Sôi nổi, xây dựng, trách nhiệm
Tiếp tục Phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều nay, sau phần trả lời chất vấn trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã phát biểu, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.
Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, lĩnh vực thông tin và truyền thông có vai trò quan trọng trong đời sống. Công nghệ thông tin góp phần cải cách hành chính, cải cách thể chế, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao đời sống, minh bạch hóa thông tin, thực hiện công bằng xã hội... Sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và ứng dụng phát triển, mạng xã hội, các dịch vụ truyền thông trên Internet đã có tác động rất lớn đến đời sống của người dân và toàn xã hội.
"Diễn biến phiên chất vấn đã cho thấy tầm quan trọng và sự quan tâm của các ĐBQH đối với lĩnh vực này", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn có 33 ĐBQH đặt câu hỏi, 10 đại biểu phát biểu tranh luận. Còn 54 ĐBQH đăng ký phát biểu, 3 đại biểu đăng ký tranh luận nhưng chưa được đặt câu hỏi, đề nghị gửi câu hỏi bằng văn bản theo quy định.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi với tinh thần xây dựng, trách nhiệm. Các ĐBQH đặt câu hỏi cụ thể, ngắn gọn, đúng nội dung chất vấn. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng có kinh nghiệm trong công tác quản lý ngành, lĩnh vực và đã từng trả lời chất vấn trước Quốc hội. Bộ trưởng đã nắm chắc thực trạng vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý, trả lời đầy đủ, thẳng thắn với tinh thần cầu thị các câu hỏi của ĐBQH, đề xuất các giải pháp, định hướng và phương án xử lý cụ thể. Tham gia trả lời, giải trình làm rõ thêm những vấn đề liên quan có: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Công an.
Qua báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông và phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, lĩnh vực thông tin và truyền thông đã có những kết quả đáng khích lệ: đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia; phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; trình Quốc hội dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); cơ bản hoàn thiện khung pháp lý cho việc xây dựng Chính phủ điện tử; ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tiếp cận thông tin cơ sở hạ tầng viễn thông; chỉ số Dịch vụ trực tuyến của Việt Nam xếp hạng 76/193 quốc gia trên thế giới; từng bước quản lý hiệu quả hệ thống kho số, sim thuê bao di động; ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm trên các nền tảng xuyên biên giới…
Chỉ đạo quyết liệt thực hiện 6 nhóm giải pháp
Tuy nhiên, "bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực thông tin và truyền thông vẫn còn những vướng mắc, khó khăn, hạn chế", Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Qua phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các ĐBQH, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong đó tập trung vào một số vấn đề chính sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi số. Sớm ban hành và triển khai hiệu quả Đề án tăng cường, nâng cao năng lực chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương. Có giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin. Tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Hoàn thành việc ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung. Khẩn trương hoàn thiện 100% các cơ sở dữ liệu quốc gia cốt lõi và tăng cường kết nối, chia sẻ, khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia trên toàn quốc. Nghiên cứu đề xuất cơ chế thu phí từ việc khai thác dữ liệu để tái đầu tư, duy trì kho dữ liệu; phương án để duy trì nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Thứ hai, tích cực phát triển dữ liệu mở để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng. Khẩn trương ban hành, triển khai thực hiện Danh mục dữ liệu mở của cơ quan nhà nước, làm cơ sở kích thích phát triển kinh tế số, xã hội số. Nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ phía các cơ quan nhà nước, bảo đảm dễ sử dụng, thân thiện với người dùng; thực hiện phổ cập kỹ năng số miễn phí giúp người dân dễ dàng khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tăng cường cung cấp thông tin ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng nhân lực làm công tác thông tin ở cơ sở. Tích cực phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các Chương trình: Sóng và máy tính cho em; Cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Hỗ trợ cung cấp dịch vụ truy cập Internet băng rộng tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Phấn đấu trong năm 2023, giải quyết cơ bản tình trạng chưa có dịch vụ viễn thông di động tại 266 thôn của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; đặc biệt là sửa đổi, bổ sung các quy định quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, tên miền, các hoạt động truyền thông xã hội trên không gian mạng, quản lý nền tảng xuyên biên giới. Triển khai đồng bộ các giải pháp, quản lý hiệu quả các nền tảng xuyên biên giới, nhất là nền tảng mạng xã hội. Tích cực phối hợp thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới.
Có chính sách phát triển mạng xã hội trong nước, bảo đảm môi trường mạng xã hội lành mạnh, định danh được người sử dụng và hướng tới cân bằng tỷ lệ người sử dụng với mạng xã hội nước ngoài. Rà soát, giám sát, thanh tra, kiểm tra, tăng cường hoạt động hậu kiểm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là về “báo hóa” trang thông tin điện tử, mạng xã hội, về đăng tải tin giả, thông tin xấu độc trên mạng. Năm 2023, giải quyết cơ bản vấn đề “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử.
Thứ năm, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến trang thông tin điện tử, mạng xã hội, đồng thời với việc nâng cao ý thức, trách nhiệm khi cung cấp, sử dụng thông tin, ý thức bảo vệ thông tin cá nhân khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng. Tăng cường kiểm tra, xác minh, điều tra, truy vết, xác định các hành vi, đối tượng vi phạm quy định về nội dung thông tin và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Thường xuyên rà soát việc đảm bảo an toàn cho dữ liệu thông tin cá nhân của ngành, lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý. Tăng cường kiểm tra việc bảo vệ thông tin cá nhân của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về thu thập, xử lý thông tin cá nhân. Theo dõi, rà soát tình hình lộ lọt, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân của cơ quan, tổ chức tại Việt Nam và cảnh báo, hỗ trợ xử lý kịp thời.
Thứ sáu, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) bảo đảm chất lượng trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Năm. Hoàn thiện pháp luật về quản lý thuê bao phù hợp với xu thế phát triển mới và khắc phục những khó khăn, vướng mắc. Rà soát, hoàn thiện, triển khai hiệu quả việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông. Năm 2023, thực hiện đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Phối hợp chỉ đạo các đơn vị chức năng, các doanh nghiệp viễn thông thực hiện chuẩn hoá, xác thực thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hoàn thành trong Quý I.2023.
Áp dụng công nghệ xác thực thuê bao. Tiếp tục chủ động, tích cực xử lý tình trạng tin nhắn “rác”, cuộc gọi “rác”. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các rủi ro cho bản thân và cho xã hội khi sử dụng SIM đăng ký không đúng quy định, SIM không chính chủ. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ngay sau đó, Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với lĩnh vực nội vụ.
Theo Đại biểu Nhân dân