Tin mới

Ngày 5/9: Việt Nam công bố 13.137 ca nhiễm COVID-19; Hà Nội: Ngày 6-7/9, chỉ kiểm tra nhắc nhở, xử phạt người ra đường không lý do chính đáng

(Mặt trận) - Ngày 5/9, Việt Nam công bố 13.137 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới, trong ngày có 281 ca tử vong; 9.211 ca khỏi bệnh; Hà Nội: Thêm 53 ca dương tính trong 24 giờ qua; TP Hồ Chí Minh phản bác thông tin 'bắt đầu sống chung với dịch bệnh từ ngày 15/9'; Hà Nội: Ngày 6-7/9, chỉ kiểm tra nhắc nhở, xử phạt người ra đường không lý do chính đáng... đó là những thông tin đáng lưu ý về tình hình COVID-19 trong ngày 5/9.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Kỳ họp thứ 40 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thi hành kỷ luật một số tổ chức Đảng, đảng viên

 

Việt Nam công bố 13.137 ca nhiễm COVID-19

Tính từ 17 giờ ngày 4/9 đến 17 giờ ngày 5/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 13.137 ca nhiễm mới, gồm 36 ca nhập cảnh và 13.101 ca ghi nhận trong nước tại: TP Hồ Chí Minh (6.226 ca), Bình Dương (3.540 ca), Đồng Nai (1.243 ca), Long An (756 ca), Kiên Giang (345 ca), Tiền Giang (133 ca), Cần Thơ (100 ca), Tây Ninh (91 ca), Đồng Tháp (78 ca), Khánh Hòa (74 ca), An Giang (73 ca), Đà Nẵng (64 ca), Hà Nội (53 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (51 ca), Nghệ An (48 ca), Bình Thuận (47 ca), Trà Vinh (33 ca), Quảng Ngãi (25 ca), Phú Yên (24 ca), Bình Phước (22 ca), Vĩnh Long (20 ca), Bình Định (13 ca), Cà Mau (6 ca), Lâm Đồng (5 ca), Bến Tre (5 ca), Bắc Ninh (5 ca), Quảng Trị (4 ca), Thanh Hóa (4 ca), Lạng Sơn (3 ca), Sơn La (2 ca), Bạc Liêu (2 ca), Ninh Thuận (1 ca), Quảng Nam (1 ca), Hà Tĩnh (1 ca), Bắc Giang (1 ca), Quảng Ninh (1 ca), Đắk Nông (1 ca). Trong đó có 7.521 ca trong cộng đồng.

Như vậy, trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 3.580 ca. Tại TP Hồ Chí Minh tăng 2.122 ca, Bình Dương tăng 1.055 ca, Đồng Nai tăng 251 ca, Long An tăng 212 ca, Kiên Giang tăng 220 ca.

Kể từ đầu vụ dịch đến nay, Việt Nam có 524.307 ca nhiễm, đứng thứ 51/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 160/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.330 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 520.013 ca, trong đó có 288.953 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 9 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc.

Có 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Kon Tum, Hà Nam, Hải Dương, Quảng Ninh.

Có 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là: TP Hồ Chí Minh (251.414 ca), Bình Dương (132.433 ca), Đồng Nai (28.549 ca), Long An (25.085 ca), Tiền Giang (10.571 ca).

Trong ngày có số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 9.211 ca.

Tổng số ca được điều trị khỏi là 291.727 ca.

Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.291 ca.

Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên hệ thống ghi nhận 281 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (222 ca), Bình Dương (38 ca), Tiền Giang (5 ca), Cần Thơ (4 ca), Long An (3 ca), Bình Thuận (2 ca), Đồng Tháp (2 ca), Khánh Hòa (2 ca), Hà Nội (1 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (1 ca), Đồng Nai (1 ca).

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 13.074 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).

Trong ngày 4/9 có 336.381 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 21.445.181 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 18.246.636 liều, tiêm mũi 2 là 3.198.545 liều.

Bộ Y tế vừa ban hành công điện số 1316/CĐ-BYT ngày 04/9/2021 gửi UBND TP. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Bộ Y tế ban hành Công điện số 1323/CĐ-BYT ngày 5/9/2021 gửi UBND TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về việc quyết liệt triển khai các giải pháp giảm tử vong do COVID-19.

Thay mặt Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã có thư ngỏ, khuyến khích người dân tự thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên cho bản thân và cho gia đình.

Tỉnh Bình Dương đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine. Mục tiêu đặt ra là hơn 250.000 liều/ngày với nỗ lực đưa tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới vào ngày 15/9/2021.

 Số ca mắc COVID-19 tại phường Thanh Xuân Trung đã ghi nhận hơn 460 ca

Hà Nội: Thêm 53 ca dương tính trong 24 giờ qua, riêng phường Thanh Xuân Trung đến nay ghi nhận hơn 460 ca

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 4-9 đến 6h ngày 5-9, trên địa bàn thành phố ghi nhận 6 ca nhiễm mới, trong đó có 5 ca đã được cách ly, 1 ca tại cộng đồng. Các ca mắc mới phân bố tại 4 quận. huyện: Thanh Xuân (2), Sơn Tây (2), Đống Đa (1), Nam Từ Liêm (1) và phân bố theo chùm ca bệnh: Chùm F1 của các trường hợp ho sốt cộng đồng (3), chùm sàng lọc ho sốt cộng đồng (1), chùm liên quan đến thành phố Hồ Chí Minh (2). Riêng 1 ca cộng đồng ghi nhận tại quận Đống Đa.

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 6h đến 12h ngày 5-9, trên địa bàn thành phố ghi nhận 40 ca nhiễm mới, trong đó có 29 ca tại khu cách ly, 10 ca tại khu phong tỏa, 1 ca tại cộng đồng. Các ca mắc mới phân bố tại 9 quận, huyện: Thanh Xuân (15); Hai Bà Trưng (7); Thanh Trì (6); Hoài Đức (5); Hoàng Mai (2); Đống Đa (2); Ba Đình (1); Đan Phượng (1); Hoàn Kiếm (1) và phân bố theo hai chùm ca bệnh: Sàng lọc khu vực nguy cơ cao (1) và chùm F1 của các trường hợp ho, sốt cộng đồng (39).

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 12h đến 18h ngày 5-9, trên địa bàn thành phố ghi nhận 7 ca nhiễm mới, trong đó có 4 ca tại khu cách ly, 3 ca tại khu phong tỏa.Các ca mắc mới phân bố tại 2 quận, huyện: Thanh Xuân (5), Hoài Đức (2) và phân bố theo chùm ca F1 của các trường hợp ho, sốt cộng đồng.

Như vậy, tính từ 18h ngày 4-9 đến 18h ngày 5-9, Hà Nội ghi nhận 53 ca, trong đó 2 ca ghi nhận tại cộng đồng, 38 ca trong khu vực cách ly, 13 ca khu vực phong tỏa.

7 bệnh nhân (BN) thuộc chùm F1 của các trường hợp ho, sốt cộng đồng:

4 BN ở phườngThanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, sống trong khu vực phong tỏa hoặc là các F1 đã được cách ly. Sau đó, các BN được lấy mẫu xét nghiệm, có kết quả dương tính. Như vậy, tính từ ngày 23-8 đến chiều 5-9, phường Thanh Xuân Trung đã ghi nhận 462 ca mắc.

1 BN ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân: T.T.T, nữ, sinh năm 1991, là F1 của BN N.H.T, được cách ly tập trung từ ngày 29-8 và xét nghiệm 1 lần âm tính. Ngày 5-9, BN được lấy mẫu và có kết quả xét nghiệm dương tính.

2 BN ở xã An Thượng, huyện Hoài Đức: T.T.D, nam, sinh năm 2016; N.T.D, nam, sinh năm 2017. 2 BN sống trong khu vực phong tỏa thuộc xóm Ngò, thôn An Hạ, đã có xét nghiệm âm tính trước đó. Ngày 3-9, hai BN được lấy mẫu xét nghiệm định kỳ tại khu vực phong tỏa, cho kết quả nghi ngờ. Ngày 4-9, hai BN được lấy lại mẫu xét nghiệm, cho kết quả dương tính.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 27-4 đến nay) là 3.527 ca, trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.563 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.964 ca.

 Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP Hồ Chí Minh phát ngôn tại buổi họp chiều 5/9

TP Hồ Chí Minh phản bác thông tin 'bắt đầu sống chung với dịch bệnh từ ngày 15/9'

Tại cuộc họp báo cung cấp tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn chiều ngày 5/9, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, một số thông tin đang lan truyền trên mạng như "bắt đầu sống chung với dịch bệnh COVID-19 từ 15/9" là thông tin sai sự thật. 

Theo ông Phạm Đức Hải, vừa qua, một số thông tin lan truyền trên mạng như: “Bắt đầu thực hiện sống chung với COVID-19 từ ngày 15/9. Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh được hoạt động khi đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Việc mở cửa có lộ trình tăng dần tỷ lệ 30-50-70%. Cấp chữ ký số cá nhân để thực hiện online. Chuyển dân sang điều trị COVID-19 có thu phí...” là những thông tin sai sự thật và người dân cần cảnh giác. 

Ngoài ra, liên quan đến thông tin “ai tiêm 2 mũi sẽ được hoạt động sau 6/9 hoặc 15/9”, ông Phạm Đức Hải khẳng định TP Hồ Chí Minh chưa có chủ trương này. Sau khi kiểm soát dịch bệnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh sẽ có thông tin cụ thể cho từng đối tượng tham gia hoạt động và đến nay chưa có thông tin về quy định cụ thể. "Thành phố đề nghị người dân bình tĩnh và chờ quy định được ban hành từ UBND TP Hồ Chí Minh", ông Phạm Đức Hải đề nghị.

Từ ngày 23/8 đến hết ngày 6/9, TP Hồ Chí Minh thực hiện tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 11 của UBND TP Hồ Chí Minh với phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài chống dịch, mỗi người dân là một chiến sĩ”.

 Lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ của người đi đường lên cầu Nhật Tân.(Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)  

Hà Nội: Ngày 6-7/9, chỉ kiểm tra nhắc nhở, xử phạt người ra đường không lý do chính đáng

Tối 5-9, theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thành phố đã thông tin một số nội dung về cấp giấy đi đường tại cuộc họp giao ban Sở Chỉ huy thành phố với các quận, huyện, thị xã.

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, biện pháp cấp giấy đi đường là việc mới và khó, chưa từng có tiền lệ. Nhằm mục tiêu quản lý Vùng 1 thực chất hơn, giảm lượng người ra đường, thành phố xác định phải thực hiện biện pháp một cách quyết liệt, dù thực tế có thể chưa thật trọn vẹn. Để chuẩn bị chu đáo cho công tác cấp giấy đi đường theo quy trình mới và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, trong 2 ngày 6 và 7-9, các lực lượng chức năng của thành phố chỉ kiểm tra nhắc nhở, xử phạt đối với những trường hợp ra đường không có lý do chính đáng.

Khi vận hành các chốt kiểm soát việc đi lại giữa Vùng 1, 2, 3, thành phố sẽ tiến hành linh hoạt, chủ yếu kiểm tra, nhắc nhở, và từ thực tế việc lưu thông của người dân theo giấy đi đường mới sẽ đánh giá, phân tích để đưa ra biện pháp tối ưu.

Cũng theo Sở Thông tin - Truyền thông, người dân, doanh nghiệp có thể liên hệ Tổng đài 1022 - nhánh 4 để được hướng dẫn cụ thể.

Vùng 1 là khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Đây hiện là "vùng đỏ", nhiều đối tượng nguy cơ cao; bao gồm 15 đơn vị hành chính: Toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận, huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai. Đồng thời, bao gồm một phần địa giới hành chính của 5 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.

 Người dân phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương được tiêm vaccine Vero Cell của Sinopharm, ngày 5/9. Ảnh: TTXVN.

Năm địa phương hoàn thành tiêm mũi 1 vaccine COVID-19 trước ngày 15/9  

Bộ Y tế vừa có Công điện số 1316/CĐ-BYT gửi Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, tỉnh Bình Dương, Long An và Đồng Nai yêu cầu hoàn thành tiêm chủng mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi trước 15/9/2021; tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.  

Công điện của Bộ Y tế cho biết đã ưu tiên phân bổ vaccine cho Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, tỉnh Bình Dương, Long An và Đồng Nai để triển khai tiêm chủng chống dịch.  Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Long An và Bình Dương đã được phân bổ số vaccine đủ để bao phủ mũi thứ nhất cho 100% người từ 18 tuổi trở lên.  

Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trên tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19.  

Theo đó, các địa phương tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên (bao gồm cả phụ nữ có thai) sinh sống và làm việc trên địa bàn theo Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ; các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 8/7/2021 của Bộ Y tế và hoàn thành tiêm chủng mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi trước 15/9/2021; tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.  

Thành phố Hà Nội ưu tiên tiêm sớm cho những người có bệnh lý nền, người cao tuổi, người dân tại vùng đỏ, vùng cam, khu vực có mật độ dân cư cao.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản