưa dường như vẫn vẹn nguyên.
Ông Bùi Kim Điều kể lại, đúng 17 giờ (ngày 13/3/1954) sau mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 40 khẩu pháo cỡ nòng 75 đến 120 ly đồng loạt nhả đạn vào các vị trí của quân Pháp trong cứ điểm Him Lam, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cuộc chiến đã diễn ra vô cùng ác liệt, đến 23 giờ 30 phút quân ta đã giành thắng lợi tiêu diệt trung tâm đề kháng cứ điểm Him Lam, diệt 200 tên địch, bắt 370 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị...
7 giờ 30 phút ngày 14/3/1954, quân địch tổ chức lực lượng phản kích hòng chiếm lại Him Lam nhưng bị thất bại và tiếp tục bị thiệt hại nặng nề, phải từ bỏ hoàn toàn ý định chiếm lại cứ điểm Him Lam. Trận đánh mở màn đã thành công ngoài mong đợi. Sau đó, đơn vị ông lại được giao nhiệm vụ tiếp tục bao vây đánh chiếm đồi Độc Lập, lúc này do bom đạn phá huỷ làm mất thông tin liên lạc, có một công văn khẩn của trung đoàn (kí hiệu là Nam Ninh) gửi cấp tốc xuống 3 tiểu đoàn kí hiệu: Nam Kế, Nam Tiến, Nam Thắng, lúc đó ông cùng 2 đồng chí nhận nhiệm vụ làm giao liên đưa công văn.
“Từ trung đoàn xuống tiểu đoàn chỗ xa nhất 3 km chúng tôi phải chạy, luồn lách qua giao thông hào, lúc không có giao thông hào thì phải khom lưng chạy trong mịt mù của đạn pháo binh. Lúc này có 2 đồng chí bị thương, còn lại một mình tôi, lúc đó tôi lo nhất là không mang kịp công văn đến các tiểu đoàn, trong đầu chỉ nghĩ phải nhanh chóng đưa kịp công văn hoả tốc và tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” ông Bùi Kim Điều nhớ lại.
Chiến dịch giành thắng lợi, đơn vị của ông được vinh dự mừng chiến thắng ở Mường Phăng, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì, được Đại tướng khen ngợi, biểu dương thành tích vì được tin tưởng giao nhiệm vụ tham gia đánh trận mở màn dành thắng lợi vang dội. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật đã trực tiếp cùng đơn vị bắt sống tướng Đờ Cát - xtơ - ri. Đơn vị có 5 anh hùng được tuyên dương, Đại đoàn được Bác Hồ uỷ nhiệm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao lá cờ quyết chiến, quyết thắng, Đại đoàn trưởng: Lê Trọng Tấn lên nhận lá cờ quyết chiến, quyết thắng của Bác Hồ
“Chúng tôi, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa, xin hứa với Anh linh các anh hùng liệt sỹ, với đồng chí, đồng đội của mình, với Đảng, Nhà nước và nhân dân sẽ tiếp tục phát huy tốt truyền thống của người chiến sỹ cách mạng, giữ vững phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ” thực sự là tấm gương mẫu mực cho thế hệ trẻ học tập, noi theo, góp phần cùng Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên xây dựng tỉnh Điện Biên phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng với tầm vóc lịch sử Điện Biên Phủ anh hùng”, ông Bùi Kim Điều xúc động nói.
|
Cụ Dương Chí Kỳ, sinh năm 1934, đến từ thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại chương trình |
Phát biểu tại chương trình, cụ Dương Chí Kỳ, sinh năm 1934, đến từ thành phố Hồ Chí Minh, nay đã 90 tuổi, 70 tuổi đảng, 55 tuổi quân ngũ cũng bồi hồi nhớ lại chuyện xưa. Năm 1953, nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ, ông cùng các thế hệ thanh niên thời ấy, xếp bút nghiên, tình nguyện nhập ngũ, trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ thuộc Trung đoàn E.174, Sư đoàn 316, tham gia đánh giặc cho đến ngày 7-5-1954, sau đó thực hiện nhiệm vụ áp giải tù binh về xuôi. Sau này, ông lại trở lại chiến trường Điện Biên Phủ thu dọn chiến trường, xây dựng nông trường Điện Biên trước khi trở lại Hà Nội học tập.
Được trở lại Điện Biên phủ thăm chiến trường xưa, thắp nén tâm nhang viếng các anh hùng liệt sĩ, thăm lại Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam, cụ Dương Chí Kỳ không giấu nổi tâm trạng vừa hạnh phúc, vừa bùi ngùi nhớ đồng đội cũ. “Các chiến sĩ Điện Biên năm xưa có thể nói đầu đội trời chân đạp đất, áo mộc, anh dũng chiến đấu noi theo các anh hùng Ngô quyền, Nguyễn Huệ, Bà Trưng, Bà Triệu, viết tiếp bảng anh hùng ca sau chiến thắng của dân tộc”, cụ Dương Chí Kỳ chia sẻ. Hình ảnh những chiếc xe thồ nối đuôi nhau chở lương thực, đạn dược ra chiến trường không bao giờ có thể phai mờ trong tâm khảm người lính Điện Biên Phủ.
Nhắc lại tầm vóc vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ, cụ Dương Chí Kỳ bày tỏ, 70 năm đã qua, Điện Biên Phủ đã thay da đổi thịt, ánh điện đã rọi sáng đến từng thôn bản. Là một nhân chứng lịch sử, trở lại chiến trường xưa, thắp nén tâm nhang viếng đồng đội cũ, cụ chỉ mong hế hệ con cháu các dân tộc Tây Bắc, cháu chắt của Bác Hồ học tập rèn luyện, noi gương các anh hùng liệt sĩ năm xưa, rèn luyện, tu dưỡng, chiến thắng mọi khó khăn gian khổ đưa quê hương Điện Biên Phủ ngày càng khang trang hơn nữa, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của người lính Điện Biên năm xưa.
Kết thúc bài phát biểu, cụ Dương Chí Kỳ chỉ có một tâm nguyện, những liệt sĩ Điện Biên được quy tập, nhang khói đầy đủ, những thương binh, bệnh binh Điện Biên Phủ được chăm lo để có cuộc sống hạnh phúc.
“Chia tay Hồng Cúm, Him Lam, đồi A1, chia tay đồng đội, tôi lại trở về TPHCM xa xôi, xin gửi lại đây nghĩa tình với mảnh đất Điện Biên”, cụ Dương Chí Kỳ cúi đầu trước khi kết thúc bài phát biểu. Cả hội trường như lặng đi, những giọt nước mắt thầm rơi trên gương mặt nhiều chiến sĩ Điện Biên…
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại chương trình |
Đỉnh cao chói lọi, kỳ tích vẻ vang, "cột mốc vàng" trong lịch sử
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết chuyển lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc sức khỏe, lời chúc mừng tốt đẹp nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến các bác, các cô chú, các anh chị chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã góp phần quan trọng làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
"Ngày hôm nay, chúng ta bồi hồi, xúc động được gặp lại những tấm gương, hình ảnh ấy, cảm nhận tinh thần hăng hái, phấn khởi ấy từ 139 đại biểu đại diện chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến có mặt tại đây - đại diện cho những người con ưu tú của đất nước đã cống hiến sức lực, máu thịt của mình để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ - một trong những đỉnh cao chói lọi, kỳ tích vẻ vang và "cột mốc vàng" trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta; xứng đáng được ghi vào lịch sử như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa trong thời đại Hồ Chí Minh. Tôi vô cùng xúc động, như được tiếp thêm động lực, truyền cảm hứng và vui mừng khi thấy các bác, các cô chú, các anh chị, mặc dù hầu hết tuổi đã rất cao nhưng vẫn khỏe, minh mẫn và tràn đầy nhiệt huyết, nhất là khi chúng ta được lắng nghe chia sẻ, tâm sự của bác Bùi Kim Điều và bác Dương Chí Kỳ, rất xúc động, đầy cảm hứng và rất yêu đời", Thủ tướng phát biểu.
Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người anh hùng dân tộc vĩ đại, Danh nhân văn hóa thế giới, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, tiến hành trận quyết chiến quyết thắng Điện Biên Phủ, giành thắng lợi quyết định, đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn. Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt - "Một dấu mốc bằng vàng chói lọi" trong lịch sử dân tộc ta, non sông đất nước ta.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao quà tặng 139 đại biểu là chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ có mặt tại sự kiện - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
"Trong giờ phút này, chúng ta thành kính tưởng nhớ và biết ơn vô hạn công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam anh hùng; chúng ta bồi hồi tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp kính mến - Người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, những chiến sĩ, những đồng chí, đồng bào đã anh dũng hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa; chúng ta tri ân sâu sắc đồng bào, chiến sĩ cả nước, các nước anh em, bạn bè quốc tế đã đoàn kết, đồng lòng, kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi để góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Việt Nam trở thành ngôi sao sáng của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới", Thủ tướng xúc động.
Theo Thủ tướng, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngược lại với số quân đông, hoả lực mạnh, công sự vững chắc của địch tại tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương, "một pháo đài bất khả xâm phạm", các chiến sĩ, đồng bào ta phải đối mặt với vô vàn hiểm nguy, gian khổ, khó khăn, thách thức.
Tuy nhiên, với tinh thần "Tất cả vì mặt trận", "Tất cả cho tiền tuyến", "Tất cả để chiến thắng", sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy cao độ với ý chí quật cường, Đảng ta đã lãnh đạo quân và dân cả nước đoàn kết đồng lòng, dồn sức người, sức của để Điện Biên Phủ trở thành chiến thắng quyết định, đập tan dã tâm xâm lược của các thế lực đế quốc, thực dân; góp phần quan trọng giành lợi thế lớn trên bàn đàm phán Hiệp định Geneve, mở ra trang mới vẻ vang cho cách mạng, cho dân tộc Việt Nam năm 1954.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường tặng quà cho 15 đại biểu tại chương trình |
Theo Thủ tướng, đó là chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, của lương tri và phẩm giá con người, được thể hiện bằng sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng tạo, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường.
Đó là chiến thắng của chính nghĩa, của dân tộc Việt Nam anh hùng, của sự đoàn kết "quân với dân một ý chí", của tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường, quyết chiến và khát khao chiến thắng của toàn quân, toàn dân ta, vì "không có gì quý hơn độc lập, tự do".
Đó là chiến thắng của sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; trong đó có sự ủng hộ, giúp đỡ, hỗ trợ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhất là các nước trên bán đảo Đông Dương.
"Chúng ta không bao giờ quên những tấm gương anh dũng, mưu trí, sáng tạo, làm rạng danh truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc ta như anh hùng Tô Vĩnh Diện, anh hùng Bế Văn Đàn, anh hùng Phan Đình Giót… cùng hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ, đồng bào đã kiên cường, dũng cảm không sợ hy sinh, gian khổ với tinh thần "thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ", "quyết tử để Tổ quốc quyết sinh".
Chúng ta không bao giờ quên hình ảnh nhân dân ta từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến miền xuôi, từ biển đảo đến đất liền, già, trẻ, gái, trai đều nghe theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, ra sức thi đua xây dựng hậu phương vững chắc, giết giặc lập công; hay hình ảnh của "binh chủng xe đạp thồ" với hàng nghìn chiếc ngày đêm vận chuyển trên cung đường dài gần 1,5 nghìn km, góp sức người, sức của bảo đảm điều kiện tốt nhất cho chiến trường, tiếp thêm ý chí quyết chiến, quyết thắng cho các lực lượng vũ trang trên tiền tuyến.
Chúng ta không bao giờ quên tinh thần hăng hái, phấn khởi của các đoàn dân công lên đường với niềm tin tất thắng; hàng vạn người ngày đêm xẻ núi, bạt rừng, mở hàng nghìn km đường giao thông vận chuyển vũ khí, lương thực cho Chiến dịch. "…Và những chị, những anh ngày đêm ra tiền tuyến/ Mấy tầng mây gió lớn mưa to/ Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát/ Dù bom đạn xương tan, thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xuân…"", Thủ tướng nhấn mạnh.
|
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến thăm hỏi đại biểu tham dự chương trình |
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách ưu đãi người có công
Thủ tướng cho biết, những năm qua, với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây", Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm và lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa với tinh thần trách nhiệm, tấm lòng trân trọng và sự biết ơn sâu sắc; đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ cụ thể, thiết thực đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, những người có công với cách mạng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên và nghĩa tình, trách nhiệm, tri ân sâu sắc, nhân văn.
Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, hưởng ứng Chương trình "Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc", tỉnh Điện Biên đã hoàn thành 100% việc làm nhà Đại đoàn kết cho 5 nghìn hộ gia đình nghèo và cận nghèo, thể hiện sự quan tâm sâu sắc, hưởng ứng tích cực của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, đời sống của một bộ phận thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng còn khó khăn; nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính...
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện thật tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể.
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về sự hy sinh, cống hiến to lớn của những người có công với cách mạng để thúc đẩy khơi dậy lòng yêu nước, phát huy mạnh mẽ truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, ý thức trách nhiệm đối với lịch sử và khát vọng cống hiến cho non sông, cho Tổ quốc.
Thứ hai, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách ưu đãi người có công, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và gia đình có công với cách mạng. Quan tâm hơn nữa đến người có công có hoàn cảnh khó khăn, sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình người có công ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn; tích cực ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa để giúp các gia đình chính sách khắc phục khó khăn, cải thiện cuộc sống; không để người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.
Thứ tư, đẩy mạnh nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi, phát huy vai trò của người có công, thương binh, bệnh binh và gia đình có công với cách mạng, nhất là trong sản xuất kinh doanh, kinh tế hộ gia đình, kinh tế tập thể.
|
Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính tặng quà cho đại biểu tham dự chương trình |
|
Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng quà cho đại biểu tham dự chương trình |
|
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng quà cho đại biểu tham dự chương trình |
Thứ năm, chú trọng xây dựng và chỉnh trang không gian, cảnh quan nghĩa trang liệt sĩ bảo đảm khang trang, sạch đẹp, thể hiện sự thiêng liêng, tôn kính, để nơi đây trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng hào hùng của dân tộc cho các thế hệ mai sau.
Thứ sáu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý dữ liệu thông tin, hình ảnh, kỷ vật về các anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh; xác định ADN đối với các trường hợp liệt sĩ chưa rõ thông tin, đây là việc làm hết sức ý nghĩa và Chính phủ đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư cho lĩnh vực này.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Điện Biên tiếp tục kế thừa, phát huy tinh thần và Chiến thắng Điện Biên Phủ, đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng, phát triển tỉnh Điện Biên nhanh và bền vững, giữ vững biên cương vùng Tây Bắc của Tổ quốc, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc. Đây cũng là mong muốn và gửi gắm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Nhân cuộc gặp gỡ, Thủ tướng mong muốn và tin tưởng các bác, các cô chú, các anh chị chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến sẽ không ngừng phát huy truyền thống, ý chí tự lực, tự cường, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, luôn là tấm gương sáng, sôi động; tạo động lực, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ noi theo.
"Ðã 70 năm trôi qua nhưng ý nghĩa và bài học lịch sử của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn luôn là động lực mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh to lớn, niềm tin vững chắc cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng đất nước Việt Nam ta ngày càng hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no", Thủ tướng phát biểu.
|
|
|
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu tham dự chương trình |
|
Chương trình nghệ thuật đặc sắc tại chương trình |
Hương Diệp - ảnh Quang Vinh