Tin mới

Ông Phan Diễn: “Chống tham nhũng nửa vời là đầu hàng, thua cuộc”

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên thường trực Ban Bí thư Phan Diễn: Chống tiêu cực nửa vời chẳng khác nào chúng ta đã đầu hàng, thua cuộc.

Chủ tịch nước Lương Cường: Toàn quân thực hiện nghiêm đường lối quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Thường trực Ban Bí thư làm việc với các cơ quan của Đảng, MTTQ về Nghị quyết số 18-NQ/TW

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Trao đổi với phóng viên về ý nghĩa của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về công tác cán bộ, ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, tâm đắc nhất là sự nhất quán trong quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quyết tâm xây dựng một đội ngũ cán bộ “sạch” từ gốc.

 Ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư

PV: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược (Nghị quyết số 26-NQ/TW). Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của Nghị quyết này?

Ông Phan Diễn: Hội nghị Trung ương 7 vừa rồi đã bàn thảo và quyết định nhiều nội dung rất quan trọng, trong đó quan trọng nhất là vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chiến lược trong tình hình mới. Nội dung Trung ương bàn cũng như Nghị quyết được ban hành sau Hội nghị có nhiều ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Thứ nhất, qua việc bàn bạc, thảo luận cũng như phát ngôn, hành động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trước, trong và sau Hội nghị, đó là tiến hành liên tục, đến nơi đến chốn cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng đã khởi động cách đây 2 năm.

Phải nói rằng, trong một thời gian dài, kỷ luật kỷ cương của Đảng bị buông lỏng dẫn đến nhiều công việc của Đảng, của Nhà nước bị làm trái, nhiều cán bộ hư hỏng, thoái hóa, vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước, gây tổn hại lớn cho kinh tế đất nước, làm giảm uy tín của Đảng, giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Tình trạng này đã diễn biến hết sức nghiêm trọng trong một thời gian dài, khiến dư luận vô cùng bức xúc, cán bộ đảng viên lo lắng, đã từng có quan điểm cho rằng Đảng nói rất đúng, bày tỏ quyết tâm rất lớn nhưng lại không đi đôi với hành động, dẫn tới tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí ngày càng nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, việc Đảng đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực một cách công khai, quyết liệt, không né tránh khiến cán bộ, nhân dân thực sự vui mừng, xóa tan những quan điểm hồ nghi của một số cá nhân. Cũng có dư luận lo ngại nếu làm mạnh mẽ như vậy thì không ai còn dám làm việc, nhưng theo tôi những suy nghĩ đó là rất nguy hiểm. Chẳng khác nào chúng ta đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng một cách nửa vời, không đem lại được hiệu quả cuối cùng, vô hình chung vẫn dung túng cho sai phạm tồn tại và tiếp tục phát triển. Như vậy là chúng ta đã thua cuộc, đầu hàng trước tham nhũng, tiêu cực.

Do vậy, việc Trung ương thể hiện quyết tâm nhất quán tiếp tục tiến hành cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đi đến kết quả cuối cùng; đặc biệt trong các phát biểu, báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… đều thể hiện sự nhất quán đó, tôi hoàn toàn ủng hộ và tán thành với quyết tâm đó.

Hội nghị Trung ương 7 bàn về công tác cán bộ, đặc biệt về đội ngũ cán bộ chiến lược còn chứng tỏ rằng, Đảng không chỉ quyết tâm tìm ra sai phạm, khuyết điểm, xử lý những cá nhân, vụ việc mà cũng rất quyết tâm xây dựng và hoàn thiện thể chế để có thể xây dựng từ gốc một đội ngũ cán bộ đảm bảo cả về chất và lượng, ngăn chặn cán bộ mắc sai phạm, hạn chế được tối đa những sai phạm bị lặp lại.

Hội nghị đã bàn rất cụ thể việc phải xây dựng đội ngũ cán bộ ra sao để tiến tới có được những cán bộ đủ đức, đủ tài, có uy tín, đủ khả năng để đảm nhiệm việc thực hiện thành công những mục tiêu rất lớn, rất khó khăn đang được đặt ra, đó là phấn đấu đến 2030, Việt Nam thực sự trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại và đến 2045 thực sự trở thành nước công nghiệp phát triển theo định hướng XHCN.

Hội nghị Trung ương 7 góp phần vào việc xây dựng một lĩnh vực, một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, là nền tảng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu.

Cần hệ thống tiêu chuẩn cán bộ ở từng cấp, ngành, lĩnh vực

PV: Để thực hiện thành công, hiệu quả Nghị quyết này, ông quan tâm đến yếu tố nào nhiều nhất?

Ông Phan Diễn: Được biết, Trung ương đã đề ra rất nhiều giải pháp lớn để thực hiện và đưa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 vào cuộc sống. Trên cơ sở Nghị quyết của Hội nghị, tôi thấy cần phải xây dựng và cụ thể hóa hơn nữa tiêu chuẩn của đội ngũ cán bộ các ngành, lĩnh vực khác nhau cũng như các cấp khác nhau. Hệ thống tiêu chuẩn này phải được cụ thể hóa và được bổ sung, điều chỉnh thường xuyên khi cần thiết sao cho sát với hoàn cảnh và yêu cầu thực tế. Tất nhiên, tiêu chuẩn chung vẫn là cán bộ vừa phải có đức vừa có tài, có thể hoàn thành được nhiệm vụ.

Nhiệm vụ cách mạng của Đảng, của đất nước mỗi giai đoạn khác nhau. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đứng trước một cuộc đấu tranh sinh tử đòi hỏi sự hy sinh để bảo vệ nền độc lập; đến giai đoạn xây dựng đất nước, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, chúng ta cần một đội ngũ cán bộ có năng lực để đáp ứng được những nhiệm vụ đó. Tuy nhiên, cán bộ ở mỗi ngành, lĩnh vực, mỗi cấp cần có những yêu cầu khác nhau. Cơ bản vẫn phải bám vào tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 về công tác xây dựng cán bộ, cụ thể hóa và xây dựng thành hệ thống tiêu chuẩn phù hợp với từng loại cán bộ ở từng ngành, lĩnh vực, từng cấp. Có hệ thống tiêu chuẩn cụ thể mới có “chỗ dựa” để lựa chọn cán bộ cho đúng đắn; ngược lại, cán bộ cũng có cái đích cụ thể để phấn đấu. Khi lựa chọn cán bộ để đưa vào một vị trí lãnh đạo, không phải ai cũng ngay lập tức có đầy đủ các yếu tố mong muốn, nhưng ít nhất phải có được những điều kiện, yêu cầu cơ bản và sau đó tiếp tục hoàn thiện mình.

Chúng ta có được một hệ thống tiêu chuẩn cụ thể, rõ ràng như thế sẽ giúp người dân có điều kiện để giám sát, góp ý cho quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ. Trong tiêu chuẩn đó, phải chỉ ra những điều kiện cán bộ cần trang bị, rèn luyện, để đáp ứng; song song với đó là những hành vi mà cán bộ tuyệt đối không thể vi phạm.

 

Chủ trương “Bí thư không phải người địa phương” không phải “cây đũa thần”

PV: Một trong những mục tiêu của Nghị quyết là đến 2020 đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí Bí thư tỉnh, huyện không phải người địa phương. Quan điểm của ông về chủ trương này ra sao?

Ông Phan Diễn: Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 có nêu rõ sẽ từng bước thực hiện chủ trương bố trí Bí thư cấp tỉnh, huyện không phải người địa phương. Theo tôi đây là chủ trương nên làm, đây cũng không phải là chủ trương mới, chúng ta đã từng thực hiện biện pháp tương tự như vậy. Nhiều nước trên thế giới cũng có quyết định tương tự như chủ trương này của ta, áp dụng không chỉ với người đứng đầu cơ quan Đảng, Nhà nước mà còn áp dụng với nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền.

Đây là chủ trương chúng ta đã có tiền lệ và nó được đề ra trong bối cảnh thời gian qua chúng ta đã chứng kiến quá nhiều tình trạng cán bộ lạm dụng chức quyền, nể nang, kéo bè cánh, coi thường kỷ cương phép nước. Do vậy, tôi tán thành với việc thực hiện chủ trương này, nó có thể góp phần hạn chế tiêu cực, buộc đội ngũ cán bộ phải thực thi đúng chức trách. Nhưng cũng không hẳn việc thực thi chủ trương này là “cây đũa thần” có thể giải quyết được mọi việc, bởi thực tế ở nhiều nước cũng thực hiện chủ trương này nhưng trong bộ máy vẫn tồn tại nhiều vấn đề, tiêu cực vẫn còn.

Trong Nghị quyết đã nêu rõ sẽ từng bước thực hiện chủ trương này, chứ không thực hiện ồ ạt. Như vậy, tôi hiểu rằng, trong quá trình thực hiện chủ trương này, chúng ta sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, trước khi áp dụng rộng rãi, đây là cách làm cần thiết.

PV: Có ý kiến lo ngại việc bố trí Bí thư tỉnh, huyện không phải người địa phương dễ dẫn đến tình trạng cán bộ có thể bị cô lập hay bị các nhóm lợi ích ở địa phương lôi kéo, dụ dỗ…?

Ông Phan Diễn: Tình trạng đó cũng có thể xảy ra dù cán bộ lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương. Tuy nhiên, như trên tôi đã nói, đây chỉ là một biện pháp trong một hệ thống các biện pháp chúng ta sẽ thực hiện để chấn chỉnh công tác cán bộ. Để có được đội ngũ cán bộ có đức, có tài, vừa có năng lực, vừa có phẩm chất, chúng ta còn phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp khác nữa, nên tôi không quá lo ngại về ý kiến này.

Để có được người cán bộ đáp ứng được yêu cầu, phải đề ra những tiêu chuẩn rất rõ ràng, căn cứ vào những tiêu chuẩn đó để đánh giá cán bộ, bố trí cán bộ cho thích hợp. Quan trọng hơn chính là xây dựng chế độ sinh hoạt của cấp ủy phải bảo đảm được chế độ lãnh đạo vừa tập thể nhưng cũng chỉ rõ trách nhiệm cá nhân, phát huy được tính dân chủ, phê bình và tự phê bình cũng như việc giám sát của quần chúng nhân dân. Nếu chúng ta làm được như vậy sẽ không có gì đáng lo ngại.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản