Tin mới

Khẳng định vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) - Chiều 15/1, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2018. Bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia xây dựng nông thôn (NTM) mới chủ trì Hội nghị.

Thường trực Ban Bí thư làm việc với các cơ quan của Đảng, MTTQ về Nghị quyết số 18-NQ/TW

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Tham dự Hội nghị có đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam 14 tỉnh, thành phố; đại diện Văn phòng điều phối xây dựng NTM Trung ương cùng đại diện các ban, bộ, ngành liên quan.

Tạo dựng uy tín, niềm tin trong nhân dân

Trong 3 năm qua, trên cả nước nhân dân đã tự nguyện hiến hơn 15,5 triệu mét vuông đất để làm đường, công trình dân sinh. Các địa phương đã huy động được hàng trăm tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn. Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động và triển khai Tháng cao điểm Vì người nghèo (17/10-18/11) hằng năm, trong 3 năm (2016-2018), Quỹ Vì người nghèo 4 cấp đã vận động được 2.646 tỷ đồng, vận động an sinh xã hội được 8.364 tỷ đồng, xây dựng sửa chữa được 93.325 nhà Đại đoàn kết.

Nổi bật là hoạt động giám sát xây dựng nông thôn mới, hằng năm MTTQ các cấp đã xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động giám sát liên quan nông thôn mới: Giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giám sát bảo vệ môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng, giám sát nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới, nhất là nguồn lực do nhân dân đóng góp và Nhà nước đầu tư, giám sát về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay, các địa phương đã tổ chức được 9.564 cuộc giám sát về nông nghiệp và cơ chế, chính sách cho người dân ở nông thôn.

Đối với việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM, từ tháng 6/2017 đến tháng 6/2018, MTTQ các cấp đã tổ chức lấy trên 118 ngàn ý kiến của người dân về công nhận cấp huyện và xã đạt chuẩn nông thôn mới với 11 huyện, 132 xã, trong đó có 10 huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/ đạt chuẩn NTM; 129 xã đảm bảo tỷ lệ hài lòng của người dân đề nghị công nhận xã đạt chuẩn NTM.

Tính đến tháng 12/2018, cả nước có 3.787 xã (chiếm 42,4%) được công nhận đạt chuẩn NTM, có 61 đơn vị cấp huyện thuộc 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM. Như vậy, việc tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM cơ bản bước đầu đã thể hiện được ý chí, nguyện vọng và sự tham gia giám sát của người dân trong xây dựng NTM.

Đánh giá hiệu quả của chương trình xây dựng nông thôn mới trong 3 năm qua, ông Trần Văn Môn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình quốc gia xây dựng NTM cho rằng, việc Mặt trận tham gia xây dựng NTM đã đưa dân chủ ở cơ sở đi vào thực chất, vai trò chủ thể của người dân được nâng lên, người dân có quyền đánh giá khách quan trong xây dựng NTM, MTTQ quyết liệt trong đảm bảo chất lượng và khắc phục tình trạng chạy theo thành tích trong xây dựng NTM.

“Nếu người dân hài lòng thì chương trình NTM mới đạt được mục tiêu. 10 năm gần đây, bộ mặt nông thôn đã đổi thay, chưa có chương trình nào người dân phấn khởi vào cuộc như thế này”, ông Trần Văn Môn khẳng định.

Ông Trần Văn Môn đề nghị, cần phải duy trì chất lượng đạt chuẩn NTM để khắc phục tình trạng thỏa mãn kết quả đã đạt được, và các địa phương đạt giai đoạn trước, so với tiêu chí tại giai đoạn hiện tại, không tụt hậu và phải thực chất, tiêu chí giai đoạn 2016-2020 phải đạt chuẩn và lên kiểu mẫu, các xã đạt 100%.

Khẳng định vai trò của MTTQ các cấp khi tham gia xây dựng nông thôn mới, ông Vũ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh cho biết, Mặt trận các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của quá trình xây dựng NTM, từ đó huy động sự vào cuộc, sự đồng lòng của nhân dân trong hoàn thiện cơ sở hạ tầng và hoàn thiện 19 tiêu chí NTM.

Theo ông Vũ Hùng, đến nay tại Bắc Ninh, tỷ lệ nông thôn sử dụng nước sạch hợp vệ sinh là 83%, tỷ lệ tham gia bảo hiểm là 95%, phòng học kiên cố đạt 98%,… Bắc Ninh đang triển khai đề án mỗi xã, phường một sản phẩm và xây dựng xã nông thôn kiểu mẫu. Trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng tại các xã NTM, Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đã tích cực tham gia xây dựng nhà đại đoàn kết, đưa tổng số 408 căn nhà Đại đoàn kết được đưa vào sử dụng trong năm 2018, hướng tới mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022.

Minh bạch trong đánh giá sự hài lòng của người dân

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Trên cơ sở kế thừa kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” của Thủ tướng Chính phủ, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch 283 về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong hệ thống Mặt trận.

“Với sự tham gia của hệ thống Mặt trận các cấp, các tiêu chí trong xây dựng NTM ngày càng được nâng cao, tỷ lệ các xã đạt chuẩn NTM ngày càng được nâng lên, đặc biệt là vai trò giám sát của người dân đối với các chương trình, các dự án đầu tư trong xây dựng cơ bản ngày càng phát huy, thể hiện rõ vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.

Ghi nhận ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị về việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân trong xây dựng NTM, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, với nội dung đánh giá sự hài lòng của người dân, MTTQ các cấp đã thể hiện rõ vai trò tổ chức, hướng dẫn, tập huấn và triển khai lấy ý kiến người dân, từ đó nâng cao tỷ lệ người dân được lấy ý kiến, và đảm bảo tính hiệu quả, thực chất trong xây dựng NTM.

Với mong muốn khẳng định vai trò của Mặt trận các cấp trong quá trình xây dựng NTM, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị, Mặt trận các cấp cần tích cực vận động nhân dân tham gia thực hiện các tiêu chí về văn hóa như việc phát huy các mô hình tự quản về môi trường, huy động sự vào cuộc của nhân dân trong việc bảo vệ an ninh, trật tự ở khu dân cư và hiến đất xây dựng NTM...

Đối với việc lấy ý kiến của người dân, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, Mặt trận các cấp cần khẳng định vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM, giúp người dân có trách nhiệm hơn trong hoàn thiện 19 tiêu chí. Đồng thời các phiếu xin ý kiến phải được lưu lại để tránh hiện tượng khiếu kiện sự thiếu minh bạch trong việc đánh giá sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM.

“Mặt trận các tỉnh, thành phố cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và khẳng định vai trò của mình trong xây dựng NTM, từ đó giữ uy tín, niềm tin trong nhân dân, huy động sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng NTM”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản