Tin mới

Khẳng định vị thế của thành viên Hội đồng tư vấn trong giám sát và phản biện xã hội

(Mặt trận) - Ngày 12/3 tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2018. Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật đồng chủ trì Hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Quang cảnh buổi làm việc.

Tạo bước chuyển rõ nét trong giám sát, phản biện xã hội

Theo ông Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng, năm 2017, Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật có nhiều hoạt động tích cực, có trách nhiệm cao. Các ý kiến tham gia góp ý chất lượng, đa dạng, có cơ sở lý luận và thực tiễn, được nhiều cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá cao.

“Những công việc được Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam yêu cầu đều được các thành viên trong Hội đồng mang trí tuệ, lòng nhiệt tình và tâm huyết của mình để đóng góp ý kiến và đưa ra những ý kiến xác thực nhất.”, ông Đường nhấn mạnh.

Trong đó, Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật đã tổ chức các Hội nghị tham gia góp ý, phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật như dự thảo đề án “Quy định về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ đảng viên”, dự án Luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện và thủ tục bắt giữ tàu biển, tàu bay…

Hội đồng cũng tổ chức phối hợp với các Hội đồng tư vấn khác phản biện đối với dự thảo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi), phản biện Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Tín ngưỡng, tối giáo, dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Trong việc tham gia giám sát, khảo sát công tác Dân chủ - Pháp luật, Hội đồng đã tiến hành khảo sát tại 4 tỉnh, thành phố là Bình Dương, Vĩnh Phúc, Phú Thọ và TP. Hồ Chí Minh. Qua đợt khảo sát, Hội đồng tư vấn đã xây dựng văn bản báo cáo kết quả khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, từ đó có những kiến nghị, đề xuất cụ thể về công tác Dân chủ - Pháp luật để Ban Thường trực có hướng chỉ đạo cụ thể trong thời gian tới.

Hội đồng tư vấn cũng đã phân công các thành viên tham gia đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đối với mặt hàng nhập khẩu có biểu hiện bán phá giá tại thị trường Việt Nam.

Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại, đó là hoạt động của Hội đồng chưa được thường xuyên liên tục, thường bị động. Việc tiếp thu, phản hồi ý kiến đóng góp của Hội đồng chưa được các cơ quan chủ trì soạn thảo chú trọng, việc góp ý của MTTQ Việt Nam mới chỉ một chiều, chưa có ý kiến phản hồi của cơ quan chủ trì soạn thảo…

Các thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật đề nghị hoạt động của Hội đồng cần hướng tới hiệu quả, không hình thức. Theo đó trong năm 2018, Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật sẽ tiếp tục tham gia góp ý kiến xây dựng các dự án luật, pháp lệnh và văn bản dưới luật theo yêu cầu của Ban Thường trực, tham gia phản biện xã hội vào các dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Luật bổ sung một số điều Luật Tố cáo; Luật Phòng, chống tham nhũng, lãng phí (sửa đổi)…

Bên cạnh đó, trong quý I, II, theo yêu cầu của Ban Thường trực, Hội đồng sẽ tham gia tư vấn cho ban Thường trực về quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của tổ chức và người dân để phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam với công tác tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tham gia tư vấn việc xử lý thông tin vụ việc về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Trong năm 2018, Hội đồng tham gia giám sát một đến hai vụ việc khiếu nại công công dân tồn đọng, gây bức xúc kéo dài; tham gia khảo sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giám sát cán bộ, đảng viên ở khu dân cư tại 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…

Tạo tiếng nói chung của thành viên Hội đồng trong triển khai các chương trình giám sát, phản biện

Theo ông Trần Ngọc Đường, việc tham gia của Hội đồng trong năm 2018 phải được chọn lọc, đặc biệt cần tập trung vào việc phản biện các dự án luật. Để phản biện khác với góp ý, mỗi dự án luật đưa ra phản biện phải gửi văn bản sớm, để từ đó mỗi thành viên trong Hội đồng sẽ chuẩn bị các báo cáo phản biện công phu hơn, tập trung vào các vấn đề được phản biện hiệu quả hơn, từ đó tạo tiếng nói chung của các thành viên Hội đồng trong triển khai các chương trình phản biện mà Hội đồng tham gia.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật trong các hoạt động đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, tham gia vào các đoàn giám sát, phản biện xã hội, tham gia hoàn thiện thể chế, cơ chế để phát huy vai trò của nhân dân tham gia phòng chống, tham nhũng lãng phí…

Đồng tình với kế hoạch công tác năm 2018, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị, Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để tiếp tục có nhiều ý kiến tâm huyết, từ đó góp phần tạo bước chuyển biến rõ nét trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Đặc biệt trong vấn đề phản biện, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị cần phải tập trung vào vấn đề trọng tâm như Luật Bảo vệ người chống tham nhũng, Luật Tố cáo,… những vấn đề mà nhân dân quan tâm để phát huy vai trò của thành viên Hội đồng trong các chương trình phản biện xã hội.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực mong muốn trong năm 2018, với tri thức và kinh nghiệm của mình, Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật sẽ lựa chọn một số vấn đề được đông đảo người dân quan tâm để tham gia phản biện xã hội, như Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; tiếp tục tăng cường các hoạt động thực tiễn như đi khảo sát cơ sở… để hoạt động của Hội đồng đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản