Tin mới

Góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX

(Mặt trận) - Sáng 15/3, tại Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh đã chủ trì Hội nghị góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024. Dự Hội nghị có các vị nguyên lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam khu vực phía Bắc.

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã tập trung góp ý vào tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc và kết quả thực hiện chương trình hành động Đại hội VIII; mục tiêu và chương trình hành động Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024.

Góp ý vào dự thảo Báo cáo, ông Nguyễn Túc - nguyên Ủy viên Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam bày tỏ đồng tình với tiêu đề của dự thảo Báo cáo là phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Túc đề nghị Báo cáo cần bám sát tinh thần tăng tốc của Đảng, Nhà nước trong năm 2019 và hướng tới kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Mặt trận phải huy động toàn dân đồng tâm hiệp lực tham gia công tác Mặt trận. Cần lấy tinh thần yêu nước để vận động nhân dân hăng hái tham gia các chương trình hành động của Mặt trận”, ông Nguyễn Túc gợi mở.

Theo ông Trần Đình Phùng, nguyên Ủy viên Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, báo cáo cần đánh giá sâu hơn về tình hình các tầng lớp nhân dân và tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là sự biến động của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân, công nhân, người lao động, những biến đổi của tình hình nông dân, nông thôn.

Để phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân, ông Trần Đình Phùng cho rằng cần làm rõ hơn vai trò của Mặt trận trong việc tổ chức và hướng dẫn nhân dân phát huy quyền làm chủ, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, tạo ra bước chuyển biến tích cực trong ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Ông Đỗ Duy Thường - nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam góp ý, để Báo cáo tổng kết 5 năm "đắt giá", cần đánh giá sâu sắc những nội dung công tác nhiệm kỳ qua đã có đổi mới gì về nội dung phương thức hoạt động, không nên nặng về kiểm kê những đầu việc. Bên cạnh đó, Báo cáo cần đánh giá được hiệu quả của cả hệ thống Mặt trận trong nhiệm kỳ qua; việc tập hợp, xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; đánh giá được lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước...

Về mục tiêu và chương trình hành động của nhiệm kỳ tới, ông Đỗ Duy Thường đề nghị báo cáo cần bám sát chủ đề Đại hội để đổi mới nội dung phương thức hoạt động, nhân rộng mô hình đã có, từ đó phổ biến trong cả hệ thống Mặt trận. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; các điều kiện đảm bảo; nâng cao kỹ năng thực hành; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội...

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, nguyên Ủy viên Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, trong nhiệm kỳ qua, với phương châm hướng về cơ sở, Mặt trận đã có nhiều việc làm cụ thể, sát dân và gắn với quyền lợi của nhân dân.

Chính vì vậy, theo ông Vĩnh, cán bộ Mặt trận phải sát với cơ sở, phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ.

“Phải quan tâm đến thu hút và đào tạo đội ngũ cán bộ Mặt trận có trình độ, năng lực, bản lĩnh và không thể coi Mặt trận là “nơi tạm trú” rồi chuyển sang vị trí khác”, ông Nguyễn Văn Vĩnh bày tỏ.

Góp ý vào chương trình hành động nhiệm kỳ 2019-2024, bà Bùi Thị Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, cần phải làm rõ cơ chế tiếp nhận thông tin, tạo niềm tin cho nhân dân khi phản ánh đến Mặt trận các cấp. Đây chính là cơ sở giúp Mặt trận ứng phó với những tình huống phát sinh ở địa phương.

Bà Bùi Thị Thanh cũng cho rằng, phải phát huy vai trò của các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban trong việc truyền tải những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh đề nghị Tiểu ban Văn kiện tiếp thu đầy đủ các ý kiến để tổng hợp, chắt lọc đưa vào văn kiện.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh đề nghị trong thời gian tới, cần tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề làm sâu sắc từng nội dung, lĩnh vực, từ đó hoàn thiện dự thảo báo cáo.

Để đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cho rằng, trong nhiệm kỳ này phải có cơ chế để phát huy vai trò của các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban, các thành viên của Hội đồng tư vấn các cấp. Bên cạnh đó cần có cơ chế đảm bảo điều kiện để phát huy vai trò, chức năng của các Hội đồng tư vấn trong việc tham vấn cho Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam.

“UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ quan tâm để tạo cơ chế và các điều kiện đảm bảo cho hoạt động của hệ thống Mặt trận. Trong nhiệm kỳ tới, sẽ có lộ trình để cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để khắc phục hành chính hóa trong hoạt động”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản