Tin mới

Phải xử lý tài sản “khủng” của quan chức chứ không thể đứng nhìn

Khó quy kết tài sản chưa giải trình được nguồn gốc là không hợp pháp. Tuy nhiên, không nên áp dụng tư duy cũ để rồi nhìn tài sản Nhà nước thất thoát.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Lựa chọn phương án tối ưu nhất trong sắp xếp tổ chức bộ máy

Chủ tịch nước Lương Cường trả lời phỏng vấn nhân dịp đón Năm mới 2025: Khẳng định vị thế Việt Nam trong dòng chảy thời đại

“Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào Kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc“

Có thể nói, việc đề xuất truy thu thuế lên đến 45% tổng giá trị tài sản không giải trình được nguồn gốc trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) là một bước tiến khi mà những biệt phủ, tài sản “khủng” của quan chức lâu nay không bị đụng đến dù gây bức xúc dư luận. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc thu thuế có thể dẫn đến nguy cơ hợp thức hóa tài sản tham nhũng mà có. Song, theo TS Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ), tài sản không giải trình được nguồn gốc chưa hẳn là tài sản bất hợp pháp.

TS Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ)

Khó quy kết tài sản “khủng” là bất hợp pháp

Theo TS Đinh Văn Minh, nên nhìn nhận đề xuất đánh thuế này là một trong những nỗ lực của Chính phủ nhằm xử lý tài sản bất minh khi việc chứng minh số tài sản, thu nhập của không ít quan chức là bất hợp pháp, có nguồn gốc từ tham nhũng vẫn còn là bài toán chưa có lời giải.

Thực tế ở Việt Nam hiện nay, gần như Nhà nước chưa thể quản lý toàn bộ thu nhập từ đầu vào của công chức chứ chưa nói tới toàn xã hội. Cán bộ công chức ngoài tiền lương còn nhiều khoản thu nhập hợp pháp khác. Một lãnh đạo Sở có thể dự hàng chục cuộc họp mỗi tháng, thường được “bồi dưỡng”, hay giáo sư, tiến sĩ có thù lao giảng dạy, tham gia đề tài, dự án… Những khoản đó chủ yếu là tiền từ ngân sách, chẳng phải của ai cho.

Cũng thực tế, nhiều công chức năng động, nắm bắt tốt vận may và cơ hội trên thị trường chứng khoán, bất động sản… đã giúp họ thu về những khoản lợi nhuận lớn gấp rất nhiều lần lương. Và nếu “trúng quả”, họ có thể sở hữu vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Vì thế, nhiều cán bộ công chức không chỉ “sống khỏe” mà còn có thể mua nhà, tậu xe.

Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra cũng thừa nhận một thực tế xã hội ta hiện nay, do có được những tài sản “khủng” mà nếu chỉ với đồng lương công chức không bao giờ họ có thể mơ tới, nhiều người không muốn “phô” cho cả thiên hạ thấy để khỏi bị soi mói; nhiều người muốn “ém” đi để phục vụ những mục đích cá nhân, nên mới có những công chức che giấu để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế và những người “vô tình” trốn thuế.

“Việc giấu diếm, không kê khai đầy đủ tài sản, thu nhập để không thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước là không được. Nhưng ngược lại cũng không thể quy kết đó là tài sản không hợp pháp”, vị Viện trưởng khẳng định.

“Xã hội có quyền nghi vấn về thu nhập, tài sản “khủng” của quan chức, nhưng người làm luật không thể nhìn nhận một cách đơn giản. Chừng nào chưa chứng minh được tài sản họ có được là bất hợp pháp thì về nguyên tắc vẫn phải suy đoán tài sản đó là hợp pháp. Kể cả trường hợp người ta không giải trình được nguồn gốc tài sản thì cũng chưa thể thu hồi được bởi trách nhiệm chứng minh là của Nhà nước. Nhà nước pháp quyền không thể suy đoán có tội”, ông Minh nhấn mạnh thêm.

Ông Đinh Văn Minh cũng cho rằng, cần hiểu cụm từ “giải trình hợp lý” khác hoàn toàn với việc chứng minh. Giải trình tính hợp lý của tài sản tức là giải thích một cách “nghe được, chấp nhận được”. Còn chứng minh tính hợp pháp buộc người kê khai phải đưa ra được chứng cứ, hồ sơ, biên lai liên quan đến việc hình thành nguồn gốc tài sản, thu nhập…

“Tôi khó có thể chứng minh được rằng trong hơn 2 năm đi công tác ở nước ngoài, tôi đã làm thêm, tiết kiệm ra sao để có tiền mua nhà. Nhưng tôi có thể giải trình rằng căn nhà đó tôi có được từ những khoản tiền tiết kiệm, làm thêm trong hơn 2 năm đi công tác nước ngoài. Hai chuyện này hoàn toàn khác nhau”, ông Đinh Văn Minh dẫn chứng.

 

TS Đinh Văn Minh: "Tài sản không giải trình được nguồn gốc chưa hẳn là tài sản bất hợp pháp"

Phải xử lý chứ không thể đứng nhìn

TS Đinh Văn Minh cho rằng, câu chuyện đánh thuế, phạt và các hình thức xử lý khác đều nhằm tới mục đích cao nhất là thu hồi tài sản bất hợp pháp, để thu hồi được càng nhiều càng tốt. Đặc biệt, đối với những tài sản tạm gọi là có nguồn gốc không rõ ràng, chưa giải trình được hoặc có thể trộn lẫn (tài sản được hình thành từ tổng hợp nhiều nguồn tiền, trong đó có tham nhũng) vẫn có thể thu được một phần. Không nên chỉ trông cậy vào các biện pháp hình sự, áp dụng theo tư duy cũ để rồi nhìn tài sản Nhà nước thất thoát, khi chúng ta không thể chứng minh được.

Thực tế hiện nay, theo ông Đinh Văn Minh, chúng ta buộc phải áp dụng tổng hợp nhiều hình thức xử lý, có thể chấp nhận được và có hiệu quả. Còn tương lai, muốn chứng minh được, chúng ta cần phải có nhiều cơ chế để tất cả mọi hoạt động trong xã hội đều phải rõ ràng, minh bạch; đồng bộ về hạ tầng, năng lực quản trị từ đó mới dễ dàng quản lý.

“Chúng ta cần một nền quản trị tốt mới có thể dễ dàng truy xuất tiền từ đâu ra. Các nước chỉ 10 đồng cũng phải chuyển khoản, rõ ràng về nơi đi, nơi nhận; khai nhận nguồn tiền từ đâu đều có giấy tờ, hợp đồng. Ở ta, thanh toán tiền mặt còn quá nhiều”, ông Minh nói.

Như vậy, câu chuyện đặt ra là phải quản lý được mọi khoản thu, mọi tài sản đều phải có nguồn gốc, không chỉ của công chức mà của toàn xã hội. Muốn vậy, mọi chi tiêu đều phải được kiểm soát, khi đó tự nhiên khoản thu nhập bất bình thường sẽ lộ ra.

TS Đinh Văn  Minh cũng cho biết thêm, không phải tự nhiên mà Quốc hội đã từng tranh luận rất trách nhiệm, kỹ càng khi cân nhắc nhưng vẫn chưa thể quy định về hành vi làm giàu bất minh, dù Công ước của LHQ có sự khuyến cáo đối với các nước tham gia./.

Theo Hà Thanh/VOV.VN

  

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản