“Việc xây dựng nhà cao tầng là xu hướng tất yếu, chắc chắn chúng ta không còn con đường nào khác bởi đất có hạn, người tăng lên” – Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói trong cuộc tiếp xúc cử tri ngày 16/6.
Xu hướng tất yếu phải xây nhà cao tầng
Ngày 16/6, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng các đại biểu HĐND thành phố có cuộc tiếp xúc cử tri tại quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ 6 HĐND TP. Hà Nội.
Tại đây, nhiều cử tri có ý kiến và bức xúc liên quan tới các vấn đề về ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên và trở thành nỗi ám ảnh với người dân thủ đô. Điều đáng chú ý cũng được nhiều người thắc mắc, tại sao thành phố tiếp tục xây dựng nhà cao tầng trong khi đô thị đã rất đông dân cư như vậy.
Liên quan tới vấn đề này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho hay, hiện thành phố có khoảng 620 nghìn ôtô các loại, chưa kể ôtô lực lượng vũ trang; 5,5 triệu xe máy; bãi đỗ xe tĩnh thiếu nên còn việc xảy ra ùn tắc.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại cuộc tiếp xúc cử tri. Ảnh Viết Thành
Đồng thời, ông Chung cũng dẫn lại kinh nghiệm của quản lý đô thị tại Singapore. Theo đó, diện tích Singapore chỉ có 650km2 và 4,5 triệu dân nhưng hiện có 6.428 toà nhà 20 tầng trở lên, chưa tính các toà nhà thấp dưới 20 tầng. Ngoài ra, Chính phủ Singapore cũng có chính sách hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp tư nhân về mặt kỹ thuật, vốn và ưu tiên xây nhà cao tầng.
“Việc chúng ta phải xây dựng nhà cao tầng là xu hướng tất yếu, chắc chắn chúng ta không có con đường nào khác cả, bởi vì đất có hạn, người thì tăng lên. Việc xây dựng các tòa nhà cao tầng phải 70 – 100 năm chứ không phải vài ba năm có thể đập”, ông Chung nói.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho hay, thành phố đang hướng tập trung cho quy hoạch, xây dựng các khu đô thị vệ tinh để đưa bớt dân cư ra khu vực nội đô; phát triển các bãi đỗ xe tĩnh...
Ông Nguyễn Đức Chung thông tin thêm, thời gian tới, thành phố sẽ công bố dự án bãi đỗ xe ngầm lớn nhất của thành phố tại sân vận động Quần Ngựa (quận Ba Đình) với sức chứa 2.500 ôtô, 5.000 xe máy; sâu 5 tầng trên diện tích 1,8ha.
Đường sắt đô thị chậm tiến độ, cử tri bức xúc
Tại cuộc tiếp xúc, cử tri Nguyễn Phi Tính (phường Cửa Nam) nêu, việc 2 dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội chậm tiến độ kéo dài hàng chục năm chưa thể khai thác được, đã dẫn đến tình trạng đội vốn hàng nghìn tỷ, công trình dở dang bị xuống cấp và gây ùn tắc giao thông.
Ông Tính kiến nghị thành phố cần có những giải pháp tích cực, hiệu quả hơn nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các công trình vào sử dụng.
Chủ tịch Hà Nội cho biết, đến ngày 30.10 này, dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông sẽ được bàn giao để chạy thử nghiệm trong 2 tháng. Tháng 1.2019 sẽ bàn giao cho Ban quản lý đường sắt Hà Nội để vận hành chính thức.
Với dự án Nhổn - Ga Hà Nội, ông Chung cho biết, nguyên nhân chậm là do năng lực quản lý của cán bộ; tiến độ các gói thầu chậm; quá trình thương thảo các gói thầu; chậm giải phóng mặt bằng; những bất cập trong giải ngân.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp xúc cử tri tại quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp HĐND. Ảnh VT
Để đảm bảo tiến độ dự án, thành phố đã thay đổi lãnh đạo Ban quản lý dự án bằng cán bộ có năng lực. Phấn đấu đưa giai đoạn 1 từ Nhổn – Voi Phục sẽ được vận hành vào quý 1/2020. Giai đoạn 2 sẽ vận hành vào cuối năm 2022 đầu năm 2023.
“Thanh tra Chính phủ đã thanh tra dự án này và kết luận có trách nhiệm của cán bộ và UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố”, ông Nguyễn Đức Chung nêu rõ.
(Mặt trận) - Đã 3 năm trở lại đây, người dân tại xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, Hà Nội phải chịu đựng doanh nghiệp...
(Mặt trận) - “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, trồng cây không chỉ có lợi ích kinh...
Theo Vương Trần/Báo Lao động