Tin mới

Khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội

(Mặt trận) - 8h sáng nay (12/10), Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã khai mạc trọng thể tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới dự và chỉ đạo Đại hội.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ

Trang trọng Lễ dâng hương dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên, tỉnh Phú Thọ

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt, “một dấu mốc bằng vàng chói lọi”

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới dự và chỉ đạo Đại hội đại biểu lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 Đảng bộ Thành phố Hà Nội. Ảnh: VGP

Cùng dự Đại hội có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; đại biểu các bộ, ban, ngành Trung ương; đại biểu một số tỉnh, thành phố; đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, lão thành cách mạng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, công dân Thủ đô ưu tú; nguyên lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành...

Đặc biệt, tham dự Đại hội có 497 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 45 vạn đảng viên toàn Đảng bộ Thủ đô.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới dự Đại hội. Ảnh: VGP 
Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Như Ý 

Chủ động, sáng tạo, nhiều dấu ấn nổi bật nhiệm kỳ 2016-2020

Phát biểu khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP. Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, quán triệt sâu sắc các Nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI; được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc, thường xuyên của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương; các tỉnh, thành phố trong cả nước và bạn bè quốc tế; với tinh thần năng động, chủ động, sáng tạo, tranh thủ thuận lợi, thời cơ, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật.

Kinh tế, văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển ấn tượng; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm trong mọi tình huống; diện mạo đô thị, nông thôn có bước chuyển biến mới, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp hơn, khang trang, hiện đại hơn. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao.

Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ tại phiên khai mạc. Ảnh: VGP/Mai Anh 

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được triển khai đồng bộ, luôn gương mẫu, đi đầu thực hiện nghiêm túc, sáng tạo các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền được tăng cường; nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội được đổi mới.

Để có được những kết quả này, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh bài học “Dân là gốc” và vai trò, công sức đóng góp to lớn của các tầng lớp nhân dân, của cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành, chủ thể của sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đảng bộ Thành phố cũng thẳng thắn, nghiêm túc nhìn nhận những khuyết điểm, yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, những khó khăn, bất cập và những điều chưa làm được trong quá trình phát triển Thủ đô. Kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá, nhưng chưa tạo được các “đột phá lớn”, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thành phố; chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn chậm được cải thiện. Năng lực, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở còn thấp...

Ảnh: VGP 

Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Đảng bộ Hà Nội xác định quyết tâm chính trị cao trong xây dựng, phát triển Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là: “Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu dự Đại hội cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, phát huy cao nhất vai trò đại diện ý chí, nguyện vọng của các cấp ủy Đảng và hơn 45 vạn đảng viên trong toàn Đảng bộ Thành phố, quán triệt và nhận thức sâu sắc phương châm Đại hội, tích cực đóng góp vào thành công của Đại hội.

Các đại biểu cần phát huy trí tuệ, bám sát thực tiễn và nhu cầu cuộc sống để tham gia đóng góp ý kiến vào các văn kiện trình Đại hội, tập trung phân tích sâu, khách quan, trung thực những kết quả nổi bật, cũng như hạn chế, yếu kém; tìm ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đúc kết những bài học kinh nghiệm; xác định rõ mục tiêu, khâu đột phá và những nhiệm vụ trọng tâm phát triển Thủ đô giai đoạn 5 năm 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội. Ảnh: VGP/Mai Anh 

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh, tại buổi làm việc của tập thể Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy về công tác chuẩn bị Đại hội, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã chỉ đạo: Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội phải thực sự tiêu biểu, kiểu mẫu về mọi mặt và thành công một cách thực chất. Phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo; với truyền thống đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh, chúng ta tin tưởng và quyết tâm tổ chức thành công Đại hội về mọi phương diện, nhằm tạo ra động lực mới và những chuyển biến căn bản trên mọi lĩnh vực để phát triển Thủ đô nhanh và bền vững hơn nữa, xứng đáng với tình cảm đặc biệt và sự kỳ vọng của Trung ương, của Đảng bộ, nhân dân Thủ đô và đồng bào, chiến sỹ cả nước.

Gương mẫu xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh

 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Đại hội. Ảnh: VGP/Mai Anh

Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP. Hà Nội khẳng định, trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, với nhiều cách làm sáng tạo và quyết liệt, nỗ lực, quyết tâm thực hiện, đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thủ đô và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố đi vào cuộc sống.

Thành ủy đã triển khai kịp thời, hiệu quả 8 chương trình công tác lớn toàn khóa, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật. Thành phố đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 16/ 16 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI, có 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch, trong đó có 3 chỉ tiêu hoàn thành sớm 2 năm (tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo). Cụ thể như sau:

Kinh tế Thủ đô đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch tích cực; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh được cải thiện. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2016-2020 ước tăng 7,39%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước. Tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng; nông nghiệp giảm còn 2,09%. Tài chính, ngân sách luôn ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 gấp 1,64 lần giai đoạn 2011-2015.

Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khu vực kinh tế Nhà nước tiếp tục giữ vai trò quan trọng, sau sắp xếp, hiệu quả hoạt động, thu nhập của người lao động được tăng lên; khu vực kinh tế tư nhân phát triển, tiếp tục phát huy vai trò là một động lực của nền kinh tế. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kết quả vượt bậc, giai đoạn 2016-2020 đạt 25 tỷ USD, gấp 3,9 lần giai đoạn 2011-2015. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước.

Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả. Thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ từ đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp, luân chuyển và thực hiện chính sách cán bộ. Trong đó, Thành ủy luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chức danh, đào tạo kỹ năng thực tiễn cho cán bộ nguồn quy hoạch; ban hành Quyết định “về  đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị Thành phố”, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên công chức, viên chức.

Định hướng phát triển Thủ đô toàn diện, bền vững

Báo cáo chính trị của Hà Nội nhấn mạnh về mục tiêu tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045.

Theo đó, đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ Thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD.

Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Hà Nội cũng đặt ra 4 nhóm với 20 chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025. Trong đó, về kinh tế có 6 chỉ tiêu: (1) Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025: 7,5-8,0%; trong đó: Dịch vụ 8,0-8,5%; công nghiệp và xây dựng 8,5-9,0%; nông, lâm nghiệp và thủy sản: 2,5-3,0%. (2) Cơ cấu kinh tế năm 2025: Dịch vụ 65,0-65,5%; công nghiệp và xây dựng 22,5-23,0%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 1,4-1,6%. (3) GRDP bình quân/người: 8.300-8.500 USD. (4) Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội: 3,1 - 3,2 triệu tỷ đồng (giá hiện hành, tăng 12,5-13,5%/năm). (5) Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%. (6) Tốc độ tăng năng suất lao động từ 7,0-7,5%.

Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020-2025 được Hà Nội đặt ra nhằm tiếp tục đổi mới, sắp xếp, kiện toàn, hoàn thiện tổ chức, bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị các cấp, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và các cấp ủy đảng; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự tiên phong, gương mẫu, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Thành phố tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Thực hiện các giải pháp đột phá, đồng bộ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tập trung thu hút mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của Thủ đô.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản