Tin mới

PCT Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Xuất bản, sử dụng sách giáo khoa còn bất hợp lý và lãng phí

Ngày 12/9, phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục sửa đổi. Chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập, hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em và in ấn, lựa chọn sách giáo khoa (SGK) tiếp tục được quan tâm với nhiều ý kiến tranh luận thẳng thắn.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên

Thủ tướng: Thanh niên cần thực hiện '5 xung kích', '6 khát vọng' trong chuyển đổi số

Thường trực Ban Bí thư tiếp Đoàn đại biểu Đảng Lao động Triều Tiên

 Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo tại phiên họp.Ảnh: QH

Nhiều trường đóng học phí 7 - 8 triệu/tháng, sao phải hỗ trợ?

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo, số tiền dành cho miễn học phí và cấp bù, hỗ trợ cho các đối tượng ngoài công lập khoảng 4.730 tỉ đồng/năm. Dự kiến, số tiền này sẽ nằm trong số tiền 20% của ngân sách nhà nước (NSNN) cấp cho GDĐT.

Hiện nay tổng NSNN chi thường xuyên theo Nghị quyết Quốc hội phê duyệt mỗi năm tăng từ 6-8%, xét về số tuyệt đối sẽ tăng từ 10.000 tỉ đến 13.000 tỉ đồng. Như vậy, hoàn toàn có thể bù đắp kinh phí thực hiện chính sách này, Bộ GDĐT nhận định.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, theo xu thế thế giới, khi phổ cập ở cấp nào thì miễn học phí ở cấp đó. Hiện nay, nước ta đã phổ cập cấp THCS và tiến tới phổ cập THPT nhưng mới miễn học phí tới cấp tiểu học.

“Chuyện này chúng ta bàn mấy năm rồi nhưng chưa làm được. Vừa rồi, Bộ GDĐT và Bộ Tài chính đã tính toán kỹ và thấy làm được. Còn lộ trình thì sẽ tính toán lộ trình cân đối NSNN nhưng sẽ không vượt quá 20% NSNN chi cho GDĐT” - ông Đam khẳng định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ sự không đồng tình về chính sách này. Ông Hiển cho rằng, có những trường ngoài công lập học phí tới 7-8 triệu đồng/tháng, phụ huynh phải xếp hàng mới được vào... thì đối tượng này có cần hỗ trợ hay không? Ông Hiển cho rằng, chỉ cần hỗ trợ, miễn học phí cho học sinh vùng sâu, vùng xa, nông thôn hoặc người nghèo ở thành phố.

Về học phí, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, trong Hiến pháp đã quy định giáo dục bắt buộc ở cấp tiểu học và mầm non. Đã là bắt buộc thì phải miễn học phí, là đương nhiên thì phải bố trí kinh phí thế nào để thực hiện.

Còn đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ, vì các trường này đang đào tạo đối tượng bắt buộc của chúng ta cho nên phải có chính sách hỗ trợ, ưu tiên cho hợp lý, tùy điều kiện từng nơi.

Tốn 1.000 tỉ đồng mỗi năm mua sách... rồi bán đồng nát

Tại phiên họp, các đại biểu đã có những phản hồi gay gắt về vấn đề in ấn, xuất bản SGK. Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, tổng doanh thu của NXB Giáo dục Việt Nam năm 2015 là 1.041 tỉ đồng; 2016 là 1.147 tỉ đồng; năm 2017 là 1.203 tỉ đồng. Đặc biệt, theo thống kê, năm 2016 số lượng SGK phát hành của NXB Giáo dục Việt Nam chiếm 56,4% toàn ngành xuất bản; năm 2017, con số này là 50,4%…. Đây mới chỉ là SGK, chưa kể sách tham khảo.

Bà Hải cũng cho biết thêm, tính trung bình, mỗi năm phụ huynh chi 1.000 tỉ đồng để mua SGK. Tuy nhiên, nhiều sách sang năm không được sử dụng hoặc chỉ sử dụng để... bán đồng nát. Nguyên nhân lãng phí được chỉ ra là do những quyển sách được thiết kế có phần bài tập đi kèm học sinh phải điền vào phần bài giải.

Bà Hải cũng bày tỏ trăn trở về chủ trương trong Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội đã nêu về một chương trình, nhiều SGK. Bà Hải nhấn mạnh cần phải hết sức cân nhắc quy định một chương trình nhiều SGK, nhất là với tiểu học.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, đang có sự bất hợp lý và lãng phí rất lớn trong việc xuất bản, sử dụng SGK.

“Điều 29 của dự thảo quy định “Cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập”, như thế này thì mỗi trường có quyền lựa chọn. Mỗi trường một SGK thế này thì sẽ ra sao? Tính chính quy sẽ như thế nào...” - ông Hiển chất vấn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, không thể để nhà trường chọn SGK vì có thể dẫn đến tiêu cực rất lớn: “Giáo viên gợi ý học sinh phải mua, không mua lại gây khó khăn trong chấm điểm. Tôi cho rằng, nhất thiết phải thống nhất một loại SGK cả nước. Không thể để các trường, địa phương nào thích chọn loại SGK nào thì chọn. Cuối cùng giáo dục theo truyền thống Việt Nam thì bị bỏ, chỉ theo các tỉnh thôi, dẫn đến cục bộ. Giáo dục như thế là không toàn diện, không tổng thể” - ông Tỵ nói.

“Thực nghiệm gì mấy chục năm vẫn còn thực nghiệm”

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ, ngày khai giảng hiện được tổ chức hình thức quá, đánh trống khai giảng mà đã học trước nửa tháng. Học sinh hiện nay học quá khổ sở, nhiều nội dung còn cao siêu, hàn lâm và không có được 3 tháng hè trọn vẹn.

“Tôi thấy rất thương học sinh hiện nay học quá khổ sở. Học sinh hiện nay không có 3 tháng hè trọn vẹn, không có tuổi thơ, không có vui chơi. Tôi thấy có cải cách như thế nào, tất nhiên phải đổi mới căn bản toàn diện nhưng sau khi đổi mới rồi phải có tính ổn định và thống nhất đồng bộ. Không thể có SGK tự chọn, trường này muốn học sách này, trường kia muốn học sách kia. SGK phải có tính phổ quát, nên có chú thích để vùng miền nào cũng hiểu được” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội trăn trở, thực nghiệm gì mấy chục năm vẫn còn thực nghiệm. Hết chương trình này thí điểm, chương trình kia thực nghiệm, khổ lắm.

Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt

Trước những câu hỏi về vấn đề thí điểm trong giáo dục mà dư luận quan tâm gần đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, ngay từ khi có ồn ào về cải cách của nhà khoa học Bùi Hiền, Phó Thủ tướng đã khẳng định, Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt.

Theo Phó Thủ tướng, vấn đề sách tiếng Việt theo công nghệ giáo dục, Bộ GDĐT đã có ý kiến chính thức, đây chỉ là một phương pháp dạy học tiếng Việt, chủ yếu là phát âm cho trẻ mới đi học chứ không phải đổi mới hay cải cách giáo dục.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng khẳng định, việc đổi mới là cần thiết và đã đổi mới thì phải có thử nghiệm, thực nghiệm. Tất nhiên, trong quá trình đổi mới thì cần phải làm rất thận trọng vấn đề thực nghiệm, thử nghiệm. H.N ghi

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản