Tin mới

Người tham gia mở đường xây dựng nền hành chính dân chủ, vì dân

(Mặt trận) - Cách đây 110 năm, quê hương Quảng Bình với vị mặn mòi của biển cả, cái nắng chói chang của những cồn cát và truyền thống trung dũng, kiên cường đã hun đúc, sinh ra Võ Nguyên Giáp - Anh Văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị Đại tướng tài ba của Quân đội và nhân dân Việt Nam anh hùng - Vị Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Nội vụ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên

Thủ tướng: Thanh niên cần thực hiện '5 xung kích', '6 khát vọng' trong chuyển đổi số

Thường trực Ban Bí thư tiếp Đoàn đại biểu Đảng Lao động Triều Tiên

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần về thăm quê. Ảnh tư liệu/baoquangbinh.vn 

Cách đây 76 năm, cuộc Tổng khởi nghĩa của Mặt trận Việt Minh trên khắp cả nước đã thu được thắng lợi hoàn toàn, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 28/8/1945, theo đề nghị của Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam đã tự cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với cơ cấu gồm 13 bộ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy giao giữ trọng trách Bộ trưởng Nội vụ kiêm Bí thư Đảng đoàn Chính phủ, đặc trách quân sự, trực tiếp lãnh đạo Bộ Nội vụ và công việc tổ chức chính quyền, an ninh, nội trị trong những ngày đầu khi nước ta mới giành được độc lập.

Mở đường xây dựng nền hành chính dân chủ, vì dân

Dù chỉ giữ trọng trách Bộ trưởng Nội vụ đầu tiên hơn 6 tháng (từ tháng 8/1945 đến tháng 3/1946), nhưng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã có công lao to lớn trong việc tham gia xây dựng thể chế hành chính, tổ chức bộ máy nhà nước dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đã kịp tham mưu với Chính phủ ban hành hơn 100 sắc lệnh, trong đó có khoảng 30 sắc lệnh do chính ông ký, có tính chất pháp quy hành chính trên nhiều ngành, lĩnh vực.

Ngày 2/9/1945, ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã có bài diễn văn quan trọng nêu rõ tầm vóc lịch sử của cuộc Cách mạng Tháng Tám, nêu lên tám vấn đề cấp bách của Chính phủ cách mạng lâm thời.

Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của Tổng tuyển cử, được sự tin cậy, giao phó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã ký ban hành Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời số 14, ngày 8/9/1945. Sắc lệnh chỉ rõ: “1- Trong một thời hạn hai tháng kể từ ngày ký sắc lệnh này sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội; 2- Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường; 3- Số đại biểu của Quốc dân đại hội ấn định là 300 người; 4- Quốc dân đại hội sẽ có toàn quyền ấn định Hiến pháp cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa;...”.

Với lối diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, súc tích, Sắc lệnh số 14 đặt nền móng cho việc tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 6/1/1946, bầu ra Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại Kỳ họp thứ nhất (ngày 2/3/1946) Quốc hội khóa I đã công nhận Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, công nhận Kháng chiến ủy viên hội do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch, công nhận Ban Dự thảo Hiến pháp. Qua đó, mở đường cho việc xây dựng một nền hành chính dân chủ, vì dân.

Được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phụ trách việc thành lập Ban dự thảo Hiến pháp, chỉ trong thời gian ngắn, với sự giúp đỡ của các chuyên gia giàu kinh nghiệm, Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp và Ban Soạn thảo đã hoàn thành Dự thảo và trình Quốc hội khóa I thông qua Hiến pháp năm 1946. Hiến pháp năm 1946 là văn bản pháp luật đầu tiên góp phần quan trọng trong việc đấu tranh giành, giữ và xây dựng chính quyền còn non trẻ, là cơ sở để xây dựng nhà nước dân chủ pháp quyền với nền hành chính vận hành thông suốt từ Trung ương đến địa phương. Điều thứ 1 Hiến pháp năm 1946 xác định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.

Hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thấu hiểu nỗi cơ cực, lầm than của nhân dân dưới thời thực dân, phong kiến cho nên ngay từ những ngày đầu cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề xuất những công việc mà Chính phủ phải thực hiện ngay: “1. Làm cho dân có ăn. 2. Làm cho dân có mặc. 3. Làm cho dân có chỗ ở...”(1); bởi lẽ, “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(2). Một Chính phủ vì dân là một Chính phủ mà từ hoạch định, xây dựng chính sách cho đến thi hành chính sách đều phải xuất phát từ việc chăm lo cho dân. “chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”(3). Hành động của nền hành chính vì dân đòi hỏi: “việc gì có lợi cho dân, phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”(4). Là người luôn thấu hiểu và rất linh hoạt trong việc hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã tập trung vào vấn đề cấp bách lúc bấy giờ là chống “giặc đói”.

Thay mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp kịp thời ký ban hành Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời số 07 ngày 5/9/1945, góp phần tháo gỡ khó khăn trong việc vận chuyển, buôn bán thóc gạo, chống lại nạn đầu cơ, tích trữ lương thực trong bối cảnh nạn đói đang hoành hành...; là việc làm thiết thực, kịp thời của Chính phủ, luôn đặt lợi ích, nhu cầu của người dân Việt Nam lên trên hết, vì hạnh phúc của người dân bắt đầu từ những điều dung dị nhất là cơm ăn, áo mặc.

Bên cạnh đối phó với “giặc đói”, Chính phủ còn quyết liệt đấu tranh với “giặc dốt”. Ngay trong buổi họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ vào ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáu việc cấp bách, trong đó việc chống nạn mù chữ xếp thứ hai, chỉ sau nạn đói. Người nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”. Thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời, Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký ban hành Sắc lệnh số 17 ngày 8/9/1945, tạo “cú huých” mạnh mẽ làm bùng lên phong trào “Bình dân học vụ”; ký ban hành Sắc lệnh số 19 ngày 8/9/1945 với nội dung gồm ba khoản, trong đó, khoản II quy định: “Trong hạn sáu tháng, làng nào và đô thị nào cũng đã phải là một lớp học dạy được ít nhất là ba mươi người”. Cùng ngày, ông còn ký ban hành Sắc lệnh số 20 về việc thiết lập những lớp học bình dân buổi tối cho nông dân và thợ thuyền; trong đó quy định bắt buộc học chữ quốc ngữ và không phải mất tiền cho tất cả mọi người.

Kết quả phong trào Bình dân học vụ vượt trên cả sự mong đợi. Theo sách Việt Nam chống nạn thất học của Nhà xuất bản Giáo dục năm 1980, trong một năm (8/1945 - 8/1946), phong trào Bình dân học vụ đã xóa mù chữ cho hơn 2,5 triệu người, phát triển được gần 96 nghìn giáo viên, mở được gần 75 nghìn lớp học. Sau 5 năm (đến 30/6/1950), gần 12,2 triệu người biết chữ; 10 tỉnh với 80 huyện, hơn 1.400 xã và 7.200 thôn được công nhận thanh toán nạn mù chữ.

Bằng tài năng xuất chúng và tâm sáng vì nước, vì dân, Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã chủ động tham mưu cho Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành hàng loạt các sắc lệnh, văn bản hành chính..., góp phần từng bước đưa công tác tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính đi vào ổn định, nền nếp; đặt nền móng vững chắc cho quá trình xây dựng nền hành chính dân chủ, pháp quyền vì hạnh phúc của người dân Việt Nam.

Đại hội XIII của Đảng xác định: “Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch... Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước”(5). Trên hành trình đó, việc tiếp thu, kế thừa, tiếp tục phát huy những di sản về một nền hành chính dân chủ, pháp quyền, vì hạnh phúc của nhân dân Việt Nam mà cố Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã có công xây dựng, bồi đắp chắc chắn sẽ mang lại những giá trị cao đẹp và nhân văn sâu sắc, những bài học hữu ích cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành Nội vụ hiện nay.

Với tâm nguyện “ôn cố tri tân”, học hỏi các bậc tiền nhân ý chí, nghị lực, những bài học quý, kinh nghiệm hay để vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào thực tiễn sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đất nước trong hiện tại, chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng, những di sản tinh thần vô giá mà cố Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp để lại cho các thế hệ cán bộ, công chức hôm nay và muôn đời sau sẽ luôn lan tỏa mạnh mẽ, trở thành động lực thôi thúc mỗi chúng ta nỗ lực vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

        PHẠM THỊ THANH TRÀ, Ủy viên T.Ư Đảng,

Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư, Bộ trưởng Nội vụ

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.175.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.64.

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 9, tr.518.

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.51.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.176 - 178.

Tóm tắt tiểu sử Đại tướng Võ Nguyên Giáp
 
Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản