Tin mới

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử: Cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng cho ngày hội non sông

(Mặt trận) - Sáng 18/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia chủ trì Hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển

Đồng chủ trì có các đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước.

Cùng dự hội nghị ở điểm cầu tại Nhà Quốc hội có các Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng...

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu tại 63 Ủy ban Bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại các điểm cầu địa phương có sự tham dự của các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; các Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch, thành viên Ủy ban Bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…

Tích cực, chủ động trong triển khai nhiệm vụ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đây là lần thứ hai kể từ ngày 21/1/2021, Hội đồng Bầu cử Quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Quán triệt Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, các cấp ủy đảng cơ quan, các cấp, các tổ chức đoàn thể ở địa phương trong cả nước đã rất nghiêm túc, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho việc bầu cử.

Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã tổ chức nhiều đoàn với nhiều đợt kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử ở các địa phương trong phạm vi cả nước. Các Tiểu ban, Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã kịp thời ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và các phương án, kịch bản tổ chức bầu cử thích ứng với điều kiện phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, mưa lũ, nhất là đối với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ Công an đã tổ chức Lễ ra quân, phát lệnh đối với toàn bộ lực lượng, kết nối với 63 điểm cầu của các địa phương làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự an ninh, an toàn cho cuộc bầu cử. Một số địa bàn, đơn vị đã tổ chức bầu cử sớm và có kết quả rất thành công.

Một số địa phương đã tổ chức diễn tập bầu cử trong điều kiện có những khó khăn rất lớn về phòng, chống COVID-19, ví dụ như thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và một số địa phương khác. Qua theo dõi, các địa phương rất tích cực, chủ động và đã tổ chức diễn tập thực hành quy trình bầu cử, nhất là những khu vực cách ly tập trung, những nơi có giãn cách hoặc phong tỏa cục bộ một số địa bàn dân cư, một số quận, huyện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho biết, đến nay, một số công việc chuẩn bị cho bầu cử đã hoàn thành, sẵn sàng cho bầu cử vào ngày 23/5 sắp tới. Từ nay đến Ngày Bầu cử chỉ còn 5 ngày, để bảo đảm cho cuộc bầu cử được tổ chức một cách dân chủ, đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối an toàn và thành công tốt đẹp, nhất là trong điều kiện dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp ở nước ta, nhất là một số địa bàn trọng điểm, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã quyết định tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 18/5 nhằm mục đích tổng rà soát toàn bộ công tác chuẩn bị cho đến nay, kịp thời lắng nghe và giải quyết các vướng mắc, khó khăn, các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, các tổ chức cơ quan hữu quan nhằm thống nhất nhận thức, quyết tâm cao trong hành động để chuẩn bị chu đáo nhất, đầy đủ nhất cho cuộc bầu cử - một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước được diễn ra đúng theo kế hoạch, thực sự là Ngày hội non sông, Ngày hội của toàn dân và thực sự thành công tốt đẹp.

9 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển

Tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường đã trình bày dự thảo báo cáo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia sơ kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo đó, công tác chuẩn bị bầu cử được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, đạt kết quả cao. Công tác chuẩn bị đã bám sát kế hoạch, đúng trình tự theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Nhiều địa phương có những sáng kiến, sáng tạo trong công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả; áp dụng việc công khai danh sách cử tri trên nền tảng mạng xã hội zalo; lập sổ phán ánh để người dân có thể ghi kiến nghị đính chính, sửa đổi, bổ sung, sửa đổi thông tin trong việc lập và niêm yết danh sách cử tri; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các thành viên tham gia tổ bầu cử; ban hành phương án tổ chức bầu cử trong điều kiện dịch COVID-19; tổ chức tiếp xúc cử tri vận động bầu cử đảm bảo công  bằng, dân chủ và điều chỉnh linh hoạt; trong lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tổ chức các hoạt động bằng hình thức trực tuyến và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; chuẩn bị tốt cơ sở vật chất cho cuộc bầu cử.

Tính đến 17 giờ ngày 14/5, Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia tiếp  nhận 164 đơn thư của công dân có nội dung khiếu nại, tố cáo và phản ánh về công tác bầu cử và ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong đó có 12 đơn tố cáo, phản ánh về người ứng cử đại biểu Quốc hội, 112 đơn tố cáo, phản ánh về người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, 34 đơn tố cáo, phản ánh về việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác và lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, 6 đơn không liên quan đến bầu cử. Số vụ khiếu nại, tố cáo về bầu cử, nhất là đoàn đông người, phức tạp giảm nhiều, số lượng đơn gửi về Hội đồng Bầu cử Quốc gia chỉ bằng 15% so với kỳ bầu cử trước. Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của cử tri được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Theo đề nghị của 15 tỉnh, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã có văn bản cho phép nhiều khu vực bỏ phiếu trên địa bàn các tỉnh này bỏ phiếu sớm. Tính đến thời điểm này, địa bàn ba tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, Khánh Hòa, Quảng Nam đã tổ chức bầu cử sớm ở một số khu vực.

Tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng nêu 9 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, các địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20.6.2020 của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của tỉnh ủy, thành ủy và các văn bản hướng dẫn về công tác bầu cử; thực hiện nghiêm các Chỉ thị, công điện của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chủ động xây dựng các phương án, dự lường các tình huống liên quan đến dịch bệnh covid 19 và tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương, đảm bảo tổ chức thành công cuộc bầu cử.

Bên cạnh đó cần hoàn thành việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri và công tác vận động bầu cử của những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Tập huấn cụ thể, sâu sát cho các tổ chức bầu cử, nhất là Tổ bầu cử. Chỉ đạo việc cấp phát kinh phí còn lại, bổ sung kinh phí cho những địa phương đặc biệt khó khăn, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và điều kiện cần thiết phục vụ ngày bầu cử; bảo đảm kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả.

Chỉ đạo tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bầu cử, đặc biệt là về ý nghĩa của cuộc bầu cử, ngày bầu cử, danh sách những người ứng cử, cách thức bỏ phiếu… đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc về cuộc bầu cử, tạo không khí phấn khởi, hồ hởi trong nhân dân bằng các hình thức tuyên truyền đa dạng, sinh động, hiệu quả để cử tri, nhất là các cử tri bước vào độ tuổi đi bầu nắm được thông tin, tích cực tham dự bỏ phiếu đông đủ, đúng giờ; đẩy mạnh trang trí, trang hoàng ở các khu dân cư, khu công cộng, điểm bỏ phiếu… Hội đồng bầu cử Quốc gia tổ chức họp báo về công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử (dự kiến ngày 21.5.2021).

Rà soát kỹ các phương án bảo đảm an ninh, trật tự cho cuộc bầu cử. Giao ban thường xuyên, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng bảo vệ bầu cử. Tuyệt đối  không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, bị động, bất ngờ. Kiên quyết không để các thế lực thù địch, phản động lôi kéo quần chúng, phá hoại cuộc bầu cử. Bảo đảm thông tin thông suốt, kịp thời, chính xác.

Các đồng chí thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia được phân công theo dõi các địa bàn theo Nghị quyết số 226/NQ-HĐBCQG ngày 12.4.2021, từ nay đến ngày bầu cử, chủ động triển khai kế hoạch, nắm bắt thông tin báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia để kịp thời xử lý những tình huống bất thường và giải quyết những vấn đề phát sinh có thể xảy ra. Các địa phương chủ động báo cáo Hội đồng Bầu cử quốc gia các vấn đề phát sinh cần xử lý để xin ý kiến chỉ đạo.

Nhận và kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử của các Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban bầu cử; lập biên bản tổng kết cuộc bầu cử ĐBQH trong cả nước, gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và trình Quốc hội khóa mới.

Công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV trong cả nước chậm nhất là 20 ngày sau ngày bầu cử; công bố danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 chậm nhất là 10 ngày sau ngày bầu cử; xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Chuyển các hồ sơ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến công tác bầu cử mà chưa được giải quyết đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND các cấp để tiếp tục xem xét, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và kết quả xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV. Bàn giao biên bản tổng kết và hồ sơ tài liệu về bầu cử đại biểu Quốc hội cho Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Ban Công tác Mặt trận “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để nắm rõ sự biến động của cử tri

Quang cảnh Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực nêu rõ, trong thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ về bầu cử. Các công việc được triển khai đúng luật, đúng tiến độ. Việc hướng dẫn các địa phương đã được thực hiện kịp thời, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác phối hợp với Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội nhanh chóng, chặt chẽ, hiệu quả. Công tác tuyên truyền được Ban Thường trực quan tâm, thường xuyên cập nhật và kịp thời thông tin trên trang website của MTTQ Việt Nam, Báo Đại đoàn kết, Tạp chí Mặt trận...

Bên cạnh đó, việc tổ chức các Hội nghị hiệp thương đều diễn ra với tinh thần dân chủ, đúng luật và thể hiện sự thống nhất cao của MTTQ Việt Nam các cấp. Việc giới thiệu nhân sự tham gia ứng cử ở Trung ương và địa phương đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đủ tiêu chuẩn. Công tác tổ chức lấy ý kiến của cử nơi công tác và nơi cư trú được triển khai đồng bộ, đảm bảo số lượng cử tri tham dự, việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri với người ứng cử để thực hiện vận động bầu cử được tiến hành khẩn trương, công khai, dân chủ và có sự điều tiết hài hòa phù hợp với từng địa phương, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

"Hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam các cấp được triển khai khá bài bản, các đoàn giám sát do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì đạt chất lượng, giúp các địa phương có sự chuẩn bị chu đáo khi triển khai công tác bầu cử, đồng thời cũng phát hiện những việc tổ chức thực hiện một số trình tự, thủ tục, nội dung chưa đầy đủ. Đặc biệt, kiến nghị kịp thời có văn bản hướng dẫn nhiều nội dung đối với những địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội hoặc phong tỏa do dịch COVID-19. Công tác tiếp dân, xử lý đơn thư liên quan đến bầu cử được quan tâm, cơ bản không xảy ra khiếu nại, tố cáo phức tạp", Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực thông tin.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cũng nhắc tới một số nhiệm vụ trọng tâm mà Mặt trận các cấp cần triển khai để ngày bầu cử thực sự là Ngày hội của toàn dân. Trong đó, Ban Thường trực MTTQ các cấp tiếp tục tổ chức và vận động Nhân dân tích cực tham gia bầu cử; phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, các cơ quan,  tổ phụ trách chức bầu cử để tổ chức chu đáo Ngày Bầu cử. Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bầu cử; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, nhất là các gia đình có người đi làm ăn xa để nắm sự thay đổi, bổ sung danh sách cử tri, phát thẻ cử tri; thông tin để nhân dân tìm hiểu danh sách người ứng cử tại đơn vị bầu cử, số phiếu mỗi người được bầu để cử tri sáng suốt lựa chọn; thông tin về ngày bầu cử 23/5, thời gian, địa điểm bỏ phiếu, bố trí cử tri đi bỏ phiếu theo giờ; những quy định về phòng, chống dịch trước, trong và sau ngày bầu cử.

Cùng với đó, Ban Thường trực MTTQ các cấp tiếp tục theo dõi, giám sát thường xuyên công tác bầu cử, góp phần bảo đảm để cuộc bầu cử diễn ra thực sự dân chủ, đúng quy định, an toàn, tiết kiệm; phát huy vai trò của tổ giám sát cộng đồng trong phòng chống dịch và vận động từng người dân trực tiếp đi bầu cử; chỉ đạo tổng hợp tình hình ngày bầu cử, phân công cán bộ trực Ngày Bầu cử để kịp thời nắm bắt tình hình các địa phương, thực hiện việc báo cáo Hội đồng Bầu cử Quốc gia về tình hình địa phương thông qua kênh báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp…

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản