Bác ý kiến nói Luật An ninh mạng ảnh hưởng đến người dân, Tổng Thư ký Quốc hội khẳng định luật ra đời để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, người dân.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định điều này khi trả lời báo chí tại Họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV, diễn ra chiều nay (15/6).
PV: Trong Nghị quyết Kỳ họp thứ 5 nêu rõ Quốc hội đồng ý lùi thời gian xem xét thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và giao cơ quan liên quan tiếp thu tối đa ý kiến chính đáng để hoàn thiện luật, trình Quốc hội vào kỳ họp sau. Xin ông cho biết cách lấy ý kiến sẽ được tiến hành như thế nào, có thực hiện như Luật Đất đai hay không?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Dự thảo luật qua thảo luận còn ý kiến khác nhau của các đại biểu. Đồng thời, cử tri, nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học cũng có nhiều ý kiến tham gia. Do đó, Quốc hội đã quyết định lùi thông qua luật để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện dự luật và tới đây sẽ tiếp tục rà soát.
Còn về lấy ý kiến thì tôi cho rằng chưa đến mức tổ chức lấy ý kiến nhân dân như Luật Đất đai mà có thể tiếp thu toàn bộ ý kiến phản ánh vừa qua cũng phù hợp.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại cuộc họp báo, chiều 15/6
PV: Dự án Luật về đặc khu và Luật An ninh mạng là hai dự án luật rất được quan tâm tại Kỳ họp thứ 5. Tuy nhiên dự án Luật về đặc khu được lùi lại kỳ họp sau còn dự án Luật An ninh mạng được thông qua với tỷ lệ tán thành cao. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Bản chất của hai luật là khác nhau. Dự án Luật An ninh mạng sau khi được trao đổi, tiếp thu ý kiến phản hồi của chuyên gia, của cử tri và Quốc hội đã lắng nghe, có cơ quan thẩm tra, cơ quan trình dự án luật tiếp thu chỉnh lý đầy đủ rồi thì thông qua với tỷ lệ tán thành cao là đương nhiên.
Có ý kiến băn khoăn rằng luật được thông qua ảnh hưởng đến người dân là không phải, mà luật được ban hành là để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người dân.
Còn Luật về đặc khu vẫn còn có ý kiến thì cần thêm thời gian để nghiên cứu, hoàn thiện thêm.
Ông Nguyễn Thanh Hồng – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng – An ninh: Quá trình thẩm tra và giúp UBTVQH chỉnh lý dự án luật An ninh mạng, Uỷ ban QP-AN hết sức lắng nghe ý kiến cử tri và chuyên gia, đặc biệt là đại diện một số quốc gia như Mỹ, Australia, EU, Hiệp hội internet viễn thông và của báo chí.
Vấn đề an ninh mạng là thách thức toàn cầu. Còn ý kiến cho rằng luật sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng thì chúng tôi khẳng định hoàn toàn không có chuyện này. Luật tạo ra cơ chế pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Về vấn đề đặt ra là liệu Google, Facebook có rời Việt Nam hay không thì đến thời điểm này hai tập đoàn chưa có phản hồi ý kiến chính thức về luật.
Nhân đây chúng tôi cũng mong báo chí thông tin rộng rãi hơn nữa những thông tin chính thức về dự án luật tới người dân.
PV: Luật An ninh mạng quy định không được đăng tải thông tin mang tính chống đối Nhà nước, có phải nhắm đến đối tượng chống đối Nhà nước hay không?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Luật quy định các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh quốc gia. Nếu không vi phạm an ninh quốc gia thì thoải mái, còn liên quan đến an ninh quốc gia thì phải cấm. Chống lại Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì đương nhiên phải ngăn chặn.
PV: Dự án Luật Biểu tình được đề cập từ lâu. Tổng Thư ký cho biết khi nào Quốc hội có chương trình bàn về dự án luật này?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Chúng tôi cũng quan tâm xây dựng dự án luật này nên khi xây dựng chương trình xây dựng luật và pháp lệnh có đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện dự luật để báo cáo Quốc hội, UBTVQH cho ý kiến. Hiện Chính phủ đang tích cực chuẩn bị, khi nào hoàn thiện sẽ trình Quốc hội, UBTVQH.
Theo VOV.VN