. Tôi đã từng có thời gian dài cả chục năm viết về các nạn nhân chất độc da cam. Đến tận nơi, chứng kiến tận mắt mới thấy khó có ai có thể khổ hơn họ. Có những gia đình, có 5 người con thì cả 5 đều tàn tật, vô tri vô giác. Khó ai có thể cầm lòng khi nhìn cảnh mẹ già gần 70 tuổi vẫn phải còng lưng múc nước giếng tắm gội cho từng đứa con, có đứa đã ngoài 40 tuổi nhưng đến vệ sinh cá nhân cũng không thể tự chủ. Nghèo đói, bệnh tật quanh năm đeo đuổi họ, gần như hiếm khi họ có được một bữa cơm ăn no đúng nghĩa.
Còn nhiều những gia đình nghèo ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, có khi họ triền miên ăn củ mài, củ ráy thay cơm. Và trên khắp đất nước, vẫn còn không ít những gia đình có hoàn cảnh như vậy.
Bình thường, họ đã rất nghèo, rất đói, thế nên trong những ngày dịch bệnh như thế này, họ lại càng rơi vào cảnh khốn khó. Không ở đâu xa, ngay giữa Thủ đô, cũng có rất nhiều người đang là nạn nhân của dịch Covid-19. Đó là những tài xế xe công nghệ, những người bán hàng rong hay nhiều sinh viên ở các tỉnh xa.
|
Nếu không thực sự khó khăn, xin hãy dành những món đồ từ thiện cho người nghèo. (Trong ảnh: Một tình nguyện viên phát đồ miễn phí cho người nghèo) |
Bình thường không có dịch, cuộc sống của họ đã rất khó khăn, vất vả khi nhiều người là trụ cột của gia đình lên Hà Nội kiếm sống nuôi cả gia đình ở quê và những đứa con đang học Đại học. Với họ, chưa ráo mồ hôi đã hết tiền. Như thế là đã là may mắn, bởi nhiều người làm việc cật lực nhưng quanh năm vẫn thiếu đói…
Với nhiều sinh viên ở tỉnh xa, lên Hà Nội học cũng đồng nghĩa với việc phải đi làm thêm để trang trải tiền học và tiền sinh hoạt, bởi bố mẹ ở quê quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, không thể lo cho con học Đại học…
Vì thế, khi gặp dịch bệnh, họ gần như không có việc làm, nguồn thu nhập bị cắt đứt hoàn toàn, họ thực sự khó khăn để lo cuộc sống cho chính bản thân, nói gì đến việc nhiều gia đình ở quê gần như phụ thuộc vào “trụ cột” đang kiếm sống ở Hà Nội, với hàng trăm thứ chi tiêu từ tiền học hành cho con, tiền chữa bệnh, tiền vay nợ…
2. Phải khẳng định, từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách đặc biệt quan tâm tới người nghèo, gia đình chính sách, các đối tượng dễ tổn thương trong xã hội.
Cùng với sự chăm lo của Nhà nước, sự chung tay chia sẻ của cộng đồng qua nhiều cuộc phát động của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và cả cuộc vận động của các nhóm thiện nguyện trên khắp cả nước, đã hỗ trợ được rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, yếu thế.
Trong đợt dịch Covid-19, tại các phiên họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo, trước mắt phải lo cho cuộc sống nhân dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, người làm bán thời gian, người mất việc làm, thu nhập để bảo đảm đời sống ở mức cơ bản tối thiểu. Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh gói an sinh xã hội, không để người dân phải chờ đợi thêm.
Và trong thời gian vừa qua, trên khắp cả nước có rất nhiều cuộc vận động ủng hộ người ở tuyến đầu, ủng hộ người nghèo đã thực sự là sự động viên, chia sẻ đầy ý nghĩa với những hoàn cảnh khó khăn. Tại nhiều thành phố và ở Hà Nội, các chương trình thiện nguyện như: may khẩu trang tặng người nghèo, ủng hộ suất ăn cho người nghèo được nhiều tổ, nhóm thiện nguyện, cá nhân phát động thu hút sự chung tay chia sẻ của cộng đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay vẫn còn rất nhiều gia đình thuộc diện nghèo cần được trợ giúp. Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, hiện nay trên cả nước có hơn 1,3 triệu hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 5,23% so với tổng số hộ dân cư toàn quốc) và hơn 1,23 triệu hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 4,95%).
3. Trong khi Đảng, Nhà nước và cộng đồng đang chung tay làm nhiều việc ý nghĩa, chia sẻ với người nghèo lúc khó khăn thì vẫn còn đâu đó những hành động phản cảm.
Tại điểm phát suất ăn miễn phí ở đường Lê Văn Lương và một số điểm khác ở Hà Nội, có biển đề rõ “Nếu khó khăn, hãy lấy một gói mỗi ngày. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác”. Nhưng có nhiều người, nhìn quần áo, giày dép và đồ trang sức mang trên người, chắc chắn họ không nghèo, không phải đến mức thiếu ăn, thiếu mặc nhưng vẫn sà vào bàn phát tặng để “xin” một gói quà gồm 5-7 gói mì tôm và vài quả trứng. Xin xong, nhiều người còn hỉ hả, tụ tập khoe nhau “chiến lợi phẩm”.
|
Đã từng xảy ra tình trạng những kẻ tham thường xuyên túc trực ở những tủ quần áo "0 đồng" để lấy đồ |
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra những hiện tượng xấu xí như thế. Mà trước đó, khi một số nhóm từ thiện có sáng kiến đặt các tủ quần áo “0 đồng” ở các phố Hà Nội để người nghèo có thể đến lấy. Nhưng thực chất, nhiều người không nghèo đã thường xuyên “canh” ở các tủ quần áo để khi có người mang đến từ thiện, họ nhặt hết những đồ còn tốt. Thậm chí, những người nghèo khó có cơ hội tiếp cận các tủ quần áo này.
Chị Nguyễn Thanh Hải, thành viên của nhóm sáng lập tủ quần áo 0 đồng đã rất bức xúc, “chúng tôi biết tình trạng những người tới lấy rất nhiều đồ từ thiện để trục lợi, nhưng chưa có cách nào để ngăn chặn. Lúc đầu, cũng nghĩ những người này cũng có hoàn cảnh khó khăn đến lấy quần áo, nhưng thực tế không phải vậy, họ thường xuyên đến lấy với số lượng lớn. Việc làm của họ ảnh hưởng rất nhiều đến ý nghĩa tốt đẹp là chia sẻ với người nghèo”.
Có thể đối với những người này, món đồ họ “xin” hay lấy được từ chương trình phát tặng cho người nghèo rất nhỏ bé (vì thực chất họ không nghèo đến mức phải nhận những món đồ từ thiện đó), nhưng đối với những người nghèo khó, những món đồ đó vô cùng quý giá, nuôi sống họ trong một khoảng thời gian, thậm chí cứu mạng họ và cả gia đình họ.
Vì thế, trong lúc dịch bệnh như thế này, nếu không thực sự khó khăn, xin hãy dành những món đồ từ thiện cho người nghèo, những người thực sự cần đến nó. Đó cũng là sự chia sẻ, động viên lớn đối với người nghèo và cả những tấm lòng đang làm những việc vì người nghèo, vì cộng đồng./.