(Mặt trận) - Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương vào sáng 30/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá năm 2019 mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có thể nói là toàn diện, đáng mừng trên hầu hết các lĩnh vực, tốt hơn năm 2018.
|
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam tham dự hội nghị. Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trên 7%, cao hơn mức kế hoạch (6,6-6,8%), thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới; nâng quy mô GDP lên khoảng 266 tỷ USD, bình quân đạt gần 2.800 USD/người, điều chưa có trong lịch sử nước ta.
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ nét. Tập trung thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm xuống còn khoảng 4%, thấp hơn 1% so với năm 2018; tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 90%; hơn 54% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, về đích sớm hơn kế hoạch gần 2 năm…
Tiềm lực quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu, góp phần củng cố môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chiến lược của đất nước.
|
Quang cảnh Hội nghị - Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, tăng cường, kế thừa, phát huy tốt những kết quả, thành tích đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, kết hợp bài bản, nhuần nhuyễn hơn giữa “xây” và “chống”.
Các cấp uỷ và tổ chức Đảng đang tích cực triển khai các hoạt động chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, nhất là việc tổng kết lý luận và thực tiễn, xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị quan trọng về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là Quy định của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
“Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi xin nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương và chân thành cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng các doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, đồng bào, chiến sĩ cả nước về những kết quả, thành tích và những nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn đó”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan, thoả mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được vì đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, chất lượng còn thấp; sức ép lạm phát còn lớn; tính tự chủ của nền kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới. Kinh tế nhà nước, nhất là doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả còn thấp, đang gặp nhiều khó khăn, ách tắc. Kinh tế tư nhân trong nước, kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phát triển nhanh nhưng chưa thật sự lành mạnh và bền vững. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường còn nhiều bất cập, gây bức xúc xã hội. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức...
|
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Để phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị Hội nghị cần tập trung phân tích thấu đáo, tạo sự thống nhất cao về tình hình, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, có thể tiếp tục kế thừa, phát huy 3 bài học kinh nghiệm đã rút ra được tại Hội nghị trước, đó là: Kế thừa, phát huy những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua hơn 30 năm đổi mới và những kết quả toàn diện đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng, sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, giữa Trung ương và địa phương. Tranh thủ sự đồng thuận, đồng tình, ủng hộ, cổ vũ, góp ý của các đồng chí lão thành, các chuyên gia, lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đúng đắn của các tầng lớp nhân dân… Đồng thời, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bổ sung bài học mới của năm nay là đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển;…
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cơ bản đồng tình với các báo cáo của Chính phủ; nhấn mạnh năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tinh thần chung của năm 2020 là phải chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn và phải đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2019.
Ưu tiên triển khai thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm
Trên tinh thần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị tập trung ưu tiên triển khai thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, về phát triển kinh tế, cần tiếp tục củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, tập trung ưu tiên khắc phục những hạn chế, yếu kém vốn có, tồn đọng từ lâu của nền kinh tế một cách căn cơ, bài bản và có kết quả cụ thể, rõ rệt hơn. Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt luật pháp, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng các dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Kiện toàn bộ máy tổ chức và cán bộ, nâng cao năng lực của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Xử lý có kết quả cụ thể, rõ rệt hơn các công trình, dự án lớn chậm tiến độ, thua lỗ kéo dài, các ngân hàng thương mại mua bắt buộc và các ngân hàng thương mại yếu kém khác.
Thứ hai, cần quan tâm hơn nữa và có những chính sách, biện pháp cụ thể, thiết thực và phù hợp hơn nữa đối với việc phát triển văn hoá, xã hội, xây dựng con người hài hoà với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Chăm lo đời sống người có công với cách mạng; xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các đề án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng này vừa được Quốc hội phê duyệt tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua…
Thứ ba, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển, nâng cao vị thế của đất nước.
Chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế-xã hội và phát triển kinh tế-xã hội với quốc phòng, an ninh. Nắm chắc, đánh giá, dự báo đúng tình hình, nhất là về Biển Đông để chủ động, kịp thời ứng phó, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao; chủ động, tích cực, làm sâu sắc, thực chất hơn quan hệ với các đối tác; đẩy mạnh đối ngoại đa phương.
Thứ tư, về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, cần đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và lề lối làm việc của các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu "đúng vai, thuộc bài". Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cần tiếp tục rà soát, xác định rõ và làm đúng, hoàn thành tốt hơn chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước do Hiến định, không trùng chéo với chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, không đi quá sâu vào các vấn đề kinh tế - kỹ thuật.
Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền các cấp cần chú trọng hơn nữa đến cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức, cán bộ, đổi mới phương pháp và lề lối làm việc.
Các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, tăng cường sự phối hợp trong việc xây dựng, hoàn thiện và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, bảo đảm tính sát hợp, thống nhất, đồng bộ, khả thi cao.
Toàn hệ thống chính trị cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI và khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hoá, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức.
|
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng lãnh đạo nhiều cơ quan Trung ương tham dự hội nghị |
Thứ năm, về việc tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh trong năm 2020, các cấp uỷ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị cần khẩn trương, nghiêm túc quán triệt Nghị quyết của Trung ương và Chỉ thị của Bộ Chính trị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, đáp ứng thật tốt các yêu cầu. Cụ thể, công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng phải thực hiện phương châm kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển; phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; coi trọng chất lượng, hiệu quả, đề cao trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu; bảo đảm an toàn, thiết thực, không phô trương, hình thức; kiên quyết chống lãng phí, tiêu cực. Tránh các biểu hiện xấu thường thấy trước mỗi kỳ Đại hội như: “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “nể nang, thoả hiệp”, “né tránh va chạm”, “vận động, tranh thủ phiếu bầu”, “kích động, chia rẽ nội bộ”...
Lãnh đạo tổ chức thảo luận kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn nêu tại dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng và đại hội đảng bộ cấp trên. Báo cáo chính trị của ban chấp hành đảng bộ phải đánh giá đúng, trung thực, khách quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2015-2020. Đồng thời, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tới phải sát với tình hình thực tế, có tính khả thi cao để tổ chức thực hiện hiệu quả.
Công tác nhân sự nhiệm kỳ 2020 - 2025 phải bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Cấp uỷ nhiệm kỳ 2020 - 2025 phải đặc biệt coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, có đức, có tài, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới. Không để lọt vào cấp uỷ những người không đủ tiêu chuẩn, có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, cục bộ, lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu.
Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội phải coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; tập trung giải quyết, xử lý kịp thời, có hiệu quả những hạn chế, bất cập, yếu kém, những vấn đề tồn đọng kéo dài gây bức xúc mà cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm.
“Với những kết quả, thành tựu đã đạt được trong năm 2019 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tôi tin tưởng và tha thiết mong rằng, sau Hội nghị này, với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, Chính phủ và chính quyền các địa phương sẽ cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đoàn kết, phấn đấu với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa, năng động, sáng tạo hơn nữa để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2020 và cả nhiệm kỳ khoá XII, góp phần xây dựng đất nước thân yêu của chúng ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong đợi”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ./..
Theo VGP
()