Tin mới

Nhà nước pháp quyền XHCN vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển

(Mặt trận) - Đây là phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” tại Hội thảo quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, sáng 11/12.

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Nhà nước phải đặt mình dưới pháp luật, chịu sự ràng buộc của pháp luật. Ảnh: VGP/Lê Sơn. 

Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự tham gia đầy đủ, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học đã dành thời gian, tâm huyết nghiên cứu, thảo luận tại Hội thảo.

Chủ tịch nước nhấn mạnh nhà nước pháp quyền là một vấn đề không mới, đây là tri thức, giá trị tiến bộ của nhân loại đã được đúc kết và khẳng định qua lịch sử hàng trăm năm. Ở Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu rất sâu sắc của các nhà khoa học được công bố, giúp chúng ta hình thành được một hệ thống tư liệu khá phong phú, toàn diện về nhà nước pháp quyền và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam. Đây là cơ sở rất thuận lợi cho việc nghiên cứu xây dựng Đề án.

Theo Chủ tịch nước, “Pháp quyền”, “Nhà nước pháp quyền”  là những giá trị có tính phổ quát trên thế giới, cả trong nghiên cứu lý luận và thực tiễn chính trị - pháp lý. Những tư tưởng, giá trị phổ biến và tiến bộ của nhà nước pháp quyền đó là đề cao vai trò của pháp luật trong tương quan của nó với quyền lực của nhà nước. Theo đó, nhà nước phải đặt mình dưới pháp luật, chịu sự ràng buộc của pháp luật; tư tưởng về chủ quyền nhân dân với tính cách là nguồn gốc tính chính đáng, tính hợp pháp của nhà nước; đề cao các giá trị công bằng, công lý, quyền con người. Để biến những ý tưởng, tư tưởng, giá trị phổ biến, được thừa nhận chung của nhà nước pháp quyền vào thực tiễn tổ chức và hoạt động của nhà nước và xã hội, đòi hỏi phải có hiến pháp và sự thượng tôn hiến pháp; tính minh bạch của pháp luật và của việc thực hiện pháp luật; pháp luật phải dễ tiếp cận và được thực hiện kịp thời, phải có sự phân quyền, phân công, phối hợp quyền lực nhà nước, trong đó phải bảo đảm sự độc lập của quyền tư pháp.

Ở Việt Nam, những giá trị cốt lõi của nhà nước pháp quyền về chủ quyền nhân dân, về tư tưởng đề cao giá trị công bằng, công lý, quyền con người đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng tới từ những ngày đầu lập nước; trở thành tư tưởng xuyên suốt của cách mạng Việt Nam; thể hiện trong nhiều bài viết, bài nói chuyện của Hồ Chí Minh, trong Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp của đất nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại lời của Bác Hồ về tính dân chủ: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương đều do dân cử ra”. Hiến pháp đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa xác định: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” và “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật”. Bằng chứng rõ ràng, đầy đủ nhất về quan điểm nhà nước pháp quyền của Đảng, Nhà nước ta thể hiện trong Cương lĩnh 1991 (bổ sung và phát triển năm 2011) và các văn kiện của Đảng và Hiến pháp đều khẳng định, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực, giúp chúng ta đạt được những thành tựu to lớn trong 30 năm qua và sẽ tiếp tục là mục tiêu, động lực quan trọng để chúng ta xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, đưa đất nước vươn tới tự do, hạnh phúc, tiến bộ.

“Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam mà chúng ta đang nỗ lực xây dựng và hoàn thiện có đầy đủ cơ sở khoa học lý luận và thực tiễn, là sự vận dụng sáng tạo, hợp lý tri thức về nhà nước pháp quyền của thế giới vào thực tiễn Việt Nam, vừa mang đầy đủ những giá trị phổ quát, chuẩn mực của một nhà nước pháp quyền, vừa mang những nét đặc thù chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam. Đó là sự đổi mới tư duy lý luận về nhà nước của Đảng ta, từ tư duy lý luận về nhà nước chuyên chính vô sản sang tư duy lý luận về nhà nước pháp quyền XHCN”, Chủ tịch nước khẳng định.

Theo đó, các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam xác định nhân dân là nguồn gốc, là chủ thể quyền lực của Nhà nước, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp và pháp luật có vị trí, hiệu lực cao nhất không chỉ đối với xã hội, mà ngay cả trong tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước, là cơ sở của quyền lực nhà nước.

Quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Nhà nước tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tôn trọng các cam kết quốc tế với tư cách là một thành viên. Nâng cao trách nhiệm pháp lý trong mối quan hệ giữa nhà nước và công dân. Quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ; dân chủ gắn liền với kỷ cương.

Thực hiện đầy đủ các điều ước quốc tế mà Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Chủ tịch nước chỉ rõ, các đặc trưng cơ bản đó của Đảng về nhà nước pháp quyền xã hội  chủ nghĩa được cụ thể hoá và từng bước được làm rõ hơn, sâu sắc hơn trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền ở nước ta và được bổ sung, phát triển qua các kỳ Đại hội, đặc biệt được thể chế hoá đầy đủ, hệ thống trong Hiến pháp 2013.

“Có thể khẳng định, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là quy luật phát triển tất yếu của Nhà nước Việt Nam, là ước mơ, khát vọng và sự lựa chọn của nhân dân, phù hợp với các xu hướng phát triển nhà nước trên thế giới, đã được Đảng ta cân nhắc kỹ lưỡng. Trong điều kiện bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước có những biến đổi to lớn, toàn diện và sâu sắc hiện nay, chúng ta tập trung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam để phát huy những giá trị tiến bộ, phục vụ phát triển đất nước là yêu cầu cấp thiết”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

“Nội dung của Hội thảo hôm nay có ý nghĩa rất thiết thực, giúp nhận diện rõ hơn về cấu trúc, các thành tố và mối quan hệ giữa chúng của mô hình Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, từ đó định hướng, xác định những bước đi, giai đoạn phù hợp cho quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong thời gian tới”, Chủ tịch nước nêu rõ.

Trước đó, phát biểu khai mạc Hội thảo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” nhấn mạnh: Đây là những vấn đề cốt lõi đang đặt ra đối với nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Theo Thủ tướng, từ những giá trị phổ biến, phổ quát về nhà nước pháp quyền trong lịch sử tư tưởng nhân loại, được kiểm chứng trong quá trình phát triển của các nhà nước trên thế giới, nhất là xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu khách quan của sự nghiệp đổi mới, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã chính thức xác định Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo là một trong 8 đặc trưng của xã hội XHCN mà chúng ta xây dựng. Hiến pháp năm 2013 (Điều 2) khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.

Mới đây nhất, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Nghị quyết Đại hội XIII cũng xác định rất rõ việc phát huy giá trị con người Việt Nam, con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đã chỉ rõ xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới. Biểu hiện cụ thể là hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, đồng bộ, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn; cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; vai trò giám sát của nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận thẳng thắn, làm rõ, sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra đối với nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, đề xuất được những giải pháp mới có tính đột phá, giúp Ban Chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu đưa vào đề án trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào cuối năm 2022.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc về vào những vấn đề về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thời gian qua, nhất là những vấn đề về Đảng cầm quyền trong thiết chế nhà nước pháp quyền; về quyền con người, quyền công dân; về bảo đảm chủ quyền nhân dân; về cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; về kiểm soát quyền lực nhà nước; về bảo vệ Hiến pháp; về mối quan hệ giữa Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, dân chủ XHCN…

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản