Theo đại biểu Quốc hội, cần quy định cụ thể danh mục bệnh hiểm nghèo để tránh trường hợp “lách” bệnh án để được đặc xá.
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) chiều 29/5, nhìn chung các ý kiến đều đồng tình với việc ban hành luật nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc hiện nay; đồng thời rõ hơn những quy định về đặc ân của Chủ tịch nước so với quy định tha tù trước thời hạn đã có trong Bộ luật Tố tụng Hình sự. Các ý kiến hầu hết tập trung thảo luận về điều kiện được đề nghị đặc xá, bởi đây được coi là “hồn” của dự án luật.
Đại biểu Lê Văn Sỹ (đoàn Thanh Hoá) nêu thực tế nhiều trường hợp ngay sau khi ra tù đã gây án, nên việc quy định “khi được đặc xá không làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự” tại điều 10 là không có ý nghĩa vì người ta có thể gây án bất cứ lúc nào.
Vị đại biểu này cũng đề nghị cân nhắc quy định điều kiện để Chủ tịch nước quyết định thời gian đã chấp hành hình phạt tù ngắn hơn so với thời gian quy định trong điều kiện đặc xá là người bị mắc bệnh hiểm nghèo, ốm đau thường xuyên, có kết luận giám định y khoa hoặc xác nhận bằng văn bản của cơ quan y tế có thẩm quyền.
Đại biểu Lê Văn Sỹ phát biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), chiều 29/5
“Đây là khe hở, trong quá trình quản lý không cẩn thận sẽ sinh ra chuyện bệnh án làm sao cho thấy bệnh nặng lên hoặc ghi bệnh mãn tính dài ngày thì cũng là hình thức “lách”- đại biểu Lê Văn Sỹ lưu ý và đề nghị Luật có giao cho Chính phủ quy định chi tiết thì cũng cần làm rõ, cụ thể danh mục bệnh hiểm nghèo, bệnh ốm đau thường xuyên không có khả năng chấp hành án tiếp thì mới đưa vào khoản này, nếu không sẽ phức tạp, nhất là ở gần thời điểm xét đặc xá.
Ngoài ra, vị đại biểu này cũng đề nghị bổ sung các trường hợp không đề nghị đặc xá. “Người phạm tội có hành vi côn đồ, man rợ dứt khoát không được xét đặc xá mới đủ sức răn đe và tránh “lách” luật trong thực tế” – ông Sỹ nêu quan điểm.
Đồng quan điểm trên, đại Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) nói rằng tỷ lệ phạm tội sau khi ra tù là không nhỏ nên luật làm sao phải “thắt” nút thắt này cho chặt, bởi nếu “nới” thì dễ dẫn tới không bảo đảm mục tiêu cải tạo con người tốt mà thậm chí còn tiếp tục tạo điều kiện cho họ ra ngoài phạm tội, bởi thực tế có trường hợp ra tù ngày hôm trước hôm sau giết người.
Cũng về điều kiện xét đặc xá, đại biểu Phạm Thị Thanh Thuỷ đề nghị làm rõ thế nào là lập công lớn trong qua trình thi hành án để được hưởng đặc ân của Chủ tịch nước. Việc quy định rõ sẽ giúp các cơ quan tham mưu cho Chủ tịch nước một cách thống nhất, tránh sự tuỳ tiện khi áp dụng luật.
Đề cập công tác tiếp nhận, giúp đỡ người được đặc xá hoà nhập cộng đồng, bà Thanh Thuỷ nhấn mạnh, báo cáo của Chính phủ nêu rõ, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng tái phạm đang có trong thực tiễn do có sự kỳ thị với người được đặc xá.
Từ thực tế trên, đại biểu đoàn Thanh Hoá đề nghị Luật cần quy định thêm về điều kiện tái hoà nhập cồng động, cụ thể về biện pháp, điều kiện, nhất là trách nhiệm bộ ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc tạo điều kiện để người đặc xá tái hoà nhập thành công.
“Đặc ân của Chủ tịch nước có kết quả khi thực hiện là người đó phải hoàn lương, do đó cần sự giúp đỡ của cộng đồng” – bà Thuỷ nói.
Nhấn mạnh “hồn” của dự án luật này là điều kiện xét đặc xá, ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, mục tiêu chính là qua thi hành án phạt tù những phạm nhân nhận thấy sai phạm và cố gắng hoàn thiện để trở về cộng đồng hoàn lương. Tuy nhiên, việc dự thảo quy định “chặt” về chấp hành hình phạt bổ sung là tiền và trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự sẽ dẫn đến hệ luỵ “ai có tiền thì được xét đặc xá, không có tiền thì ở tù mãi mãi”.
“Con nghiện khi cướp xe máy rồi đem bán tiêu hết tiền, sau đó bị kết án tù và bắt buộc phải bồi thường thiệt hại. Người ta dù chấp hành tốt trong tù mà không có tiền khắc phục thì không được xét đặc xá” – ông Đặng Thuần Phong nêu ví dụ và đề nghị cần phân loại để có sự công bằng.
Theo Ngọc Thành/VOV.VN