Tin mới

Kỳ họp đặc biệt, ghi dấu của sự đổi mới, tinh thần đoàn kết

(Mặt trận) - Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào sáng 20/5. Đây là kỳ họp đặc biệt, ghi dấu của sự đổi mới, tinh thần đoàn kết, quyết tâm, tạo động lực để đất nước và nhân dân ta vượt qua khó khăn, để tiếp tục tiến bước.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: VGP 

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, theo chương trình đã được thông qua, kỳ họp sẽ chia thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung.

Thời gian qua, mặc dù vừa phải tập trung chống dịch COVID-19 vừa phải đẩy mạnh phục hồi kinh tế, ổn định xã hội nhưng các cơ quan, tổ chức hữu quan đã tích cực khẩn trương, nỗ lực cao nhất trong chuẩn bị để kỳ họp khai mạc hôm nay. Điều đó đã thể hiện tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, sự đồng sức, đồng lòng của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội.

Đặc biệt, việc đổi mới cách thức tổ chức kỳ họp cho thấy, Quốc hội luôn chủ động, nhanh chóng thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu của thực tiễn, vì lợi ích của Nhân dân và đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, bước vào năm 2020, dịch bệnh COVID-19 bùng phát và nhanh chóng trở thành đại dịch, tác động tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế-xã hội của toàn cầu và Việt Nam.

Dịch bệnh đã làm hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, giao thương, đầu tư bị gián đoạn; các hoạt động xã hội, nhất là y tế, giáo dục-đào tạo, du lịch, văn hóa… và đời sống của nhân dân cũng bị ảnh hưởng. Cùng với đó, nước ta còn chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai diễn ra cực đoan, bất thường gây thiệt hại lớn ở nhiều khu vực trong cả nước như: Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, giông lốc, mưa đá…

 Ảnh: VGP

Trước những khó khăn, thách thức đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị, chỉ đạo các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương tập trung phòng, chống dịch bệnh và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Đến nay, bước đầu chúng ta đã cơ bản kiểm soát được bệnh dịch, ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng, bảo đảm sự an toàn về tính mạng và sức khỏe của người dân. Các giải pháp ứng phó của Việt Nam được các quốc gia, tổ chức quốc tế đánh giá cao và ghi nhận là điểm sáng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

“Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao tinh thần không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh của đội ngũ cán bộ y tế, chiến sĩ quân đội, công an nhân dân và các lực lượng chức năng trên tuyến đầu phòng, chống dịch; sự ủng hộ, ý thức chấp hành, chia sẻ của mọi tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Thắng lợi bước đầu này là kết quả của tinh thần quyết tâm cao, sự thống nhất trong hành động và ý chí vươn lên của cả hệ thống chính trị; thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tính ưu việt của chế độ và tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Tôi tin tưởng rằng, tinh thần đó sẽ tiếp tục được lan tỏa và phát huy hiệu quả khi Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung trong kỳ họp này”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.

 Ảnh: VGP

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Chương trình nghị sự tại kỳ họp lần này với nhiều nội dung quan trọng, tập trung vào các vấn đề sau đây:

Thứ nhất, Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo bổ sung về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019 và tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hộivà ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Quốc hội cũng xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đề ra các giải pháp thực hiện để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số để đưa kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi phát triển mạnh mẽ, toàn diện và bền vững hơn.

Thứ hai, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, nhiều dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 06 dự án luật khác nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, góp phần đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Quốc hội; nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp, huy động nguồn lực trong xã hội, nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Quốc hội xem xét, phê chuẩn 03 điều ước quốc tế gồm: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Đây sẽ là bước đánh dấu quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, là tiền đề quan trọng tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu; xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó sẽ thu hút được nhiều hơn nữa các nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác; khẳng định quyết tâm của nước ta trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong các hiệp định thương mại; thực hiện nghĩa vụ là quốc gia thành viên ILO của Việt Nam. Việc phê chuẩn các điều ước quốc tế này là phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế, lao động và xã hội.

Thứ ba, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; xem xét các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9 và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và xem xét một số nội dung quan trọng khác.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại kỳ họp này, trong bối cảnh cả hệ thống chính trị, nhất là Chính phủ, các bộ, ngành đang tập trung tối đa cho công tác phòng, chống dịch, khôi phục sản xuất kinh doanh, thay vì chất vấn trực tiếp tại phiên họp toàn thể như thông lệ, các vị đại biểu Quốc hội sẽ gửi chất vấn bằng văn bản đến các thành viên Chính phủ, các vị trưởng ngành về những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm. Các văn bản chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được tổng hợp để báo cáo Quốc hội.

Ngoài ra, một số báo cáo của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước… đã được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, kết hợp thảo luận cùng các nội dung liên quan.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, góp phần vào thành công của kỳ họp này.

“Kỳ họp thứ 9 sẽ là một kỳ họp đặc biệt, ghi dấu của sự đổi mới, tinh thần đoàn kết, quyết tâm, tạo động lực để đất nước và nhân dân ta vượt qua khó khăn, để tiếp tục tiến bước”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản