Tin mới

Phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phản biện xã hội của Hội Người cao tuổi Việt Nam

(Mặt trận) - Chiều 22/3, làm việc với Ban Thường vụ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu tăng cường bảo vệ, chăm sóc, giúp đỡ, phát huy cao nhất đóng góp của người cao tuổi với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên

Thủ tướng: Thanh niên cần thực hiện '5 xung kích', '6 khát vọng' trong chuyển đổi số

Thường trực Ban Bí thư tiếp Đoàn đại biểu Đảng Lao động Triều Tiên

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu tăng cường bảo vệ, chăm sóc, giúp đỡ, phát huy cao nhất đóng góp của người cao tuổi với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Cùng dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Người cao tuổi là vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới các đồng chí Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, cùng tất cả hội viên người cao tuổi trên cả nước lời chào trân trọng, lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong truyền thống lịch sử, văn hoá và đạo đức của người Việt Nam ta từ xưa đến nay, người cao tuổi luôn luôn được đề cao, được tôn trọng: "Kính già, yêu trẻ", "tuổi cao gương sáng", "kính lão đắc thọ", "tuổi cao ý chí càng cao", "uống nước nhớ nguồn". Trong suốt chiều dài lịch sử, người cao tuổi có nhiều đóng góp to lớn cả trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Hội nghị Diên Hồng thời Trần là một biểu tượng của ý chí sắt đá, tinh thần quyết tâm, đồng lòng bảo vệ đất nước của các bậc phụ lão và nhân dân cả nước.

Truyền thống, di sản vô cùng quý báu của người cao tuổi Việt Nam tiếp tục được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát huy. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề", người cao tuổi là "vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội Việt Nam".

Các ý kiến tại cuộc làm việc đều cho rằng, thời gian qua, Hội Người cao tuổi Việt Nam ngày càng phát triển, vững mạnh về tổ chức, tập hợp được đông đảo người cao tuổi tham gia Hội. Cho đến nay, Hội đã có trên 9,7 triệu hội viên, chiếm gần 90% tổng số gần 12 triệu người cao tuổi cả nước. Hội người cao tuổi các cấp có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, làm nòng cốt trong công tác chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi.

Hội đã triển khai đồng bộ hai chương trình công tác lớn là chương trình "Người cao tuổi tham gia xây dựng, phát triển Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi ở cơ sở" và chương trình "Người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh"; hai nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao là "Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam", "Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016-2020" và một số nhiệm vụ công tác khác.

Đến nay, trên cả nước đã có gần 3.500 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và mô hình này được giới thiệu tại nhiều diễn đàn khu vực và quốc tế như một sáng kiến tốt của Việt Nam. Mô hình được WHO đưa vào kế hoạch hành động khu vực về già hóa khỏe mạnh; được Liên Hợp Quốc lựa chọn là một trong những trường hợp điển hình được nhiều tổ chức quốc tế và quốc gia nghiên cứu, học tập; đoạt giải nhất trong giải thưởng khu vực về sáng kiến vì một châu Á già hóa khỏe mạnh.

Các đại biểu bày tỏ cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với người cao tuổi cả nước, phân tích làm rõ hơn những khó khăn, bất cập trong hoạt động của các cấp hội người cao tuổi, đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp, nêu các kiến nghị để chăm sóc tốt hơn người cao tuổi, phát huy vai trò tích cực của người cao tuổi với sự phát triển của đất nước…

Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi TPHCM, ông Huỳnh Thành Lập cho biết, nhân dân và người cao tuổi cả nước nói chung, TPHCM nói riêng đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua.

Đặc biệt, nhân dân, người cao tuổi hết sức ấn tượng với một số chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ như kiểm tra đột xuất công tác phòng chống dịch tới tận cơ sở; nỗ lực ngoại giao vaccine để có vaccine tiêm cho nhân dân; ưu tiên tiêm vaccine cho người cao tuổi, có bệnh nền; ưu tiên cấp vaccine phòng COVID-19 cho TPHCM khi dịch bệnh diễn biến phức tạp tại đây và gần đây nhất là các hoạt động khảo sát thực địa để thúc đẩy các tuyến cao tốc… Ở nhiều nơi, hưởng ứng quan điểm của Thủ tướng "vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất", người cao tuổi đã tiên phong tiêm vaccine, làm gương cho người dân và con cháu trong thực hiện chủ trương hết sức nhân văn, quan trọng này của Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Hội Người cao tuổi Việt Nam kiến nghị một số nội dung như đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi và các cơ chế, chính sách với người cao tuổi và Hội Người cao tuổi; hỗ trợ nhóm người cao tuổi chưa có bảo hiểm y tế; xây dựng Chiến lược người cao tuổi trong tình hình mới; xây dựng đề án cơ sở dữ liệu người cao tuổi; xây dựng đề án về trung tâm nghỉ dưỡng người cao tuổi tại các địa phương trên cơ sở huy động nguồn lực xã hội…

Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi

Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh vị trí, vai trò, tầm quan trọng của người cao tuổi. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách bảo vệ, giúp đỡ, chăm sóc người cao tuổi, phát huy vai trò của người cao tuổi trong sự nghiệp cách mạng qua các thời kỳ.

Cuộc làm việc hôm nay một lần nữa khẳng định trách nhiệm của Chính phủ với người cao tuổi, nhằm tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước với người cao tuổi, giải quyết một số cơ chế, chính sách với mong muốn người cao tuổi ngày càng có nhiều đóng góp ý nghĩa với sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước, của nhân dân.

Thông tin khái quát về tình hình, các nhiệm vụ, giải pháp và kết quả trong năm 2021 và thời gian qua, Thủ tướng nhấn mạnh những kết quả đạt được là nhờ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng đã linh hoạt, thay đổi tư duy và biện pháp phòng chống dịch, chuyển hướng kịp thời trong điều kiện khó khăn; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, hưởng ứng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp; sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè, đối tác quốc tế.

Trong thành quả chung đó có đóng góp quan trọng của Hội Người cao tuổi và người cao tuổi cả nước, Thủ tướng nhấn mạnh. Hiện trên cả nước vẫn có trên 6,5 triệu người cao tuổi đang trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh, trong đó có gần 100.000 người cao tuổi làm chủ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp; gần 400.000 người cao tuổi đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi. Vai trò của người cao tuổi được phát huy trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chia sẻ với những khó khăn, thách thức trong hoạt động của Hội Người cao tuổi. Nhấn mạnh dự báo tình hình năm 2022 và thời gian tới sẽ có khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, Thủ tướng phân tích một số xu thế lớn thời gian tới, trong đó có xu thế già hóa dân số khi dự báo tới năm 2030, Việt Nam có khoảng 17% dân số là người cao tuổi và tỷ lệ này sẽ tăng lên 25% vào năm 2045. Điều này một mặt cho thấy những thành tựu phát triển của Việt Nam khi đời sống, tuổi thọ của người dân ngày càng được nâng cao, mặt khác đòi hỏi phải có chủ trương, cơ chế, chính sách, sự chăm lo tốt hơn cho người cao tuổi, giải quyết, xử lý hài hòa giữa mặt thuận và mặt không thuận của xu thế già hóa dân số.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: "Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình. Tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu 'ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hoà thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau'. Kính trọng, bảo vệ và chăm sóc người cao tuổi. Bảo trợ, giúp đỡ những người cao tuổi gặp khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa". Nghị quyết cũng yêu cầu phát huy lợi thế dân số vàng, thích ứng với quá trình già hóa dân số.

Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị cần quán triệt thật sâu sắc, cụ thể, triển khai thực hiện thật tốt các nội dung chính sách về người cao tuổi trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc gặp mặt đoàn đại biểu về dự Đại hội lần thứ VI Hội Người cao tuổi Việt Nam và Nghị quyết Đại hội; cũng như các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, giúp đỡ để người cao tuổi phát huy thế mạnh, tham gia đóng góp tích cực, hiệu quả vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc  

Thủ tướng yêu cầu cần coi trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, người dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của hoạt động, công tác người cao tuổi và đóng góp của người cao tuổi. Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động của Hội và bảo vệ, giúp đỡ, chăm sóc người cao tuổi.

Chính sách bảo vệ, chăm sóc, giúp đỡ người cao tuổi phải có tính khả thi, phù hợp tình hình, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể trong từng giai đoạn. Tham khảo các kinh nghiệm hay, bài học quý của quốc tế, đẩy mạnh các chương trình hợp tác quốc tế về người cao tuổi. Nghiên cứu đầu tư về cơ chế, chính sách, nguồn lực, tổ chức các hoạt động với người cao tuổi phù hợp với chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và mong muốn của người dân, người cao tuổi. Phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phản biện xã hội của Hội Người cao tuổi - một thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các bộ, các ngành phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giúp đỡ người cao tuổi.

Thủ tướng cơ bản đồng tình với các kiến nghị của Hội và giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan nghiên cứu, triển khai thực hiện, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp theo quy định.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản