Tin mới

Những dòng thư viết vội từ bệnh viện Hồi sức COVID-19

(Mặt trận) - ThS. BS Trần Nam Chung, Phó trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện E- Hà Nội, là một thành viên trong đoàn bác sĩ hỗ trợ miền Nam từ tháng 7. Anh đã chia sẻ những câu chuyện cảm động "mắt thấy tai nghe" từ bệnh viện Hồi sức COVID-19 TPHCM.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Trong ảnh, GS.TS Lê Ngọc Thành - nguyên Giám đốc Bệnh viện E (đứng giữa) chia tay đoàn công tác của bệnh viện xuất quân vào TP. HCM chống dịch COVID-19 
Tiến về Sài Gòn chia lửa cùng các đồng nghiệp

"Chào cậu, cậu đang ở Sài Gòn rồi à? Mình nghe nói cậu vào thành phố Hồ Chí Minh tham gia điều trị cho bệnh nhân COVID nặng?"

Tôi đã nhận được tin nhắn hỏi thăm của một anh bạn học phổ thông mà hơn 30 năm nay, chúng tôi không có dịp liên lạc, ngay khi còn đang chân ướt chân ráo mới vào thành phố. Vừa phải làm quen với môi trường mới, đồng nghiệp mới, chúng tôi vừa hối hả bắt tay vào việc. Bệnh nhân nặng và cực nặng, không những thế số lượng dồn dập tăng nhanh. Bạn tôi biết ý nên chỉ nhắn tin thăm hỏi.

Quả thật là lâu nay, khi nghe mọi người nói về cuộc cách mạng 4.0 và những điểm nổi bật của nó như dữ liệu lớn (Big data), như trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence, viết tắt là AI), ... nói thực là chúng tôi không thấy xa lạ vì những kỹ thuật, những công nghệ tiên tiến nhất thì ngành y chúng tôi đều tích cực cập nhật. Bởi thực tế thì y khoa là một ngành khoa học khó khăn, còn quá nhiều điều chúng ta còn chưa biết, chưa thực sự hiểu.

Chúng ta vẫn hàng ngày vừa phải làm việc trực tiếp với người bệnh, vừa phải tiếp tục nghiên cứu, học hỏi từ các đồng nghiệp khắp nơi trên thế giới, từ kho tri thức khổng lồ được bồi đắp hằng ngày bởi hàng triệu, hàng triệu các nghiên cứu, các bài báo khoa học, tài liệu y khoa, từ các khuyến cáo hay phác đồ điều trị liên tục được cập nhật. ‏Thế nhưng khi quay trở lại đời thường, tôi bắt đầu cảm nhận được sức sống của cuộc cách mạng này.

Các thành viên đoàn công tác Bệnh viện E lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trước khi lên đường vào TP.HCM hỗ trợ chống dịch 
Y bác sĩ ân cần và dốc sức mình chăm sóc cho người mắc COVID-19 

Đơn cử chính là câu chuyện tôi đang kể trên đây về sự kết nối, về sự lưu giữ hay duy trì sợi dây tình cảm, hay là các mối quan hệ xã hội nhờ những thành tựu công nghệ. Nó rút ngắn thời gian, không gian để đưa con người đến gần nhau hơn. Nó quả thực tạo ra cho con người ta nhiều niềm vui và hạnh phúc bất ngờ.

Vào thành phố Hồ Chí Minh chia lửa cùng các đồng nghiệp ở trong này, cùng chiến đấu chống lại bệnh dịch, cùng giành giật sự sống cho các bệnh nhân COVID, nhất là những bệnh nhân nặng, nguy kịch ở bệnh viện Hồi sức COVID, chúng tôi lại có dịp thấu hiểu thêm về tình người. ‏

Trong những lúc tính mạng bị đe dọa trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc", tình cảm con người ta tự nhiên được bộc lộ, không cần giấu diếm.‏

Khi chăm sóc cho người bệnh, chúng tôi ngoài việc tập trung chuyên môn còn cần đồng cảm cùng với những khó khăn của họ, chia sẻ được với nhu cầu, mong muốn của họ. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi sinh viên y khoa hẳn đều thấm thía câu nói đã trở thành kinh điển: Người thầy quan trọng nhất đối với thầy thuốc là người bệnh.

Chính bởi trong quá trình chăm sóc, thăm khám cho người bệnh, các thầy thuốc sẽ tích lũy được cho mình rất nhiều kinh nghiệm, cả về chuyên môn cũng như về giao tiếp, về kinh nghiệm sống. Rất nhiều khi, chính những người bệnh đã mang lại rất nhiều niềm vui, nhiều bài học quí giá, là động lực tinh thần cho mỗi bác sĩ vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.‏

Y bác sĩ làm việc trong Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM 

Trong bệnh viện Hồi sức, các bệnh nhân COVID nặng, có nhiều người không thể nói được vì phải dùng máy thở, nhiều người quá nặng không thể nói hoặc không thể dừng thở để mà nói, chỉ có ra kí hiệu, gật hay lắc đầu, nhưng cũng có những người đỡ hơn, còn nói chuyện được. Trong số những người còn nói chuyện được, điện thoại dường như là cứu cánh cho họ.

Nhiều người vì quá trình diễn biến bệnh đột ngột trở nặng, phải đi cấp cứu ngay, thậm chí phải chuyển nhiều viện cho đến khi đến bệnh viện Hồi sức, cho nên đã không kịp mang theo nhiều thứ quan trọng như thuốc chữa bệnh mạn tính dùng hàng ngày. Đồ dùng cá nhân thì vẫn khắc phục dễ dàng, nhưng nếu là điện thoại, thì hẳn là rất khó khăn cho họ. ‏

Câu chuyện từ chiếc điện thoại...

Trong số những người còn nói chuyện được, điện thoại dường như là cứu cánh cho họ 

Đối với người bệnh mắc COVID nặng, việc phải nằm yên, tập trung vào đảm bảo nhịp thở đều, đúng kỹ thuật để duy trì đủ nồng độ ô xy trong máu là hết sức quan trọng. Bởi vì tình trạng hấp thu ô xy của phổi người bệnh rất mong manh, kể cả khi được cung cấp đủ ô xy, cho nên cần giảm thiểu tối đa các hoạt động tiêu thụ ô xy.

Mọi nhu cầu hay hoạt động vệ sinh cá nhân của người bệnh buộc phải có người hỗ trợ và phải thực hiện tại chỗ. Kinh nghiệm của chúng tôi là những người không tuân thủ, phối hợp tốt việc này thường có nguy cơ cao chuyển biến nặng lên. Chính vì vậy, tôi thấy rất e ngại khi thấy bác bệnh nhân quá lo lắng, loay hoay bên nọ bên kia vì chuyện không có điện thoại. Tôi đã đứng giải thích rất kĩ cho bác hiểu về tình trạng bệnh và nguy cơ diễn biến nặng hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của bác nên rất cần bác ấy hợp tác tốt.

Tôi cũng nói thêm với bác là trong lúc này, tính mạng của mình đang bị đe dọa, đó là vấn đề quan trọng nhất cần phải tập trung để giải quyết. Bác ấy đã nói một câu khiến tôi cảm động và nhớ mãi: Bác sĩ ơi, không có điện thoại, con tôi không liên lạc được với tôi, không biết tôi đang ở đâu thì nó sẽ lo lắng lắm! Thế mới hiểu được câu hát "lòng mẹ bao la như biển Thái Bình ngọt ngào", hiểu được tình mẹ gần gụi mà tha thiết biết bao!‏

Một bệnh nhân nữ đáng nhớ khác, 71 tuổi, cũng loay hoay không kém. Một buổi sáng mà tôi đã nghe thấy bác ấy hỏi không dưới 10 lần, hỏi bất kì người nào ra vào phòng, với cùng một câu hỏi: Bác sĩ ơi, bao giờ tôi được về nhà? Chúng tôi, hết người này đến người khác, đều kiên nhẫn giải thích với bác ấy rằng tình trạng bệnh của bác phải ổn định thì mới về được, kẻo rất nguy hiểm cho bác ấy, rồi động viên bác chịu khó nghỉ ngơi, dưỡng bệnh.

"Ráng chăm sóc cho bố, nghen con!" 

Tôi cũng không giấu được sự lo lắng, vì mặc dù, mấy hôm nay, tình trạng của bác ấy có đang khá hơn, cho nên bác ấy mới nói nhiều như vậy được, thế nhưng nếu như cứ hoạt động quá nhiều, nguy cơ bị quá tải hô hấp có thể xảy ra và mọi chuyện lại có thể trở nên xấu đi, thậm chí không hồi phục được. Chuyện cứ như vậy, tôi để ý sát sao tình trạng của bệnh nhân vì lo lắng có diễn biến bất thường, cho đến khi tôi nghe bác ấy nói chuyện điện thoại với con. Lúc đầu cũng chỉ nghe câu được câu mất, rồi đến: Con ơi, bố đâu rồi? Cho mẹ nói chuyện với bố.

Một lúc lâu, yên lặng, tiếng bà cụ mếu máo, tôi đoán thầm, chắc là đến lượt con của cụ đang giải thích gì đó, khá lâu. Và rồi tiếng bà cụ vừa khóc vừa gào to, có lẽ cả khoa đều nghe thấy: Bố đâu rồi, cho mẹ gặp bố. Tao nhớ ông ấy quá rồi. Tôi chợt thấy lòng nao nao. Và rồi lại một lúc yên tĩnh, tiếng nói chuyện thủ thỉ xen lẫn thỉnh thoảng tiếng thút thít của cụ. Trước khi kết thúc cuộc nói chuyện qua điện thoại, tôi nghe được câu cụ nói to, giọng rất ân cần: Ráng chăm sóc cho bố, nghen con!. Cho đến bây giờ, khi ngồi đây viết lại câu chuyện này, lòng tôi vẫn cảm thấy rưng rưng, thổn thức.

"Cậu ơi, vẫn ở bệnh viện Hồi sức COVID chứ? Nhờ cậu xem giúp cho anh bạn cùng phòng mình có người nhà là bệnh nhân ở đó nhưng không biết ở khoa nào và tình trạng bây giờ ra sao". Anh bạn tôi nhắn tin nhờ giúp cho anh bạn đồng nghiệp. Anh bạn ấy cũng biết là người nhà bệnh nặng lắm nhưng không biết là người nhà đang ra sao và ở đâu. Tôi cũng giải thích cho bạn là ở đây chúng tôi có nhiều đơn vị khác nhau, làm việc độc lập ở các khoa điều trị khác nhau.

Nhưng rồi, biết là người nhà hẳn là mong ngóng lắm nên tôi lại nhờ một đồng nghiệp thạo công nghệ thông tin để truy ra được nơi bệnh nhân đang điều trị là khoa 2B và hỏi thăm các đồng nghiệp ở đó về tình hình, diễn biến của bệnh nhân. Tôi không biết làm sao để động viên cho đồng nghiệp của bạn tôi vì vốn dĩ họ cũng hiểu là tình trạng bệnh nặng. Nhưng chắc hẳn là họ sẽ thấy bớt lo lắng, bớt loay hoay, bớt nóng ruột vì ít nhất thì đã biết chính xác người thân mình đang được điều trị ở khoa nào, đang được chăm sóc tối đa ở nơi có trang bị tốt nhất các điều kiện để cứu chữa cho họ. ‏

Cầu mong cho nỗ lực chống dịch của chúng ta đạt kết quả, số người bệnh mắc COVID, đặc biệt số bệnh nặng, ngày càng giảm và cũng mong mỗi gia đình khi có người nhà mắc bệnh hãy yên lòng vì chúng tôi, những người chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm chạy đua với thời gian và dịch bệnh, chăm sóc và điều trị tốt nhất cho người bệnh, không chỉ vì bổn phận chuyên môn mà còn bởi "tình người".‏

(Viết từ BV Hồi sức COVID -19, Xa lộ Hà Nội, Quận 9, TP. Hồ Chí Minh).

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản