Tin mới

Khuyến khích, bảo vệ cán bộ hành động: Tạo động lực cho sự phát triển

(Mặt trận) - Mặt trận chống dịch càng khó khăn, nguy hiểm, càng cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, năng động, quyết đoán của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Chủ tịch Quốc hội Cuba

Tòa T18, khu đô thị Park Hill- Times City trên địa bàn phường Mai Động được thiết lập các "vùng xanh" để ngăn dịch bệnh. 

Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Chủ trương này cho thấy Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện và động lực để mỗi cán bộ, đảng viên phát huy cao nhất năng lực, sở trường của mình, yên tâm hoàn thành tốt nhất vai trò, chức năng nhiệm vụ được giao, cống hiến nhiều nhất cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, nhân dân.

Luôn xung kích, đi đầu

Thực tiễn hơn 90 năm qua (3/2/1930-3/2/2021) đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Để đạt được những thắng lợi đó đòi hỏi Đảng ta có tầm cao trí tuệ, tư duy sáng tạo, đổi mới để luôn thích ứng với thực tiễn phong phú, tìm ra đường lối lãnh đạo đúng đắn trong từng giai đoạn lịch sử của dân tộc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, trước bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp.

Chính vì vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng hoàn thiện mình, xây dựng tổ chức, "xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung."

Thực tế cho thấy bằng tâm huyết, trách nhiệm và khát khao cống hiến, nhiều cán bộ, đảng viên đã luôn xung kích đi đầu, không ngừng tìm tòi, sáng tạo, vượt qua khó khăn, hạn hữu của thực tại, để mở ra hướng đi mới, cách làm mới, từ đó có thể bứt phá vươn lên.

Vào những năm 60 của thế kỷ trước, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc là "cha đẻ của khoán hộ," là người đi trước thời gian và là người mở đường cho tư duy đổi mới về nông nghiệp, nông thôn, nông dân...

Cống hiến lớn nhất của ông là chủ động đề xuất và chủ trì nghiên cứu, thảo luận để cho ra đời một Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc có tính đột phá đầy sáng tạo, có tác dụng thay đổi cách nhìn, cách nghĩ về con người, về lao động, sáng tạo và cống hiến.

Nghị quyết có tác dụng tức thì và lâu dài về sự đổi đời cho người lao động được chủ động và tự do lao động, sản xuất, được phát huy mọi khả năng, tiềm năng, khát vọng, sáng tạo. Đó là Nghị quyết 68 ngày 10/9/1966 "về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã hiện nay."

Chính vì thế, những đóng góp của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc đã in dấu vào đời sống hàng chục triệu nông dân Việt Nam suốt nửa thế kỷ qua.

Trải qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Những thành quả đó là sự kết tinh trí tuệ, tinh thần năng động, sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó có vai trò, đóng góp to lớn và sự cống hiến không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Hiện nay, đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, bối cảnh tình hình mới diễn biến phức tạp, khó lường, công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển, những tác động mặt trái của kinh tế thị trường đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới hết sức nặng nề, phức tạp, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên càng phải phát huy cao độ tinh thần năng động, sáng tạo, cống hiến vì sự phát triển chung của đất nước.

Nhân viên y tế cấp phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN) 

Hai năm qua, đại dịch COVID-19 hoành hành, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, đặc biệt từ khi bùng phát đợt dịch thứ 4 với sự tấn công của các biến thể virus mới, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch như: y tế, công an, quân đội đã toàn tâm, toàn sức chống dịch, không kể ngày đêm.

Mặt trận chống dịch càng khó khăn, nguy hiểm, càng cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, năng động, quyết đoán của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các địa phương, đơn vị, cơ sở.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo đã được các địa phương, cơ sở mạnh dạn thí điểm thực hiện, với mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân. Đó là mô hình thu dung chăm sóc F0 không triệu chứng của huyện Củ Chi hay sáng kiến của quận 6, nơi đầu tiên chủ động phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà, trước khi Sở Y tế có hướng dẫn chính thức. Những cách làm này đã mang lại hiệu quả trên thực tế, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ bệnh nhân trở nặng.

Trước sự quá tải của hệ thống điều trị trên địa bàn, quận 7 đã thiết lập phòng cấp cứu ngay trong các khu cách ly tập trung F0, phát huy hiệu quả rõ rệt trong cấp cứu tại chỗ những trường hợp F0 diễn biến nặng rất nhanh. Từ đó, Quận 7 đã mạnh dạn chuyển đổi một khu cách ly tập trung thành Bệnh viện dã chiến số 1 để điều trị cho các F0 có triệu chứng nhẹ và vừa, một phần chuyển nặng không phải chuyển đi xa. Đây là bệnh viện dã chiến cấp quận, huyện đầu tiên trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Hơn nữa để có đủ ôxy cho bệnh nhân, lãnh đạo quận 7 tìm mọi cách như thuê, mua, xin… bình ôxy loại 40 lít và chủ động liên hệ với một doanh nghiệp đặt bồn ôxy lỏng vốn dùng cho công nghiệp để thiết lập hệ thống ôxy tập trung cho bệnh viện dã chiến số 1.

Chính sự quyết tâm, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, tinh thần đổi mới sáng tạo của lãnh đạo các địa phương, đã mang lại những kết quả rõ nét trong thực tế.

Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm (cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội) khai báo trước tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) 

Khuyến khích, bảo vệ cán bộ hành động vì lợi ích chung

Đổi mới sáng tạo là tìm ra những cách làm mới, hướng đi mới, chưa từng có tiền lệ, cần được thực tiễn chứng minh tính đúng đắn, tính hiệu quả. Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm chính là chủ động xử lý công việc, giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống đang đặt ra, đồng thời dám chịu trách nhiệm về những hành động, việc làm của mình.

Nhưng đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm khác với làm liều, làm bừa, mà phải có căn cứ khoa học, xác đáng, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; không trái với chính sách, luật pháp, truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; phải có động cơ mục đích vô tư trong sáng, vì lợi ích chung, vì sự phát triển đất nước, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.

Như Kết luận số 14 KL/TW đã nêu rõ: "Đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng."

Để động viên, khuyến khích, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đi đầu, đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung, rất cần sự đồng hành, sát cánh, ủng hộ kịp thời của cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Kết luận số 14 KL/TW nhấn mạnh: "Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị quan tâm hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ triển khai thực hiện."

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện những đề xuất, cách làm mới, không tránh khỏi khó khăn, vướng mắc, cần được tháo gỡ, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, xem xét điều chỉnh uốn nắn kịp thời, phù hợp tình hình thực tiễn; đồng thời ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh việc lợi dụng chủ trương, chính sách để bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, cố tình vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của nhà nước.

Thực tế, bên cạnh những cán bộ dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân thì vẫn còn có cán bộ, đảng viên "dám làm" vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, gây nguy hại cho đất nước, nhân dân, khiến dư luận bất bình, phẫn nộ. Những hành vi đó cần được xử lý nghiêm minh.

Trong khi Đảng, Chính phủ và nhân dân đang tập trung tối đa sức người, sức của để phòng, chống dịch COVID-19, thì một số cán bộ chủ chốt của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội), lẽ ra phải nêu cao trách nhiệm, hết lòng hết sức phòng, chống dịch bệnh, chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhưng lại cố tình vi phạm quy định về đấu thầu để trục lợi, câu kết với nhau vì lợi ích nhóm, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

Hay trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Bộ Công Thương và Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) liên quan đến dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, các bị cáo đã vì lợi ích cá nhân vi phạm quy định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; gây thiệt hại, thất thoát hơn 2.713 tỷ đồng...

Trước thực tế, hàng loạt vụ việc vi phạm bị xử lý, nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, lĩnh án tù, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ," để tránh tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên nhụt chí, co mình, không mạnh dạn đề xuất, đi đầu khởi xướng và có tư tưởng bàn lùi, làm việc "cầm chừng," "phòng thủ," "che chắn," giữ "an toàn" thì phải xem xét thận trọng, phân biệt rõ những người dám nghĩ, dám làm, có động cơ trong sáng vì sự nghiệp đổi mới đất nước, với những người có hành vi vi phạm vì động cơ cá nhân, "lợi ích nhóm" để xử lý, ngăn chặn kịp thời.

Trong từng trường hợp cụ thể, phải xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể để có các biện pháp xử lý phù hợp "thấu tình, đạt lý," "tâm phục, khẩu phục," "rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn" nhằm "giáo dục cảnh tỉnh," "răn đe, phòng ngừa sai phạm"...

Bởi vậy, các cấp ủy Đảng cần thường xuyên giám sát, theo dõi kiểm tra; kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm; hoặc biểu dương, nhân rộng, khen thưởng xứng đáng, ưu tiên bố trí sử dụng cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung và sự phát triển của đất nước, dân tộc, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.

Do đó, cần coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch vững mạnh, đủ đức, đủ tài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần lưu ý, phải xem xét thấu đáo, kỹ lưỡng ngay từ khi lựa chọn, bố trí cán bộ, đừng "nhìn gà hóa cuốc," đừng "thấy đỏ tưởng là chín"; kiên quyết đấu tranh loại bỏ những phần tử hư hỏng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đề cao trách nhiệm nêu gương, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên.

Việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW tạo cơ chế cởi mở để cán bộ thể hiện, phát huy tối đa năng lực của mình, tạo điều kiện cho cán bộ nhiệt tình, vì công việc chung mà dám quyết liệt, dám xả thân vì đất nước, vì nhân dân; đồng thời thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng ta, kết hợp nhuần nhuyễn giữa "xây" và "chống" trong công tác cán bộ. Kết luận 14-KL/TW được ban hành nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách về công tác cán bộ của Đảng, một nhiệm vụ "then chốt" của "then chốt" trong công tác xây dựng Đảng./.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản