Tin mới

Phát huy nguồn lực của Phật giáo trong đời sống xã hội

(Mặt trận) - Sáng 25/12, tại Hà Nội, đoàn khảo sát của UBTƯ MTTQ Việt Nam do Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam để khảo sát, đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Kết luận số 02/KL-ĐCT, ngày 29/12/2015 của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác tôn giáo.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Tham dự buổi làm việc có Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; lãnh đạo Ban Tôn giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam; Hội đồng Tư vấn về Tôn giáo cùng đại diện một số tổ chức thành viên.

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sau 3 năm triển khai Kết luận 02 của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Giáo hội đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong công tác vận động, đoàn kết phát triển vì đạo, vì đời. Công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, linh hoạt phù hợp với các đối tượng, vùng miền. Giáo hội các cấp đã tuyên truyền, tập hợp rộng rãi tăng ni, phật tử tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, mở rộng đối ngoại nhân dân tôn giáo…

Các hoạt động từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội, giáo dục, khám chữa bệnh, bảo vệ môi trường ở từng địa phương xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm tốt được nhân rộng, nhiều tấm gương điển hình tạo nên những giá trị và ý nghĩa bền vững, thiết thực.

Thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hiện có trên 150 Tuệ Tĩnh đường, 655 phòng chẩn trị y học dân tộc, 1 phòng khám đa khoa đang hoạt động hiệu quả, khám và phát thuốc miễn phí cho hàng chục nghìn bệnh nhân. Giáo hội cũng luôn có mặt đúng lúc, kịp thời cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, tham gia xóa đói giảm nghèo, chăm sóc người có công với đất nước... Tổng kinh phí huy động cho công tác từ thiện, xã hội trong 35 năm qua của Giáo hội ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng.

“Hình ảnh những vị sư mặc áo cà sa hiện diện ở hải đảo, biên giới xa xôi, các bệnh viện, vùng bão lũ, thiên tai hay xuống đường dọn vệ sinh, vận động nhân dân sống tốt đời đẹp đạo luôn là hình ảnh đẹp, có sức lan tỏa rộng rãi trong xã hội”, Thượng tọa Thích Đức Thiện chia sẻ.

Ngoài ra, các hoạt động từ thiện nhân đạo, công tác phúc lợi xã hội như xây dựng trường mầm non, trường nuôi dạy trẻ em khuyết tật, trẻ em bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, làm đường giao thông nông thôn… cũng được đông đảo tăng ni cả nước hưởng ứng. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng số tiền từ thiện xã hội trong hệ thống Phật giáo của 27/63 tỉnh, thành đạt hơn 500 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn khảo sát đánh giá cao những hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong triển khai Kết luận 02 của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. Để phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của Phật giáo trong đời sống xã hội, các ý kiến cho rằng, Giáo hội cần tiếp tục kêu gọi tăng ni, phật tử tham gia vào các hoạt động từ thiện, xã hội, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Giáo hội cần đổi mới mô hình tổ chức trong việc quản lý, áp dụng thành tựu mới của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ vào việc tổ chức các hình thức sinh hoạt hướng dẫn phật tử, đặc biệt là lớp thanh niên trẻ để góp phần nâng cao đạo đức của xã hội.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đánh giá cao kết quả mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đạt được trong việc thực hiện Kết luận số 02 của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. Trong 3 năm qua, Giáo hội đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, đôn đốc việc thực hiện Kết luận trong hệ thống các cấp Giáo hội từ Trung ương đến địa phương.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định, thời gian qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phát huy tốt các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của Phật giáo trong đời sống xã hội qua các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo; tri ân với người có công với đất nước; quan tâm đến đồng bào vùng sâu vùng xa, người Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường mối quan hệ gắn bó, đoàn kết các tôn giáo bạn để góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đồng tình với những giải pháp mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đưa ra để nâng cao chất lượng Kết luận 02, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực mong muốn Giáo hội tiếp tục phát huy truyền thống hộ quốc an dân, luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia các cuộc vận động của Mặt trận và các đoàn thể, tạo hình ảnh tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn mới, hội nhập quốc tế.

“Giáo hội cần tuyên truyền, vận động phật tử và người dân trong ứng xử văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, lễ hội. Đặc biệt cần phát huy hơn nữa nguồn lực của Phật giáo trong đời sống xã hội và phát triển bền vững thông qua các hoạt động từ thiện nhân đạo, giáo dục, khám chữa bệnh, tham gia bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu…”. Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị.

Ghi nhận và tiếp thu những đề xuất, kiến nghị của Trung ương Giáo hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp với các ban, bộ, ngành giúp đỡ Giáo hội tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2019 tại Hà Nam.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản