Phát biểu tại phiên họp thứ 12 Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng diễn ra ngày 31/7/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”. (Ảnh: Nhân Dân)
Sau đó, vấn đề này cũng đã được Tổng Bí thư nhắc lại trong các cuộc tiếp xúc cử tri, khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo, tiến hành một cách quyết liệt, đồng bộ, bài bản, chắc chắn, với tinh thần nói đi đôi với làm và làm cho bằng được. Tất cả đều bình đẳng trước pháp luật, công - tội phân minh, sai đến đâu xử đến đó. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ và quận Ba Đình cuối tháng 11/2017.
Với sự vào cuộc đồng bộ, nhịp nhàng, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, nhiều vụ tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh trước pháp luật, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ đương chức và cán bộ nghỉ hưu có vi phạm. Trong ảnh: Bị cáo Đinh La Thăng (58 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN), được dẫn giải đến phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại PVN và PVC. (Ảnh: TTXVN)
Năm 2017 và ngay trong những ngày đầu năm 2018 này, việc đưa ra xét xử một loạt vụ án lớn, như vụ Phạm Công Danh (ảnh) và đồng phạm (giai đoạn II); vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC)...
....Vụ án Trịnh Xuân Thanh (ảnh) - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC và đồng phạm xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land); vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỉ đồng vào Oceanbank; hay vụ việc liên quan đến Phan Văn Anh Vũ… cho thấy sự quyết liệt hành động, làm đến cùng, làm triệt để, không có "vùng cấm" trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (Ảnh: TTXVN)
Cũng trong năm vừa qua, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, nhiều cán bộ, đảng viên có sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao. Mới đây, ngày 5/2/2018, Ban Bí thư đã quyết định kỷ luật ông Lê Phước Thanh - Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011-2016, bằng hình thức kỷ luật, cách chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015.
Ông Lê Phước Thanh vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; không gương mẫu, có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo (là con trai của ông Thanh) giữ các chức vụ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục; để UBND tỉnh quyết định cử ông Lê Phước Hoài Bảo đi học Thạc sỹ tại nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước không đúng quy định.(Ảnh: Pháp luật TPHCM)
Tháng 12/2017, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Ngô Văn Tuấn - Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hoá. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Ngô Văn Tuấn. (Ảnh: thanhhoa.gov.vn)
Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật ông Phạm Văn Vọng - nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2010 - 2015, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2011 - 2016 bằng hình thức cách chức Bí thư Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2010 – 2015 do ông vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc của Tỉnh uỷ và các quy định của Đảng, Nhà nước trong việc quyết định bổ nhiệm một số cán bộ không bảo đảm nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn. Ông Vọng chủ trì họp Thường trực Tỉnh uỷ cho chủ trương nhiều dự án có sử dụng đất không đúng quy định; thiếu quan tâm kiểm tra, giám sát để Uỷ ban nhân dân tỉnh vi phạm nghiêm trọng trong quản lý đầu tư xây dựng một số dự án trọng điểm và trong quản lý, sử dụng đất. (Ảnh: Vinhphuc.gov.vn)
Trước đó, ngày 6/10/2017, Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng bằng hình thức: Cách chức Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, Uỷ viên Ban Thường vụ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020; và cho thôi giữ chức Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII. HĐND thành phố Đà Nẵng cũng đã bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND và Đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng đối với ông Nguyễn Xuân Anh.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ, ông Nguyễn Xuân Anh vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền; kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định; thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và quy định những điều đảng viên không được làm. Những vi phạm của ông Xuân Anh là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. (Ảnh: Zing)
Tại kỳ họp thứ 15 (ngày 27-30/6/2017), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai bằng hình thức cảnh cáo. Những vi phạm của bà Thanh trong thời gian giữ các cương vị Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, được Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định là nghiêm trọng. (Ảnh: TTXVN)
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bà Phan Thị Mỹ Thanh tham gia điều hành Công ty TNHH Cường Hưng do chồng mình là cổ đông sáng lập, Chủ tịch HĐTV là vi phạm Luật phòng chống tham nhũng. Việc bà Thanh ký các văn bản của UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty Cường Hưng đầu tư dự án là vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng và quy định về những điều đảng viên không được làm; Ký các văn bản của UBND tỉnh không thuộc lĩnh vực bà Thanh phụ trách để cấp phép và gia hạn cho Công ty Cường Hưng là vi phạm quy chế làm việc của UBND tỉnh; Kê khai tài sản, thu nhập không đầy đủ, không đúng quy định của Đảng, Nhà nước là vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm... (Ảnh: Thanh Niên)
Ngày 16/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2005-2010 và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2010-2015 đối với ông Võ Kim Cự. Ông Cự là người đã trực tiếp ký nhiều văn bản trái quy định, như: cấp giấy chứng nhận đầu tư, cho thuê mặt nước biển nằm ngoài Khu kinh tế; đồng ý chủ trương cho Công ty Formosa tự giải phóng mặt bằng để xây dựng đường ống xả nước thải...; thiếu trách nhiệm chỉ đạo, thanh tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện dự án. (Ảnh: Soha)
Cũng trong ngày ngày 16/8/2017, Thủ tướng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2011 - 2016. Ông Quang phải chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên - Môi trường nhiệm kỳ 2011-2016 đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, để Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số cá nhân có nhiều vi phạm trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên nước liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Là người đã trực tiếp ký bổ nhiệm trên 30 trường hợp không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, điều kiện và tiêu chuẩn, ông Nguyễn Phong Quang, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ giai đoạn 2011 - 2016 đã bị Ban Bí thư quyết định kỷ luật bằng hình thức: Cách tất cả các chức vụ trong Đảng (bao gồm cách chức Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; cách chức Uỷ viên BCH Đảng bộ Cơ quan Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; cách chức Bí thư Đảng uỷ Cơ quan Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ). (Ảnh: Dân Việt)
Với trách nhiệm là người đứng đầu, ông Nguyễn Anh Dũng, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương; Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hoá chất Việt Nam đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong việc quản lý vốn, tài sản, đất đai và đầu tư của Tập đoàn, gây hậu quả rất nghiêm trọng; để Tập đoàn và một số công ty không bảo toàn được vốn Nhà nước giao. Trước những vi phạm này, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Anh Dũng. (Ảnh: Vinachem)
Thủ tướng Chính phủ đã miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa về những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong thời gian bà giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (từ 1/2004-5/2010). Trong đó, bà nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ theo quy định về kê khai tài sản, thu nhập, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.
Ngày 24/1/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng do đã có những vi phạm về công tác cán bộ khi giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ này. Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng. (Ảnh: Tiền Phong)
Ngày 25/5/2017, Ban Bí thư đã họp và quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Văn Thiện - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định. Theo kết luận, ông Nguyễn Văn Thiện với cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhiệm kỳ 2010-2015 có trách nhiệm trong việc để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong việc bổ sung quy hoạch, bổ nhiệm một số trường hợp cán bộ không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn và không đúng quy định. (Ảnh: KT)
Tại kỳ họp thứ 19 ( từ ngày 7 đến 9/11/2017), Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật khiển trách đối với ông Nguyễn Văn Thử, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông. Theo kết luận, trong thời gian giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông nhiệm kỳ 2010-2015, ông Nguyễn Văn Thử đã thiếu trách nhiệm, để xảy ra vi phạm trong đầu tư xây dựng Kho lưu trữ tỉnh; vi phạm quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. (Ảnh: Báo Đắk Nông)
Cũng tại kỳ họp thứ 19, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Phạm Thế Dũng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai. Những vi phạm, khuyết điểm của ông Phạm Thế Dũng được xác định là nghiêm trọng, để lại nhiều hậu quả khó khắc phục, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm giảm sút uy tín của tổ chức đảng và cá nhân. (Ảnh: Người Lao Động)
Trong năm 2017, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với Thiếu tướng Hoàng Công Hàm, Đảng ủy viên, Phó Tư lệnh Quân khu 1, Bộ Quốc Phòng. Trong thời gian giữ cương vị Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn, ông Hoàng Công Hàm đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước và Quân đội trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng. Vi phạm của ông Hàm đã làm ảnh hưởng đến uy tín và kỷ luật Quân đội, của tổ chức đảng và cá nhân ông. (Ảnh: Zing)
Phát biểu tại phiên họp thứ 13 Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức sáng 22/1/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo ráo riết, quyết liệt với quyết tâm cao; các ngành, các cấp phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng. Vì vậy, kết quả đạt được rất rõ nét, được nhân dân đồng tình, ủng hộ cao. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế, tạo được dấu ấn tốt, lan tỏa rộng rãi, củng cố niềm tin trong nhân dân". (Ảnh: TTXVN)
Tổng Bí thư nêu rõ, năm 2017 đã làm được nhiều việc, nhưng năm 2018 còn nhiều việc phải làm. Công tác phòng, chống tham nhũng cần tiếp tục được đẩy mạnh, với quyết tâm cao hơn, bền bỉ, kiên trì, hiệu quả hơn. Theo kế hoạch, trong năm 2018, Ban chỉ đạo tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 21 vụ án; xử lý 21 vụ việc, kiến nghị thuộc diện Ban theo dõi, chỉ đạo. (Ảnh: TTXVN).
Theo VOV.VN