Tham dự Hội nghị có ông Đặng Thanh Giang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Bình, cùng đại diện các tổ chức thành viên và Mặt trận các huyện, thị trong tỉnh Thái Bình.
Toàn cảnh Hội nghị.
Ông Đặng Thanh Giang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Bình cho biết, trong những năm qua, Thái Bình đã có những chuyển biến nhất định trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, đóng góp vào sự ổn định để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Mặt trận các cấp trong tỉnh đã phát huy vai trò và trách nhiệm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận xã hội trong các tầng lớp nhân dân trong thi đua phát triển kinh tế, nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng kế hoạch, duy trì hoạt động 25 điểm câu lạc bộ, nhóm nòng cốt tuyên truyền giáo dục pháp luật. Trong đó phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ 8 huyện, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Luật MTTQ Việt Nam và quy chế giám sát, phản biện xã hội; tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho thành viên Ban Thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng ở 286/286 xã, phường, thị trấn.
Đồng thời, thông qua hoạt động tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, đã tuyên truyền, phổ biến, tư vấn, giải thích, trợ giúp kiến thức pháp luật có hiệu quả đến người trực tiếp gửi đơn, thư khiếu nại, tố cáo, góp phần làm giảm bức xúc trong nhân dân. Tính đến tháng 10/2017, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp nhận, phân loại, xử lý 35 đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân trong tỉnh.
Ông Giang cho biết, thực tế hiện nay ở Thái Bình có những cử tri “chuyên nghiệp”, tỉnh đã tổ chức các đoàn đi tiếp xúc cử tri theo từng vấn đề như vấn đề xây dựng nông thôn mới, vấn đề văn hóa, xã hội và tiếp xúc với doanh nghiệp trong tỉnh nhằm giảm lượng cử tri nói trên.
Việc thể hiện quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân tỉnh Thái Bình được thể hiện rõ thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, hiện 186/263 xã trong tỉnh đã đạt 19 tiêu chí. Theo ông Đặng Thanh Giang, Thái Bình cũng là tỉnh được chọn thực hiện đánh giá sự hài lòng của người dân trước khi xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã phối hợp với huyện, với xã thực hiện việc khảo sát sự hài lòng của người dân tại 2 xã sẽ được công nhận nông thôn mới trong năm 2017 thông qua việc, xin ý kiến nhân dân, vận động nhân dân, quy hoạch, tổ chức thực hiện.
“Thành công trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân chính là việc công khai, minh bạch đối với người dân, thực hiện đúng theo chủ trương dân biết, dân làm, dân kiểm tra tại mỗi công trình xây dựng nông thôn mới. Từng địa phương đã tìm được giải pháp cụ thể trong từng dự án để từ đó tiến hành giải phóng mặt bằng, tránh sự bức xúc của nhân dân trước mỗi công trình xây dựng.”, ông Giang chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, chức năng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân trong những năm vừa qua đã được thực hiện hiệu quả thông qua việc phản ánh kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước mỗi kỳ họp Quốc hội; những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại báo cáo là những vấn đề lớn của xã hội và những nội dung cử tri và nhân dân quan tâm đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp.
Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp đã có nhiều nỗ lực trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải đáp những bức xúc của nhân dân trong vấn đề đất đai, giải phóng mặt bằng và thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217, 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng, như việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời, những vấn đề bức xúc và những điểm nóng trong nhân dân chưa được giải quyết dứt điểm; quá trình thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn tồn đọng kéo dài; hoạt động giám sát, phản biện nhiều nơi, nhiều việc chưa có chiều sâu, chất lượng chưa cao; không ít nơi chưa thực hiện được.
Từ thực tiễn tại mỗi địa phương, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, để tiếp tục hoàn thiện việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiến hành khảo sát tại các tỉnh, thành phố theo các tiêu chí cụ thể để trên cơ sở ý kiến đánh giá, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đề ra giải pháp cụ thể nhằm chỉnh sửa, bổ sung để từ đó góp phần tích cực xây dựng và từng bước hoàn thiện, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Tiếp thu những ý kiến của đại biểu đề xuất trong phiếu khảo sát, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ có thêm cơ sở thực tiễn và các giải pháp thiết thực, có ý nghĩa phục vụ cho hoạt động của Mặt trận. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cũng là căn cứ để Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam xây dựng kế hoạch hướng dẫn các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, kiến nghị tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về Mặt trận trong thời gian tới.
Hương Diệp