Tin mới

Người sáng lập, xây dựng và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam

(Mặt trận) -Không chỉ là người sáng lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn xây dựng và rèn luyện Đảng ta thành một Đảng kiên cường, trong sạch, vững mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Củng cố, phát triển quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Cuba ngày càng bền chặt

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại An Giang

Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, Đảng Lao động Việt Nam, ngày 5.9.1960. Ảnh tư liệu

Mùa xuân năm 1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là đóng góp to lớn có tính bước ngoặt tìm ra con đường cách mạng Việt Nam của Người. Không chỉ là người sáng lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn xây dựng và rèn luyện Đảng ta thành một Đảng kiên cường, trong sạch, vững mạnh. Trong suốt 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã làm nên những chiến công vĩ đại, giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước, xây dựng đất nước ngày càng giàu, mạnh và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.

Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử phát triển của loài người. Từ cuộc cách mạng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc này là Nguyễn Ái Quốc) đã rút ra một kết luận: cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản trên toàn thế giới; cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn. Cũng từ đây Người nhận thức được một điều có tính chân lý là cách mạng muốn thắng lợi "trước hết phải có đảng cách mệnh để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi"(1).

Bởi vậy, Người đã tích cực chuẩn bị đầy đủ các yếu tố về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc ra đời Ðảng Cộng sản Việt Nam. Nếu như từ năm 1921 đến cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc chủ yếu chuẩn bị về mặt chính trị, tư tưởng, thì từ năm 1925 trở đi, Người chú trọng về mặt tổ chức: thành lập một tổ chức tiền thân của Ðảng Cộng sản, đó là Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, hạt nhân là Cộng sản đoàn; mở lớp huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Những cán bộ này sau khi nắm được những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, đã trở về nước, thâm nhập vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước, thực hiện "vô sản hóa".

Nhờ thấm nhuần tư tưởng cách mạng tiên tiến nhất của thời đại, phong trào công nhân đã chuyển dần từ trình độ "tự phát" sang "tự giác", mà một nội dung có ý nghĩa quan trọng là giai cấp công nhân đã giác ngộ về chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối cách mạng vô sản, giác ngộ về sự cần thiết phải có Ðảng Cộng sản lãnh đạo.

Ðến giữa năm 1929 đầu năm 1930, ở Việt Nam đã xuất hiện ba tổ chức cộng sản. Nhận thức được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc thống nhất các tổ chức cộng sản trước yêu cầu lịch sử mới, ngày 3-2-1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Ðảng Cộng sản Việt Nam, mở ra bước ngoặt trọng đại cho cách mạng Việt Nam. Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời, gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sự chuẩn bị tất yếu đầu tiên có tính quyết định cho những bước phát triển nhảy vọt mới về sau trong lịch sử của dân tộc Việt Nam.

 Xây dựng và rèn luyện Đảng ta thành một đảng kiên cường, trong sạch, vững mạnh

Vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tổ chức, sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam là vô cùng to lớn. Song, vai trò có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nữa là Người đã xây dựng và rèn luyện Đảng ta thành một đảng kiên cường, giàu bản lĩnh và kinh nghiệm trong lãnh đạo cách mạng cũng như xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Trước hết, trên cơ sở giải quyết sáng tạo, khôn khéo yếu tố dân tộc và giai cấp, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: Đảng ta là Đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đội tiên phong cách mạng của dân tộc. Quan điểm này cũng là một sáng tạo lớn của Người và đã được cụ thể hóa vào thực tiễn sinh động của phong trào công nhân và cách mạng Việt Nam. Do vậy, trong xây dựng Đảng, không phải chỉ có giai cấp công nhân mà cả nhân dân lao động và toàn dân tộc đều tham gia. Cả dân tộc thừa nhận Đảng là của mình, cả dân tộc tin tưởng ở Đảng, quyết tâm thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, tích cực bảo vệ và tham gia xây dựng Đảng. Điều này thực sự là niềm tự hào của Đảng ta, không phải đảng nào cũng có được.

Tiếp đến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành xây dựng Đảng về mọi mặt, từ tư tưởng, chính trị, tổ chức, đạo đức đến phương thức lãnh đạo.

Về tư tưởng chính trị, ngay trong quá trình tiến tới thành lập Đảng, Người khẳng định: “Đảng có vững cách mệnh mới thành công”(2). “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm nòng cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có chí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”(3) và “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin” (4). Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Do đó, phải làm cho cán bộ, đảng viên biết dùng lập trường, quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác-Lênin để giải quyết những vấn đề của cách mạng đặt ra; đồng thời phải thường xuyên tổng kết thực tiễn để góp phần bổ sung lý luận Mác-Lênin. Thực tế cho thấy, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn giữ vững và nêu cao tính cách mạng của giai cấp công nhân, tính kiên cường bất khuất của phong trào yêu nước Việt Nam; luôn bảo đảm tính khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin về lý luận và trong giải quyết thực tiễn, đặc biệt là khả năng độc lập, sáng tạo để đi tới mục tiêu của cách mạng.

Về tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi phải thường xuyên kiện toàn bộ máy của Đảng trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng. Khi kiện toàn, phải chú ý tới tổ chức bộ máy, đồng thời xác định cơ chế hoạt động của bộ máy Đảng từ trung ương đến cơ sở nhằm phát huy cao nhất vai trò nền tảng của tổ chức cơ sở đảng và vai trò quyết định của tổ chức lãnh đạo cao nhất trong xây dựng, rèn luyện Đảng về tổ chức. Mặt khác, Người rất chú ý tới mối quan hệ giữa bộ máy và con người, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt và người đứng đầu bộ máy.

Về đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đạo đức cách mạng là cái “gốc” của người cán bộ, đảng viên. Đạo đức của người cán bộ cách mạng được thể hiện trước hết ở chỗ luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết, biết giải quyết đúng đắn giữa lợi ích cá nhân với lợi ích của giai cấp, của dân tộc. Đạo đức cách mạng là sống lành mạnh, trong sạch, không xa hoa, lãng phí, không hủ hoá, tham ô, không đặc quyền đặc lợi. “Đạo đức cách mạng là bất kỳ ở cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì, đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân...”(5).

Về phương thức lãnh đạo, đây là yếu tố có quan hệ trực tiếp đến sự thành công hay thất bại của cách mạng, đến sức mạnh và sự tồn vong của Đảng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành cho lợi ích của nhân dân lao động và của dân tộc, Đảng không có lợi ích riêng mà chỉ có một lợi ích vì độc lập tự do của dân tộc, ấm no hạnh phúc của nhân dân mà phấn đấu hy sinh. Do đó, lãnh đạo phải biết lắng nghe ý kiến của quần chúng, bám sát quần chúng, bám sát thực tiễn để ra các quyết định lãnh đạo.

Xuất phát từ thực tiễn cụ thể ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện nghiêm túc và sáng tạo những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác-Lênin về xây dựng Đảng. Trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ - nguyên tắc quyết định sức mạnh của Đảng. Người đòi hỏi Đảng phải thực hiện đúng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tránh cho Đảng không rơi vào chủ quan, độc đoán, chuyên quyền, đưa đường lối của Đảng trở thành thực tiễn sinh động. Cùng với đó, trong sinh hoạt Đảng, Người đặt vấn đề phải thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình - một vũ khí làm cho Đảng trở nên trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, Đảng phải thực hiện tốt nguyên tắc kỷ luật nghiêm minh và tự giác, cũng như nguyên tắc đoàn kết thống nhất trong Đảng, cán bộ đảng viên phải tự giác chấp hành kỷ luật của Đảng, phải “giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Ngoài ra, để Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, trong quá trình xây dựng, rèn luyện Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra phải thực hiện thật tốt công tác kiểm tra. Theo Người, lãnh đạo mà không kiểm tra tức là không lãnh đạo. Kiểm tra tốt thì bao nhiêu ưu điểm, khuyết điểm, đều thấy rõ. Bởi vậy, kiểm tra phải toàn diện và mọi sai lầm, khuyết điểm phải xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng Điều lệ của Đảng và luật pháp của Nhà nước. Công tác kiểm tra đòi hỏi người đi kiểm tra phải gương mẫu, có hiểu biết sâu rộng, vững vàng...

Không ngừng chăm lo, xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Kế thừa sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những thập kỷ qua, Đảng ta đã không ngừng chăm lo xây dựng, chỉnh đốn cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Nghị quyết Trung ương 23, khóa III (tháng 12.1974) về xây dựng Đảng đã tạo sức mạnh, sự thống nhất ý chí, hành động của Đảng, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến toàn thắng. Đại hội VI của Đảng (tháng 12.1986) là sự tự phê bình, phê bình nghiêm túc, một cuộc chỉnh đốn lớn để đi đến hoạch định đường lối đổi mới. Hội nghị Trung ương 3, khóa VII (tháng 6.1992) về đổi mới, chỉnh đốn Đảng đã góp phần quan trọng cho công cuộc đổi mới phát triển mạnh mẽ vượt qua thách thức của sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô…

Cùng với đó, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng ngừa, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, như nghị quyết các kỳ Đại hội của Đảng. Trong đó, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Tích cực đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động phòng ngừa, đấu tranh phê phán, ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) cũng nhấn mạnh yêu cầu: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”... Ngày 22-10-2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết nêu rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”...

Với thành quả của các chặng đường đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đánh giá: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế như ngày nay. Đó là kết quả sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự hy sinh quên mình và đóng góp quan trọng của cán bộ, đảng viên. Chúng ta có quyền tự hào về bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng và lịch sử vẻ vang của Đảng ta - Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đại biểu của dân tộc Việt Nam anh hùng".

Theo TTXVN

-----------------
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.2, tr.267-268.
(2), (3), (4): Sđd, t.2, tr.268.
(5) Sđd, tập 10, tr.306.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản