Tin mới

Nỗi niềm giáo viên hợp đồng Hải Dương trước thềm năm học mới

Nhiều giáo viên hợp đồng ở Hải Dương vẫn còn những nỗi lo trước thông tin có nguy cơ mất việc khi năm học mới bắt đầu.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Trước thông tin 1.200 giáo viên hợp đồng tỉnh Hải Dương có nguy cơ mất việc trong năm học mới, Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương cho biết đây là thông tin không chính xác. Những giáo viên này vẫn sẽ tiếp tục được đứng lớp trong năm học này.

Quyết định này đã giúp thầy cô giáo của tỉnh Hải Dương thở phào nhẹ nhõm sau những tháng hè thấp thỏm lo âu. Tuy vậy, chặng đường gieo chữ của những người thầy mang danh giáo viên hợp đồng vẫn còn nhiều gian nan, trăn trở.

 Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương cho biết, nếu không ký tiếp hợp đồng với 1.200 giáo viên thì ngành giáo dục tại Hải Dương khó có thể cáng đáng việc dạy học trên địa bàn

31 tuổi, 9 năm gắn bó với nghề gõ đầu trẻ, thầy Đặng Văn Thuật, giáo viên Vật lý trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, thành phố Hải Dương vẫn mang danh giáo viên hợp đồng. Không chỉ làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, thầy còn có nhiều tài lẻ, là thành viên chủ chốt trong các phong trào của đoàn trường, gắn kết các em học sinh trong các hội thi lớn ở tỉnh. Dù trượt đợt thi tuyển viên chức năm 2016 nhưng với tình yêu nghề, thầy quyết tâm bám trường, lớp. Song những ngày hè vừa qua đối với thầy thật nặng nề.

“Trước đây mình nghĩ nghề giáo viên là nghề ổn định, không ngờ đến một ngày nó lại có nhiều biến động như vậy. Sau những tháng hè không có lương mình cảm thấy khá vất vả vì phải lo cơm áo gạo tiền cho gia đình. Và cho đến thời điểm này, tình yêu với nghề vẫn còn nhưng không biết có thể gắn bó với nghề bao lâu nữa”, thầy Đặng Văn Thuật nói.

Cô giáo Đỗ Thị Xuyên – giáo viên trường tiểu học Liên Mạc, huyện Thanh Hà cũng trong tình trạng như vậy. Là cán bộ “nguồn”được huyện Thanh Hà cử đi học nhưng cô đã không có “cơ duyên” trong những lần xét đặc cách sau đó. Từ giáo viên hợp đồng dài hạn của huyện, cô được điều chuyển xuống hợp đồng ngắn hạn do nhà trường ký kết. 9 năm với bao tâm huyết dành cho con trẻ, với những thành tích tại các cuộc thi, cô vẫn khao khát được đứng trong hàng ngũ của những viên chức ngành giáo dục.

Nhớ lại những ngày vừa qua, cô giáo trẻ thổn thức: “Tâm lý mọi người vô cùng buồn chán vì danh dự bao nhiêu năm dạy học. Không biết nên mở lời với gia đình chồng và bố mẹ đẻ như thế nào. Những ngày hè chờ đợi được ký tiếp hợp đồng thực sự mong nó trôi qua nhanh và chỉ muốn được đi làm dù đồng lương thấp”.

Hiện nay, để trụ lại với nghề, ngoài giờ lên lớp, nhiều giáo viên hợp đồng phải làm thêm các công việc khác để có thu nhập trang trải cuộc sống. Và có một thực tế là nghề giáo đang mất dần vị thế, mất dần sức hút so với các ngành nghề khác như trăn trở của ông Hoàng Chí Thanh, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, thành phố Hải Dương: “ Với tình hình như hiện nay, nếu không có cải thiện thì sẽ không thể thu hút nhân tài và nhân tài sẽ rời xa ngành giáo dục. Điều quan trọng nhất là sự tôn vinh nghề giáo, hiện người ta đang cảm nhận nghề giáo không được tôn vinh, chứ đòi hỏi về lương cao hay chế độ khác chỉ là một phần”.

Năm học 2018 – 2019, toàn tỉnh Hải Dương tăng cơ học khoảng 21.000 học sinh ở 4 cấp học, tương đương với hơn 460 lớp học. Nếu không duy trì hơn 1.200 giáo viên hợp đồng thì ngành giáo dục của Hải Dương khó có thể cáng đáng việc dạy và học trong năm học này.

Ông Đỗ Duy Hưng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương nhận định: “Trong 5 năm tới, học sinh tại Hải Dương tiếp tục tăng. Năm tăng nhiều nhất là khoảng 25.000, ít nhất là khoảng 9.000. Giáo viên hợp đồng cũng đang là những người gánh vác việc dạy tại trường và họ đang công tác rất tốt. Nếu như có điều kiện cũng nên tuyển các cô vào viên chức để các cô yên tâm công tác và nâng cao chất lượng đội ngũ”.     

Tinh giản biên chế đang có những chuyển động tích cực ở nhiều lĩnh vực và nhận được sự ủng hộ của xã hội. Tuy nhiên với đặc thù của ngành giáo dục, nơi đào tạo nguồn nhân lực tương lai thì việc tinh giản cần tính toán, xem xét đến các yếu tố để đảm bảo việc dạy và học đạt chất lượng. Không ít giáo viên hợp đồng có chuyên môn tốt, có nhiều thành tích trong giảng dạy và hơn bao giờ hết nghề giáo cần những nhân tố như vậy.

Tiếng trống trường đang điểm báo hiệu năm học mới bắt đầu, những thầy cô giáo hợp đồng vẫn cần mẫn với những trang giáo án, vẫn hàng ngày chống chèo những chuyến đò ngang đưa từng lứa học trò đến bến bờ tương lai nhưng chính các thầy cô lại chưa biết được con đò của mình sẽ đi đâu, về đâu.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản