Tin mới

Không khí trang nghiêm chào mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2562, Dương lịch 2018

(Mặt trận) - Sáng 29/5, tại chùa Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trọng thể tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2562, Dương lịch 2018.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Dự buổi lễ có ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; Hòa thượng Thích Thanh Dũng, Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam; cùng đại diện một số bộ, ban, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội; đại sứ, các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các chư tôn đức giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các tôn giáo bạn, cùng đông đảo phật tử.

Ngày Phật đản bắt nguồn từ sự kiện cách đây 2.562 năm, đấng Đại hùng Đại lực Đại từ bi Thích Ca Mâu Ni xuất hiện ở thế gian, nơi vườn Lâm Tỳ Ni lịch sử nhằm “Khai thị ngộ nhập Phật tri kiến”, tỏa rạng ánh sáng từ bi, trí tuệ khắp muôn nơi, chỉ cho chúng sinh con đường trở về bản tâm thanh tịnh, hướng đến đời sống chân - thiện - mỹ và giải thoát, giác ngộ.

Mùa Phật đản Vesak thiêng liêng PL.2562 - DL.2018 lại trở về rộn ràng trong không khí hòa hợp của tăng ni và phật tử, hướng đến kỷ niệm 1.000 năm ngày viên tịch của Thiền sư Vạn Hạnh; đồng thời cũng chuẩn bị Đại lễ kỷ niệm 710 năm ngày Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, vị sơ Tổ khai sáng nền Phật giáo Trúc Lâm với tư tưởng hào quang đồng trần, đưa đạo vào đời, lấy đời phát triển đạo tiêu biểu của tinh thần nhập thế Phật giáo Việt Nam và lễ kỷ niệm 55 năm ngày Bồ tát Thích Quảng Đức vị Pháp thiêu thân trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Đó chính là những di sản vô giá của Phật giáo Việt Nam, được lịch sử khắc sâu, để lại cho hậu thế noi theo.

Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đọc thông điệp của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, tăng, ni, cư sỹ, phật tử Việt Nam ở trong nước và nước ngoài nhân Đại lễ Phật đản Phật lịch 2562 - Dương lịch 2018.

Thông điệp có nêu, kỷ niệm sự kiện Đản sinh của đức Từ phụ cũng là dịp chúng ta lắng lòng nhớ lời dạy của Ngài: “Có Niết bàn, có con đường đưa đến Niết bàn và Ta là người chỉ đường”. Thế giới quan Phật giáo cũng chỉ ra rằng: Tâm bình thì thế giới bình. Chỉ có thể giải quyết tận gốc rễ các khủng hoảng từ chính nội tâm của mỗi con người chúng ta. Một quốc gia sẽ phát triển thịnh vượng, bền vững khi mỗi người dân trong quốc gia đó sống không vị kỷ, không đặt kể cả lợi ích của một nhóm nhỏ trong xã hội lên trên lợi ích của toàn dân. 

Đức Pháp chủ Giáo hội Phật Giáo Việt Nam mong muốn, phát huy những thành quả đã đạt được, Chư tôn đức tăng ni luôn nỗ lực tinh tấn tu học, nỗ lực trong tu tập Giới - Định - Tuệ thông qua Bát chính đạo. Tăng, ni GHPGVN sẽ phấn đấu làm tốt sứ mạng hoằng dương Chính pháp, đem đạo thấm sâu vào đời sống nhân dân, đoàn kết hòa hợp vì phật sự chung, vì lợi ích của dân tộc và sự nghiệp phục vụ chúng sinh để có được cuộc sống an lạc, hạnh phúc. 

Diễn văn Phật đản của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng kêu gọi, tăng ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam phấn đấu, làm tốt sứ mạng hoằng dương Chính pháp, đem đạo thấm sâu vào đời sống nhân gian, đoàn kết hòa hợp vì phật sự chung, vì lợi ích của dân tộc và sự nghiệp phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật, để có được cuộc sống an lạc, hạnh phúc.


Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận sự đóng góp to lớn của Phật giáo Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử đất nước. Phát huy truyền thống yêu nước và tinh thần “hộ quốc an dân”, GHPGVN đã không ngừng vươn lên, từng bước củng cố, phát triển lớn mạnh về mọi mặt hoạt động, thể hiện sự hòa hợp, đoàn kết, thống nhất, giữ gìn và tiếp tục phát huy tinh thần gắn bó với dân tộc.

Phó Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước ta thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, đảm bảo sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực trong truyền thống dân tộc, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân, không ngừng chăm lo về kinh tế, xã hội, tạo điều kiện cho các tôn giáo phát triển, tín đồ và chức sắc các tôn giáo yên tâm tu hành và tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước, các công việc chung của đất nước.

Với tinh thần kỷ niệm ngày Phật đản, phát huy truyền thống của Phật giáo Việt Nam, với trí tuệ Phật giáo, với tinh thần đoàn kết lục hòa của tăng ni, phật tử, với đường hướng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tin tưởng GHPGVN sẽ tiếp tục hạnh nguyện nhập thế, lấy việc phục vụ chúng sinh, ích đạo lợi đời làm phương hướng tu hành; khẳng định và xiển dương những giá trị ưu việt của tôn giáo hòa bình, để xứng đáng với sự tin yêu, gửi gắm của tăng ni, phật tử nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. GHPGVN tiếp tục là cầu nối quan trọng giữa phật tử kiều bào, các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài hướng về, chung tay cùng ngôi nhà chung GHPGVN góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam thân yêu.

Kết thúc buổi lễ, Chư tôn đức và các vị đại biểu, cùng đông đảo tăng ni, phật tử đã tham dự lễ dâng hương kính mừng Phật đản, cử hành nghi lễ tắm tượng Phật và thả bóng bay, thả chim bồ câu với khát vọng hòa bình cho toàn nhân loại.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản