(Mặt trận) - Ngày 23/6, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý của các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trung ương vào dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025.
|
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng tham dự Hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội được đưa ra lấy ý kiến tại hội nghị là dự thảo lần hai, phiên bản thứ tám và đã được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua. Dự thảo được xây dựng trên cơ sở 8 đề tài nghiên cứu thuộc Chương trình số 20-CTr/TU ngày 13/2/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội - Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm thành phố Hà Nội "Những luận cứ khoa học để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố (2015-2020), định hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030".
Bí thư Thành ủy Hà Nội mong muốn các đại biểu thẳng thắn đóng góp ý kiến, tập trung làm rõ những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân để định hình chính xác phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, góp phần xây dựng Dự thảo Văn kiện tốt nhất trình ra Đại hội, làm cơ sở xây dựng và phát triển Thủ đô trong 5 năm tới.
Trình bày nội dung Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nêu rõ chủ đề, phương châm Đại hội, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố, 3 khâu đột phá, 5 bài học kinh nghiệm, xác định 4 nhóm chỉ tiêu chính và 14 nhóm nhiệm vụ cụ thể cho từng lĩnh vực trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
|
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Theo đó, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI của Đảng bộ thành phố, kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng khá, cao hơn bình quân chung của cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại. Sự nghiệp văn hóa, xã hội, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế tiếp tục phát triển và đạt nhiều kết quả quan trọng; lĩnh vực chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh của Thủ đô tiếp tục được củng cố, trật tự - an toàn xã hội có chuyển biến tốt hơn.
Công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng có nhiều đổi mới, Đảng bộ thành phố Hà Nội gương mẫu đi đầu thực hiện nghiêm túc, sáng tạo các nghị quyết của Trung ương, đặc biệt Nghị quyết Trung ương 4, 6, 7 (khóa XII), gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đạt kết quả toàn diện và quan trọng. Hiệu lực, hiệu quả của chính quyền có chuyển biến tích cực.
Song song với đó, 3 khâu đột phá được thực hiện tích cực, đột phá về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư có những chuyển biến rõ nét, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ Nghị quyết XVI đề ra; đột phá về phát triển hiện đại đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn và đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Góp ý tại hội nghị, hầu hết các đại biểu đều đánh giá cao chất lượng nội dung, hình thức của Dự thảo Văn kiện. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đánh giá cao những mục tiêu, nhiệm vụ, phương hướng, các khâu đột phá được đưa ra trong Dự thảo.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho rằng Dự thảo với những lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục, xác định được phương hướng của thành phố trong những năm tới. Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội góp ý, Dự thảo cần đánh giá bổ sung các chỉ tiêu liên quan đến phát triển bền vững, đánh giá thêm số liệu về giáo dục đặc biệt và các lĩnh vực an sinh xã hội; cần đảm bảo các chính sách xã hội được xây dựng, triển khai hài hòa với phát triển kinh tế, phát triển nhanh, bền vững, phù hợp với các kế hoạch quốc gia.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đề nghị, Hà Nội quan tâm hơn hơn nữa tình hình khiếu nại trên địa bàn, chỉ đạo nâng cao chất lượng dịch vụ công, giải quyết thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp nhanh chóng và hiệu quả.
Bà Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đề nghị bổ sung thêm những chương trình đào tạo nghề cho người dân, đặc biệt là phụ nữ, mong muốn Dự thảo đánh giá thêm những kết quả cụ thể của các đoàn thể, Mặt trận về việc "dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Phát biểu kết thúc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cảm ơn về những ý kiến tâm huyết đề cập đến từng lĩnh vực, thể hiện tình cảm, trách nhiệm với Thủ đô. Bí thư Thành ủy Hà Nội mong muốn các bộ, ban ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục quan tâm hơn nữa để xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.
Theo TTXVN