Tin mới

Khẩn trương ban hành đầy đủ và hướng dẫn để thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội

(Mặt trận) - Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực tài chính với trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chiều ngày 8/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Bộ trưởng Bộ Tài chính tuy lần đầu trả lời chất vấn nhưng đã có chuẩn bị tốt về nội dung, tập trung trả lời vào các vấn đề mà ĐBQH đặt ra. Mặc dù có lúc rất nhiều ĐBQH giơ biển tranh luận dồn dập, nhưng Bộ trưởng trả lời rất bình tĩnh và tự tin.

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

 Quang cảnh phiên trả lời chất vấn

Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng thiếu bền vững

Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua nửa ngày chất vấn và trả lời chất vấn, các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài chính đã có 72 ĐBQH đăng ký chất vấn và 9 đại biểu tranh luận trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Tài chính. Các đại biểu cũng đặt câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của một số Bộ trưởng và một số vấn đề liên quan đến điều hành chung của Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nhìn chung, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm thẳng thắn và xây dựng. Các câu hỏi của các ĐBQH đã bám sát nội dung chất vấn cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn theo tinh thần đổi mới hoạt động chất vấn của Quốc hội. Quốc hội đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Tài chính tuy lần đầu trả lời chất vấn nhưng đã có chuẩn bị tốt về nội dung, tập trung trả lời vào các vấn đề mà ĐBQH đặt ra. Mặc dù có lúc rất nhiều ĐBQH giơ biển tranh luận dồn dập nhưng Bộ trưởng trả lời rất bình tĩnh và tự tin. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Bộ trưởng các Bộ: Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã phát biểu làm rõ thêm một số nội dung mà các ĐBQH quan tâm.

Qua Báo cáo của Bộ trưởng gửi đến các ĐBQH và diễn biến của phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động bất lợi từ kinh tế thế giới và dịch Covid-19, thu ngân sách khó khăn, chi ngân sách tăng cao để đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch, Chính phủ và Bộ Tài chính đã ban hành theo thẩm quyền hoàn thiện trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nhiều nghị quyết và triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm nguồn thu, đáp ứng nhiệm vụ chi. Thu ngân sách nhà nước năm 2021 tăng cao, tiến độ thu ngân sách 5 tháng đầu năm 22 đạt khá, các cân đối lớn được bảo đảm, kiểm soát được lạm phát, nợ công, bội chi ngân sách trong mức cho phép; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và người lao động vượt qua mọi khó khăn do tác động của dịch bệnh. Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43 ngày 30.1.2022, khoảng hơn 20 ngày sau, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 để triển khai thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế được ban hành và triển khai. Qua đó, đã giảm bớt áp lực tăng giá hàng hóa. Việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã góp phần làm lành mạnh thị trường vốn, thị trường tài chính nói chung.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, lĩnh vực thuộc nhóm nội dung chất vấn này còn một số bất cập và hạn chế. Đó là, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm. Sau hơn 5 tháng thi hành, nhiều chính sách quan trọng đang trong quá trình hướng dẫn, chưa áp dụng được trong thực tiễn. Một số chính sách đã được thực hiện, nhưng kết quả đạt được còn thấp so với mục tiêu; chưa hoàn thành Đề án về tổng mức huy động nguồn lực cho Chương trình, kể cả vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; chưa ban hành quy định sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; quản lý thu ngân sách còn bất cập, nhất là đối với thuế chuyển quyền bất động sản, chuyển giá của doanh nghiệp, nhất là FDI; các giao dịch trực tuyến xuyên biên giới...

Công tác phối hợp giữa Bộ Tài chính với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước cũng cần phải chủ động, tích cực và đồng bộ hơn để hoàn thiện các danh mục dự án, giao vốn cho các dự án sử dụng vốn của Chương trình; thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất; giải ngân được số tăng bội chi, nguồn lực bổ sung và điều hòa hợp lý giữa nguồn vốn thuộc kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, nhất là đối với đầu tư kết cấu hạ tầng.

Áp lực lạm phát trong trung hạn vẫn còn lớn, nhiều mặt hàng thiết yếu, như xăng dầu, than, vật tư nông nghiệp, nguyên vật liệu xây dựng tăng cao. Còn hiện tượng đầu cơ găm giá, tăng giá bất hợp lý; mua sắm tập trung, đấu thầu mua sắm công, tiêu chuẩn, định mức tài sản như trụ sở, xe ô tô, định mức chi tiêu; chưa hướng dẫn cụ thể theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ liên quan ách tắc trong mua sắm thuốc và tư y tế nói chung, trang thiết bị phòng, chống dịch nói riêng và các dịch vụ công, tài sản công. Đồng thời, những giao dịch đã mua sắm cũng còn có phát sinh những sai phạm, đặc biệt là trong vụ Việt Á. Thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn rất chậm trì trệ do bất cập, vướng mắc cả về khuôn khổ pháp lý thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của Chính phủ và cả trong tổ chức thực hiện. Quá trình chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tổ chức thực hiện còn bất cập. Thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng thiếu bền vững; việc kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh sai phạm chưa kịp thời nên khi phát hiện, xử lý thì các vụ việc đã rất nghiêm trọng, có hiệu ứng xấu cho thị trường và niềm tin của nhà đầu tư. Thị trường cổ phiếu xuất hiện hiện tượng tăng vốn khống, thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; một số cổ phiếu, nhóm cổ phiếu biến động giá bất thường, không gắn với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng tiềm ẩn rủi ro, đã xảy ra gian lận khi xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp vi phạm quy định khi cung cấp dịch vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp sử dụng vốn huy động; tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm bằng tài sản rủi ro thì còn lớn.

Tính toán kỹ khi điều chỉnh đối với giá hàng hóa, dịch vụ

Từ những bất cập, hạn chế nêu trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính và các Bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, có các giải pháp hiệu quả để khắc phục, tập trung vào các vấn đề trọng tâm.

Đó là, khẩn trương ban hành đầy đủ và hướng dẫn để thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phê duyệt và triển khai Đề án huy động nguồn lực cho Chương trình. Sửa đổi quy định về sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp; rà soát các hướng dẫn về chính sách thuế để triển khai hiệu quả trong thực tiễn. Phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan để sớm điều hòa, phân bổ vốn cho các dự án thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bổ sung dự toán năm 2022, xây dựng dự toán năm 2023 và giải ngân được số tăng bội chi và các nguồn lực khác dự kiến của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 và 2023.

Tiếp tục kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội; nâng cao chất lượng tổng hợp, phân tích, dự báo theo dõi sát tình hình kinh tế chính trị, diễn biến lạm phát, giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược trong nước và trên thế giới. Xây dựng kịch bản, phương án ứng phó đối với từng mặt hàng để điều hành sản xuất, tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối, cân đối và điều hành cung cầu bình ổn giá. Tính toán kỹ khi điều chỉnh đối với giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, các mặt hàng điều chỉnh giá theo lộ trình cần phải đánh giá kỹ tác động đến CPI. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, việc chấp hành pháp luật về giá; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; có giải pháp hỗ trợ người có thu nhập thấp, người yếu thế khi giá cả mặt hàng thiết yếu tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu và giá sách giáo khoa.

Sửa đổi, bổ sung các quy định về mua sắm tập trung, đấu thầu mua sắm công, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công. Nghiên cứu, ban hành hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật và mức giá dự toán của tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung vừa bảo đảm mua sắm được các vật tư, dịch vụ thiết yếu liên quan đến đời sống người dân về y tế, giáo dục, an sinh xã hội. Và tăng cường được thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định của pháp luật trong mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Khẩn trương ban hành danh mục, tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp. Tập trung sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhất là Nghị định 32. Hoàn thiện các quy định về định giá doanh nghiệp, việc tính giá trị đất và giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, cá thể hóa trách nhiệm trong cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhất là người đứng đầu. Xây dựng và triển khai Đề án cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho Đề án này. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Tổ chức tái cơ cấu toàn diện thị trường vốn, thị trường chứng khoán theo Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật để tăng cường tính minh bạch của thông tin, bảo đảm cho thị trường hoạt động được một cách thông suốt và nhất quán. Nâng cao trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ, tổ chức kinh doanh chứng khoán. Khẩn trương sửa đổi Nghị định 153 về quy định chặt chẽ các vấn đề chào bán, giao dịch, phương thức phân phối, yêu cầu xếp hạng tín nhiệm, trách nhiệm và biện pháp quản lý các tổ chức trung gian khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Rà soát để sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt, thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Nâng cao hiệu quả công tác giám sát, vai trò của các tuyến giám sát từ các công ty chứng khoán đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và giám sát tuyến đầu của các Sở giao dịch chứng khoán. Xử lý nghiêm các vụ thao túng thị trường, tung tin đồn thất thiệt, sai sự thật; minh bạch thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền để xây dựng, phát triển thị trường lành mạnh, ổn định tâm lý thị trường, hỗ trợ hoạt động huy động vốn và hoạt động đầu tư trên thị trường vốn.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về thuế, mở rộng nguồn thu, chống xói mòn cơ sở thuế. Việc quản lý thuế cần chú trọng triển khai phương pháp quản lý rủi ro, chủ yếu là thực hiện theo nguyên tắc tiền khai, hậu kiểm. Rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Tăng cường quản lý, chống thất thu thuế nhưng không được làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và quyền lợi chính đáng của người dân, cản trở sự phát triển của thị trường bất động sản. Hoàn thiện quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại, điện tử; tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, hiệp hội, tổ chức có liên quan để trao đổi, kết nối thông tin quản lý thu. Hiện đại hóa công tác quản lý thuế, đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với thương mại điện tử; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đối chiếu để chống thất thu và xử lý nghiêm các vi phạm.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản