Tin mới

Phòng chống tham nhũng, tiêu cực: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”

(Mặt trận) - Nhìn lại chặng đường 10 năm kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương trực thuộc Bộ Chính trị đến nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, đấu tranh phòng, chống tham nhũng thực sự đã “trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược” và “thu được nhiều kết quả quan trọng”, “không phải như một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, làm “chậm” sự phát triển đất nước.

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Chủ tịch Quốc hội Cuba

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 6. Ảnh: TTXVN 

THAM NHŨNG - NGUY CƠ ĐE DỌA SỰ TỒN VONG CỦA CHẾ ĐỘ

Tại cuộc Họp báo thông tin về kết quả Đại hội XIII, ngày 1/2/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, chống tham nhũng là vấn đề rất lớn, không chỉ ở ta mà nước ngoài cũng có; không phải thời nay mà thời nào cũng có.

Các chủ thể tham nhũng thường là những người có chức vụ, quyền hạn. Họ lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thu lợi bất chính cho mình, cho gia đình mình, cho “nhóm lợi ích” của mình. Điều đó cũng cho thấy,tham nhũng thường gắn liền với sự tha hóa quyền lực tại các cơ quan công quyền, có những quan hệ không bình thường giữa quan chức chính quyền (cả Trung ương và địa phương) với doanh nghiệp, hình thành chủ nghĩa tư bản thân hữu, doanh nghiệp sân sau...

Thực tế ở Việt Nam cho thấy, các hành vi tham nhũng diễn ra dưới nhiều dạng, nhiều hình thức, ngày càng tinh vi và khó phát hiện; xảy ra ở cả Trung ương và địa phương; xảy ra ở những chương trình, dự án lớn của quốc gia, trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, văn hoá, y tế, giáo dục... Tình trạng đáng buồn này xuất phát từ những nguyên nhâncơ bản: Thứ nhất, chủ nghĩa cá nhân chi phối mạnh, mặt trái của cơ chế thị trường tác động lớn, nhiều người chưa vượt lên được sức cám dỗ của đồng tiền, vật chất...; Thứ hai, nhiều cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sức đề kháng kém, vẫn bị các “nhóm lợi ích”, chủ nghĩa tư bản thân hữu lôi kéo…; Thứ ba, nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng chưa trong sạch, không vững mạnh, sức chiến đấu kém, đấu tranh phê bình, tự phê bình yếu…; Thứ tư, công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ chưa đạt được như kỳ vọng; Thứ năm, khâu tổ chức thực hiện của các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định... của Đảng vẫn là khâu yếu, chưa thực sự đi vào cuộc sống…

Nếu nhiều tổ chức Đảng, nhiều cán bộ, đảng viên yếu kém, suy thoái về tư tưởng chính trị, tha hóa về đạo đức, không trong sạch, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực; nếu nạn tham nhũng, tiêu cực tràn lan, nhân dân bất bình... sẽ là không chỉ đe dọa đến an ninh chính trị, trật tự an toàn của xã hội của đất nước, mà còn là nguy cơ rất lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ. 

Quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng là để thực hiện có hiệu quả, chất lượng mục tiêu xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; để Đảng xứng đáng với trọng trách lịch sử mà giai cấp, dân tộc, nhân dân giao phó...

QUYẾT TÂM CAO, NỖ LỰC LỚN, NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM

Ngày 1/2/2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo Trung ương) do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban chỉ đạo.

Nhìn lại chặng đường 10 năm kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương trực thuộc Bộ Chính trị đến nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, đấu tranh phòng, chống tham nhũng thực sự đã “trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược” và “thu được nhiều kết quả quan trọng”, “không phải như một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, làm “chậm” sự phát triển đất nước. Ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân, bác bỏ mọi luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”. “Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm”.

Mười năm qua, công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cựcđược thực hiệnliên tục, xử rất nhiều vụ, trong đó có cả Ủyviên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị vi phạm bị truy tố, bị thu hồi tài sản với số tiền lên đến hàng triệu USD. Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ án tham nhũng, 5.841 bị can; truy tố 2.628 vụ, 6.199 bị can. Đặc biệt, tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, đã khởi tố, điều tra khoảng 4.200 vụ, 7.572 bị can về các tội tham nhũng, lợi dụng chức vụ, gây thiệt hại về kinh tế, trong đó riêng các tội về tham nhũng đã có 455 vụ, 1.054 bị can bị khởi tố, điều tra (Báo cáo số 06-BC/TW ngày 23/7/2022 của Bộ Chính trị). 

Những con số trên cho thấy quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, nói đi đôi với làm của Đảng, Nhà nước trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, đưa nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này không chỉ là tuyên ngôn chính trị mà đã trở thành hành động thực tế…Đồng thời là minh chứng khẳng định:việc thành lập Ban Chỉ đạoTrung ương trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban là hoàn toàn đúng đắn, đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân.

Những thành quả nổi bật trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 10 năm qua nhờ vào những yếu tố: Một là, từ nhiệm kỳ Đại hội XI đến nay, Đảng ta có nhiều nghị quyết, quy chế, quy định đúng đắn, chặt chẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng; Hai là, có sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội; Ba là, có sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban; Bốn là, có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng: Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban kiểm tra Trung ương, Bộ Công an…

Có thể khẳng định, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng và Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tích cực từ nhiều năm nay, nhưng thời gian gần đây càng được đẩy mạnh, quyết liệt hơn bao giờ hết, đạt nhiều kết quả cụ thể, rõ rệt. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý rất kiên quyết, nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, của Nhà nước, tướng lĩnh, sĩ quan trong công an, quân đội, cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu, theo đúng tinh thần: không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, bởi các lý do: 1) Đảng ta có quyết tâm chính trị rất cao nhằm xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ của nhân dân; 2) Nhân dân đồng tình, ủng hộ; 3) Cả hệ thống chính trị vào cuộc - tiền hô hậu ủng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt...

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có thể coi là bước đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy nhà nước và của toàn hệ thống chính trị, góp phần quan trọng củng cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Theo đó: 1) Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải kết hợp giữa xây và chống, xây là chính, chống để xây. 2) Phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, trong bộ máy nhà nước và toàn hệ thống chính trị làm cho Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. 3) Đảng ta quyết tâm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nhất cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, đủ năng lực, đủ uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. 4) Củng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

Theo số liệu điều tra dư luận xã hội mới đây do Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện, có 93% số người được hỏi bày tỏ tin tưởng vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Nhiều ý kiến cho rằng, kết quả to lớn đạt được trong 10 năm qua không chỉ dừng lại ở những con số (hàng trăm vụ án, vụ việc được kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý; hàng ngàn bị cáo bị truy tố, xét xử nghiêm minh; hàng ngàn cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc; hàng chục ngàn tỷ đồng, hàng triệu m2 đất được thu hồi về cho Nhà nước) mà còn có tính căn cốt, nền tảng, giá trị hơn tiền bạc - đó chính là niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu: “Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực”. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, đã có không ít lãnh đạo, cán bộ cấp cao xin từ chức - đây cũng là một trong những thành quả từ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện suốt 10 năm qua. Nhưng dư luận cũng “băn khoăn” là, trong số những cán bộ xin từ chức, ai là người thực sự tự nguyện nêu gương từ đầu, hay chỉ đến khi có đủ bằng chứng, “việc chẳng đừng” mới chịu “xin từ chức”. Và, vẫn còn một số cán bộ dù đã bị kỷ luật cảnh cáo, nhưng chưa thấy từ chức hay cơ quan có thẩm quyền miễn nhiệm theo quy định?.

TRÊN DƯỚI ĐỒNG LÒNG, DỌC NGANG THÔNG SUỐT

Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ thực sựthành công khi “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Tuy nhiên, để “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” thì không chỉ Trung ương mà địa phương cũng phải tích cực vào cuộc. Nhưng thực tế cho thấy, một thời gian dài, ở không ít nơi vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. 

“Trên nóng, dưới lạnh” là dù cho Trung ương đã rất rốt ráo, cương quyết thực hiện, nhưng ở địa phương vẫn “lặng như tờ”, không chuyển biến. Báo cáo của không ítcấp ủy địa phương về phòng, chống tham nhũng thường có chung cụm từ “không phát hiện được vụ án tham nhũng nào ở địa phương”. Nhưng thực tế có phải như vậy?

Thực tế “dưới lạnh” ở các địa phương thời gian qua chủ yếu xuất phát từ thực trạng: còn nể nang, né tránh; chưa có thái độ và nhận thức đúng đắn; bản lĩnh, ý chí và trách nhiệm của cấp ủy và những người đứng đầu chưa cao; sự vào cuộc chưa thực sự quyết liệt của cấp ủy, thường vụ cấp ủy và đặc biệt bí thư cấp ủy... 

Không đâu nắm rõ tình hình địa phương hơn chính cấp ủy và những người đứng đầu cấp uỷ tại cơ sở, địa phương đó. Thế nhưng, nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực lại không được phát hiện từ đây, mà thường là từ Trung ương, từ tai mắt của nhân dân, từ các cơ quan truyền thông... 

Có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan  dẫn đến tình trạng “dưới lạnh”, trong đó có những nguyên nhân cơ bản: Một là, cấp ủy, nhất là bí thư cấp ủy còn e dè, nể nang, né tránh trách nhiệm, đùn đẩy lên Trung ương... Hai là, các thành viên cấp ủy, nhất là bí thư cấp ủy ít hay nhiều “tay cũng nhúng chàm” nên không dám xử lý ai; hoặc là thực hiện theo phương châm “dĩ hòa vi quý”... Ba là, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng yếu kém, còn hình thức trong thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình chỉ, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh…

Để khắc phục thực trạng này, Ban chấp hành Trung ương đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh (Ban Chỉ đạo); Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 67-QĐ/TW ngày 2/6/2022 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Đến nay, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo. Tuy nhiên, thời gian qua, sự vào cuộc của các Ban Chỉ đạo chưa đồng đều: có tỉnh đã vào cuộc quyết liệt; có tỉnh mới vào cuộc nhưng chưa quyết liệt; có tỉnh còn đang “khởi động”...

Gần đây, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở một số địa phương đã có những dấu hiệu tích cực và sự chuyển biến đáng kể, khắc phục phần nào tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Theo thống kê chưa đẩy đủ, đã có những tỉnh, thành phố phát hiện và xử lý kỷ luật, khởi tố nhiều vụ án và bị can liên quan đến tham nhũng, tiêu cực như: Khánh Hòa, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Nam Định, Phú Thọ... Đây là những dấu hiệu cho thấy, nhiều cấp uỷ Đảng địa phương đã và đang vào cuộc ngày càng quyết liệt hơn, thực hiện đúng tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”, để cùng Trung ương thực hiện có chất lượng, hiệu quả cao hơn trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Điều này xuất phát từ các “động lực thúc đẩy”sau: Thứ nhất, cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được sự thống nhất trong toàn Đảng, được nhân dân đồng tình ủng hộ cao; đã trở thành xu thế tất yếu, là dòng thác mạnh mẽ… để các tỉnh ủy, thành ủy không thể đứng ngoài cuộc, không thể thờ ơ, “dưới lạnh” kéo dài. Thứ hai, theo Quy định của Trung ương: cấp ủy, nhất là bí thư cấp ủy phải nêu cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương; kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là thước đo chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, bí thư cấp ủy. Thứ ba, sẽ xử lý kỷ luật cấp ủy, nhất là bí thư cấp ủy, nếu để địa phương mình phụ trách, xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Thứ tư, các Ban chỉ đạo của tỉnh ủy, thành ủy phải hoạt động theo đúng Quy định số 67-QĐ/TW ngày 2/6/2022 của Ban Bí thư. Thứ năm, trước dư luận và đòi hỏi chính đáng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; trước sự vào cuộc mạnh mẽ của báo chí - truyền thông... các địa phương không thể không khắc phục tình trạng “dưới lạnh” để chuyển sang trạng thái “ấm” và “nóng” lên...

Có thể nói, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương thường khó khăn hơn, gặp không ít rào cản “nhạy cảm”, xuất phát từ cơ chế kiểm soát quyền lực, từ mối quan hệ dòng họ, thân tộc, thân hữu... Điều này đặt ra và đòi hỏi cấp ủy, nhất là bí thư cấp ủy phải thật sự bản lĩnh, khách quan, công tâm, đặt, vì mục tiêu chung... Ngoài những cơ chế cần thiết cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để loại bỏ những tâm lý, rào cản ở các địa phương, thì cần phải: 1) Thực hiện bí thư cấp ủy không phải là người địa phương ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hạn chế các mối quan hệ dòng họ, thân tộc. 2) Kịp thời thay thế ngay bí thư cấp ủy ở địa phương nào xảy ra tham nhũng, tiêu cực mà cấp ủy, bí thư cấp ủy không xử lý theo thẩm quyền, trách nhiệm. 3) Phải tạo thành phong trào rộng khắp ở địa phương; sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị; có cơ chế hữu hiệu để cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương kiên quyết, kiên trì công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. 4) Huy động “tai mắt” phát hiện, phản ánh của toàn xã hội và các cơ quan báo chí - truyền thông...

THƯỢNG TÔN PHÁP LUẬT, KHÔNG CÓ VÙNG CẤM, KHÔNG CÓ NGOẠI LỆ

Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhưng phải bảo vệ được những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung theo tinh thần Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị (Kết luận 14) Theo đó, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố cần phải có những việc làm cụ thể để hiện thực hoá chủ trương này, trong đó: 1) Cần thể chế hóa Kết luận 14 thành pháp luật để tạo khung khổ pháp lý trong triển khai thực hiện. 2) Cấp ủy, bí thư cấp ủy ở địa phương, cơ sở phải cụ thể hóa thành cơ chế, quy định phù hợp với tình hình địa phương để khuyến khích, bảo vệ cán bộ, đảng viên, người dân dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. 3) Khi có vụ việc xảy ra, cấp ủy phải thành lập Hội đồng gồm những thành viên có phẩm chất, có trình độ, khách quan, công tâm để xác định động cơ, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong phản ánh, tố cáo tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, đánh giá xem có hay không việc lợi dụng chủ trương theo Kết luận 14 để bao che cho tham nhũng, tiêu cực…

Để thực hiện đúng với tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, và để cho “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, cần tiếp tục thực hiện một cách quyết liệt, kiên trì, đồng bộ những giải pháp mà Đảng ta đã xác định: 

Một là, có các cơ chế thưởng phạt phân minhCấp ủy, Ban Chỉ đạo và bí thư cấp ủy (đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo) ở địa phương nào thực hiện tốt, có chất lượng, hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì phải kịp thời khen thưởng, tôn vinh xứng đáng. Ngược lại, địa phương nào làm không tốt, làm chiếu lệ, hình thức, thậm chí bao che thì xử lý kỷ luật thật nghiêm cấp ủy, nhất là bí thư cấp ủy. 

Hai là, quyết liệt, đồng bộ giữa xây và chống. Giữa xây dựng, hoàn thiện thể chế để bịt kín những kẽ hở, lỗ hổng với thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; giữa tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán để phát hiện tham nhũng, tiêu cực với điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; giữa kỷ luật đảng với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự; quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, cơ sở...

Ba là, cùng với xử lý nghiêm minh các sai phạm theo đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai”, phải kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp theo phương châm“có vào, có ra, có lên, có xuống”.             

Bốn là, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương tăng cường phối hợp, thực hiện nghiêm cơ chế chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; chỉ đạo xử lý dứt điểm những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo; kiên quyết khắc phục tệ “tham nhũng vặt”; xử lý nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật đảng với xử lý kỷ luật hành chính và xử lý hình sự đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo đúng nguyên tắc “Tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử”./.

PGS. TS. VŨ VĂN PHÚC
Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương 
Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản