|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển |
Hoàn thiện cơ chế tài chính đất đai để Luật ban hành là vận hành được ngay
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Phiên họp thứ 23 dự kiến làm việc trong 4 ngày, từ ngày 9 - 12.5. Theo đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ xem xét và cho ý kiến về 13 nội dung lớn dự kiến trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Năm. Trong đó, về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 3 dự án luật, 2 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và xem xét đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính.
Về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội khẳng định, sau khi Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tư, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã tổ chức lấy ý kiến Nhân dân. Theo báo cáo của Chính phủ, đã có trên 12 triệu lượt ý kiến của Nhân dân về dự án Luật rất quan trọng này. Trên cơ sở đó, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội đã tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật. Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành nửa ngày cho ý kiến về án Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó, nội dung rất quan trọng cần tập trung thảo luận là về tài chính đất đai và phương pháp định giá đất, qua theo dõi đến nay cho thấy việc quy định như thế nào để bảo đảm tính khả thi và khi luật ban hành ra là vận hành được cũng còn nhiều khó khăn.
|
Ảnh: Lâm Hiển |
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có liên quan đến khoảng hơn một trăm luật khác, trong đó trực tiếp có khoảng 22 dự án Luật rất quan trọng. Ủy ban Pháp luật đã tổ chức thẩm tra riêng và nghiên cứu chuyên đề về việc áp dụng pháp luật, về cách thức sửa đổi các luật khác để khi Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành sẽ có sự đồng bộ của hệ thống pháp luật và có thể có thể vận hành được.
“Sau khi tiếp thu ý kiến của Nhân dân, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được đưa ra cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ ba, được các đại biểu đánh giá cao về sự nghiêm túc và công phu trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu, giải trình của cả cơ quan trình và cơ quan thẩm tra. Nhưng còn rất nhiều việc chúng ta phải làm”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Quốc hội đã có Nghị quyết cho phép kéo dài tối đa thời hạn áp dụng của Nghị quyết về xử lý nợ xấu đến hết năm 2023, đòi hỏi dự án Luật này phải được xem xét tại Kỳ họp thứ Năm, thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu, để có hiệu lực từ ngày 1.1.2024, qua đó tránh khoảng trống pháp luật trong lĩnh vực này.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu cho ý kiến thêm về một số nội dung quan trọng của dự luật như: Một là, nội dung cần sửa đổi tại Luật hiện hành; tái cơ cấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, nợ xấu, xử lý tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo; vấn đề tài chính của các tổ chức tín dụng, quản lý tài chính, trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc quản lý về tài chính đối với các tổ chức tín dụng.
Hai là, quy trình thực hiện thanh tra, kiểm tra, trong đó có quy trình thanh tra, kiểm tra, giám sát đưa ra các quyết định đối với vi phạm của các tổ chức tín dụng như thế nào để tránh tình trạng sai phạm nghiêm trọng mới phát hiện được.
Ba là, những nội dung của Nghị quyết 42 cần phải luật hóa, vì đây là một Nghị quyết đặc thù nên khi chuyển sang tình trạng bình thường phải dừng thực hiện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp cần có ý kiến về quản lý tài sản đảm bảo; xử lý tài sản đảm bảo nợ xấu của các tổ chức này; vai trò của cơ quan tố tụng, cơ quan như Viện kiểm sát, Tòa án đối với cái việc mà đối với quản lý các cái tài sản… đều phải nghiên cứu kỹ lưỡng để quy định chặt chẽ.
|
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển |
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là dự án Luật nhận được sự quan tâm của người dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài. Dự kiến dự luật sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua theo thể thức rút gọn nên càng phải được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đóng góp ý kiến, hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam và người nước ngoài xuất, nhập cảnh vào Việt Nam, vừa đảm bảo an ninh chủ quyền quốc gia vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28.11.2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (đồng thời xem xét việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023) nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn tại Kỳ họp thứ Sáu và HĐND các cấp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm những chức danh do HĐND bầu phê chuẩn vào các kỳ họp cuối năm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung cho ý kiến về các chính sách cụ thể, chính sách mới, các nhóm giải pháp.
Về đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 22, đại biểu Quốc hội đã hoàn thiện hồ sơ và có Tờ trình mới đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính trước đây là dự án Luật Bản dạng giới. Chủ tịch Quốc hội đề nghị xem xét, cho ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật nêu trên, nhất là về sự cần thiết, các chính sách lớn và đánh giá tác động của chính sách được đề xuất để có quyết định phù hợp nhất.
20 dự án luật, dự thảo nghị quyết dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm
|
Ảnh: Lâm Hiển |
Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 6 báo cáo định kỳ sẽ trình Quốc hội gồm: Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Báo cáo tài chính nhà nước năm 2021; Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đã gửi đến Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV.
Về quyết định vấn đề quan trọng, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến để trình Quốc hội về việc xem xét tiếp tục phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và vốn của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khoá XV để xem xét nội dung của chương trình kỳ họp. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Năm sẽ rất nặng, trong đó, riêng chương trình xây dựng luật và pháp lệnh có đến 20 dự án luật và dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định. Điều này cần phải có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng để thuyết phục được Quốc hội, các cơ quan phải tập trung cao độ, bảo đảm kỳ họp hoàn thành với chất lượng tốt nhất.
Về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định 3 nội dung gồm: dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2030; xem xét, quyết định việc sử dụng kinh phí để mua bù một số mặt hàng trong dự trữ quốc gia; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 4.2023.
Với khối lượng công việc lớn, thời gian khẩn trương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát huy tinh thần từ đầu khóa đến nay nghiên cứu kỹ không chỉ lĩnh vực mình phụ trách mà còn góp ý cho cả những lĩnh vực liên quan để đóng góp chung vào công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các cơ quan của Chính phủ, cơ quan hữu quan cần phải bám sát lịch trình, cung cấp tài liệu kịp thời, cử cán bộ có trách nhiệm tham dự các cuộc họp để bảo đảm chất lượng của phiên họp đạt kết quả tốt nhất.
Theo Đại biểu Nhân dân