|
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo |
Tham dự Phiên họp còn có: Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga; cùng toàn thể các thành viên của Ủy ban Đối ngoại khóa XV.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hải Hà cho biết, Ủy ban Đối ngoại là một trong 10 cơ quan của Quốc hội, có chức năng tham mưu cho Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước trong lĩnh vực đối ngoại và hội nhập quốc tế, đồng thời trực tiếp triển khai các hoạt động đối ngoại của Quốc hội. Trong suốt quá trình thành lập và phát triển, Ủy ban Đối ngoại qua các nhiệm kỳ đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong thời kỳ đổi mới, cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, đối ngoại Quốc hội góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, huy động nguồn lực cho phát triển, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trên biển.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, hoạt động của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã có nhiều dấu ấn quan trọng, vị trí của ngoại giao nghị viện ngày càng được nâng cao, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Quốc hội nước ta với nghị viện các nước trên thế giới. Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đã chủ trì và phối hợp thẩm tra nhiều dự án luật, điều ước quốc tế quan trọng trình Quốc hội phê chuẩn, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho công tác đối ngoại và thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Hoạt động đối ngoại nghị viện song phương và đa phương được triển khai ở nhiều cấp độ, đưa mối quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với nghị viện các nước phát triển thiết thực, hiệu quả; nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam trong các cơ chế hợp tác nghị viện đa phương khu vực và thế giới.
Tiếp nối các thành công đó, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hải Hà tin rằng tập thể 36 thành viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa XV sẽ phát huy trí tuệ, sự đoàn kết đưa công tác đối ngoại của Quốc hội trở thành một trong những trụ cột trong nền ngoại giao nước nhà, góp phần hiệu quả vào việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, đa dạng hoá, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trên mọi lĩnh vực, góp phần xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại.
|
Toàn cảnh phiên họp |
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, lãnh đạo Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Ủy ban Đối ngoại trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV; Ủy ban đã phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ tập thể, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, có nhiều mặt công tác hoàn thành xuất sắc, góp phần tích cực vào công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.
"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên Khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, khẳng định: Hoạt động đối ngoại của Quốc hội ngày càng được đẩy mạnh và mở rộng trên cả bình diện song phương và đa phương, đưa ngoại giao nghị viện đi vào chiều sâu, góp phần làm cho nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế ngày càng hiểu biết rõ hơn về đất nước, con người và nền văn hoá Việt Nam; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế; nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam nói chung, và Quốc hội Việt Nam nói riêng, trên trường quốc tế", ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, do dịch Covid-19, thời gian qua hoạt động đối ngoại của Quốc hội phải hủy bỏ nhiều chương trình, chỉ tổ chức các hoạt động trực tuyến nhưng vẫn đạt được yêu cầu, nhiệm vụ đối ngoại của Quốc hội. Ủy ban đã tập trung tổ chức các hoạt động theo chương trình của Đại hội đồng Điều hành Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 142; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để tham mưu, thực hiện các hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Quốc hội.
Theo dõi các hoạt động của Ủy ban, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội vui mừng nhận thấy từ các đồng chí lãnh đạo đến cán bộ, nhân viên rất tâm huyết, trách nhiệm, lắng nghe ý kiến, triển khai công việc nghiêm túc, chuyên nghiệp, hiệu quả.
Khẳng định tinh thần "hòa bình, hợp tác và phát triển" vẫn là xu thế chủ đạo và là mong muốn, nguyện vọng chính đáng của người dân, dự báo tình hình tiếp tục biến động sâu sắc, bất ổn và khó lường. Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực, sâu rộng đến mọi mặt về kinh tế, chính trị, xã hội và đời sống người dân, làm chuyển biến phương thức, tính chất và nội dung của ngoại giao nghị viện, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tin tưởng với năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, sự năng động, sáng tạo và sức trẻ cùng với trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn dày dặn trong các lĩnh vực Ủy ban phụ trách, kế thừa, phát huy những thành quả của Ủy ban các khóa đã đạt được, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa XV sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các thành viên của Ủy ban phải thường xuyên cập nhật quy định, hướng dẫn mới, nắm chắc chuyên môn, nghiệp vụ để tham mưu cho chắc, cho sắc. Phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Trung ương Đảng.
"Công việc nhiều nhưng luôn đòi hỏi sự cẩn trọng, tuyệt đối không để xảy ra sơ xuất; phải hết sức lưu ý phân công phù hợp để nâng cao trách nhiệm cá nhân, nâng cao chất lượng các báo cáo, văn bản tham mưu trên cơ sở nắm vững quan điểm, định hướng, chủ trương Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn gợi mở.
|
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự phiên họp |
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương lớn của Đảng về phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, trong đó chú trọng vị trí, vai trò đối ngoại Quốc hội trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam, là nhân tố kết nối giữa đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đưa công tác đối ngoại của Quốc hội lên tầm cao mới, chuyên nghiệp hơn, hiện đại, hiệu quả và thiết thực.
Bên cạnh đó cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; thường xuyên, chú trọng giám sát việc thực hiện các cam kết quốc tế và điều ước quốc tế; nâng cao chất lượng tham mưu cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc quyết định các vấn đề quan trọng về đối ngoại cũng như triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại trên kênh nghị viện, xác định trọng tâm, trọng điểm trong quan hệ song phương, nâng tầm ngoại giao đa phương, chú trọng ngoại giao kinh tế, lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.
"Ủy ban Đối ngoại cần tiếp tục củng cố quan hệ phối hợp với các cơ quan làm công tác đối ngoại, ngoại giao của Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để việc tham mưu, điều phối các hoạt động đối ngoại nhịp nhàng, hiệu quả; mong Ủy ban duy trì nề nếp, kỷ cương, động viên các thành viên trong Ủy ban luôn thống nhất cao, hết mình với công việc. Phát huy năng lực, trình độ, kinh nghiệm, thế mạnh của mỗi thành viên, vừa kế thừa, phát huy, vừa đổi mới, phát triển để khẳng định vai trò quan trọng của Ủy ban Đối ngoại trong các hoạt động của Quốc hội", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị.
Hương Diệp