Cơ chế lây lan như thế nào?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), virus corona lây từ người sang người qua những hạt dịch từ mũi hoặc miệng khi ho hoặc hắt hơi. Nó có thể tồn tại trên hầu hết các bề mặt trong vài ngày.
Nhân viên y tế Trung Quốc đo thân nhiệt một công dân từ nước ngoài trở về tránh dịch sau khi nước này vừa trải qua đợt cao điểm dịch bệnh. Ảnh: RT
Do đó ngoài việc trực tiếp hít phải virus, bạn có thể bị nhiễm bệnh khi chạm vào các bề mặt đã có virus khu trú và sau đó đưa tay lên mũi, miệng hoặc mắt của mình. Có một số bằng chứng còn cho thấy, con virus này có trong phân và nước tiểu của người bệnh và có thể truyền bệnh theo đường này nhưng hiện vẫn chưa được chính thức xác nhận.
Người mắc không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào?
Cho đến nay đã có hơn 660.000 người đã được báo cáo nhiễm nCoV trên toàn thế giới, trong đó gần 150.000 đã khỏi bệnh và gần 31.000 ca tử vong. Một số nhà nghiên cứu ước tính rằng, có tới 80% những người bị nhiễm virus corona không hề hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ và thậm chí không biết mình đã bị mắc bệnh.
Điều này lập tức làm dấy lên khả năng đã có hàng triệu người có thể đã bị nhiễm bệnh. Do vậy muốn biết được con số tương đối, chúng ta cần nhiều nghiên cứu sâu hơn và thử nghiệm sàng lọc nhiều hơn nữa.
Những người trẻ tuổi ít có khả năng chết vì virus?
Câu trả lời là nhóm người trẻ ít bị tổn thương hơn nhưng bệnh vẫn có thể biến chứng nặng hơn và khi đã nhiễm cần phải bắt buộc nhập viện để điều trị. Các phỏng đoán người trẻ an toàn hơn bao nhiêu so với nhóm người cao tuổi hiện vẫn chưa có câu trả lời.
Một trẻ sơ sinh ở Mỹ tử vong vì COVID-19 hôm 28/3, đánh dấu một trường hợp cực kỳ hiếm gặp trong đại dịch toàn cầu. Ảnh: Shutterstock
WHO cho biết, những người lớn tuổi mắc các bệnh mãn tính như bệnh phổi hoặc hen suyễn, huyết áp cao, tiểu đường và bệnh tim... thì bệnh biến chứng nghiêm trọng hơn. Trong khi một quan chức y tế Mỹ lại cho biết, tỷ lệ tử vong ở nam giới dường như cao gấp đôi phụ nữ ở mọi lứa tuổi.
Hầu hết giới chức y tế đều cảnh báo, bệnh không từ bất cứ ai, đặc biệt là những người có hệ thống miễn dịch yếu thì nguy cơ xấu rất cao.
Người khỏi bệnh có thể bị tái nhiễm?
Đây là một câu hỏi rất quan trọng và chưa có câu trả lời. Có một số ít trường hợp có thể "tái nhiễm" sau khi đã hồi phục nhưng hầu hết các nhà khoa học đều tin rằng những người này có nhiều khả năng đã bị tái phát bệnh.
Một bệnh nhân có thể cảm thấy ít biểu hiện và xét nghiệm âm tính với virus khi lấy mẫu xét nghiệm trong mũi và cổ họng của họ, trong khi virus vẫn khu trú ở những nơi khác trong cơ thể họ.
Bệnh nhân hồi phục hoàn toàn do có kháng thể trong máu nên bảo vệ họ không bị tái phát, nhưng hiện vẫn không thể biết những kháng thể đó sẽ tồn tại trong bao lâu. Với một số loại virus, kháng thể yếu đi nhanh hơn ngay cả khi chúng vẫn tồn tại nhưng SARS-CoV-2 có thể trải qua những biến đổi nhỏ theo thời gian bởi virus cúm mùa hàng năm làm cho các kháng thể không hiệu quả.
Số ca tử vong vì coronavirus ở Ý đã vượt quá 10.000 và có dấu hiệu chậm lại sau 16 ngày bị phong tỏa. Ảnh: AFP
Hiện một số phòng thí nghiệm chuyên sâu và các tập đoàn y tế đang nghiên cứu các xét nghiệm máu để tìm ra người đã tiếp xúc với virus và liệu có chắc chắn một số người đã có khả năng miễn dịch. Các thử nghiệm huyết thanh cũng sẽ cho một bức tranh đầy đủ hơn về mức độ của đại dịch.
Khi nào sẽ có phác đồ điều trị hoặc vacxin?
Không. Cho đến nay vẫn chưa có bất cứ loại vacxin hoặc thuốc chống virus nào chống coronavirus. Việc điều trị hiện nay vẫn là tập trung vào làm giảm các triệu chứng như hỗ trợ hô hấp.
Hiện các công ty y sinh trên khắp thế giới vẫn đang chạy đua để phát triển vacxin. Một số ít đã tiến hành thử nghiệm mức độ an toàn ở người, nhưng các chuyên gia cho rằng có thể phải mất một năm hoặc lâu hơn mới phát triển và thử nghiệm vacxin này.
Có một rắc rối khác là coronavirus có thể biến thể nhanh chóng dựa theo các nghiên cứu chi tiết, kể từ khi SARS-CoV-2 xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc) hồi tháng 12/2019. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây lại cho thấy virus này tương đối ổn định, mở ra cơ hội cho sản xuất vacxin điều trị.
Coronavirus lây lan chậm hơn ở những nơi nóng?
Ban đầu một số chuyên gia đã hy vọng rằng mùa hè đến sẽ tự nhiên làm chậm đà lây lan của virus nhưng Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh châu Âu vừa cho biết là không hoàn toàn phải như vậy.
Trước đó, WHO cũng đã nói rằng virus này có thể lây truyền ở tất cả mọi khu vực, bao gồm cả những vùng khí hậu nóng và ẩm.
Đại dịch sẽ kéo dài bao lâu?
Chúng tôi không biết. Nó sẽ phụ thuộc vào một loạt các yếu tố, từ việc mọi người tiếp tục cách ly bao lâu và tránh các cuộc tụ họp đông người cho đến khi xuất hiện loại thuốc có hiệu quả hoặc vacxin thương mại.
Người dân Vũ Hán dỡ bỏ rào chắn trên đường ngày 24-3 - Ảnh: RT
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần này nói rằng, ông hy vọng sẽ "mở cửa trở lại" nền kinh tế số một thế giới đúng vào ngày Chủ nhật Phục sinh (12 tháng 4 tới). Tuy nhiên ngay lập tức, ông đã phải hứng chịu những lời chỉ trích gay gắt rằng như vậy là quá vội vàng và có thể khiến nhiều người chết hơn.
Tại tỉnh Hồ Bắc, tâm chấn của sự bùng phát coronavirus ở Trung Quốc, mặc dù cuộc sống đã bắt đầu trở lại bình thường sau hai tháng bị phong tỏa hiện cũng vẫn còn phải cân nhắc xem liệu việc mở cửa trở lại có thúc đẩy một đợt bùng phát bệnh dịch khác hay không?