Ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch không chuyên trách, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội.
Ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch không chuyên trách, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP. Hà Nội cho rằng, 6 tháng vừa qua, công tác Mặt trận từ Trung ương tới cơ sở đã hiện diện trên nhiều mặt của đời sống, vai trò Mặt trận ngày càng được khẳng định một cách rõ nét và đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động.
Đánh giá cao công tác vừa chỉ đạo vừa hướng dẫn, đồng thời tạo cơ chế thuận lợi để các địa phương thực hiện của UBTƯ MTTQ Việt Nam, ông Vũ Hồng Khanh nêu bật sức mạnh hiệu quả từ việc triển khai quy chế phối hợp giữa Mặt trận với Chính phủ và các bộ, ngành đã tác động đến các cấp chính quyền trong công tác phối hợp.
Đặc biệt, việc Mặt trận Trung ương có những chỉ đạo kịp thời trong một số sự việc nổi cộm xảy ra trong đời sống nhân dân đã định hướng cho cơ sở thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả, như việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với nhân dân để giải quyết kịp thời những bức xúc.
Góp ý về Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội MTTQ Việt Nam thứ IX, ông Vũ Hồng Khanh đề cao phương án tiêu đề báo cáo: Phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng văn minh; và chủ đề của Đại hội là: Đoàn kết - dân chủ - đồng thuận - phát triển.
Cũng theo ông Vũ Hồng Khanh, đã đến lúc phải tính đến vai trò của Mặt trận trước dân. Mặt trận là một tổ chức chính trị nhưng bên cạnh đó còn là một tổ chức xã hội, tuy nhiên hiện nay vai trò Mặt trận dưới góc độ là một tổ chức xã hội chưa rõ lắm.
Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị cho biết, trong việc thực hiện Nghị quyết 18 của BCH Trung ương Đảng khóa XII, tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu mỗi ban, đơn vị thuộc Mặt trận tỉnh là 5 người, chính vì vậy, ông Quang đề nghị, UBTƯ MTTQ Việt Nam có văn bản hướng dẫn cụ thể để Mặt trận tỉnh chủ động báo cáo với cấp ủy đề án sắp xếp sao cho phù hợp.
Đề cập đến sứ mệnh đại đoàn kết của Mặt trận, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị cho rằng, tính kết nối trong sức mạnh đại đoàn kết đang được tăng cường, tuy nhiên, trước những điểm nóng phát sinh, ví dụ như những vụ việc ở Bình Thuận trong thời gian qua đã cho thấy Mặt trận các cấp ở một số địa phương vẫn còn lúng túng trong đối phó với tình huống, dẫn đến việc xử lý điểm nóng không hiệu quả.
Theo kinh nghiệm từ MTTQ tỉnh Quảng Trị, khi nhân dân không đồng tình với việc khai thác titan, chuyển từ rừng phòng hộ sang rừng kinh tế, Mặt trận tỉnh phối hợp với cơ sở đã gặp dân, nghe tiếng nói của nhân dân và kiến nghị với Sở Tài nguyên và Môi trường để kiến nghị xem xét, ngay sau đó dự án đã được dừng lại.
Do vậy, ông Quang cho rằng, trong công tác làm báo cáo, Mặt trận các cấp cần trung thực phản ánh đúng thực tế và “nếu yếu thì phải phản ánh thực tế là yếu, chưa vững chắc thì phải nói là chưa vững chắc, không phải cái gì cũng báo cáo là tốt”.
Bà Lê Thị Vệ - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang.
Đánh giá cao kết quả công tác Mặt trận 6 tháng đầu năm 2018, bà Lê Thị Vệ - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Kiên Giang cho rằng, có được kết quả này là nhờ vào những đổi mới trong triển khai hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp.
Góp ý vào các dự thảo văn bản cho Đại hội MTTQ nhiệm kỳ 2019-2024, bà Lê Thị Vệ cho rằng, 5 nhiệm vụ trọng tâm hiện trùng lặp với chương trình hành động, chính vì vậy cần xác định nhiệm vụ trọng tâm là gì và phải mang tính chất đột phá, thể hiện tính nổi trội và khẳng định vai trò, vị trí của Mặt trận.
Trong công tác giám sát, phản biện theo Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, theo bà Lê Thị Vệ, qua 5 năm triển khai, vấn đề phản biện ở cấp xã thực hiện chưa tốt, chính vì vậy cần phải đưa ra chủ trương cho phù hợp với vai trò phản biện ở cấp xã để phù hợp với năng lực nghiên cứu văn bản, tổng hợp tình hình tại địa phương.
Chia sẻ quan điểm về phát huy vai trò cán bộ Mặt trận trong giai đoạn hiện nay, ông Phan Hữu Đức, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận cho rằng, cán bộ Mặt trận phải lăn lộn với cơ sở, không thể giống với công tác hành chính chỉ làm việc 8 tiếng ở cơ quan, mà một tháng, mỗi cán bộ phải làm việc ở cơ sở 10 ngày để nắm bắt tình hình ở địa phương.
Khẳng định vai trò của Mặt trận trong tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phối hợp thực hiện các chương trình hành động của MTTQ Việt Nam, đặc biệt là công tác lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, ông Nguyễn Văn Huy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An cho biết, trong 2 năm 2016-2017, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đã tập trung vào vấn đề yên dân. Đặc biệt là tại các giáo xứ, cán bộ Mặt trận các cấp đã ngăn chặn kịp thời những tư tưởng đi lệch với đường lối thông qua việc thường xuyên nắm bắt tâm tư, tình cảm của nhân dân, nắm được những bức xúc trong nhân dân, tích cực tiếp xúc với các chức sắc, chức việc, từ đó cô lập các đối tượng cực đoan và thông qua tiếng nói của các chức sắc, chức việc tuyên truyền cho đồng bào có đạo đi theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
“Mặt trận phải hành động, phải bắt tay vào những vấn đề thiết thực và phải có những văn bản cụ thể triển khai tới tận phường, xã giúp cho cơ sở thực hiện tốt các chương trình hành động đã đề ra. Phải chọn được những vụ việc cụ thể và phải có bước đi, lộ trình để từng bước khẳng định vị thế của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.”, ông Huy nhấn mạnh.
Trong công tác triển khai Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, ông Huy cho rằng chỉ làm thí điểm những nơi có điều kiện và đồng thuận cao trong việc triển khai Nghị quyết 18 của BCH Trung ương Đảng, đồng thời đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có hướng dẫn cụ thể trong việc triển khai công tác sắp xếp cán bộ để tránh làm trái với Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Điều lệ MTTQ Việt Nam.
Hương Diệp - Ảnh Quang Vinh