Tin mới

Hội nghị Chính phủ với các địa phương đánh giá kết quả năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022

(Mặt trận) - Ngày 05/01, Chính phủ tổ chức Hội nghị với các địa phương nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của năm 2021, triển khai Kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022.

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

 
Ảnh: Dương Giang/TTXVN 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Dự hội nghị tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương.

Dự Hội nghị tại đầu cầu 63 tỉnh, thành phố có Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN 

Tại Hội nghị, các đại biểu sẽ nghe báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022; nghe vào thảo luận các dự thảo các Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.

Từ các ý kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương tại hội nghị, Chính phủ sẽ tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện các văn bản, báo cáo, dự thảo Nghị quyết để ban hành và thực hiện ngay từ ngày đầu tiên của năm 2022.

Đặc biệt, tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có bài phát biểu chỉ đạo, định hướng công tác chỉ đạo, điều hành, cũng như tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết hội nghị sẽ tập trung phân tích, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2021, khẳng định những ưu điểm và thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; đồng thời, đề xuất những giải pháp khắc phục, thảo luận kỹ lưỡng và thống nhất về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, nhất là Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát biểu tập trung vào những vấn đề có tính chất liên ngành, liên vùng, tăng cường phối hợp để phát huy được tiềm năng, lợi thế, nâng cao hiệu quả trong phân bổ và sử dụng nguồn lực; các biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả; tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong sạch, vững mạnh; nêu rõ những mô hình hay, cách làm tốt; tập trung bàn về phương pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện, làm sao tạo được sự đột phá, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng, nặng nề của năm 2022.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng, Trưởng ngành chuẩn bị có giải trình, làm rõ thêm các vấn đề cần thiết mà các địa phương quan tâm, mong muốn, yêu cầu và đề xuất. Các Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ phát biểu, chỉ đạo thêm về những lĩnh vực được phân công phụ trách.

Báo cáo tại Hội nghị cho biết năm 2021 diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước; là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố không thuận lợi do đại dịch COVID-19…

Dưới sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt; sự ủng hộ, đồng hành và giám sát của Quốc hội; sự chia sẻ, ủng hộ và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các nhiệm vụ phù hợp với diễn biến tình hình, tạo đột phá về bao phủ vaccine, kịp thời chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Từ một nước có tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp, Việt Nam đã vượt lên là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới. Số ca nhiễm nhập viện, chuyển nặng, tử vong đang có chiều hướng giảm.

Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Ước cả năm đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 1,84% so với năm trước; các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế tăng 2,58%. Thu ngân sách Nhà nước cả năm đạt trên 1,563 triệu tỷ đồng, vượt dự toán (16,4%); bội chi ngân sách Nhà nước ước dưới 4%, thấp hơn so với dự toán Quốc hội quyết định (4% GDP).

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 22,6%, đạt 668,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; trong đó xuất siêu ước đạt 4 tỷ USD. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2021 tăng 9,2%, đặc biệt vốn tăng thêm tăng mạnh trên 40% thể hiện niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh, sự kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài về khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam...

Trong năm qua, Chính phủ cũng tập trung hơn cho công tác xây dựng thể chế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội trong việc rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng...

Năm 2022, bám sát các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ xác định chủ đề điều hành của năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển," với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành, 12 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu với 171 nhiệm vụ cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả 15 chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết số 32/2021/QH15 của Quốc hội. Chính phủ đề ra 82 chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, lĩnh vực bên cạnh 15 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao.

Chính phủ xác định chủ đề điều hành của năm 2022 là: "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển. Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành

Theo dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, chủ đề điều hành của năm 2022 là: "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”. Chủ đề này được cụ thể hóa trong 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành sau:

Tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi, phát triển KTXH

Một là, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao, biến thách thức thành cơ hội; thực hiện thành công, toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, tạo nền tảng vững chắc để phát triển bền vững…

Hai là, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; kiên định thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Xác định vaccine, thuốc điều trị COVID-19 và nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân là các yếu tố quyết định trong phòng, chống dịch.

Ba là, bám sát tình hình, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi, phát triển KTXH trên cả nước trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn, tận dụng  các động lực tăng trưởng mới, bền vững.

Tập trung thực hiện 3 trọng tâm: Khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược.

Kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế thực chất, hiệu quả. Phát triển thương mại điện tử, kinh tế số và các mô hình kinh doanh mới dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số. Tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài nhiều năm.

Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển

Bốn là tiếp tục ưu tiên hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chú trọng nguồn lực con người, phát triển văn hóa, giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động.

Năm là, bảo đảm an sinh xã hội, an dân, thực hiện tốt chính sách xã hội đối với người có công, khôi phục và ổn định thị trường lao động, tạo việc làm, cơ cấu lại lực lượng lao động, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biển đổi khí hậu. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Sáu là, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; tiếp tục củng cố, giữ vững quốc phòng, an ninh. Chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu qủa công tác đối ngoại, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thu hút nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 đề xuất 12 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu (tương ứng với 180 nhiệm vụ cụ thể) sau:

Phấn đấu tăng trưởng GDP 6-6,5%; đẩy nhanh tiêm vaccine cho trẻ em

Thứ nhất, tập trung thực hiện hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển KTXH.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng chống dịch COVID-19 và chương trình phục hồi, phát triển KTXH, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6-6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD.

Triển khai nhất quán từ trung ương đến địa phương quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch phù hợp; tạo thuận lợi tối đa cho lưu thông hàng hóa, lao động trở lại sau dịch bệnh. Đẩy nhanh tiêm vaccine cho trẻ em, tiêm mũi tăng cường, bảo đảm khoa học, hiệu quả; thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine, thuốc điều trị trong nước. Phát huy vai trò của mạng lưới y tế cơ sở, đội phản ứng nhanh, tổ hỗ trợ điều trị COVID-19, tổ COVID-19 cộng đồng.

Triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp tài khóa, tiền tệ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH; thúc đẩy tiêu dùng nội địa, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 7-8%; phấn đấu tỷ lệ huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 35% GDP; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế;…

Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đổi mới sáng tạo

Thứ hai, xây dựng, hoàn hiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật. Trong đó tập trung thể chế hóa những định hướng chính sách trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; phát triển đồng bộ, ổn định, bền vững các loại thị trường, nhất là thị trường vốn, tiền tệ, lao động, khoa học công nghệ, bất động sản;…

Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục xây dựng và hoàn hiện thể chế hành chính nhà nước dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, phục vụ người dân và doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, phát triển KTXH, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19;…

Thứ ba, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số;…

Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại

Thứ tư, phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, tăng cường kết nối vùng, liên vùng, khu vực, quốc tế, nhất là công trình hạ tầng giao thông quan trọng như Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông; dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đẩy nhanh và đưa vào hoạt động một số tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội, TPHCM,…

Thứ năm, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong dạy và học, hoàn thiện hình thức tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh. Đưa học sinh trở lại trường gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh. Phấn đấu tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 67-68%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 27-27,5%...

Thứ sáu, thúc đẩy liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị, kinh tế đô thị, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch. Phấn đấu cơ bản hoàn thành phê duyệt trong năm 2022 các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam

Thứ bẩy, phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành động lực, sức mạnh nội sinh thúc đẩy phát triển bền vững đất nước. Phát triển công nghiệp văn hóa…

Thứ tám, quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Triển khai các giải pháp để hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26),…

Thứ chín, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Hoàn thành việc sắp sếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước…

Chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng

Thứ mười, củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội…

Thứ mười một, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần củng cố vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Quán triệt, triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài để phát triển nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.

Thứ mười hai, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội. Tập trung thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các sự kiện lớn của đất nước; chú trọng truyên truyền về khát vọng phát triển quốc gia, cổ vũ mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương người tốt, việc tốt; kịp thời đấu tranh phản bác quan điểm, tư tưởng sai trái;…

Dự thảo Nghị quyết giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra tại các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết này; chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của bộ, ngành, địa phương mình, kịp thời xử lý vấn đề phát sinh; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện của bộ, ngành địa phương mình./.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản