|
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN |
Bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, tất cả các ý kiến đóng góp không chỉ làm rõ nhiều vấn đề trực tiếp liên quan đến dự thảo Luật lần này mà nhấn mạnh nỗ lực của toàn ngành Y tế; đồng thời, thẳng thắn chỉ ra những bất cập nhưng cũng làm nổi bật kết quả của ngành Y tế nói chung và công tác khám, chữa bệnh riêng trong thời gian vừa qua, đặc biệt từ khi thực hiện Luật Khám, chữa bệnh năm 2009.
Trong điều kiện của một nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, tuy nhiên rất nhiều tổ chức quốc tế đánh giá, một số mặt công tác y tế của Việt Nam tốt hơn nhiều so với các nước có cùng mức thu nhập trên thế giới; công tác khám chữa bệnh của y tế Việt Nam được đánh giá, xếp thứ hạng tương đối tốt. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, có được kết quả đó, ngoài nỗ lực trong công tác xây dựng pháp luật, thể chế, chính sách, sự chỉ đạo của Đảng, điều hành của chính quyền từ Trung ương đến địa phương còn có sự nỗ lực trân trọng của đội ngũ y bác sỹ, sự tham gia của người dân, đặc biệt trong những thời khắc khó khăn. Trong thời gian thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh vừa qua, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm hiện đã đạt trên 91%.
Theo đó, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Y tế, Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng tất cả các ý kiến trên tinh thần khoa học, cầu thị, phù hợp với xu thế của quốc tế, tính đặc thù của hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam để có các quy định tối ưu trong dự thảo luật tới đây sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền của Quốc hội và để trình ra Quốc hội.
Liên quan đến phạm vi điều chỉnh, khái niệm quy định trong luật này, Phó Thủ tướng nêu rõ, trên nguyên tắc, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ quy định liên quan tới Luật Bảo hiểm y tế. Chi phí khám, chữa bệnh do bảo hiểm y tế chi trả, còn chi phí liên quan đến y tế dự phòng do ngân sách đảm bảo. "Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Y tế, Ban soạn thảo Luật nghiên cứu sâu hơn xu thế quốc tế. Điển hình, trước đây phân định rất rõ giữa người khỏe và người bị bệnh; khi bị bệnh, bảo hiểm y tế chi trả; khi chưa bị bệnh, bảo hiểm y tế không chi trả. Hiện nay, thế giới nghiên cứu rất kỹ khoảng giữa trạng thái khỏe và bị bệnh. Nếu trong khoảng đó được phát hiện và điều trị kịp thời, không chỉ cứu sống được người bệnh mà chi phí của hệ thống bảo hiểm y tế sau này sẽ rẻ hơn khi phát hiện muộn. Chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu để làm rõ hơn vấn đề này nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân tốt hơn, đồng thời sử dụng hiệu quả hơn ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm y tế", Phó Thủ tướng nêu.
Về công tác khám, chữa bệnh, Phó Thủ tướng nêu rõ, Luật trước đây và dự thảo Luật hiện nay đã đưa ra nhiều chính sách. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng đề xuất thêm nhiều chính sách. Do đó, Chính phủ đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Y tế tiếp thu nghiêm túc và nhấn mạnh đến các chính sách, đặc biệt liên quan các đối tượng khó khăn, trong đó có đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, các đối tượng yếu thế trong xã hội... Các chính sách bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người bệnh cũng như đội ngũ y bác sỹ.
Cần lộ trình phù hợp để tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề
Về vấn đề chức danh nghề nghiệp và giấy phép hành nghề - vấn đề mới trong luật này, Phó Thủ tướng cho biết, vai trò của Hội đồng Y khoa học Quốc gia đã được dự luật đề cập phải tiếp tục nghiên cứu và đề cập sâu hơn. Tuy nhiên, theo xu hướng chung của thế giới cần một cơ quan độc lập, ngoài bộ máy hành chính nhà nước để tiến hành công việc, tổ chức một kỳ thi đánh giá năng lực cả về lý thuyết và thực hành trên một mặt bằng thống nhất chung; sau đó cấp chứng chỉ hành nghề.
Dẫn lại nội dung Nghị quyết số 20-NQ/TW năm 2012 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới nêu rõ "Thành lập hội đồng y khoa quốc gia, tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn phù hợp thông lệ quốc tế. Thí điểm giao cho cơ quan độc lập tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề", Phó Thủ tướng nhấn mạnh tới đây cần có lộ trình phù hợp để tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề y khoa đúng xu thế cải cách hành chính, đúng theo nguyên tắc phân cấp, phân quyền, gắn trách nhiệm cấp chứng chỉ với trách nhiệm thu hồi trên mặt bằng chung, thống nhất, không để ách tắc trong quá trình thực hiện.
Đối với chức danh nghề nghiệp y khoa trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an), Phó Thủ tướng cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, nghiên cứu quy định phù hợp với xu thế của thế giới các chức danh này nhưng vẫn phải đảm bảo đặc thù của hai lực lượng này, thẩm quyền phù hợp để hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Về ngôn ngữ trong khám, chữa bệnh, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ đã chỉ đạo, và sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Y tế tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đồng thời làm rõ hơn xu thế trên thế giới, nhằm khuyến khích để thu hút nhân lực có chất lượng cao, công nghệ cao vào để người dân Việt Nam có thể tiếp cận được cấp dịch vụ khám, chữa bệnh tiên tiến sớm. "Tuy nhiên, chúng ta cũng phải có các quy định về ngôn ngữ theo đúng thông lệ quốc tế và trong khu vực nhằm phòng ngừa, ngăn chặn một số nhân lực y tế chất lượng không cao vào Việt Nam mở phòng khám nhỏ, ở những chuyên ngành không nhất thiết phải trình độ công nghệ cao, tiên tiến, đặc biệt liên quan đến một số căn bệnh mọi người không muốn công khai khi đến khám. Những năm vừa qua chúng ta cũng quản lý đối tượng này rất chặt, tuy số lượng không nhiều. Chúng tôi sẽ chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu để có quy định phù hợp nhất", Phó Thủ tướng nói.
Công khai, minh bạch khoản thu, chi
Liên quan đến hệ thống y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc sức khỏe cơ bản và chuyên sâu, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu kinh nghiệm của Tổ chức Y tế thế giới cũng như trên thế giới để phân tuyến theo đúng chuyên môn nhưng tinh thần đảm bảo sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền theo tổ chức bộ máy chính quyền các cấp.
Làm rõ thêm các mô hình y tế cơ sở, các phòng khám bác sỹ gia đình, Phó Thủ tướng trao đổi: Trước đây bác sỹ gia đình là một người nhưng theo xu thế hiện nay bác sỹ gia đình là một nhóm vì một người không thể hiểu hết được tất cả các bệnh, kể cả bệnh tâm lý. Ngoài các mô hình phòng khám bác sỹ gia đình, chúng ta phải tăng cường hệ thống y tế cơ sở cơ sở theo phương châm y học gia đình, y tế gia đình.
Về vấn đề xã hội hóa và liên doanh, liên kết trong bệnh viện, Phó Thủ tướng dẫn số liệu đến nay, cả nước có 318 bệnh viện tư thục, 38.000 phòng khám tư nhân, mới đáp ứng được 5,16% tổng số giường bệnh. Đây là tỷ lệ rất thấp và cần có các giải pháp để phát triển mạnh mẽ hơn không chỉ trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh mà còn liên quan đến nhiều luật khác như đầu tư, đất đai, ngân sách nhà nước…
Khẳng định yêu cầu phải quản lý giá dịch vụ y tế, dù bệnh viện công hay bệnh viện tư, bằng nhiều công vụ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trước hết phải phát huy mạnh mẽ tất cả các công cụ đã được luật định trong pháp luật về giá. Bên cạnh đó, y tế tư nhân cũng cần có quyền tự chủ để phát triển tốt hơn mới có thể đạt được mục tiêu đề ra (chiếm 10% số giường bệnh), hoặc như khuyến nghị của các chuyên gia nước ngoài, trong vòng 10 - 20 năm tới, Việt Nam phải cố gắng đạt trên 25% số giường bệnh y tế tư nhân.
Đối với vấn đề về liên doanh, liên kết trong bệnh viện công lập, Phó Thủ tướng cho biết đây là đặc thù của ngành Y tế Việt Nam, đã giải quyết được bài toán về yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân thời gian qua. Tuy nhiên, tới đây luật pháp cũng cần quy định rõ hơn với "chìa khóa" công khai, minh bạch tất cả các khoản thu, chi từ khám, chữa bệnh theo yêu cầu.
Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Phó Thủ tướng cho biết sẽ chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ có liên quan để làm rõ hơn tất cả các quy định liên quan đến chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, cụ thể trong lĩnh vực khám, chữa bệnh là bảo vệ dữ liệu bệnh nhân, liên thông, liên kết kết quả xét nghiệm dựa trên quản lý người bệnh.