Tin mới

Phối hợp tốt trên tinh thần hướng về người dân

(Mặt trận) - Ngày 24/4, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị Liên tịch thường niên của Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam nhằm đánh giá kết quả phối hợp thực hiện công tác năm 2018 và các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2019.

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tham dự Hội nghị, về phía Văn phòng Chính phủ có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo các ban, bộ, ngành liên quan.

Về phía UBTƯ MTTQ Việt Nam có ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Trương Thị Ngọc Ánh, Ngô Sách Thực, Nguyễn Hữu Dũng, Phùng Khánh Tài, cùng các vị trong Hội đồng Tư vấn và đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Toàn cảnh Hội nghị.

Phát huy sức mạnh tổng lực của cả hệ thống chính trị

Báo cáo kết quả phối hợp thực hiện công tác năm 2018 và các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2019, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, năm 2018, Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực, góp phần hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ công tác của mỗi bên, từ đó phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước.

Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, khởi nghiệp, sáng tạo; phối hợp chặt chẽ trong công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Chính phủ đã ban hành chính sách góp phần hoàn thiện cơ chế, đảm bảo các điều kiện, nâng cao năng lực cho hoạt động của Mặt trận trong thực hiện các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận phát động… Thủ tướng Chính phủ cũng đã kịp thời có văn bản chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp, tạo điều kiện tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, nhiệm kỳ 2019-2024.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã đánh giá cao tinh thần năng động, mạnh mẽ, sát sao, sự chỉ đạo nhanh nhạy, kịp thời của Chính phủ và sự phối hợp hiệu quả của Chính phủ với UBTƯ MTTQ Việt Nam trong thời gian qua, từ đó đưa ra những kiến nghị cụ thể nhằm đẩy mạnh công tác phối hợp trong thời gian tới.

Theo ông Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm HĐTV Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam, thời gian qua, Chính phủ đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và sự tin tưởng của nhân dân.

Tuy nhiên ông Trần Ngọc Đường cho rằng hoạt động của Chính phủ là hoạt động kiến tạo thông qua các thể chế và coi trọng sự hòa hợp của thể chế, nhưng khi đi vào hoạt động thực tiễn thì chất lượng xây dựng thể chế chưa được đảm bảo, nhất là việc xây dựng các dự án luật vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân.

Lý giải vấn đề này, ông Trần Ngọc Đường cho rằng, nguyên nhân phần lớn là do quy trình triển khai ban hành các văn bản quy phạm pháp luật qua 2 bước như hiện nay. Thực tế, Chính phủ luôn là người biết đất nước cần gì, các chính sách cần điều chỉnh như thế nào để có lợi cho quốc gia, chính vì vậy việc ban hành dự án luật phải rút lại còn 1 bước để Chính phủ phải là “đầu vào” của luật pháp, phải theo đến cùng các văn bản quy phạm pháp luật và phải nêu lên cách triển khai các dự án luật như thế nào.

Đánh giá cao công tác phối hợp giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam và Chính phủ ngày càng được củng cố, tăng cường thông qua các hội nghị biểu dương; hội nghị sơ kết, tổng kết các chương trình phối hợp; đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí với phương châm làm không có vùng cấm, các vụ việc phát hiện từ tố cáo luôn đảm bảo đúng pháp luật, đảm bảo tính nhân văn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định đây là cơ sở để khơi dậy niềm tin của nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận của xã hội.

Ông Trương Hòa Bình cho rằng, thời gian tới, với vai trò kiến tạo, với những chính sách cụ thể của Chính phủ và vai trò vận động của Mặt trận sẽ làm cho đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng lên, từ đó khẳng định trong sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước luôn đảm bảo được điều kiện sống của nhân dân.

Bản lĩnh hơn, mạnh mẽ hơn

Khẳng định đây là hội nghị của sự đổi mới khi Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và thành viên của Chính phủ đã trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết những vấn đề liên quan đến xây dựng và củng cố hệ thống Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, chính nhờ sự quan tâm này mà các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động của Mặt trận luôn được đảm bảo, các hội nghị, các chương trình tổng kết và đặc biệt là Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư luôn được các thành viên của Chính phủ tham dự đầy đủ, các chương trình phối hợp ngày càng được triển khai hiệu quả, thiết thực hơn.

“Nhân dân vui mừng về thành tựu phát triển kinh tế thời gian qua và tin tưởng vào sự lãnh đạo, điều hành của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ trong việc giải quyết các vấn đề nhân dân và dư luận xã hội bức xúc, đồng thời kịp thời khen ngợi, khuyến khích các hành động, việc làm, nghĩa cử cao đẹp…”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, thời gian qua, Mặt trận luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; sát cánh cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, Quốc hội đề ra; thường xuyên, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề nhân dân quan tâm và các chương trình hành động Mặt trận các cấp đang triển khai, đồng thời thẳng thắn báo cáo, trao đổi các vấn đề nhân dân quan tâm tới Chính phủ, Quốc hội, các ban, bộ ngành có liên quan.

Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp cũng luôn chú trọng thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt như: nắm bắt tình hình nhân dân, những vấn đề nổi cộm dư luận và nhân dân quan tâm như: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, công tác dân tộc, tôn giáo; phối hợp giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân; giám sát 8 chương trình mà Chính phủ quan tâm.  

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, tới đây, Mặt trận tiếp tục đẩy mạnh việc nắm bắt tình hình nhân dân thông qua hệ thống phần mềm kết nối với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm tập hợp ý kiến, kiến nghị và phản ánh của cử tri để kịp thời giải quyết các điểm nóng phát sinh trên địa bàn khu dân cư.

Bên cạnh đó, Mặt trận cũng theo dõi, cập nhật đầy đủ và báo cáo với Chính phủ hàng tháng về tình hình cải cách hành chính, an ninh học đường, các lễ hội tại địa phương, các hiện tượng tham nhũng vặt,…

“Mặt trận các cấp sẽ tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến khiếu nại, tố cáo; nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở; tăng cường đối thoại với nhân dân; giám sát những vấn đề nhân dân quan tâm và theo đến cùng của từng vụ việc. Mỗi cán bộ làm công tác Mặt trận phải chủ động khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai để cùng đưa công tác Mặt trận đi đến thắng lợi”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn chia sẻ.

Cũng theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Mặt trận các cấp sẽ cùng phối hợp để nâng cao hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, từ đó khẳng định rõ hơn vai trò liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện nhằm phát huy vai trò làm chủ của các tầng lớp nhân dân.

Đề làm được điều này, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị phải đưa những cán bộ có bản lĩnh, có trách nhiệm, kỷ cương, uy tín và phải bản lĩnh hơn, mạnh mẽ hơn trong triển khai nhiệm vụ. 

Phải tập trung vào những vấn đề mà nhân dân lo lắng

Đánh giá cao kết quả phối hợp giữa hai cơ quan trong năm qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hội nghị hàng năm cần phải có nhiều đổi mới theo hướng hiệu quả hơn, thiết thực hơn và đi thẳng vào một số vấn đề như tình hình nhân dân đối với Chính phủ và MTTQ như thế nào để phục vụ nhân dân tốt hơn.

Thủ tướng cũng bày tỏ quan tâm đến vấn đề đại đoàn kết dân tộc, đồng thuận xã hội trong bối cảnh có sự tác động của nhiều yếu tố như mạng xã hội, các thế lực phản động… “Điều mà chúng ta tự hỏi là người dân đang cần ở 2 cơ quan của chúng ta là gì?”, Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, ngoài việc chống tham nhũng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc thì MTTQ cũng cần có tiếng nói đối với các vấn đề thời sự của đất nước như vấn đề thi cử, một số vấn đề đối với trẻ em, từ đuối nước đến vấn đề dâm ô trẻ em cũng như lên án các hành vi tiêu cực, lệch lạc trong xã hội, hay vấn đề giữ gìn văn hóa trong hội nhập quốc tế, vấn đề xã hội hóa nguồn lực.

Nhắc lại đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng rằng “chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là nỗ lực rất lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và trong thành tựu chung đó, có sự đóng góp lớn của MTTQ các cấp trong việc tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giám sát, phản biện xã hội.

Theo Thủ tướng, việc phối hợp công tác giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ ngày càng thực chất, hiệu quả, góp phần tập hợp các tầng lớp nhân dân, xây dựng và củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phối hợp đẩy mạnh tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động như phong trào Giảm nghèo bền vững, Khởi nghiệp sáng tạo, Sách vàng Sáng tạo, các chương trình về an toàn giao thông, phòng chống ma túy, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Năm 2018, MTTQ đã giúp đỡ xây mới, sửa chữa gần 18.000 căn nhà Đại đoàn kết. Đây là những việc hết sức thiết thực với người dân.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, phối hợp tuyên truyền, nhất là việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết bức xúc của nhân dân ở một số nơi còn bị động. Do đó, để xảy ra điểm nóng ở một số nơi. Vận động trong phòng trào thi đua yêu nước chưa quyết liệt, chưa tạo sự chuyển biến rõ nét ở địa phương, địa bàn dân cư, cho nên các vấn đề về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, trật tự xã hội, an toàn giao thông… còn xảy ra ở nhiều nơi, cần quan tâm hơn. Việc phối hợp giải quyết kiến nghị của cử tri, khiếu nại, tố cáo của công dân tuy có tiến bộ nhưng nhiều nội dung còn chậm.

Trong năm 2019, năm kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm mà Chính phủ đề ra phương châm hành động “12 chữ” trong đó có “bứt phá”, Thủ tướng cho rằng, các cơ quan, đoàn thể, ban ngành đều phải bứt phá, “chứ cứ nước chảy bèo trôi, thỏa mãn non, cứ làm bình bình thì làm sao đất nước phát triển”. Phải làm đến nơi, đến chốn mọi việc mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó. Theo đó, phải đổi mới, sáng tạo, kiến tạo chủ trương, chính sách để phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn, chủ động hơn. “Cho nên, chúng ta phối hợp để làm những việc thiết thực cho người dân”, Thủ tướng nói. Đồng thời, cần tăng cường áp dụng công nghiệp, tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong công việc, trong việc nắm tình hình nhân dân.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc phối hợp củng cố đoàn kết toàn dân tộc, đồng thuận xã hội là việc rất quan trọng, làm sao tập hợp được nhân dân và cả hệ thống chính trị vì sự phát triển đất nước. Thủ tướng cũng lưu ý vấn đề tuyên truyền vận động đoàn kết đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Phải lắng nghe, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, đồng thời phát huy mạnh mẽ dân chủ, nhất là ở cơ sở. Dân chủ mạnh mẽ nhưng phải giữ vững kỷ cương, phép nước. Phải tổ chức đối thoại để giải quyết các điểm nóng tốt hơn. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Tinh thần là phải hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, Thủ tướng nói. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân khi mà “mục tiêu của chúng ta là hướng về người dân”.

Các phong trào, cuộc vận động mà MTTQ đã làm thành công như Sách vàng Sáng tạo Việt Nam, Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Cả nước chung tay vì người nghèo, các cuộc vận động về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, an toàn thực phẩm, bảo hiểm y tế, an toàn giao thông, phòng chống ma túy, mại dâm… là những việc thiết thực, cố gắng làm đến nơi đến chốn, quyết liệt hơn.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần trọng dân, gần dân, phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát quyền lực nhà nước. Có kế hoạch triển khai tốt 8 chương trình giám sát giai đoạn 2016-2020, Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và MTTQ phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải cơ sở.

Nhấn mạnh tầm quan trọng trong phối hợp xây dựng chính sách, pháp luật, Thủ tướng nêu rõ 3 nội dung trọng tâm là điều chỉnh những bất cập hiện nay; phối hợp, chủ động lấy ý kiến của MTTQ tốt hơn; phối hợp đưa luật pháp vào cuộc sống.

Thủ tướng đề nghị phối hợp xây dựng, ban hành Nghị quyết liên tịch  giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và MTTQ quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo khoản 3, Điều 16 Luật MTTQ Việt Nam.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng bày tỏ ủng hộ các đề xuất, kiến nghị cụ thể của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng “phối hợp tốt trên tinh thần hướng về người dân”.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản