(Mặt trận) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Sáu, chiều 10.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 với 444/449 đại biểu có mặt tán thành, chiếm 89,88% tổng số đại biểu Quốc hội.
|
Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024. Ảnh: Quang Khánh |
Theo đó, về phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, Nghị quyết quyết nghị, phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 theo từng lĩnh vực và chi tiết cho từng bộ, cơ quan trung ương theo các phụ lục số I, II, III và IV kèm theo. Phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 kinh phí thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cho từng Bộ, cơ quan trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo phụ lục số V kèm theo.
Số bổ sung cân đối ngân sách, số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương theo Phụ lục số VI, Phụ lục số VII kèm theo Nghị quyết này. Mức bội thu, mức vay bù đắp bội chi, vay để trả nợ gốc của ngân sách địa phương theo Phụ lục số VIII kèm theo Nghị quyết này.
Nghị quyết giao Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng Bộ, cơ quan trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, trật tự ưu tiên theo quy định của Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản theo đúng quy định của pháp luật; thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025…
Chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình HĐND cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu, chi ngân sách địa phương, bội chi ngân sách địa phương, tổng mức vay của ngân sách địa phương (bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc), quyết định phân bổ dự toán ngân sách theo thẩm quyền, đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Phân chia thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước đối với năm 2024 và 2025 trên cơ sở sản lượng xăng dầu sản xuất, bán ra trong nước so với tổng sản lượng xăng, dầu tiêu thụ trên thị trường…
Nghị quyết yêu cầu khẩn trương hoàn thiện thủ tục, điều kiện phân bổ theo đúng quy định các khoản chi của ngân sách trung ương chưa phân bổ cho các Bộ, ngành, địa phương, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định; trường hợp cấp bách, trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất số tiền 43.281,077 tỷ đồng tại mục VI, mục VIII và mục IX của Phụ lục số II kèm theo Nghị quyết này.
Trước đó, Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần rà soát các khoản chi cho hoạt động kinh tế, bảo đảm không trùng lắp với các nhiệm vụ chi đã được phân bổ theo nguồn vốn đầu tư công.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, các đại biểu đã nêu đúng, một trong những nguyên tắc quản lý, sử dụng ngân sách là không được chi trùng để tránh lãng phí nguồn lực. Do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan cần rà soát các khoản chi cho hoạt động kinh tế, bảo đảm không trùng lắp với các nhiệm vụ chi đã được phân bổ theo nguồn vốn đầu tư công.
Nhiều ý kiến nhất trí với đề xuất dành nguồn 19.271 tỷ đồng để xử lý bù mặt bằng chi cân đối ngân sách địa phương năm 2024. Có ý kiến đề nghị tạm cấp nguồn xử lý bù mặt chi cân đối ngân sách địa phương theo phương án Chính phủ trình, số liệu chính xác sẽ thực hiện khi quyết toán ngân sách địa phương theo quy định.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, năm 2024 là năm tiếp theo của thời kỳ ổn định ngân sách 2023 - 2025, dự toán chi cân đối ngân sách địa phương tính đúng, đủ trên cơ sở dự toán thu ngân sách địa phương được hưởng theo tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, số bổ sung cân đối ngân sách từ ngân sách địa phương cho ngân sách địa phương đã được Quốc hội quyết định cho giai đoạn 2023-2025.
Vì vậy, việc xử lý bù mặt bằng chi cân đối ngân sách địa phương năm 2024 cho một số địa phương để bảo đảm chi ngân sách địa phương có mức không thấp hơn mức chi năm 2023, thực hiện các nhiệm vụ theo định mức đã ban hành, bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách chi an sinh xã hội, và chi cho con người.
Theo quy định tại Điều 51 Luật Ngân sách nhà nước, việc tạm cấp ngân sách chỉ thực hiện khi chưa có dự toán được duyệt đối với một số khoản chi cụ thể. Việc xử lý bù mặt bằng chi cân đối ngân sách địa phương năm 2024 không thuộc trường hợp được tạm cấp ngân sách.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép dành nguồn 19.271 tỷ đồng để xử lý bù mặt bằng chi cân đối ngân sách địa phương năm 2024 như ý kiến của nhiều đại biểu.
Theo Đại biểu Nhân dân