Chiều 27/2, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước gồm 28 người sẽ có cuộc họp về kết quả rà soát chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Tuy nhiên, kết quả việc rà soát bước đầu cho thấy, một số hội đồng ngành, liên ngành không phát hiện GS, PGS thiếu tiêu chuẩn và vẫn giữ nguyên quyết định như công bố ban đầu.
GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, kết quả trên đã được nhiều chuyên gia nhận định nhưng cũng có thể sẽ có kết quả là một vài người ở tổng cộng một số hội đồng ngành, liên ngành nào đó không đạt được tiêu chí chức danh GS, PGS.
Tuy nhiên, số lượng này không nhiều vì các Hội đồng sẽ phải chịu trách nhiệm rất cao trước nhiệm vụ được cơ quan của Chính phủ giao trong việc đảm bảo trung thực, khách quan xét duyệt người đạt tiêu chí.
Những trường hợp không đạt có thể là do những công trình thẩm định không chính xác. Ví dụ như ứng cử viên đưa ra 20 cuốn sách nhưng người thẩm định đọc không hết, không kỹ, rồi cho điểm sai. Ngoài ra, còn sai do nhập nhằng giữa bài báo khoa học công bố ở trong nước với bài báo được tạp chí quốc tế có uy tín công nhận và trích dẫn lại.
Tuy nhiên, kết quả này cũng sẽ mất lòng tin của giới trí thức và giới khoa học nên phần nhận định về giữ kết quả thẩm định như các Hội đồng chức danh GS ngành, liên ngành đã công bố ban đầu chiếm giữ nhiều hơn.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trao chứng nhận tiêu chuẩn đạt chức danh GS năm 2016. Ảnh: VGP/Đình Nam
Hãy để Hội đồng GS lâm thời có sự sàng lọc, rà soát lại
Theo GS.TSKH Phạm Tất Dong, sở dĩ dư luận chưa tin tưởng về việc phong tặng chức danh GS, PGS năm 2017 là vì Hội đồng chức danh GS ngành, liên ngành chưa chắc đã hiểu rõ hết một hồ sơ của ứng cử viên từng chuyên ngành. Ví dụ như Hội đồng chức chức danh GS liên ngành xã hội gồm rất nhiều ngành khác nhau chưa chắc đã hiểu rõ hết công trình của ứng cử viên ngành Tâm lý hay Triết học.
Việc rà soát chức danh GS, PGS lần này chưa thể thuyết phục được giới khoa học bởi Hội đồng chức danh GS ngành, liên ngành sẽ không dám nhận hết trách nhiệm mình đã thực hiện việc xét danh hiệu người đạt tiêu chí GS, PGS sai. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ không thể giao việc rà soát lại chức danh GS, PGS cho Hội đồng ngành, liên ngành.
GS.TSKH Phạm Tất Dong cho rằng, việc thẩm định, rà soát này nên là một hội đồng lâm thời gồm những GS đầu ngành ở các trường đại học (ĐH), học viện, viện nghiên cứu có uy tín, chất lượng tiến hành. Hội đồng lâm thời sẽ bao gồm những người không nằm trong Hội đồng ngành, liên ngành hiện tại; làm xong nhiệm vụ được Thủ tướng giao là giải thể.
Ngoài ra, việc rà soát GS, PGS cũng có thể nhờ các chuyên gia, GS đầu ngành ở nước ngoài. Nếu ứng cử viên nào muốn ứng cử chức danh GS, PGS thì có thể dịch các công trình nghiên cứu của mình sang ngôn ngữ khác rồi gửi cho cơ quan chức năng để nhờ các GS đầu ngành ở các trường ĐH, Học viện, viện nghiên cứu uy tín ở nước ngoài thẩm định.
Mặt khác, việc rà soát chức danh GS, PGS nên thực hiện theo từng chuyên ngành cụ thể, chứ không bao gồm liên ngành như hiện nay.
|
GS.TSKH Phạm Tất Dong,Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam
|
Bộ trưởng không nhất thiết phải mang hàm GS
GS là những người thực hiện nhiệm vụ đào tạo cho đất nước, là nhà giáo có trình độ cao nhất thuộc lĩnh vực nào đó. Họ cũng là những người mẫu mực, có lương tâm và đạo đức với nghề.
Một trong số những quyền cao quý không gì sánh bằng của GS là được đào tạo tiến sĩ. Hơn nữa, họ được phụ trách học thuật để có thể đứng ngang hàng so với thế giới, nhiều giáo sư đứng đầu các trường phái khoa học.
GS Phạm Tất Dong cho rằng, nếu GS chỉ làm công tác quản lý, không tham gia giảng dạy, đào tạo thì sẽ rất lãng phí và vô nghĩa.
Ví dụ như Bộ trưởng GD-ĐT, mặc dù là Chủ tịch Hội đồng Chức danh GS Nhà nước cũng không nhất thiết phải là GS vì Bộ trưởng làm công tác quản lý, thay mặt Nhà nước để phong chức danh. Điều này tách bạch với việc Bộ trưởng có trình độ GS hay không.
Ở các nước, Bộ trưởng có nhiệm vụ thực hiện công tác quản lý, thực hiện các chính sách của Chính phủ nên không nhất thiết phải có học hàm GS. Còn Thứ trưởng có khi lại là người có chuyên môn cao thì được phong hàm GS. Ở một số nước, chưa chắc Bộ trưởng Y tế đã là một bác sĩ nhưng người Thứ trưởng có khi lại là một GS giỏi và hỗ trợ Bộ trưởng thực hiện các chính sách.
Theo Bích Lan/VOV.VN