|
Quang cảnh phiên họp. |
Tham dự có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong và các Phó Chủ tịch UBND thành phố, lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã... Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, các sở, ngành, UBND các cấp thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát cả về quy mô và cường độ; đồng thời cho phép địa bàn nguy cơ cao được áp dụng biện pháp mạnh hơn Chỉ thị số 17/CT-UBND.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thường trực Thành ủy
Thông tin tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, chiều 27-7-2021, Thường trực Thành ủy đã họp cho ý kiến sau 4 ngày toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19. Qua đó nhận định, việc ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23-7-2021 của Chủ tịch UBND thành phố là đúng, trúng, kịp thời, được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, sau 4 ngày triển khai, kết quả kiểm tra cho thấy có nơi làm rất tốt, có nơi chưa thực hiện nghiêm, có hiện tượng chủ quan, lơ là; có hiện tượng người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chưa sâu sát... Do đó, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo một số giải pháp cấp bách phải thực hiện ngay để chấn chỉnh; yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, các quận, huyện, thị xã rà soát, đánh giá toàn diện và bảo đảm thực hiện đúng, thực hiện đủ từng nội dung Chỉ thị số 17/CT-UBND; lấy hiệu quả thực hiện làm “thước đo” năng lực, uy tín, trách nhiệm cán bộ.
Quán triệt những nội dung chỉ đạo nêu trên của Thường trực Thành ủy và đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh khẳng định, đây là những nội dung chỉ đạo có ý nghĩa quan trọng, đã chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, đề ra các giải pháp cần thiết, cụ thể để khắc phục.
Báo cáo tại cuộc họp của các đơn vị cho thấy, một số sở, ngành, địa phương đã phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND, cũng như nhanh chóng triển khai những chỉ đạo mới của Thường trực Thành ủy.
Trong đó, các ngành đã hội ý nhanh, giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc tạo “luồng xanh” cho xe chở hàng hóa thiết yếu; hoạt động của đội ngũ giao hàng (shipper); thi công các công trình trọng điểm, người thực hiện công vụ ra vào thành phố... Công an thành phố đã lập 29 chốt kiểm soát các cửa ngõ Thủ đô, tăng 7 chốt so với thời gian đầu; đôn đốc 4.147 cảnh sát khu vực quản lý chặt nơi cư trú; huy động 789 tổ công tác ở công an các quận, huyện, thị xã để tăng cường kiểm tra vi phạm; bước đầu đã xử phạt 1.359 trường hợp vi phạm ra ngoài đường không đúng quy định, không đeo khẩu trang và 32 cơ sở kinh doanh hoạt động không đúng quy định...
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, công tác phòng, chống dịch còn lâu dài, không chỉ 15 ngày giãn cách xã hội, nên thành phố phải có kế hoạch, kịch bản để nắm thế chủ động; trước mắt, cần phân công lại công việc của lực lượng tuyến đầu cho hợp lý hơn, tập trung đúng vào nhiệm vụ, chức năng chính; vừa giảm tải, vừa bảo đảm hiệu quả.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng cho biết, các đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tiếp tục kiểm tra theo phương châm sát với tình hình thực tiễn, hạn chế nghe báo cáo, xuống trực tiếp điểm nóng để bảo đảm thực chất. Đồng chí đề nghị các địa phương tăng cường các biện pháp phòng thủ để giữ an toàn cho các địa bàn chưa có F0, tạo thành các “vùng xanh” trong thành phố.
Không để tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng”
|
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại cuộc họp. |
Kết luận các nội dung trọng tâm, trọng điểm nhằm thực hiện tốt chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và Chỉ thị số 17/CT-UBND, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nêu rõ, Giám đốc các sở, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố và UBND thành phố về hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, phạm vi, lĩnh vực phụ trách; trọng tâm là thực hiện đúng nguyên tắc: “Khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh”.
UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố, “chia lửa” với lực lượng công an cả trong việc bố trí thêm các chốt kiểm soát; tổ chức thêm lực lượng hỗ trợ như huy động lực lượng quân nhân dự bị, bảo vệ dân phố, dân phòng, đoàn viên, hội viên, các tổ Covid-19 cộng đồng, các tình nguyện viên..., không để tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng”. Các cấp, các ngành đồng loạt tăng cường kiểm tra, giám sát đột xuất, bất ngờ trên toàn địa bàn, bảo đảm chặt chẽ từ cơ sở; trọng tâm là việc chấp hành của người dân đối với quy định “chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết” và việc bảo đảm số lượng người đi làm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn. Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã phải chịu trách nhiệm nếu để nhiều người dân vi phạm quy định, để cơ quan, đơn vị, tổ chức không tuân thủ quy định về số lượng người đi làm và các quy định an toàn phòng dịch trong Chỉ thị số 17/CT-UBND. Việc kiểm tra, giám sát phải được làm cụ thể tới từng cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn.
Ông Chu Ngọc Anh đặc biệt lưu ý các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phải siết chặt hoạt động của các khu, cụm công nghiệp, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, bảo đảm chỉ hoạt động khi đáp ứng yêu cầu an toàn phòng dịch và cam kết theo quy định.
Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy phòng, chống Covid-19 thành phố cũng yêu cầu các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố, lãnh đạo sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn tổ chức các đoàn kiểm tra công vụ, chú trọng kiểm tra đột xuất để đôn đốc, nhắc nhở và chấn chỉnh việc chấp hành Chỉ thị số 17/CT-UBND; gắn với khen thưởng kịp thời cá nhân, tập thể làm tốt, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả, đồng thời, phê bình trực tiếp, kỷ luật nghiêm minh, tuyên truyền công khai trong đơn vị để tạo khí thế thi đua.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn có thể áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn Chỉ thị số 17/CT-UBND đối với địa bàn có nguy cơ cao. Đây là thẩm quyền đã được thành phố phân cấp cụ thể. Ngoài ra, UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ngành phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, quyết tâm cao, phối hợp nhịp nhàng để cùng giải quyết những nhiệm vụ, công việc đặt ra như: Vận chuyển các trường hợp F1 về nơi cách ly tập trung, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn phòng dịch tại các điểm tiêm vắc xin; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp ho, sốt, khó thở, các trường hợp có nguy cơ cao...
|
Các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn phường Yên Phụ (quận Tây Hồ). |
|
Chốt kiểm soát dịch trên phố Nguyễn Đình Chiểu, phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng). |
* Ngày 28-7: Hà Nội ghi nhận 65 ca dương tính, trong đó có 42 ca tại cộng đồng
Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính từ 12h ngày 28-7 đến 18h ngày 28-7, trên địa bàn thành phố ghi nhận 12 trường hợp mắc mới, trong đó, 7 ca tại cộng đồng và 5 ca tại khu cách ly tập trung.
Như vậy, từ 18h ngày 27-7 đến 18h ngày 28-7, Hà Nội ghi nhận 65 ca mắc (42 ca tại cộng đồng và 19 ca tại khu cách ly).
Thông tin cụ thể 12 ca mắc mới ghi nhận trong kỳ báo cáo như sau:
Trường hợp 1: Chùm ca bệnh liên quan Nguyễn Khuyến - Đống Đa
- V.T.H, nữ, sinh năm 1975. Địa chỉ: Mễ Trì, Nam Từ Liêm.
- Dịch tễ: Bệnh nhân (BN) là F1 của BN T.T.D (đồng nghiệp), ngày 17-7, được xét nghiệm lần 1 có kết quả âm tính, được chuyển cách ly tập trung. Ngày 27-7, BN có biểu hiện sốt, ho, được lấy mẫu xét nghiệm, ngày 28-7, có kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Trường hợp 2: Chùm ca bệnh liên quan Bắc Giang
- N.T.K.C, nữ, sinh năm 1990. Địa chỉ: Võng La, Đông Anh.
- Dịch tễ: BN là công nhân Công ty SEI - Khu công nghiệp Thăng Long, được cách ly tập trung tại Trường Công nghệ kinh tế - Sóc Sơn từ ngày 10-7. Ngày 27-7, BN có biểu hiện sốt, ho, được lấy mẫu xét nghiệm, ngày 28-7, có kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Trường hợp 3-8: Chùm ca bệnh ho, sốt thứ phát (các ca bệnh tiếp xúc gần với ca bệnh phát hiện qua sàng lọc các trường hợp ho, sốt tại cộng đồng)
3. N.T.N.H, nữ, sinh năm 1958. Địa chỉ: Phúc Tân, Hoàn Kiếm.
- Dịch tễ: BN là F1 của BN L.A.T, ngày 27-7, được lấy mẫu xét nghiệm và chuyển cách ly tập trung, ngày 28-7, có kết quả xét nghiệm dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
4. P.T.H.H, nữ, sinh năm 1986; (5) N.B.C, nữ, sinh năm 2005; (6) N.B.Q, nữ, sinh năm 2016. Địa chỉ: Nhân Chính, Thanh Xuân.
- Dịch tễ: Ba BN là vợ và 2 con của BN N.C.T, ngày 27-7, được lấy mẫu xét nghiệm và chuyển cách ly, ngày 28-7, có kết quả dương tính (Bệnh viện Thanh Nhàn thực hiện).
7. N.T.K, nữ, sinh năm 1968; (8) V.T.T, nam, sinh năm 1964. Địa chỉ: Bát Tràng, Gia Lâm.
- Dịch tễ: Hai BN là F1 của BN V.T.H.N (bố, mẹ), ngày 27-7, được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính (Bệnh viện Thanh Nhàn thực hiện).
Trường hợp 9: Chùm ca bệnh liên quan đến nhà thuốc Đức Tâm, 95 Láng Hạ.
-V. V.C, nam, sinh năm 1971, Láng Thượng, Đống Đa.
-Dịch tễ: Là F1 (chú) của bệnh nhân V.T.H.N, ngày 19-7 được lấy mẫu xét nghiệm (âm tính) và chuyển cách ly tập trung, ngày 27-7 được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả dương tính.
Trường hợp 10-11: Chùm ca bệnh liên quan Tân Mai - Hoàng Mai
10. N.T.H.N, nữ, sinh năm 2000; (11) B.T.N, nữ, sinh năm 2013. Địa chỉ: Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân.
- Dịch tễ: Hai BN là F1 của BN N.T.H (hàng xóm), ngày 19-7, được lấy mẫu xét nghiệm âm tính, được chuyển cách ly tập trung, ngày 27-7, được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 cho kết quả dương tính (Bệnh viện Thanh Nhàn thực hiện).
Trường hợp 12: Chùm ca bệnh phát hiện qua sàng lọc ho, sốt cộng đồng
- N.T.K, nữ, sinh năm 1941. Địa chỉ: Trung Hòa, Cầu Giấy.
- Dịch tễ: BN tiền sử suy giáp, ngày 27-7, có biểu hiện sốt 38 độ C, vào khám tại Bệnh viện Đức Giang, được xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho kết quả dương tính (Bệnh viện Đức Giang thực hiện).
Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư, tính từ ngày 27-4 cho đến nay là 935 ca, trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 579 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 356 ca.
PV